TTCT - Ông Đặng Văn Khoa - ủy viên MTTQ VN TP.HCM, nguyên đại biểu HĐND TP.HCM - chia sẻ với TTCT những suy nghĩ đầy tâm huyết về hoạt động bầu cử Quốc hội và HĐND sắp tới, dưới góc độ một công dân Việt Nam và của một người từng có trên 10 năm làm đại biểu dân cử. Đại biểu Đặng Văn Khoa phát biểu góp ý các giải pháp về vấn đề giao thông đô thị và cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố trong một cuộc họp ở UBND TP.HCM năm 2009-Hoàng Thạch VânÔng Đặng Văn Khoa nói: Tôi cho rằng cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND sắp diễn ra là một sự thực hành dân chủ cụ thể - chúng ta đã bước thêm một bước mới về mặt dân chủ - chuyển dần không còn là một nền dân chủ thụ động mà tiến đến nền dân chủ chủ động của một xã hội văn minh. Bất cứ xã hội văn minh nào cũng đều có những bước đi như thế.Tôi có niềm tin những đại biểu dân cử nếu hoạt động hết chức trách sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo nên những đổi thay của đất nước này theo chiều hướng tốt đẹp hơn.Nhiều người coi là việc phụCác ứng cử viên đại biểu dân cử sẽ là người quyết định chất lượng của Quốc hội, HĐND các cấp trong 5 năm sắp tới. Tôi muốn nhấn mạnh điều tiên quyết để có thể trở thành một đại biểu dân cử tâm huyết là phải tự nguyện làm công việc này. Chúng ta đang có ứng cử viên được tổ chức, cơ quan giới thiệu và ứng cử viên tự ứng cử.Riêng tôi cho rằng 100% ứng cử viên đều phải có tinh thần “tự ứng cử” dù được giới thiệu hay không. Từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ cho đến bí thư thành ủy, chủ tịch UBND cấp tỉnh, giám đốc công ty hay thậm chí anh chạy xe ôm, chị bán tạp hóa... nếu muốn làm đại biểu Quốc hội đều phải có tinh thần tự ứng cử. Tôi cho rằng tiêu chuẩn đầu tiên của người đại biểu dân cử là phải tự nguyện ứng cử từ khối óc, từ trái tim.Tôi từng nghe nhiều người tâm sự rằng họ có muốn làm đâu, công việc chuyên môn đã quá bận rồi, vì tổ chức yêu cầu, phân công nên mới phải nhận. Mà con số này khá đông chứ không phải ít. Năm năm của một nhiệm kỳ Quốc hội công việc rất quan trọng, rất nặng nề.Thế nhưng đáng buồn là nhiều đại biểu lại xem đó là một việc rất phụ. Thực tế đó tồn tại ở nghị trường của chúng ta mấy chục năm qua, kể cả những năm gần đây. Một khóa của Quốc hội có thể là 5 năm mất ăn, mất ngủ, trăn trở nhiều chuyện của dân, của nước; nhưng cũng có thể là 5 năm rất nhẹ nhàng, bàng bạc, không dấu ấn, không tâm tư khi người đại biểu chỉ đến nghị trường với cái đầu rỗng và trái tim nguội lạnh. Tất cả tùy thuộc vào sự tự nguyện dấn thân của từng người.Cần có nghĩa khíNghĩa khí ở đây là sự dũng cảm, thẳng thắn, dám nói lên những điều cần phải nói, vượt lên trên những áp lực về lợi ích, những mối quan hệ trên dưới, ngang dọc vô cùng phức tạp, sự đe dọa bên ngoài hay áp lực từ chính trong nội bộ của mình.Nếu cứ tính toán, e ngại rồi co thủ, run sợ, chỉ muốn mọi việc tròn trịa thì không nên làm đại biểu dân cử. Người dân đòi hỏi người đại diện cho mình phải có nghĩa khí. Nghĩa khí không chỉ thể hiện trong các kỳ họp mà xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ, đòi hỏi có dũng khí để thể hiện chính kiến với từng vụ việc, từng vấn đề.Để có được nghĩa khí, đại biểu phải xác định rõ tâm thế của người đại diện cho toàn dân, đại diện cho những người chủ của đất nước. Sức mạnh và thế lực của anh là sức mạnh của toàn dân. Phải luôn tâm niệm rằng:Tôi là đại biểu dân cử, tôi đến nghị trường này với sự hào sảng lớn nhất có thể, đằng sau tôi là một thế lực rất lớn hậu thuẫn. Tôi đại diện cho tiếng nói của nhân dân, chứ tôi không phải là thuộc cấp của ông bà nào đó. Tôi có những chính kiến của riêng mình xuất phát từ những đòi hỏi của người dân và tôi không phải tuân theo sự chỉ đạo của cấp trên nào cả.Thái độ câm lặng trước những đòi hỏi của cuộc sống rất xa lạ với chuẩn mực của một đại biểu dân cử.Trong hơn 10 năm làm đại biểu HĐND, bản thân tôi cũng từng đối mặt với nhiều áp lực. Áp lực dễ thấy nhất là áp lực của gia đình khi bản thân mình phải dành nhiều thời gian cho công việc. Sáng sớm mở cửa đã có người dân đứng chờ. Chiều tối đi về nhà cũng có người dân đến tìm. Công việc "vác tù và hàng tổng".Áp lực còn đến từ những thế lực bên ngoài. Thời mới làm đại biểu HĐND, tôi bức xúc và đi chất vấn khắp nơi về tình trạng nhiều nhà hàng, vũ trường hoạt động thác loạn công khai. Sau đó thì nhận được những lời đe dọa qua điện thoại, qua thư từ. Họ chỉ “nhẹ nhàng”: “Anh Khoa, việc đó không liên quan gì đến anh...”.Một lần khác, tôi phát hiện tiêu cực, gian dối trong thi công một công trình cống hộp. Tôi trực tiếp thông tin và gửi chất vấn đến giám đốc Sở Giao thông vận tải. Rồi có người ở đơn vị thi công gọi cho tôi nói rằng: “Anh Khoa ơi, bọn em biết cả rồi. Nhưng mong anh đừng dồn bọn em đến đường cùng...”. Họ chỉ nói một câu nhẹ nhàng vậy thôi mà thật sự rất nặng nề.Nhưng biết làm sao được, nhiệm vụ của tôi là vẫn phải phản ảnh, vẫn phải đem sự thật đến nghị trường để chất vấn cơ quan có trách nhiệm.Ngoài ra còn có áp lực từ trong chính nội bộ của mình. Không ít lần, tôi được góp ý: “Anh Khoa nói vậy cũng đúng, nhưng mà nên nói ít đi một chút”. Dĩ nhiên, để đảm đương được nhiệm vụ đại biểu dân cử trong hai khóa, tôi nhận được nhiều sự chia sẻ ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo TP, lãnh đạo trung ương nhưng nếu bản thân mình không có dũng khí sẽ không thể vượt qua những áp lực đó.Biết thắp lửa và truyền lửaLần chất vấn về vấn đề ô nhiễm ở Khu công nghiệp Lê Minh Xuân tại kỳ họp HĐND TP, tôi nhận được câu trả lời từ giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường rằng đã khắc phục xong. Bước ra khỏi trụ sở HĐND TP khi đã 6g chiều, tôi chạy xe máy thẳng xuống Khu công nghiệp Lê Minh Xuân để kiểm tra lại thì thấy cỏ cây vẫn chết khô. Tôi hái luôn một ôm cỏ cháy đem về, hôm sau mang tặng giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường ngay tại hội trường.Lần phát hiện sai phạm trong thi công cống hộp khi ngày hôm sau kỳ họp HĐND đã khai mạc, ngay tối hôm đó tôi làm ngay một mô hình cống hộp thể hiện trực quan những sai phạm trong thi công để mang đến hội trường. Tôi làm như thế không phải muốn chơi nổi mà chỉ muốn chứng minh tính xác thực một cách dễ hiểu, dễ thấy. Tôi còn mong có thể gây chú ý để tạo được sự chia sẻ, đồng cảm của các đại biểu khác.Cả Quốc hội và HĐND đều hoạt động theo cơ chế tuân theo biểu quyết của số đông. Nếu chỉ một mình mình rung cảm, một mình mình kiến nghị sẽ không có giá trị. Làm đại biểu dân cử phải biết thắp lửa và cả truyền lửa - phải làm sao truyền được ngọn lửa về những gì mình trăn trở đến các đại biểu khác, đến cấp lãnh đạo. Không phải ai sinh ra cũng có khả năng làm đại biểu dân cử.Đó là một nghề nghiệp đặc biệt mà muốn làm tốt phải có trái tim nhạy cảm với những vấn đề xã hội. Người đại biểu như sợi dây đàn căng ra giữa cuộc sống, thu thập, ghi nhận tất cả thông tin.Tuy nhiên, họ cũng cần có tính “hoài nghi khoa học”, hay nói cách khác là đầu óc phản biện. Bất cứ vấn đề gì cũng cần xoay lên đặt xuống, đặt ra nhiều câu hỏi nhằm tìm ra hướng giải quyết tốt nhất. Nghe dân hay nghe quan chức đều phải biết phản biện để tự tìm ra câu trả lời chính xác nhất, từ đó làm cơ sở cho những quyết định của mình. ■Áp lực lớn nhất với một đại biểu dân cử là áp lực của nhân dân, áp lực từ cuộc sống. Áp lực về trách nhiệm của bản thân trước những vấn đề chưa tốt, chưa đẹp còn tồn tại trong cuộc sống.Hơn 10 năm làm đại biểu dân cử, dù nỗ lực hết sức, tôi vẫn thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm. Nhất là khi có những chuyện tưởng chừng như không thể xảy ra, không thể tồn tại trong xã hội văn minh, hiện đại ngày hôm nay mà nó vẫn tồn tại, và khi mình đã cố sức xông vào mà vẫn không gỡ được.Sau lần tham gia chương trình “Người đương thời” của Đài truyền hình Việt Nam, tôi được hỏi mình cảm thấy thế nào khi là đại biểu dân cử đầu tiên là khách mời của chương trình. Tôi nói rằng mình cũng thấy vui và vinh dự, nhưng đồng thời cảm thấy buồn.Buồn vì những việc tôi làm là nhiệm vụ hiển nhiên mà tôi phải làm với vai trò đại biểu, cũng như anh thợ sửa xe thì biết sửa xe, giáo viên thì dạy học. Vì cớ gì tôi lại trở nên đặc biệt? Tại sao những điều lý ra rất bình thường lại trở thành bất thường? Tôi mong rằng trong những khóa tới, tất cả những đại biểu dân cử sẽ xông vào cuộc sống, thắp lửa ở nghị trường và thổi bùng cả ngọn lửa dân chủ cho đất nước. Tags: Phản biệnĐại biểu nhân dânĐặng Văn KhoaĐại biểu dân cử
Đường nối Trần Quốc Hoàn cùng hai công trình lớn ở TP.HCM đã thông xe đón Tết CHÂU TUẤN 27/01/2025 Đường nối Trần Quốc Hoàn, đường Dương Quảng Hàm, cầu Bà Hom đã lần lượt được thông xe, giúp người dân có thêm sự lựa chọn đi lại dịp Tết.
Ô tô tông liên hoàn trước cổng chợ hoa Tết, xe máy bị cuốn vào gầm, 4 người nhập viện HỒNG QUANG 27/01/2025 Chiếc ô tô hiệu Toyota tông liên hoàn vào 2 xe máy rồi lao tiếp vào chiếc ô tô màu đỏ đi cùng chiều phía trước trước cổng chợ hoa Quảng An.
Bộ Nội vụ đề xuất chi tiết cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ gồm 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ THÀNH CHUNG 27/01/2025 Bộ Nội vụ đã có tờ trình gửi Chính phủ đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ.
Trọng tài bị dọa giết sau khi rút thẻ đỏ cầu thủ Arsenal ĐỨC KHUÊ 27/01/2025 Trọng tài Michael Oliver trở thành mục tiêu tấn công trên mạng sau quyết định gây tranh cãi trong trận đấu giữa Arsenal và Wolverhampton cuối tuần rồi.