TTCT - Trung Quốc đang thúc đẩy một chương trình "dĩ cựu hoán tân", tức thay cũ đổi mới, lớn lao trên toàn quốc. Một gian hàng chuyên lò nướng và lò vi sóng ở hội chợ quốc tế Quảng Châu năm 2023. Trung Quốc đang dư thừa năng suất cực lớn với các sản phẩm tiêu dùng phổ thông. Ảnh: Reuters Nhưng đây không phải là cuộc đổi mới hay cải cách thứ hai về quản lý kinh tế như các khẩu hiệu chính trị, mà là hoàn toàn theo đúng nghĩa đen: đổi đồ cũ lấy đồ mới.Cô Thiệu người Chiết Giang nói với báo The Paper có trụ sở ở Thượng Hải rằng cô có nhu cầu đổi máy tính xách tay từ nửa cuối năm 2023, nhưng chưa dám mua vì thấy giá cao. Đến cuối tháng 9-2024, cô thấy xung quanh nhiều bạn bè đã thay thế thiết bị điện tử như máy tính qua chương trình "trợ cấp quốc gia". Cô đã tham khảo, rồi kết hợp trợ cấp của tỉnh Chiết Giang và các loại giảm giá khác để mua được chiếc máy tính giảm giá hơn 3.000 nhân dân tệ (khoảng 10 triệu đồng). Cô Thiệu là ví dụ tiêu biểu của nhóm người tiêu dùng đang tận dụng một chính sách kích cầu đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc."Có trợ cấp chính phủ"Bắt đầu từ khoảng giữa năm ngoái đến nay, các dòng chữ quảng cáo "Được hưởng trợ cấp quốc gia", "Có trợ cấp chính phủ" xuất hiện nhan nhản ở các trung tâm thương mại điện máy khắp Trung Quốc. Chuyện các công ty sản xuất hay nhà bán lẻ giảm giá sản phẩm để thúc đẩy tiêu thụ và doanh số thì không có gì lạ. Nhưng khi chính phủ vào cuộc để trợ cấp cho các khoản mua sắm này thì sẽ có chuyện đáng bàn.Năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã phụ một tay với các nhà sản xuất để trợ cấp cho người tiêu dùng mua các mặt hàng trong danh sách khuyến khích. Trong tiếng Trung, chính sách này được gọi là "quốc bổ" (quốc gia bổ thiếp) có nghĩa là chính phủ dùng tiền ngân khố để trợ cấp cho chương trình "dĩ cựu hoán tân". Đây có thể được coi là chính sách "một mũi tên bắn trúng bốn con chim": người tiêu dùng hoan hỉ, nhà sản xuất bán được hàng, nhà bán lẻ thúc đẩy được doanh số, và điều quan trọng hơn là khôi phục niềm tin của người tiêu dùng trong nước để từ đó tăng trưởng kinh tế. Tất nhiên, nhà nước, cả trung ương và địa phương, đều phải chịu chi, để chương trình hấp dẫn và có hiệu quả.Chính sách kích thích tiêu dùng "đổi cũ lấy mới" là sáng kiến của chính quyền nhằm đối phó với tình trạng lĩnh vực tiêu dùng đang gặp khó khăn do khủng hoảng bất động sản kéo dài mấy năm qua làm xói mòn tài sản của người dân và ảnh hưởng đến chi tiêu hộ gia đình. Tháng 3-2024, Bắc Kinh đưa ra kế hoạch kích thích tiêu dùng nhằm thúc đẩy người dân đổi mới thiết bị ở quy mô lớn. Ông Trịnh San Khiết, chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC), cho biết chương trình "dĩ cựu hoán tân" có mục đích làm giảm gánh nặng cho người tiêu dùng, làm phong phú thêm nguồn cung, giảm bớt các hạn chế và cải thiện môi trường tiêu dùng.Kết quả đáng khích lệ khi dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy chương trình đã thúc đẩy doanh số ô tô thêm 920 tỉ tệ và doanh số thiết bị gia dụng thêm 240 tỉ tệ vào năm 2024. Thừa thắng xông lên, tại Hội nghị công tác kinh tế trung ương tổ chức cuối năm 2024, "thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng, nâng cao hiệu quả đầu tư và mở rộng toàn diện nhu cầu trong nước" được liệt kê là biện pháp đầu tiên trong các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.Nhân viên bán hàng giới thiệu sản phẩm đổi cũ lấy mới có tài trợ của chính phủ cho một khách hàng ở Trùng Khánh. Ảnh: Global TimesTheo Reuters, NDRC và Bộ Tài chính Trung Quốc hôm 8-1 đã công bố mở rộng chương trình tống cựu nghinh tân với thêm bốn loại thiết bị gia dụng: lò vi sóng, máy rửa chén, nồi cơm điện và máy lọc nước, nâng số lượng thiết bị gia dụng đủ điều kiện nhận trợ cấp chính phủ từ 8 loại năm 2024 lên 12 loại năm 2025.Chính quyền địa phương được khuyến khích cung cấp thêm các mặt hàng nằm trong danh mục được trợ cấp, tùy thuộc vào ngân sách địa phương. Do đó, ngoài 8 hạng mục thiết bị gia dụng chính được trung ương trợ cấp, 20 chính quyền cấp địa phương, gồm Thượng Hải, các tỉnh Quảng Đông và Hồ Bắc, còn mở rộng danh mục bao gồm nhiều sản phẩm hơn, như máy sấy, máy hút bụi robot, máy rửa chén, nhà vệ sinh thông minh, điện thoại thông minh, máy tính bảng và thiết bị đeo thông minh.Máy tính bảng hoặc đồng hồ thông minh mới có giá dưới 6.000 tệ sẽ được trợ cấp lên tới 15%. Mỗi người tiêu dùng có thể nhận trợ cấp cho một mặt hàng trong mỗi danh mục, và không quá 500 tệ cho mỗi mặt hàng. Các con số đó được giải thích là chính quyền không có ý định trợ cấp cho người giàu tiêu xài sang hơn.Tuy nhiên, chương trình sẽ chưa dừng lại ở đó. Tờ China Daily trích lời ông Triệu Thìn Hân, phó chủ nhiệm NDRC, phát biểu trong cuộc họp báo 8-1 rằng Trung Quốc sẽ mở rộng phạm vi trợ cấp sang các lĩnh vực bao gồm điện tử viễn thông và nông nghiệp tập trung vào thiết bị xanh, thông minh và cao cấp. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu thực tế, số lượng máy điều hòa không khí đủ điều kiện trợ giá cho mỗi người tiêu dùng sẽ tăng từ một lên ba.Cho tiền cũng phải từ từKhi chương trình lần đầu được thông báo vào tháng 3-2024, người dân lẫn chính quyền địa phương còn khá thờ ơ. Lý do chính là việc thực hiện trợ cấp mua hàng đã được bàn giao cho chính quyền địa phương, nhưng nhiều chính quyền địa phương lại đang phải gánh khoản nợ lớn và không lòng dạ đâu chi tiền cho những khoản mua sắm này.Tới tháng 7-2024, Chính phủ Trung Quốc công bố phân bổ 300 tỉ tệ (41,5 tỉ USD) từ nguồn quỹ trái phiếu chính phủ đặc biệt siêu dài hạn để mở rộng chính sách "dĩ cựu hoán tân". Tháng 8-2024, chính phủ lại quyết định tăng tiêu chuẩn trợ cấp cho việc mua ô tô và tăng tỉ lệ hỗ trợ từ các quỹ trung ương. Những ưu đãi thuận lợi nhất cho việc mua xe sử dụng năng lượng mới (xe điện) là ở các thành phố Quảng Châu và Thâm Quyến ở Quảng Đông, nơi trợ cấp có thể lên tới 16.000 tệ (55 triệu đồng).Trợ cấp thực tế có hiệu quả kích thích nhiệt tình mua hàng của người tiêu dùng. Đầu tháng 8-2024, toàn bộ 150 tỉ tệ quỹ trái phiếu chính phủ đặc biệt siêu dài hạn cho chương trình này đã được giải ngân cho chính quyền địa phương. Đồng thời, Bộ Thương mại và ba cơ quan trung ương khác đã cùng ban hành "Thông báo về việc cải thiện hơn nữa việc buôn bán thiết bị gia dụng mới". Kể từ đó, trên cơ sở danh mục 8 thiết bị gia dụng có tiêu chuẩn trợ giá rõ ràng, nhiều nơi tiếp tục mở rộng danh mục theo thói quen tiêu dùng và điều kiện thị trường cụ thể, với định hướng chung là xanh và thông minh.Xe hơi năng lượng mới được trang bị bằng thiết bị Huawei ở Triển lãm Xe hơi quốc tế Bắc Kinh 2024, tháng 4-2024. Ảnh: Tân Hoa xãXanh hơn, thông minh hơn: chính phủ phải chịu chi hơnDữ liệu của Bộ Tài chính nước này cho thấy xe hơi sử dụng năng lượng mới chiếm hơn 60% số ô tô mua mới của chương trình "cũ đổi mới" vào năm 2024, trong khi doanh số sản phẩm được chứng nhận hiệu quả năng lượng cao nhất đóng góp tới hơn 90% doanh thu bán hàng của mảng thiết bị gia dụng. Trong quá trình "đổi mới" trang trí nhà cửa, nhà bếp và phòng tắm, gần 10 triệu sản phẩm gia dụng thông minh như bồn cầu thông minh, robot quét nhà, khóa cửa thông minh đã được thay thế.Tập đoàn Midea chuyên về thiết bị gia dụng điện tử nói với tờ The Paper rằng qua hoạt động trao đổi và các cửa hàng hậu mãi khắp nơi, họ đã có thể tái chế và tháo dỡ 4,5 triệu thiết bị gia dụng không còn sử dụng, trị giá hơn 750 triệu tệ. Còn Tập đoàn Hisense cho biết: "Sau khoản trợ cấp quốc gia năm 2024, thị phần bán hàng của ngành với các sản phẩm có đơn giá từ 10.000 tệ trở lên, và tivi 98 inch trở lên, đã tăng trưởng gấp đôi".Ông Triệu Thìn Hân nói chương trình này đã tạo ra "hiệu quả rõ ràng" vì thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ chuyển đổi xanh và cải thiện sinh kế của người dân. Ông cũng cho biết tổng số tiền huy động được thông qua trái phiếu kho bạc siêu dài hạn cho chương trình sẽ còn tăng đáng kể trong năm nay so với năm 2024. Theo nhà chức trách, chính phủ Bắc Kinh đã phân bổ 81 tỉ tệ (11,05 tỉ USD) cho chương trình trong năm nay để người tiêu dùng tiếp tục "đổi cũ lấy mới". Đợt tài trợ đầu tiên đã được phân bổ cho các địa phương ngay từ đầu năm dương lịch để đảm bảo trợ cấp sẽ có sẵn cho người tiêu dùng chi tiêu dịp đầu năm mới và Tết Nguyên đán.■ Rất nhanh chóng, số lượng thiết bị gia dụng và phương tiện được tiêu thụ lần lượt vượt qua mốc 3 tỉ và 300 triệu đơn vị. Theo ông Lý Cương, cục trưởng Cục Điều hành thị trường và xúc tiến tiêu dùng của Bộ Thương mại Trung Quốc, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 8-1, hơn 2,9 triệu xe hơi cũ đã được loại bỏ và hơn 3,7 triệu phương tiện được thay thế và nâng cấp vào năm 2024. Cũng theo ông Lý, trong năm 2024, hơn 36 triệu người tiêu dùng đã mua hơn 56 triệu thiết bị thuộc danh mục trợ cấp, tạo ra doanh thu 240 tỉ tệ. Hoạt động cải tạo nhà cửa, nhà bếp và phòng tắm thúc đẩy doanh số bán ra của gần 60 triệu sản phẩm thông minh liên quan, với doanh thu khoảng 120 tỉ tệ. Ông Lý nói sản phẩm công nghệ cao và tiết kiệm năng lượng phổ biến hơn ở Trung Quốc còn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi của các ngành công nghiệp liên quan. Tags: Thiết bị gia dụngNgười tiêu dùngTrung QUốcChuyển đổiThương mại
Tổng Bí thư Tô Lâm: Nghiên cứu áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bảo vệ biên giới, cửa khẩu THÀNH CHUNG 22/01/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Bộ đội biên phòng tập trung nghiên cứu, đề xuất các vấn đề công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu.
Vụ nam shipper Đà Nẵng nghi bị đánh chết: Cuộc gọi, tin nhắn giữa shipper với khách tiết lộ điều gì? THÁI BÁ DŨNG 22/01/2025 Bức xúc vì khách chậm thanh toán, nam shipper Đà Nẵng và nữ khách hàng đã cự cãi. Bên mua hàng lên app đánh 'sao xấu' khiến shipper đối diện mức phạt 500.000 đồng.
Vĩnh Phúc lý giải việc nợ tiền VĐV canoeing số 1 Việt Nam HOÀNG TÙNG 22/01/2025 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc vừa thông tin chính thức về đơn xin nghỉ tập tại địa phương của VĐV canoeing Nguyễn Thị Hương do chưa nhận được tiền dinh dưỡng, tiền thưởng huy chương.
Ba địa phương đề nghị bộ chủ trì mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận TUẤN PHÙNG 22/01/2025 UBND tỉnh Long An, Tiền Giang và TP.HCM đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận thay vì phân cấp cho địa phương.