
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Bến Hải (Vĩnh Linh) hằng năm - Ảnh: HOÀNG TÁO
Sáng 21-4, UBND huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cho hay vừa thay đổi phương án đặt tên các xã mới sau sáp nhập từ đánh số sang tên chữ mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử. Các tên mới sẽ được các xã lấy ý kiến lại và kết thúc trong hôm nay, dù trước đó có nhiều xã đã hoàn thành việc lấy ý kiến.
Việc nhanh chóng thay đổi phương án do ghi nhận ý kiến đóng góp của người dân, đội ngũ trí thức…
Theo phương án cũ, huyện thành lập 5 xã mới đặt tên từ Vĩnh Linh 1 đến Vĩnh Linh 5.
Qua tổng hợp bước đầu ý kiến của cử tri và để phát huy hơn nữa yếu tố lịch sử của vùng đất "Lũy thép - Lũy hoa", Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất điều chỉnh tên gọi xã mới theo nguyên tắc vừa giữ lại được tên gọi "Vĩnh Linh", vừa giữ lại được từ "Vĩnh" để đảm bảo tính đồng bộ, nhận diện sau khi bỏ cấp huyện, vừa kế thừa được tên gọi giàu ý nghĩa mà ông cha đã từng sử dụng...
5 xã mới được đổi tên thành xã Vĩnh Linh, Vĩnh Tùng, Vĩnh Hoàng, Vĩnh Đức hoặc Vĩnh Thủy, Vĩnh Quan hoặc Vĩnh Khê.
Đặt tên xã Vĩnh Linh với lý do tên gọi này có nguồn gốc lâu đời, từ năm 1889 và cần giữ lại cho đơn vị trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện.
Tên gọi Vĩnh Tùng từng tồn tại, bao gồm nhiều làng xã trước đây và được cử tri đề xuất, nhằm đảm bảo truyền thống lịch sử.
Vĩnh Hoàng trước đây gồm 4 xã và được gìn giữ gắn với chuyện trạng Vĩnh Hoàng nổi tiếng, có nét tương đồng văn hóa với xã Vĩnh Hòa và được cử tri đề xuất.

Lễ thượng cờ thiêng liêng tổ chức ở di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải vào ngày 30-4 hằng năm - Ảnh: HOÀNG TÁO
Với việc sáp nhập xã Vĩnh Lâm, xã Vĩnh Sơn và xã Vĩnh Thủy, có hai phương án tên gọi được đề xuất là xã Vĩnh Đức hoặc xã Vĩnh Thủy. Vĩnh Đức hoặc Vĩnh Thủy đều là cái tên có từ những năm 1948 - 1950, được cử tri đề xuất và đảm bảo truyền thống lịch sử.
Tên xã Vĩnh Quan là sự kết hợp giữa "Vĩnh" và "Quan", mang ý nghĩa "tầm nhìn vĩnh cửu". Tên xã Vĩnh Khê dựa trên lịch sử phân tách từ xã Vĩnh Khê cũ để hình thành các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà và thị trấn Bến Quan.
Việc đưa ra 2 tên gọi cho cùng một xã là để người dân lựa chọn và sẽ được quyết định theo ý kiến của số đông.
Tương tự, huyện Gio Linh cũng đổi tên 3 xã mới từ phương hướng sang tên chữ gắn với lịch sử các vùng đất. Đổi tên xã Tây Gio Linh thành Cồn Tiên, Đông Gio Linh thành Cửa Việt, Bắc Gio Linh thành Bến Hải. Riêng tên xã Gio Linh giữ nguyên như phương án cũ.
Trước đó, ngày 20-4, huyện Triệu Phong đi đầu trong việc thay đổi phương án đặt tên từ số sang chữ từ đề xuất của người dân. Các xã được đổi tên từ Triệu Phong 1 đến Triệu Phong 5 sang xã Triệu Phong, Ái Tử, Triệu Bình, Triệu Cơ và Nam Cửa Việt.
Ngày 18-4, Sở Nội vụ Quảng Trị công bố quyết định lấy ý kiến người dân về sắp xếp địa giới hành chính cấp tỉnh và cấp xã.
Người dân mong muốn những tên gọi mới sẽ kế thừa và phát huy giá trị của các địa danh lịch sử, văn hóa, giữ gìn hồn cốt quê hương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận