TTCT - Chỉ trong vòng không đầy nửa tháng, ba vụ sụp đổ và giải cứu ngân hàng đã diễn ra ở hai bờ Đại Tây Dương, với những nguyên nhân và hệ quả vừa giống, vừa khác. Tuần trước, UBS đóng vai ngân hàng giải cứu, đồng ý sáp nhập Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ nhì Thụy Sĩ nhằm giúp Chính phủ Thụy Sĩ ngăn chặn sự sụp đổ của một ngân hàng có thể kéo theo nhiều hệ lụy xấu cho cả hệ thống tài chính toàn cầu. Giá mua là 3 tỉ franc Thụy Sĩ, chưa bằng một nửa giá thị trường và chỉ bằng một phần rất nhỏ giá trị sổ sách của Credit Suisse.Tuy nhiên, vai trò của hai ngân hàng này lại trái ngược sau cuộc khủng hoảng 2007-2009, khi UBS lúc đó phải cay đắng nhận 5,3 tỉ đô la giải cứu từ Chính phủ Thụy Sĩ mới tránh được nguy cơ phá sản. Credit Suisse lúc đó cũng lâm vào tình thế khó khăn, nhưng lại từ chối gói giải cứu của nhà nước. Thay vào đó, họ nhận 9 tỉ đô la tiền đầu tư từ khu vực tư nhân nước ngoài, dẫn đầu là quỹ đầu tư của Qatar. Từ đó hai ngân hàng đi theo hai con đường khác nhau, dẫn tới sự sụp đổ của Credit Suisse và sự lớn mạnh của UBS.Ảnh: The Wall Street JournalCredit Suisse: Ngắn hạn và dài hạnRút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng, UBS giảm quy mô hoạt động ngân hàng đầu tư - các hoạt động từng đẩy họ vào chỗ gần sụp đổ do các khoản cá cược vào thế chấp bất động sản dưới chuẩn. Ngân hàng này đẩy mạnh hoạt động quản lý tài sản, tức phục vụ nhu cầu đầu tư của giới nhà giàu để ăn huê hồng, và tránh xa các phi vụ nhiều rủi ro. Ngược lại, Credit Suisse vẫn đẩy mạnh đầu tư vào các mảng đầu tư tài chính, chứng khoán hóa và trái phiếu lợi suất cao, tức chấp nhận rủi ro cao để tìm kiếm lợi nhuận cao.Kết quả là Credit Suisse trải qua 15 năm hứng chịu nhiều xì căng đan, kiện tụng, làm xói mòn lòng tin của giới đầu tư vào ngân hàng. Chỉ nội trong bảng báo cáo tài chính thường niên gần đây nhất, Credit Suisse phải dùng đến 10.000 từ trải dài trên 12 trang để liệt kê các vụ kiện, dàn xếp và điều tra của chính phủ. Từ năm 2020 đến 2022, họ phải chi 4 tỉ đô la để dàn xếp nhiều vụ kiện.Vào năm 2010, doanh thu của UBS và Credit Suisse là như nhau, chừng 32 tỉ franc Thụy Sĩ, nhưng đến năm 2019, doanh thu 21,6 tỉ franc của Credit Suisse kém hơn của UBS đến 25%. Trong ba năm gần đây nhất, giá cổ phiếu Credit Suisse sụt mất 70%, trong khi giá cổ phiếu UBS tăng hơn gấp đôi. Năm ngoái, Credit Suisse lỗ đến 7,9 tỉ đô la và giới lãnh đạo đã không thuyết phục được thị trường về một kế hoạch cải tổ rộng lớn, trong khi UBS lãi 7,6 tỉ đô la. Tính đến cuối năm 2022, tài sản trên bảng cân đối kế toán của Credit Suisse là 575 tỉ đô la, còn của UBS lớn gấp đôi: 1.100 tỉ đô la.Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng toàn cầu đang rúng động vì vụ Silicon Valley Bank và Signature Bank của Mỹ sụp đổ, Credit Suisse trở thành khâu yếu nhất, mọi con mắt đổ dồn vào những yếu kém nội tại của ngân hàng này. Vì thế chỉ cần cổ đông lớn nhất - Saudi National Bank - tuyên bố phủi tay không đầu tư gì thêm vào Credit Suisse nữa, là thị trường hoảng loạn, người thì bán tháo cổ phiếu, người rút tiền bỏ đi nơi khác. Kết quả là Chính phủ Thụy Sĩ phải trấn an thị trường, cho vay khẩn cấp 50 tỉ franc, rồi cuối cùng cầu viện đến UBS đứng ra mua lại Credit Suisse, kèm theo nhiều điều khoản hỗ trợ khác như ta đã thấy.Ảnh: Sky NewsSVB: Thủ phạm là nâng lãi suất?Trở lại với vụ SVB, nhiều người nói nguyên nhân sự sụp đổ của ngân hàng này là do lấy tiền gởi của khách hàng đi mua trái phiếu chính phủ. Thật ra đây là loại tài sản an toàn nhất, dễ mua bán nhất mà bất kỳ ngân hàng nào cũng đầu tư chứ đâu chỉ riêng SVB. Nguyên nhân sâu xa thật ra là việc Mỹ nâng lãi suất quá dữ và quá nhanh để chống lạm phát.Bảng cân đối kế toán của một ngân hàng có bên nợ, tức tiền gởi của khách hàng, và bên tài sản là tiền ngân hàng đem đi đầu tư. Theo số liệu của tờ The Economist, đầu năm 2022 khi lãi suất gần bằng zero, các ngân hàng Mỹ có chừng 24.000 tỉ đô la bên tài sản. Họ chỉ giữ 3.400 tỉ đô la tiền mặt để phòng hờ khách hàng rút tiền. Đến 6.000 tỉ đô la tài sản là ở dạng trái phiếu chính phủ hay trái phiếu thế chấp bất động sản. Tiền đem cho vay tổng cộng chừng 11.200 tỉ đô la.Thế rồi Cục Dự trữ liên bang (Fed) liên tục tăng lãi suất, từ gần 0% lên đến 4,5% trong vòng một năm. Hệ quả rõ nhất là lãi suất cao gây thua lỗ kỷ lục cho lượng trái phiếu các ngân hàng nắm giữ. Số liệu của Cơ quan Bảo hiểm tiền gởi Mỹ (FDIC) cho biết các ngân hàng Mỹ hiện đang chịu mức lỗ lên đến 620 tỉ đô la do trái phiếu mất giá.Chi tiết ít ai nói cho rõ để những người không rành về tài chính như chúng ta hiểu là vì sao lãi suất tăng thì trái phiếu giảm giá. Ví dụ chúng ta mua tờ trái phiếu mệnh giá 1.000 đô la kỳ hạn 10 năm, lãi suất 0,5%, tức hằng năm sẽ nhận 5 đô la tiền lãi, và 10 năm sau nhận lại 1.000 đô la tiền gốc. Nay do Fed nâng lãi suất, 1.000 đô la trái phiếu kỳ hạn 10 năm, sẽ có lãi suất lên đến 5%, tức hằng năm ai nắm loại trái phiếu mới này sẽ nhận được 50 đô la.So sánh như thế chúng ta thấy ngay người nắm trái phiếu cũ sẽ khóc ròng vì lãi suất đã cố định ở mức 0,5%. Nếu họ muốn bán những trái phiếu đấy thì không ai chịu mua với mức giá cũ 1.000 đô la, bởi 1.000 đô la giờ họ mua trái phiếu lợi suất 5%. Trái phiếu cũ do đó phải giảm giá thật mạnh mới có người chịu mua. Đó là lý do vì sao lãi suất tăng khiến giá trái phiếu giảm.Trở lại mức lỗ 620 tỉ đô la trái phiếu của các ngân hàng Mỹ, đây là mức lỗ "chưa hiện thực hóa" vì họ chưa bán trái phiếu. Chỉ có SVB do bị thiên hạ rút tiền phải bán 21 tỉ đô la trái phiếu và chịu mức lỗ "đã hiện thực hóa" là 1,8 tỉ đô la - nguồn cơn của sự sụp đổ nhanh chóng sau đó. Giả dụ các ngân hàng phải bán trái phiếu như SVB, mức lỗ 10% cũng đủ để xóa đi 1/4 vốn chủ sở hữu. Nói cách khác, Fed nâng lãi suất đã làm hệ thống ngân hàng Mỹ, nhất là các ngân hàng cỡ nhỏ và trung bình, hụt vốn rất nguy hiểm.Chưa hết, theo một nghiên cứu của Đại học Southern California, các tài sản loại khác của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lãi suất cao. Chẳng hạn, họ cho rằng các khoản vay cũ kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 2%/năm cũng gây ra thua lỗ y như nắm trái phiếu khi so sánh với các khoản vay có lãi suất cao hơn nhiều hiện nay. Nếu giá trị trái phiếu sụt 15% thì giá trị các khoản vay cũ, lãi thấp cũng không khác. Dựa vào số liệu các khoản cho vay lãi suất cố định và lãi suất thả nổi để chỉ tính riêng loại đầu, các nhà nghiên cứu cho biết tài sản các ngân hàng Mỹ sẽ sụt mất 2.000 tỉ đô la, đủ để xóa tan vốn chủ sở hữu của ngành ngân hàng.Áp lực thứ ba của việc nâng lãi suất nằm bên cột nợ của ngân hàng. Hệ thống ngân hàng Mỹ có chừng 19.000 đô la tiền gởi của khách, đa phần hưởng lãi rất thấp, hầu như không đáng kể. Khi Fed nâng lãi suất, khách hàng có xu hướng chuyển tiền sang các kênh khác để hưởng lãi cao hơn. Điều này tạo ra rủi ro mất thanh khoản: ngân hàng không đủ tiền mặt cho khách rút; mà bán tài sản thì phải ghi nhận thua lỗ.Chính vì thế, một trong những biện pháp giải cứu thị trường của Chính phủ Mỹ là công bố kế hoạch cho ngân hàng nào thiếu thanh khoản vay khẩn cấp, thế chấp bằng chính trái phiếu họ đang nắm, nhưng tính theo mệnh giá chứ không tính theo giá thị trường.Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2009 là do các ngân hàng cho vay dưới chuẩn vô tội vạ, nhất là vay thế chấp mua nhà. Vì thế sau khủng hoảng, giới quản lý khuyến khích các ngân hàng tránh xa các khoản vay rủi ro, nên mua trái phiếu vì vừa an toàn vừa có tính thanh khoản cao. Nhưng không ai ngờ đến ngày lãi suất lên cao như hiện nay. Từ đó xảy ra nghịch lý, Fed vừa muốn tiếp tục nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, lại đang muốn tạm ngưng đà tăng lãi suất để giảm bớt áp lực lên hệ thống ngân hàng. Nhưng nếu Fed ngưng nâng lãi suất, họ gián tiếp phát đi tín hiệu hệ thống ngân hàng vẫn đang bất ổn, đầy khó khăn, chứ chưa tự đứng vững được. Nâng cũng khó, không nâng cũng khó - đó là thế tiến thoái lưỡng nan của Fed hiện nay. ■ Tags: Hệ thống tài chínhHoạt động ngân hàngĐầu tư tài chínhHệ thống ngân hàngKhủng hoảng tài chínhNgân hàng đầu tưSvbUBSMỹThụy SĩCredit Suisse
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Thấy đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố, người dân cần làm gì? MINH HÒA 23/01/2025 Đại diện Phòng cảnh sát giao thông TP.HCM cho biết khi người dân phát hiện đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố, hãy gọi điện báo ngay cho cảnh sát giao thông qua số điện thoại dán trên tủ điều khiển.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.