![Văn chương phương Nam có thể khơi dậy những hạt ngọc phù sa từ quá khứ - Ảnh 1. Lịch sử đắp bồi mở cõi nghĩa nhân, Sài Gòn sông ngân, Sài Gòn gió hát - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/12/12e6be38a46e1a30437f-17393032421571952270010.jpg)
Tác giả Đinh Nho Tuấn (giữa) nhận giải nhất cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam - Ảnh: HỒ LAM
Ngày 11-2, Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức lễ trao giải cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam lần thứ hai và ra mắt cuốn sách Tay người đô thị đầy dấu nắng khuya tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu từ cuộc thi thơ này.
Đây là sự kiện thuộc khuôn khổ của Ngày Thơ Việt Nam do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức.
Bên lề lễ trao giải, các nhà văn, nhà thơ Đào Phong Lan, Trần Đức Tín, Linh Đan, Trầm Hương... có nhiều chia sẻ với độc giả những suy nghĩ về văn chương, thơ ca của mảnh đất phương Nam.
Đất sinh nhân, người sinh nghĩa
Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã trước đây từng làm nông dân khu kinh tế mới Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Sau đó, anh nhập cư vào TP.HCM.
Điều kiện cuộc sống không mấy dư dả nhưng khi vừa hay tin mình đoạt giải cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam, anh đã mong muốn dùng số tiền thưởng này để hỗ trợ cho nhà thơ Mạc Tường Vy, một bạn văn đã bị đột quỵ cách đây hai tháng.
Nguyễn Thánh Ngã quan niệm nhân nghĩa đất phương Nam xuất phát từ hành động nhỏ, kết nối tâm hồn xa lạ với nhau:
"Đất sinh nhân, người sinh nghĩa. Mảnh đất văn chương, thi ca phương Nam luôn làm tôi xúc động và nhắc tôi nhớ rằng mình sống ở đây thì hãy sống nhân nghĩa để không phụ lòng mảnh đất này".
Đoạt giải tư cuộc thi Nhân nghĩa đất phương Nam với tác phẩm Trên sông Sài Gòn gió hát, Nguyễn Thánh Ngã xem đây như một sự công nhận của vùng đất này dành cho một người ở miền núi.
Anh đem những cảm nhận riêng của mình với Sài Gòn vào bài thơ này: "Lịch sử đắp bồi / Mở cõi nghĩa nhân / Sài Gòn sông ngân / Sài Gòn gió hát".
![Văn chương phương Nam có thể khơi dậy những hạt ngọc phù sa từ quá khứ - Ảnh 2. Văn chương phương Nam có thể khơi dậy những hạt ngọc phù sa từ quá khứ - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/12/3b0fd5f5cfa371fd28b2-17393032421561984406456.jpg)
Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã chia sẻ với độc giả - Ảnh: HỒ LAM
Không nên định nghĩa nhà văn, nhà thơ bằng vị trí địa lý
Nhìn về mặt bằng chung của văn chương, thơ ca từ cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam, phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trầm Hương cho rằng địa hạt sáng tác đang mở rộng.
Các tác giả không chỉ ở Sài Gòn mà có thể ở các tỉnh miền Tây như: Bạc Liêu, Cà Mau... và làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng vẫn có sự đam mê với văn chương.
"Tôi nghĩ văn chương không có biên giới và cũng không nên định nghĩa nhà văn, nhà thơ qua vị trí địa lý. Liệu ở tỉnh lẻ hay thành thị thì sẽ có tác phẩm hay?
Ở một nơi nào đó, vẫn có những trái tim đang rung cảm và lặng lẽ viết.
Nếu không thì đâu thể có một nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau có nhiều tác phẩm về vùng đất Nam Bộ được ban đọc yêu mến. Điều mà văn chương, thi ca mong chờ nhất vẫn là khát vọng sáng tạo của những người cầm bút" - nhà văn Trầm Hương chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Ngoài ra, theo bà Trầm Hương, mảnh đất phương Nam, Đồng bằng sông Cửu Long luôn màu mỡ:
"Ở đó không chỉ có vựa lúa, sản vật mà còn chứa đựng những hạt ngọc phù sa từ quá khứ, biết bao thổn thức, trăn trở tưởng như đã bị lãng quên. Và chỉ có những con chữ mới có thể khơi dậy được những sức mạnh nội tâm từ trong các giá trị ấy".
![Văn chương phương Nam có thể khơi dậy những hạt ngọc phù sa từ quá khứ - Ảnh 3. Lịch sử đắp bồi mở cõi nghĩa nhân, Sài Gòn sông ngân, Sài Gòn gió hát - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/12/1b71de86c4d07a8e23c1-1739303242153906054639.jpg)
Nhà thơ Đào Phong Lan (giữa) nhận giải nhì cho chùm thơ Như tung đám lửa lên trời; Di chúc một người phương Nam. Chị cũng vừa trở lại sau gần hai thập niên vắng bóng trên thi đàn - Ảnh: HỒ LAM
Nhân nghĩa đất phương Nam trao 4 giải
Cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam thuộc khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam năm 2024. Với thời gian 7 tháng phát động từ tháng 2-2024, cuộc thi đã nhận được hơn 1.500 tác phẩm dự thi.
Năm nay, giải nhất trao cho Đinh Nho Tuấn với chùm thơ Khuôn mặt Sài Gòn; Thành phố của tôi; Lòng ta ở trọ. Giải nhì thuộc về nhà thơ Đào Phong Lan với chùm thơ Như tung đám lửa lên trời; Di chúc một người phương Nam.
Giải ba cho ba tác giả Quang Chuyền với chùm thơ Giọt mưa Sài Gòn; Quanh chỗ ta ngồi; Phan Duy với chùm thơ Xin một lần về thưa mẹ - nhớ cha; Lần về cột mốc quê hương; Tiếng rơi xuôi miền thương cũ; Hoàng Thị Hiền với chùm thơ Mật mã của thành phố; Căn cước người Tày ở thành phố mang tên Bác;
Giải tư thuộc về 7 tác giả gồm: Nguyễn Thánh Ngã với Trên sông Sài Gòn gió hát; Xuân Trường với Một lần với Vàm Thuật; Trần Thanh Bình với Bến tàu cha và con; Thanh Hoàng với Vẽ nhớ Xóm Hố; Trần Trí Thông với Miệt vườn; Minh Đan với Ấm áp tình người phương Nam; Huỳnh Thị Quỳnh Nga với Một thoáng Sài Gòn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận