
Ông Trump ký ban hành siêu dự luật mang dấu ấn của mình tại Nhà Trắng ngày 4-7 - Ảnh: REUTERS
Hamas phản hồi tích cực trước đề xuất ngừng bắn 60 ngày
Phong trào Hamas ngày 4-7 cho biết nhóm phản hồi "với tinh thần tích cực" đối với đề xuất ngừng bắn ở Gaza do Mỹ làm trung gian, và sẵn sàng đàm phán ngay về cơ chế thực thi thỏa thuận.
"Chúng tôi đã gửi phản hồi đến các bên trung gian anh em với tinh thần tích cực. Hamas hoàn toàn sẵn sàng, một cách nghiêm túc, để ngay lập tức bước vào vòng đàm phán mới về cơ chế thực thi khuôn khổ này", tuyên bố nêu rõ
Đề xuất do Tổng thống Trump công bố bao gồm lệnh ngừng bắn kéo dài 60 ngày, thả con tin và tiến tới đàm phán chấm dứt cuộc xung đột gần 21 tháng giữa Israel và Hamas.
Hamas cho biết đã hoàn tất tham vấn nội bộ và gửi phản hồi tới các bên trung gian. Tuy nhiên, một quan chức từ nhóm vũ trang đồng minh với Hamas cảnh báo còn nhiều vướng mắc liên quan đến viện trợ nhân đạo, cửa khẩu Rafah và lịch trình rút quân của Israel.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chưa đưa ra phản hồi chính thức. Dự kiến ông sẽ gặp Tổng thống Trump tại Washington vào ngày 9-7 tới.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia mất điện hoàn toàn, IAEA cảnh báo nguy cơ mất an toàn
Hãng tin Reuters cho biết toàn bộ các đường dây điện bên ngoài cung cấp cho Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga kiểm soát ở Ukraine đã bị ngắt trong hơn 3 giờ đồng hồ vào ngày 4-7, buộc nhà máy phải chuyển sang dùng máy phát điện diesel.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết điện đã được khôi phục, nhưng cảnh báo an toàn hạt nhân ở Ukraine vẫn "cực kỳ bấp bênh".
Ukraine cáo buộc pháo kích của Nga đã làm đứt đường dây điện cuối cùng kết nối nhà máy với hệ thống điện quốc gia. Ukrenergo, đơn vị vận hành lưới điện, cho biết các kỹ sư đã nhanh chóng sửa chữa và đưa đường dây trở lại hoạt động.
Zaporizhzhia là nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu. Dù các lò phản ứng đã ngừng hoạt động, nhiên liệu hạt nhân bên trong vẫn cần được làm mát liên tục để tránh thảm họa.
Ban quản lý nhà máy do Nga bổ nhiệm khẳng định không có vi phạm an ninh hay gia tăng mức phóng xạ trong thời gian mất điện.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nhìn từ xa - Ảnh: REUTERS
Ông Trump ký ban hành dự luật "Lớn và Đẹp"
Tổng thống Trump đã ký ban hành dự luật thuế và chi tiêu khổng lồ vào chiều 4-7 (giờ địa phương), đúng Ngày Quốc khánh Mỹ, tại bãi cỏ phía nam Nhà Trắng.
"Đó là một điều tốt", ông nói trong khi ký, bên cạnh là rất nhiều nhà lập pháp Đảng Cộng hòa chung vui và chúc mừng.
Đây được xem là chiến thắng lập pháp quan trọng nhất trong nhiệm kỳ hai của ông, đạt được sau nhiều tuần thuyết phục các nghị sĩ Cộng hòa, bất chấp lo ngại về cắt giảm Medicaid, nợ công gia tăng và rủi ro chính trị.
Hạ viện thông qua dự luật với 218 phiếu thuận và 214 phiếu chống, giúp duy trì vĩnh viễn các khoản giảm thuế từ năm 2017 mà ông Trump ban hành.
Phó tổng thống JD Vance, người bỏ lá phiếu quyết định tại Thượng viện, ca ngợi dự luật là bước khởi đầu của "kỷ nguyên hoàng kim" mới cho nước Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia độc lập cảnh báo đạo luật sẽ làm tăng nợ quốc gia thêm 3.400 tỉ USD.

Nhà Trắng ăn mừng khoảnh khắc dự luật chính thức được ký ban hành thành luật - Ảnh: AFP
EU chưa đạt đột phá trong đàm phán thương mại với Mỹ
Các cuộc đàm phán thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa đạt được đột phá, khiến EU có thể chọn giải pháp duy trì hiện trạng để tránh bị Mỹ tăng thuế, theo các nhà ngoại giao EU ngày 5-7.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Mỹ dường như sẵn sàng "tạm dừng" các mức thuế hiện hành với những đối tác có thỏa thuận sơ bộ, mở ra khả năng giảm thuế sau này.
Nếu không đạt thỏa thuận, thuế quan với hầu hết hàng hóa EU nhập vào Mỹ sẽ tăng từ 10% lên 20%, theo quyết định mà ông Trump công bố từ tháng 4.
EU hiện chịu mức thuế 50% với thép, 25% với ô tô và 10% với phần lớn hàng hóa khác xuất khẩu sang Mỹ. Trong khi đó, gói biện pháp đáp trả trị giá 25 tỉ USD của EU vẫn chưa được triển khai.
Đàm phán giữa hai bên dự kiến kéo dài qua cuối tuần, nhưng nhiều nguồn tin mô tả tình hình là "ảm đạm" và "khó đoán trước".
Lũ quét tại Texas, Mỹ khiến ít nhất 13 người thiệt mạng
Mưa lớn và dông bão đã gây ra lũ quét nghiêm trọng dọc theo sông Guadalupe ở khu vực trung nam bang Texas, Mỹ vào rạng sáng 5-7, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và hơn 20 bé gái từ một trại hè bị mất tích.
Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ đã ban bố tình trạng khẩn cấp lũ quét tại hạt Kerr, sau khi lượng mưa lên tới gần 30cm. Lũ đổ về quá nhanh khiến giới chức không kịp ra lệnh sơ tán.
"Tất cả diễn ra chỉ trong chưa đầy hai tiếng đồng hồ," quản lý thành phố Kerville, ông Dalton Rice nói.
Vào thời điểm lũ về, khoảng 700 trẻ em đang tham gia trại hè. Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm 23 bé gái vẫn chưa được xác nhận an toàn. Giao thông bị chia cắt khiến việc sơ tán lập tức trở nên bất khả thi.
Gaza tiếp tục đổ nát

Một người Palestine hướng mắt về các tòa nhà dân cư và trại tị nạn bị phá hủy do các cuộc không kích của Israel ở thành phố Gaza trong bức ảnh chụp ngày 4-7, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Ảnh: Reuters
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận