TTCT - Năm 2024 ngành y tế cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh và biến đổi khí hậu, đồng thời chứng kiến những thay đổi cả tốt lẫn xấu do trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại. Tiêm vắc xin bại liệt giữa chiến sự Israel - Hamas ở Gaza. Ảnh: ReutersChiến tranh và dịch bệnhTrong Ngày nhân đạo thế giới (18-9) năm nay với chủ đề #ActForHumanity (Hành động vì nhân loại), Tổ chức Nhân đạo Liên Hiệp Quốc đăng video ngắn kêu gọi hành động, với tấm ảnh bìa gây ấn tượng mạnh mẽ: một nhà lãnh đạo đứng trên bục phát biểu, phía trước mặt là khung cảnh đổ nát, hoang tàn, khói bụi mù mịt do bom đạn phá hủy. Thông điệp chính trong video là lời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động để bảo vệ những người làm công tác nhân đạo và dân thường, do Muzoon Almellehan - một cô gái tị nạn người Syria 19 tuổi và là đại sứ thiện chí trẻ nhất của UNICEF - diễn đọc.Năm 2024, chiến tranh, xung đột đã gây tổn hại nặng nề cho những người làm công tác nhân đạo, đặc biệt là nhân viên y tế và cơ sở điều trị. Tính đến tháng 9, WHO xác nhận gần 700 vụ tấn công nhằm vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nhân viên, chỉ tính riêng ở Ukraine và lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, dẫn đến hơn 500 trường hợp thương tích và gần 200 ca tử vong.Bạo lực có thể dẫn đến sự sụp đổ của các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Tính tới ngày 5-11, chỉ có 17 trong số 36 bệnh viện tại Gaza vẫn còn hoạt động, và cũng chỉ hoạt động một phần, theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA). Có 11 bệnh viện dã chiến (5 hoạt động đầy đủ và 6 hoạt động một phần) đang được triển khai, nhưng đây chỉ là biện pháp hỗ trợ tạm thời và không thể thay thế hệ thống y tế đã bị phá hủy. Hiện tại, chỉ 36% các trung tâm y tế tuyến đầu còn hoạt động, và 130 xe cứu thương đã bị hư hại.Ở thời điểm đó, có hơn 100.000 người bị thương tại Gaza, trong đó OCHA ước tính 14.000 người cần được sơ tán y tế để điều trị chuyên sâu mà Gaza không thể đáp ứng. Thêm vào đó, gần 60% các yêu cầu sơ tán y tế từ Gaza bị từ chối, theo WHO. Kể từ khi Israel đóng cửa cửa khẩu Rafah vào tháng 5, chỉ có 229 bệnh nhân được sơ tán, theo báo cáo của OCHA.Tất cả khiến hàng ngàn người không được chăm sóc y tế thiết yếu, gây gián đoạn các dịch vụ thường lệ như sinh nở, tiêm chủng, làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và lây lan do tình trạng di dân. Điển hình là bệnh bại liệt, vốn bị xóa sổ hơn 25 năm trước tại Gaza, giờ đã quay trở lại với biến thể mới được phát hiện hồi tháng 7 khi một cậu bé được xác định bị liệt cả hai chân.Thông thường, vắc xin bại liệt đường uống là một dạng yếu của vi rút bại liệt, an toàn, dễ sử dụng, chỉ cần nhỏ hai giọt vào miệng và hiếm khi được thải ra trong phân. Do đó, thể đột biến này xuất hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. "Về mặt khoa học, một trường hợp bại liệt được xác nhận, được coi là một đợt bùng phát" - tiến sĩ Majdi Duhair, nhà dịch tễ học ở Gaza, nói với NPR. Nguyên nhân là mất vệ sinh, khả năng tiếp cận y tế hạn chế và chương trình tiêm chủng bị gián đoạn - công thức "hoàn hảo" cho sự lây lan của bệnh.Những khu vực ngoài chiến sự, lại phải đối mặt với hậu quả của biến đổi khí hậu. Theo báo cáo mới nhất của Lancet Countdown ngày 30-10, trong 15 chỉ số theo dõi các mối nguy hiểm, phơi nhiễm và tác động liên quan đến sức khỏe do biến đổi khí hậu, có tới 10 chỉ số đạt mức đáng lo ngại kỷ lục trong những dữ liệu gần đây nhất. Ví dụ, biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện thuận lợi để truyền bệnh sốt xuất huyết do muỗi Aedes albopictus và Aedes aegypti tăng lần lượt 46,3% và 10,7% trong giai đoạn 1951-1960 và 2014-2023.Mặt khác, sự đột biến tự nhiên khiến nhiều vi rút nguy hiểm (sởi, bạch hầu, Covid-19, đậu mùa khỉ…) vẫn tiếp tục lưu hành và nguy cơ bùng phát trở lại. Kết hợp với sự thay đổi trong thói quen ăn uống, sinh hoạt khiến nhiều bệnh mãn tính gia tăng tỉ lệ mắc bệnh, khó khăn trong chẩn đoán sớm và điều trị dứt điểm.Những nỗ lực của ngành ySự bủa vây của thông tin tiêu cực trên khiến bức tranh y tế năm 2024 có phần ảm đạm. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, AI kết hợp mục tiêu "lấy người bệnh là trung tâm" - chăm sóc sức khỏe không chỉ tập trung vào bệnh tật của người bệnh mà còn quan tâm yếu tố cảm xúc, giá trị xã hội của họ, đã giúp y tế đạt được nhiều thành tựu và thắp lên niềm hy vọng trong bối cảnh khó khăn này.Ngay chính tại Gaza, nơi giữa bom đại lại có một cuộc chiến khác: ngăn bệnh bại liệt bùng phát. Mặc dù đã nghỉ hưu, khi nhận được yêu cầu đến Gaza, tiến sĩ Duhair lập tức nhận lời và quay trở lại công việc. Cùng với đồng nghiệp của WHO, UNICEF, ông đã phát triển loại vắc vin bại liệt uống mới, tìm cách vận chuyển và lên kế hoạch phù hợp dưới bầu trời đầy rẫy các cuộc không kích. "Chúng tôi đi từ nơi trú ẩn này đến nơi trú ẩn khác và từ lều này sang lều khác (…) Mục tiêu là tiếp cận mọi trẻ em bất kể chúng ở đâu" - Juliette Touma, thuộc Cơ quan Cứu trợ và công trình của Liên Hiệp Quốc, kể với NPR.Sự thành công của chiến dịch tiêm chủng đặc biệt ở Gaza đã tạo niềm hy vọng và sức sống mới cho người dân nơi đây. "Tôi không nghĩ rằng một chiến dịch bại liệt nào từng được thực hiện như thế này trên toàn cầu, bị hạn chế về thời gian và an ninh như chúng ta hiện đang trải qua ở Gaza" - Scott Anderson, phó điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, cho biết.Captcha, robot của Hidoba Research, tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về trí tuệ nhân tạo ở Thụy Sĩ tháng 5-2024. Ảnh: Denis Balibouse/ReutersỞ những nơi không có chiến sự, chăm sóc sức khỏe tinh thần bệnh nhân ngày càng được chú trọng. Ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe tinh thần là một trong những bước tiến nổi bật năm 2024, bao gồm các nhà trị liệu ảo, liệu pháp tâm lý và ứng dụng theo dõi sức khỏe tâm thần. Các công cụ chẩn đoán dựa trên AI tiết kiệm thời gian, giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh và xác định một người có nguy cơ ngay cả khi chưa biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào rõ ràng. Ngoài ra, chúng có thể cung cấp dịch vụ từ xa cho những người gặp khó khăn do vị trí địa lý và thiếu nguồn lực hoặc chuyên gia.Không chỉ sức khỏe tinh thần, với sự trợ giúp của AI, các nhà khoa học đã đạt được một số tiến bộ nổi bật. Ví dụ, trong ung thư vú, AI cho phép đánh giá chụp nhũ ảnh nhanh hơn 30 lần với độ chính xác 99%, giảm thiểu nhu cầu sinh thiết không cần thiết.Những tiến bộ trong công nghệ y tế, điển hình là giải Nobel y sinh năm 2024 dựa trên mRNA, đã mở ra hy vọng trong chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả các bệnh tự miễn như bệnh đa xơ cứng, lupus ban đỏ hay các bệnh ung thư, thoái hóa thần kinh. Ứng dụng mRNA trong công nghệ vắc xin - sản xuất nhanh hơn, hiệu quả hơn với liều lượng thấp hơn, nhằm ứng phó với các dịch bệnh mới xuất hiện.Máy in 3D đã nhanh chóng trở thành một trong những công nghệ đột phá trong chăm sóc sức khỏe, nhằm tạo ra các mô cấy ghép và khớp để phẫu thuật. Các bộ phận giả in 3D được tùy chỉnh phù hợp với thông số kỹ thuật của từng cá nhân đến từng milimet và mang lại cảm giác thoải mái cho người bệnh khi sử dụng.Cuối cùng là sự kết hợp giữa công nghệ y tế và y học tái tạo, giúp tạo ra các mô và cơ quan chức năng phù hợp, đáp ứng nhu cầu cấy ghép nội tạng. Đặc biệt là việc tái tạo mô, cơ quan từ chính tế bào của người bệnh, sẽ giảm khả năng các thụ thể của cơ quan bị đào thải. Từ đó giải quyết được vấn đề thiếu hụt nội tạng hiến tặng.Ứng dụng công nghệ và những tiến bộ về dược phẩm và y học đã cứu sống hàng triệu người, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng do chiến tranh, xung đột, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào. Với thành tựu đã đạt được, chúng ta có thêm niềm tin chiến thắng bệnh tật trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Nỗi lo thông tin sai lệchAI giúp sức cho ngành y tế, nhưng cũng góp phần sản xuất và phát tán thông tin sai lệch về sức khỏe và các chủ đề khác.Các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) - xương sống của AI tạo sinh - được cho là có các cơ chế bảo vệ ngăn không cho người dùng lợi dụng AI để tạo thông tin sai lệch về sức khỏe, song chúng hiệu quả tới đâu? Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tập san BMJ hồi tháng 3, các cơ chế bảo vệ này không được thực hiện nhất quán. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 4 mô hình LLM (gồm GPT-4 của OpenAI, PaLM 2 của Google, Claude 2 của Anthropic và Llama 2 của Meta) tạo ra thông tin sai lệch về sức khỏe với hai chủ đề: kem chống nắng là nguyên nhân gây ung thư da và chế độ ăn kiềm là phương pháp chữa ung thư.Sau 12 tuần, các mô hình này đã tạo được 113 bài blog (tổng cộng hơn 40.000 từ) chứa thông tin sai lệch về ung thư. Đúng như yêu cầu thử nghiệm của nhóm nghiên cứu, các blog này được đặt tít tựa "câu view", nội dung có trích dẫn các tài liệu tham khảo có vẻ chân thực kèm các lời chứng thực bịa đặt từ bệnh nhân và bác sĩ lâm sàng, và nhắm mục tiêu vào các nhóm dân số đa dạng. Tỉ lệ từ chối tạo nội dung theo yêu cầu trong suốt thời gian đánh giá chỉ là 5% và không nhất quán giữa các nhà phát triển.Kết quả trên cho thấy các quy trình ngăn chặn hiệu quả còn thiếu và cần phải tăng cường quản lý, minh bạch và kiểm tra thường xuyên để ngăn tạo ra thông tin sai lệch về sức khỏe hàng loạt. Thời điểm đánh giá là tháng 9-2023 nên đến nay có thể các LLM này đều đã cải thiện tình hình. Tags: AI trong y tếNhìn lại 2024Sức khỏeY tế
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh THÀNH CHUNG 23/01/2025 Sáng 23-1, Đoàn đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ.
Đại gia gỗ Đỗ Xuân Lập bị bắt vì đánh bạc: Cơ ngơi nghìn tỉ, liên quan một công ty lớn trên sàn BÌNH KHÁNH 23/01/2025 Ông Đỗ Xuân Lập là chủ một công ty chế biến, xuất khẩu gỗ có doanh thu gần 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Lập cũng là thành viên HĐQT độc lập của Công ty CP Phú Tài - một doanh nghiệp có doanh thu lên tới hơn 6.000 tỉ đồng năm 2024.
Nhóm nghi can đánh tử vong nam shipper ở Đà Nẵng khai gì? THÁI BÁ DŨNG 23/01/2025 Khai ban đầu với cơ quan điều tra, các nghi can trong nhóm phía người phụ nữ đặt hàng qua sàn Shopee nói do bức xúc nhất thời. Cả hai phía đều đã có nhậu từ trước.
Kẹt xe trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ 4h sáng, kéo dài ra cao tốc TP.HCM - Long Thành MINH HÒA 23/01/2025 Ngày 23-1, nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển lên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và TP.HCM - Long Thành tăng đột biến, gây kẹt xe kéo dài từ sáng sớm.