17/05/2025 16:16 GMT+7

Sài Gòn từng là 'Paris thu nhỏ' trong mắt người Pháp

Theo PGS.TS Trần Thị Mai, trong quá khứ, người phương Tây ví Sài Gòn còn lớn hơn Băng Cốc của Vương quốc Xiêm và không thua kém một số thành phố ở châu Âu. Vì vậy, họ đã từng quyết tâm xây dựng Sài Gòn thành một 'Paris thu nhỏ'.

Sài Gòn  - Ảnh 1.

Từ trái qua: nhà báo Nguyễn Hạnh, PGS.TS Trần Thị Mai và nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến chia sẻ với độc giả - Ảnh: HỒ LAM

Sáng 17-5, tại Đường sách TP.HCM diễn ra buổi giao lưu Di sản Sài Gòn - TP.HCM, dáng hồn đô thị với Phó tổng biên tập báo Xưa Và Nay Nguyễn Hạnh, nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến và PGS.TS Trần Thị Mai. 

Người tham dự có dịp lắng nghe, trao đổi và nhìn lại một phần ký ức đô thị, ở đó có các giá trị di sản, từ kiến trúc, văn hóa đến con người làm nên linh hồn của Sài Gòn.

Sài Gòn, viên ngọc trai của miền xa nhất phương Đông

Ông Trần Hữu Phúc Tiến, tác giả sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương, dấu tích Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông, nói qua việc tìm hiểu quy hoạch và các kiến trúc tiêu biểu ở Sài Gòn từ trước 1945, ông thấy ngày nay chúng ta đang thừa hưởng một gia sản lớn lao được kiến tạo từ xương máu, mồ hôi và trí tuệ của nhiều thế hệ tiền nhân.

Theo nghiên cứu của ông Phúc Tiến, La Perle de l'Extrême - Orient, viên ngọc trai của miền xa nhất phương Đông là cách gọi yêu kiều của người Pháp đối với Sài Gòn vào hơn 100 năm trước. 

Tên gọi tiếng Pháp ấy được Việt hóa một cách thân thương là Hòn ngọc Viễn Đông.

PGS.TS Trần Thị Mai cho biết người Pháp gọi Sài Gòn bằng mỹ danh Hòn ngọc Viễn Đông và quyết tâm xây dựng nơi đây thành một "Paris thu nhỏ" bởi họ thấy Sài Gòn thực sự là một đô thị phồn hoa đô hội, có cảnh quan sông nước đa dạng. 

Ông Phúc Tiến chia sẻ: "Trong thực tế, vẻ đẹp của Hòn ngọc Viễn Đông không chỉ là cảnh sắc và phố phường mà là toàn diện từ kiến trúc đến kinh tế, văn hóa và con người. Trong đó, xét riêng về kiến trúc thì có nhiều dinh thự, nhà ở, phố chợ và nhiều công trình khác, thể hiện phong cách đa dạng, đẹp, đặc sắc.

Cũng đã có những lúc, một số cây bút phương Tây ví von Sài Gòn là Paris of Orient - Paris phương Đông, nơi người Pháp, người bản địa và du khách có thể tìm thấy phần nào khí vị và dáng dấp của một "Paris thu nhỏ" hay "Paris nhiệt đới" với nhiều điểm tương đồng về quy hoạch và kiến trúc".

Thời gian tạo dựng văn hóa Sài Gòn có thể là hàng ngàn năm

Theo bà Trần Thị Mai, xét về mặt hành chính, Sài Gòn trải qua hơn 300 năm tạo dựng từ khi chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập Phủ Gia Định vào năm 1698. Nhưng nếu nhắc đến thời gian hình thành văn hóa Sài Gòn thì phải nhiều hơn, lên đến hàng ngàn năm. 

"Bởi Sài Gòn nằm trong vùng Đồng Nai, Gia Định của Nam Bộ nên có một bề dày văn hóa lâu dài, khởi đầu với nền văn hóa Đồng Nai, rồi trên nền tảng đó có nền văn hóa Óc Eo, Phù Nam phát triển rực rỡ.

Khoảng cuối thế kỷ 16, lớp cư dân người Việt bắt đầu đến đây, trở thành chủ nhân mới của vùng đất và mang theo di sản, truyền thống văn hóa Việt. 

Rồi đến nửa sau thế kỷ 17, Sài Gòn lại tiếp nhận thêm những cộng đồng cư dân mới, tiêu biểu như nhóm người Hoa. Lớp người cũ, người mới cứ thế đến và đã dung nạp lẫn nhau, tạo nên một nền văn hóa có bề dày, chiều sâu, đa dạng và giàu bản sắc", bà Mai nói.

Sài Gòn  - Ảnh 2.

Sách Di sản Sài Gòn - TP.HCM và Kiến trúc Pháp - Đông Dương, dấu tích Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông

Để góp phần soi rọi vào những giá trị di sản, văn hóa đã qua của Sài Gòn, nhà báo Nguyễn Hạnh cùng các cộng sự đã chọn lọc 300 tấm từ 2.000 bức ảnh để thực hiện tập sách ảnh Di sản Sài Gòn - TP.HCM. Đọc sách, độc giả có cái nhìn bao quát hơn về lịch sử, văn hóa, xã hội của vùng đất này. 

Không chỉ dừng lại ở những công trình kiến trúc như tòa nhà hành chính, dinh thự, trường học, bệnh viện, khách sạn, đường sá, cảng, bến tàu, chợ…, tập sách còn tái hiện những tập quán trong đời sống thị thành xưa như: đám cưới truyền thống, đám tang, hát bội, đờn ca tài tử, trò chơi dân gian, đua ngựa, hàng quán và những món ngon vỉa hè thú vị.

Đúc kết những điểm khác biệt của Sài Gòn so với các đô thị khác trên cả nước, bà Trần Thị Mai cho rằng có thể thấy ba điểm quan trọng sau:

"Sài Gòn là đô thị sông nước, với mạng lưới sông rạch phát triển, tạo nên "đời sống trên bến dưới thuyền" rất đặc trưng, góp phần phát triển vùng đất thành trung tâm kinh tế, văn hóa lớn.

Thêm nữa, sự đa dạng và phong phú về cộng đồng dân cư, với nhiều nhóm người thuộc các dân tộc, tôn giáo và văn hóa khác nhau đã tạo nên một nền văn hóa đa dạng, độc đáo. Cuối cùng, Sài Gòn là vùng đất có tốc độ đô thị hóa diễn ra cực kỳ nhanh chóng".

Sài Gòn từng là 'Paris thu nhỏ' trong mắt người Pháp - Ảnh 3.50 năm nhìn Sài Gòn đổi thay qua từng khung hình, ta còn lại gì trong ký ức?

Đọc sách Sài Gòn - TP.HCM, đổi thay qua những khung hình (1975 - 2025) của Tam Thái thấy có nhiều hình bóng hôm qua của một TP năng động qua con đường, ngôi chợ, phố thị... mà người ta luôn muốn mãi khắc ghi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên