TTCT - Trong bối cảnh thương chiến căng thẳng và quan hệ với Mỹ được dự báo còn nhiều bất trắc, Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đối ngoại ở khu vực. Từ trái qua: Ba bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị (Trung Quốc), Takeshi Iwaya (Nhật Bản) và Cho Tae Yul (Hàn Quốc) gặp nhau ở Tokyo ngày 22-3. Ảnh: ReutersCách đây đúng 12 năm, học giả nổi tiếng chuyên về Trung Quốc, cũng là giáo sư tại Đại học George Washington, David Shambaugh, ra mắt cuốn sách China Goes Global: A Partial Power (Trung Quốc bước ra thế giới: Cường quốc bán phần).Bất chấp một số e ngại của phương Tây lúc đó về sự trỗi dậy của Trung Quốc, Shambaugh cho rằng Trung Quốc "yếu một cách đáng ngạc nhiên" về sức ảnh hưởng trên toàn cầu. Hay nói cách khác, Trung Quốc đang trên đường trở thành một siêu cường, nhưng lại không có đồng minh thân thiết. Ý của giáo sư Shambaugh ngầm so sánh Trung Quốc với Mỹ, một siêu cường có mạng lưới đồng minh và đối tác chằng chịt khắp thế giới.Định hướng mớiNhưng tình thế có vẻ đang thay đổi. Nỗ lực của chính quyền Mỹ thời Tổng thống Donald Trump nhằm định hình lại hệ thống thương mại toàn cầu trong ba tháng qua đang tạo ra một điểm uốn lịch sử. Khi ồn ào đã lắng xuống sau một loạt đợt thuế quan do ông Trump áp đặt, thay đổi đang diễn ra khắp châu Á. Trong khi Washington đang vật lộn với hậu quả kinh tế và các liên minh căng thẳng từ chính sách thuế quan thay đổi chóng mặt, Bắc Kinh đã siêng năng thực hiện ngoại giao chủ động với các quốc gia ASEAN, tận dụng sự bất ổn trong khu vực để làm sâu sắc thêm mối quan hệ và mở rộng phạm vi ảnh hưởng.Varg Folkman, nhà phân tích của Trung tâm Chính sách châu Âu, cho đài DW của Đức biết: "Sau khi ông Trump trở lại, Trung Quốc đã có động thái quyến rũ để thuyết phục các thế lực toàn cầu rằng họ nên coi Trung Quốc là đối tác đáng tin cậy". Giới lãnh đạo Trung Quốc "vui mừng khi thấy ông Trump phá hủy, làm suy yếu, làm mất uy tín, trật tự quốc tế có chủ đích", giáo sư Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi (SOAS) của Đại học London, nói với đài NBC.Đây không đơn giản chỉ là chiến thuật ngắn hạn của Bắc Kinh, mà là chính sách có "đầy đủ lớp lang". Chỉ vài ngày trước khi ông Tập thực hiện chuyến công du đầu tiên trong năm 2025, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã triệu tập một hội nghị trung ương hiếm hoi về "công tác liên quan đến các nước láng giềng". Sau đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có một bài viết trên Nhân Dân nhật báo về chuyến thăm Đông Nam Á của Chủ tịch Tập Cận Bình từ ngày 14 đến 18-4 với một thông điệp cốt lõi: "Vào thời điểm khủng hoảng này, thế giới khao khát sự ổn định và định hướng, với các nước láng giềng mong đợi Trung Quốc thể hiện vai trò lãnh đạo và mang lại sự chắc chắn". Bài bình luận cũng cho rằng quan hệ ngoại giao láng giềng với 17 quốc gia ở Đông Nam Á và Trung Á sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc.Do đó chuyến thăm Việt Nam, Malaysia và Campuchia vào giữa tháng 4 vừa qua của ông Tập, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sau hơn một năm, chỉ là khởi đầu cho phản ứng rộng hơn với chính sách của Mỹ. Mong muốn thúc đẩy quan hệ với ASEAN của Trung Quốc lên một tầm cao mới "cộng đồng chia sẻ tương lai" trong bối cảnh hiện nay xuất phát từ nhu cầu kinh tế nhằm giảm thiểu tác động của thuế quan Mỹ, và nỗ lực ngoại giao nhằm xây dựng lòng tin và thúc đẩy trật tự khu vực có lợi cho Bắc Kinh.Thông điệp mà ông Tập gửi đi trong chuyến công du rất rõ ràng: Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy quan hệ gần gũi và đáng tin cậy hơn đối với các quốc gia trong khu vực. Bây giờ vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định về một trật tự xoay trục mới, nhưng rõ ràng là hoạt động ngoại giao của Trung Quốc sắp tới sẽ nhộn nhịp hơn nhiều.Ảnh: ReutersTrung Quốc vốn đã là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN từ năm 2009, và kim ngạch buôn bán song phương đã tăng gấp đôi trong 10 năm 2010 - 2019, và tăng gấp bốn lần từ khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc được ký kết năm 2005. Những năm gần đây, ASEAN cũng đã vượt qua Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Năm 2024, thương mại Trung Quốc - ASEAN đạt giá trị 998 tỉ đô la, gấp đôi kim ngạch Mỹ - ASEAN (476,8 tỉ đô la, và Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN).Khi sắt còn nóng"Ông Tập đang gõ khi sắt còn nóng", Wen-ti Sung, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương, ví von trên tờ Financial Review. "Trung Quốc đang nắm bắt cơ hội để tạo ra những vết nứt trên bức tường của trật tự thương mại toàn cầu do Mỹ lãnh đạo, bắt đầu từ khu vực gần gũi với họ".Hai quốc gia đồng minh thân thiết của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có động thái xích lại gần hơn với Trung Quốc về kinh tế. Cũng trên Financial Review, Shiro Armstrong, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Úc - Nhật Bản tại Đại học Quốc gia Úc, nhận xét: "Các thảo luận về hiệp định thương mại tự do ba bên [Nhật - Trung - Hàn] vẫn đang diễn ra rất sôi động". Các con tính đang thay đổi, theo Kazuto Suzuki, giáo sư chính sách công và an ninh kinh tế tại Đại học Tokyo: "Chính sách thuế quan của ông Trump chắc chắn đã thúc đẩy các cuộc thảo luận về một hiệp định thương mại tự do ba bên".Kim ngạch thương mại giữa ba nền kinh tế hàng đầu châu Á đã vượt 720 tỉ đô la vào năm 2023, biến ba nước này thành một trong những khối thương mại tích hợp nhất và lớn nhất thế giới mà không cần hiệp định thương mại tự do (FTA) chính thức. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, chiếm gần 20% tổng thương mại của nước này vào năm 2024, trên cả Mỹ. Tương tự, Trung Quốc cũng là bạn hàng lớn nhất của Hàn Quốc, và thị trường Trung Quốc và Hong Kong gộp lại vào năm 2023 chiếm 23,7% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.Bắc Kinh cũng đang cảnh giác với nỗ lực của Washington nhằm cô lập họ. "Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ bên nào tìm cách đạt thỏa thuận gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc", Bộ Thương mại Trung Quốc nói trong tuyên bố hôm 21-4. "Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận và kiên quyết thực hiện các biện pháp đối phó theo cách có đi có lại". Lời cảnh báo được đưa ra ngay sau chuyến thăm của ông Tập tới Đông Nam Á.Không có lửa thì làm sao có khói. Vào giữa tháng 4, tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn các nguồn giấu tên nói chính quyền Trump đã lên kế hoạch sử dụng các cuộc đàm phán thuế quan đang diễn ra để gây sức ép buộc các đối tác thương mại của Mỹ hạn chế giao dịch với Trung Quốc. Ý tưởng của Washington có vẻ là chấp nhận tham gia cùng họ cô lập nền kinh tế Trung Quốc để đổi lấy việc giảm rào cản thương mại và thuế quan cho hàng hóa vào Mỹ, bao gồm yêu cầu các nước không cho phép Trung Quốc vận chuyển hàng hóa qua nước họ, ngăn cản công ty Trung Quốc thành lập tại lãnh thổ họ để tránh thuế quan của Mỹ, và không mua hàng công nghiệp giá rẻ của Trung Quốc, theo WSJ.Dù gì thì Trung Quốc đang buộc Mỹ phải xem lại chính sách thuế quan với các quốc gia khác, nếu Washington không muốn mất các đồng minh và đối tác mà họ đã xây dựng trong nhiều thập kỷ. Còn Bắc Kinh cũng hiểu rằng xây dựng niềm tin nơi đối tác không phải là chuyện một sớm một chiều.■ Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 120 quốc gia trên toàn cầu, gồm hầu hết các nền kinh tế châu Á. Cũng dễ hiểu khi không nước nào muốn bị mắc kẹt trong cuộc tranh chấp Mỹ - Trung. "Thực tế là không ai muốn chọn phe cả", Bo Zhengyuan, đối tác tại công ty tư vấn chính sách Plenum có trụ sở ở Trung Quốc, nói với Reuters. "Nếu các quốc gia phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về đầu tư, cơ sở hạ tầng công nghiệp, bí quyết công nghệ và tiêu dùng, tôi không nghĩ họ sẽ chấp nhận yêu cầu của Mỹ. Nhiều quốc gia Đông Nam Á thuộc nhóm này".Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng và nỗ lực xây dựng mạng lưới đối tác, liên minh của họ không phải là không có thách thức. Nhiều nước đang tỏ ra cảnh giác với việc bị tràn ngập hàng giá rẻ từ Trung Quốc không xuất được vào Mỹ do thuế quan. Ngoài ra, họ cũng e ngại nguy cơ khiêu khích ông Trump. Ryo Hinata-Yamaguchi, phó giáo sư tại Viện Chiến lược quốc tế của Đại học Quốc tế Tokyo, nói với This Week in Asia: "Trung Quốc là mục tiêu lớn nhất của Trump, và nếu Nhật Bản cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào rằng họ đang cân nhắc hợp tác với Trung Quốc để chống lại ông ấy, thì phản ứng từ Washington sẽ nhanh chóng và mạnh mẽ".Còn Elizabeth Economy, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, bình luận trên báo Time: "Với nhiều quốc gia, ngay cả khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn hơn, Mỹ thường là thị trường xuất khẩu lớn hơn nhiều. Vì vậy, họ cũng có lợi ích đáng kể với nền kinh tế Mỹ". Kerry Brown, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc và giám đốc Viện Lau China tại King's College London, thì giải thích sự dè dặt với Bắc Kinh dưới góc độ chính trị: "Nhiều người không chia sẻ các giá trị của Trung Quốc". Bạn đang đọc trong chuyên đề "Thương chiến Mỹ - Trung Tiếp theo Tags: Thuế quanĐối tác thương mại Trung QuốcCuộc tranh chấp Mỹ - TrungKinh tế
Nhiếp ảnh gia chiến trường Thomas Billhardt: Cô ấy chỉ mơ một cốc nước chanh đá… CODET HANOI 30/04/2025 2202 từ
Chủ tịch Quốc hội nói về 'kỳ họp lịch sử, quyết định các vấn đề lịch sử' THÀNH CHUNG 04/05/2025 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh kỳ họp thứ 9 là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, quyết định những vấn đề mang tính lịch sử cho sự phát triển của đất nước.
Xuất hiện đại gia đứng sau VNPAY, nắm tới 99,99% vốn ông lớn này BÌNH KHÁNH 04/05/2025 Cơ cấu cổ đông của VNPAY được cập nhật gần đây với sự thay đổi đáng kể. Theo đó, "ông lớn" trung gian thanh toán này do Công ty cổ phần Tập đoàn Cuộc sống Việt nắm tới 99,99% vốn điều lệ.
Sau câu nói của bà Hoàng Thị Thúy Lan, ông Hậu 'Pháo' được giảm 200 tỉ tiền đất THÂN HOÀNG 04/05/2025 Sau ý kiến của bí thư Hoàng Thị Thúy Lan, ông Hậu "Pháo" đã chi tiền tỉ lo lót nhiều lãnh đạo ở Vĩnh Phúc để được giảm giá đất dự án chợ đầu mối từ 700 tỉ xuống còn 500 tỉ, gây thiệt hại ngân sách nhà nước 200 tỉ.
Ông Putin: Luôn nghĩ về người kế nhiệm, cảm ơn các biện pháp trừng phạt từ phương Tây NGỌC ĐỨC 04/05/2025 Truyền hình quốc gia Nga công chiếu phim tài liệu kỷ niệm 25 năm ông Vladimir Putin bước lên vũ đài chính trị trong tư cách người lãnh đạo nước này.