
Người dân Myanmar đứng trước đống đổ nát của một ngôi nhà ở vùng Sagaing - Ảnh: REUTERS
Theo báo New York Times, sáng 1-4 đánh dấu ngày thứ năm triển khai công tác tìm kiếm - cứu nạn nạn nhân trận động đất 7,7 độ tại Myanmar.
Tuy nhiên tại thành phố Sagaing ngay cạnh tâm chấn, chính quyền quân sự bị cho là gần như không cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào, thậm chí còn trì hoãn các nỗ lực tự nguyện của người dân và cộng đồng quốc tế.
Quân đội Myanmar làm ngơ đứng nhìn?
Đứng trước hàng rào do quân đội dựng lên xung quanh một tu viện bị sụp đổ với nhiều tu sĩ bị kẹt bên trong, anh U Tin Shwe, cư dân Sagaing, cho biết: "Chúng tôi không được phép tự do tiếp cận và cung cấp hỗ trợ. Nỗ lực cứu hộ chỉ được phép tiến hành nếu có sự cho phép của họ".
Theo ghi nhận của phóng viên New York Times, sáng 1-4, binh sĩ quân đội vẫn đứng gác tại những chốt kiểm soát và không cung cấp bất kỳ hỗ trợ nào cho công tác cứu hộ.
Việc cứu hộ nạn nhân bị vùi lấp vẫn chủ yếu được thực hiện bởi những tình nguyện viên thiếu trang thiết bị. Hình ảnh người dân đào bới bằng tay để tìm người sống sót xuất hiện liên tục nhiều nơi.
Trong những ngày qua, Myanmar đã tiếp nhận số lượng lớn lực lượng cứu hộ và hàng hóa cứu trợ nước ngoài.
Tuy nhiên các hỗ trợ này phải được chính quyền quân sự quyết định phân bổ về đâu và hầu như mọi nguồn lực đều được đưa về thành phố Mandalay và thủ đô Naypyidaw.
Bất chấp kêu gọi của người dân trên mạng xã hội và thực tế hơn 80% thành phố Sagaing đã bị phá hủy, nguồn lực được phân bổ về đây vẫn cực kỳ hạn chế.
Đến tận khuya 31-3, nhóm hỗ trợ quốc tế đầu tiên gồm 50 nhân viên cứu hộ Malaysia mới đến được Sagaing.
Theo Trung tâm nghiên cứu Ah Nyar, một viện nghiên cứu độc lập đặt trụ sở ở miền trung Myanmar, rất nhiều xe tải chở hàng hóa, thiết bị cứu trợ đang bị kẹt tại những chốt kiểm soát quân sự rải rác khắp thành phố và chưa thể đến tay người dân.
Những vấn đề trên diễn ra trong bối cảnh hệ thống y tế của thành phố này đã quá tải. Người dân phải quấn thi thể người thân trong vải trắng và đặt họ lay lắt ngoài trời. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ độc lập dù muốn cũng không thể đến Sagaing "chia lửa".
Bác sĩ Wai Zan, công tác tại Bệnh viện Đa khoa Sagaing, cho biết nhiều nhân viên y tế thuộc Phong trào Bất tuân dân sự (gồm những viên chức đã bỏ việc sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021) đã bị quân đội ngăn không cho đi vào Sagaing.
"Quân đội tiến hành kiểm soát an ninh ở mọi nơi, khiến họ không thể đi đến đây", vị bác sĩ này cho biết.
Thành trì lâu dài của phe nổi dậy

Bảng hiệu đặt trước cây cầu độc đạo dẫn sang Sagaing nêu: "Toàn bộ xe chở hàng cứu trợ phải báo cáo với chốt kiểm soát" - Ảnh: REUTERS
Từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021 đến nay, Sagaing đã là thành trì của phe đối lập. Trong bối cảnh các nhóm quân nổi dậy giành nhiều thắng lợi trước quân đội từ cuối năm 2023, phe nổi dậy tại Sagaing cũng có nhiều thắng lợi quan trọng.
Điều này khiến đây thường xuyên là nơi chịu các trận không kích của quân đội Myanmar nhắm vào quân nổi dậy. Internet tại đây cũng đã bị chính quyền quân sự cắt đứt từ lâu, trong khi hàng chục làng mạc, thị trấn thiếu điện và nước.
Ngay cả trước trận động đất hôm 28-3, đã có hơn 1 triệu người dân Sagaing mất nhà cửa, theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc.
Trận động đất đã làm trầm trọng thêm tình hình ở Sagaing. Để đến khu vực này phải đi qua một trong hai cây cầu bắc qua sông Irrawady. Một cây cầu đã bị động đất đánh sập, trong khi cây cầu còn lại bị quân đội kiểm soát nghiêm ngặt.
Hiện chính quyền quân sự Myanmar chưa đưa ra bình luận về những khẳng định trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận