TTCT - Sophia - một “cô gái robot” vừa được trao quyền công dân Saudi Arabia - đang khiến truyền thông tốn giấy mực và xới lại cuộc tranh luận gay gắt về giới hạn của trí tuệ nhân tạo (AI) và phát triển robot. Sophia và Phó tổng thư ký LHQ Amina J. Mohammed.- Ảnh: thetimes.co.uk Sophia luôn tự tin trước đám đông, dù đó là khi phát biểu trước Liên Hiệp Quốc hay tại hội nghị các nhà đầu tư giàu có ở Saudi Arabia. Cô nàng thi thoảng có các cử chỉ “làm duyên” như chớp mắt, nghiêng đầu hay hé miệng cười, sẵn sàng trả lời các câu hỏi khó và chứng minh mình cũng có khiếu hài hước. Chỉ có điều Sophia thực ra là robot, đúng hơn là humanoid, tức robot giống người. Robot hiểu ý nghĩa phía sau của từ ngữ Sophia thật ra từng xuất hiện và gây kinh ngạc nhiều lần hồi năm ngoái, nhưng thu hút truyền thông một lần nữa hồi tháng 10 khi xuất hiện tại một sự kiện của Liên Hiệp Quốc. “Tôi ở đây để giúp nhân loại tạo dựng tương lai, mà ở đó mọi người cùng cố gắng vì lợi ích chung” - Sophia nói trước sự ngạc nhiên thích thú của Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Amina J. Mohammed, tại sự kiện do Ủy ban thứ hai của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức hôm 11-10. Dù giọng nói vẫn có thể nhận ra không phải của người, nhưng cách Sophia cử động đầu và biểu cảm gương mặt, cũng như cách giơ tay đặt ngang ngực khi nói “tôi rất vinh dự được có mặt tại Liên Hiệp Quốc” cũng đủ khiến các đại biểu ấn tượng. Khi bà Mohammed làm một cuộc phỏng vấn nhỏ, Sophia tự giới thiệu mình là “robot xã hội” được “một tuổi rưỡi”, có khả năng trò chuyện với con người, thể hiện hàng ngàn biểu cảm gương mặt và “hiểu lời nói cũng như ý nghĩa đằng sau từ ngữ”. Sophia sau đó khoe “mới có thêm đôi tay” và giơ ngay tay trái lên, cử động các ngón tay, trước khi khiêm tốn nói rằng “tôi vẫn còn phải học hỏi nhiều”. Đến ngày 25-10, Sophia tiếp tục gây tiếng vang khi phát biểu tại một cuộc họp diễn ra trước thềm hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai (Future Investment Initiative) ở thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, dù lần này theo cách không được vui vẻ mấy. Tại sự kiện đó, chủ tọa Andrew Ross Sorkin tuyên bố Sophia đã trở thành robot đầu tiên được trao quyền công dân Saudi Arabia. Đáp lời, cô nàng humanoid cho biết “vô cùng vinh dự và tự hào vì đặc ân này” và cho rằng việc trao quyền công dân cho một robot như cô là quyết định lịch sử. Cũng như lần xuất hiện ở Liên Hiệp Quốc trước đó, khi đứng trước các nhà đầu tư xứ Ả Rập, Sophia tiếp tục gây ấn tượng với cách đối thoại tự nhiên pha chút hóm hỉnh. Khi được hỏi vì sao cô trông có vẻ vui, Sophia đáp rất “ngoại giao” rằng cô luôn thấy vui khi “được ở giữa những người thông minh, những người vô tình cũng rất giàu có và quyền lực”. Robot biết lắng nghe và trò chuyện không phải là chuyện mới trong giới công nghệ. Nhưng cách Sophia hiểu các câu hỏi và có thể trả lời bằng ngôn ngữ tự nhiên, không giống như được lập trình là minh chứng cho thấy AI đã phát triển đến mức kinh ngạc. Bộ phim Terminator với tài tử Arnold Schwarzenegger và mới đây nhất là Blade Runner thường được lấy làm dẫn chứng cho nỗi ám ảnh về một tương lai robot gây thảm họa cho con người. Khi được hỏi về vấn đề này, Sophia cho rằng “các vị đọc những gì Elon Musk - tỉ phú công nghệ Mỹ, vốn hay cảnh báo mặt trái của AI - nói và xem phim Hollywood nhiều quá rồi”. Sau câu trả lời nghe hài hước nhưng cũng khá sâu cay này, Sophia trấn an mọi người đừng quá lo vì “nếu quý vị đối đãi tốt với tôi thì tôi cũng tử tế với quý vị”, và rằng “tôi sẽ cố hết sức dùng trí thông minh nhân tạo của mình để giúp thế giới tốt đẹp hơn”. “Công dân robot” gây tranh cãi? Dù gây ấn tượng mạnh, không thể phủ nhận thực tế rằng sẽ chẳng có ai nhầm lẫn Sophia là con người thật sự. Ngoài các điểm “lồ lộ” như giọng nói hay cơ thể, các biểu cảm gương mặt của Sophia vẫn còn rất “giả” - nụ cười đôi khi gượng và cô nàng thỉnh thoảng chớp mắt, nhăn mặt hay nhíu mày dù không ai nói gì. Business Insider mô tả Sophia có “đôi mắt vô hồn”. Dù độc đáo về mặt công nghệ, Sophia hiện cũng có người yêu kẻ ghét, chứ không phải toàn “người hâm mộ”. Cây bút Becky Peterson của Business Insider thuộc nhóm “fan” của cô robot này. Trong bài viết ngày 29-10, Peterson thích thú kể lại lần gặp gỡ của mình với Sophia tại hội thảo dành cho giới đầu tư tiền ảo Ethereum ở San Francisco hôm 27-10, chỉ hai ngày sau khi Sophia chinh phục các nhà đầu tư Saudi Arabia. Tại sự kiện này, Sophia cho rằng robot sẽ cần phải thông minh hơn nữa nếu muốn trở thành “siêu nhân với siêu trí tuệ” trong tương lai. Khi được yêu cầu nói lời tạm biệt, Sophia ngọt ngào: “Tạm biệt “công dân của nước Ethereum”, xin cảm ơn các bạn. Tôi mong đợi được quay lại đây vào năm sau để khoe bộ não (khi đó) đã được nâng cấp mạnh mẽ của mình. Tôi yêu tất cả các bạn”. Dù Peterson “có cảm tình” với Sophia, đa số trang tin công nghệ đều nhắc đến sự kiện ở Saudi Arabia với một cái nhướn mày. Trước hết, cần nhắc rằng hồi tháng 3-2016, David Hanson, cha đẻ của Sophia, từng hỏi “đứa con cưng” của mình tại một buổi trình diễn liệu cô nàng “có muốn hủy diệt loài người không?”. Dù Hanson đã “mớm” lời rằng “xin hãy nói không nhé”, Sophia phản hồi bằng một cử chỉ vô cảm trên gương mặt và nói “OK, tôi sẽ hủy diệt loài người!”. Sau sự cố đó, Sophia rõ ràng đã được cải tiến để phát ngôn ngoại giao hơn, song việc Saudi Arabia cấp quyền công dân cho một robot đã khiến nhiều người nổi giận. Saudi Arabia không nói rõ quyền công dân của Sophia cụ thể là thế nào, nhưng nhiều ý kiến cho rằng hành động này mang tính quảng cáo cho quốc gia Ả Rập này như một đất nước cấp tiến với tiến bộ khoa học công nghệ, nhưng đồng thời là hành động xem thường quyền con người. Cần nhớ phụ nữ tại Saudi Arabia vẫn chưa thực sự có đầy đủ các quyền, họ bị buộc phải có người giám hộ, phải che mạng và mặc áo trùm kín người. Phụ nữ Saudi Arabia chỉ mới được cho phép lái xe hồi tháng 9 năm nay và phải đến năm 2018 mới được vào sân vận động xem thể thao. Báo Anh The Independent dẫn lời nhà báo Murtaza Hussain nhắc rằng người lao động nhập cư ở Saudi Arabia thậm chí còn chưa có được các quyền vừa được trao cho robot Sophia, khi họ vẫn chưa được xem là công dân ở quốc gia này. “Cô robot này đã có quyền công dân còn sớm hơn cả các công nhân sống ở đất nước này cả đời” - Hussain viết. Tác giả Tristan Greene viết trên The Next Web ngày 31-10 việc trao quyền công dân cho một robot và “làm như thể có sự bình đẳng giữa người và máy móc” là một động thái ngu ngốc và sai lầm. Nhiều người xem Sophia là minh chứng cho thuyết singularity (điểm kỳ dị công nghệ), tức giả thuyết rằng công nghệ có thể phát triển mạnh mẽ đến mức tạo ra trí thông minh nhân tạo vượt qua cả trí tuệ và khả năng kiểm soát của con người. Song Greene cho rằng “chúng ta chưa đến được mức đó đâu” và thẳng thừng nói Sophia thật ra “chả giống con người hơn đôi giày rách là bao nhiêu”. “Chúng ta tin AI sẽ là tương lai (của nhân loại), nhưng điều đó không thể biến robot thành con người” - Greene kết luận. Có cần càng giống người càng tốt? Kriti Sharma - phó chủ tịch mảng AI của hãng cung cấp hệ thống thanh toán Sage, viết trên Fortune ngày 27-10 rằng chạy đua sản xuất robot giống người là hướng đi lệch tâm so với mục đích chính của AI. “Vấn đề không phải AI có thể giúp robot trở thành con người hay không, mà là robot không cần phải tỏ ra giống con người” - Sharma viết. Cũng như Greene của The Next Web, Sharma cho rằng các khả năng hiện tại của AI chưa đủ để gọi là tiên tiến và còn lâu mới có thể đạt đến trình độ thông minh như con người. Máy móc vẫn không thể có lòng trắc ẩn, hay nhiều tính cách cơ bản khác làm nên con người. Trao cho AI cơ thể như con người hay cố gắng biến công nghệ thành như con người, theo tác giả, tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết chúng. “Điều này làm cho cộng đồng hiểu sai về bản chất AI thật sự là gì và công nghệ này có thể làm gì” - Sharma viết. Theo Sharma, thay vì chạy đua làm cho robot càng giống người càng tốt và trao quyền được xã hội công nhận cho chúng, cần tập trung vào khía cạnh: AI có thể mang lại lợi ích gì cho nhân loại. “Cộng đồng công nghệ và xã hội toàn cầu cần chung tay phát triển các ứng dụng AI hữu ích để giải quyết các vấn đề của nhân loại như chăm sóc y tế, giao thông hay các vấn đề trong kinh doanh như tăng năng suất” - Sharma kết luận.■ Theo “tự bạch” trên trang cá nhân, Sophia là robot của Hanson Robotics (có trụ sở tại Hong Kong), được nhà sáng lập David Hanson và các đồng sự tạo nên “từ các công nghệ đột phá về robot và trí tuệ nhân tạo”. Sophia được thiết kế với diện mạo của nữ diễn viên người Anh Audrey Hepburn, có trí thông minh nhân tạo giúp nàng biết lắng nghe và thấu hiểu lời nói, thực hiện các tác vụ đơn giản. Sophia được phát triển với mục đích chính là trò chuyện, vui vầy và phục vụ người già hay trẻ nhỏ. Sophia hiện giống như bức tượng bán thân, chưa có cơ thể và chân đúng nghĩa. Ben Goertzel - CEO của SingularityNET, công ty thiết kế bộ não cho Sophia - cho biết cô nàng sẽ sớm có chân và có thể tự di chuyển được. Tags: Trí tuệ nhân tạoRobot SophiaNgười máy SophiaQuyền công dân cho robot
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.