TTCT - Đó là tên gọi thân mật của nông dân Bạc Liêu dành cho ông Phạm An Lạc, thường gọi Tám Lạc (ấp Láng Giài, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu). Là nông dân rặt nhưng ông làm việc như một nhà khoa học trong việc lai tạo lúa giống đạt năng suất cao. Phóng to Ông Tám Lạc bên ruộng lúa lai tạo của ông - Ảnh: Chí Quốc Ngày 11-9-2012, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ) tổ chức báo cáo chuyên đề “Chọn tạo giống lúa cộng đồng - thách thức và chiến lược” với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học. Mọi người bỗng chú ý tới một lão nông đầu tóc bạc phơ “đăng đàn” báo cáo kết quả công trình chọn tạo giống lúa do chính ông thực hiện trong 16 năm trời. Sau đó các nhà khoa học còn đưa cho ông ba gói nhỏ đựng lúa giống nhờ ông về phân ly, chọn dòng để tuyển lựa những giống mới có triển vọng. Thú đam mê Ông Tám bộc bạch: “Người ta có thú chơi hoa kiểng, chim cá cảnh hoặc gà đẹp, còn tui chỉ đam mê chuyện lai tạo lúa giống”. Nói rồi ông lấy trong tủ ba gói giống được giao hôm trước ra giải thích: “Đây là ba tổ hợp lai mới. Nhiệm vụ của tui là chọn ra giống lúa mới, năng suất cao, thích nghi rộng (với các vùng đất phèn, mặn, ngập sâu, cạn ở các tỉnh khác nhau), kháng sâu bệnh, bông dài, hột bự, chắc, đẻ chồi khá...”. Không phải tự nhiên mà ông yêu thích và đam mê công việc đầy khó khăn này. Những năm 1980, nông dân làm ruộng theo truyền thống, thu hoạch xong cứ chọn chỗ nào lúa tốt nhất thì giữ lại làm giống cho vụ sau, vì vậy năng suất thấp, giống thoái hóa dần. Lúc đó chuyện chọn giống là thứ yếu, bởi cứ theo ông bà xưa “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” làm tới. Rồi nhu cầu lương thực tăng cao, việc tăng năng suất lúa được đặt ra cấp bách, các nhà khoa học và chính quyền địa phương bắt đầu nghĩ tới cách cải thiện giống lúa. Thời may, năm 1996, Đại học Cần Thơ có dự án “Tăng cường hợp tác với nông dân trong nghiên cứu nông nghiệp và khuyến nông Việt Nam”, mời nông dân dự các khóa huấn luyện về canh tác lúa. Ông Tám là một trong những nông dân được chọn tham dự. Ngoài những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng lúa, ông Tám mê cái khoản “chọn tạo giống lúa mới”. Ông lân la làm quen với các thầy như TS Huỳnh Quang Tín, TS Nguyễn Văn Sánh (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - Đại học Cần Thơ)... để xin được nhận giống về lai tạo. Các thầy rất ngạc nhiên vì từ trước tới giờ chưa có bác nông dân nào dám “bạo gan” như vậy. Tuy nhiên, hiểu được niềm đam mê của ông, mấy thầy cũng giao giống đời F2 với yêu cầu đơn giản là chọn dòng phân ly, làm ra giống mới rặt, thuần, không lẫn lộn. Làm khoa học kiểu nông dân Bước vô nhà ông, điều lạ đầu tiên là một dãy bông lúa vàng treo lủng lẳng trên dây giăng ngang trước cửa. Trên bàn làm việc là hàng chục keo nhựa đựng hạt giống, có dán nhãn ghi số cụ thể. Ông giải thích: “Treo lúa lên vậy để tránh chuột bọ, ẩm mốc, còn bỏ vô keo cho dễ phân loại. Nhà khoa học thì có phòng thí nghiệm, tủ chuyên dùng để lưu giữ mẫu giống, mình nông dân cứ theo kiểu dã chiến làm tới”. Điều ngạc nhiên nữa là ông có những sổ sách ghi chép hết sức tỉ mỉ, chính xác về tiến trình phát triển của từng giống lúa. Cách ông chăm chút từng hạt giống hệt như ông bà mình nói “lúa là hạt ngọc”. Để ủ cho hột giống nảy mầm, ông lấy cái đĩa nhỏ, lót trên đó miếng giấy mềm, xốp rồi rưới nước lên cho đủ độ ẩm. Sau đó ông lấy kẹp nhỏ gắp từng hạt, rải đều lên mặt giấy, đậy nắp lại. Khoảng 3-4 ngày sau, hạt nứt nanh, đội giấy chui lên. Lúc này là thời điểm chuẩn bị đưa hạt vô đất, giống như gieo mạ vậy nhưng phải hết sức chăm chút. Theo sách vở, phải lấy đất sình dưới đáy đìa (ao) đưa vô chậu rồi gắp từng hạt găm xuống. Chi li vậy mà giống cũng chết láng! Thế là ông làm theo cách của mình: cũng lấy đất sình dưới đáy đìa vô chậu, nhưng tách ra vài nhúm nhỏ để cạnh những hạt đã nảy mầm trong đĩa. Đều đặn mỗi ngày ông bỏ vô một ít cho tới khi hạt nhú lá mầm, cao dần thành cọng mạ thì đất đìa cũng vừa đầy. Ông bứng cả đĩa, vừa đất sình vừa cọng mạ đưa qua chậu. Chúng sống khỏe và chắc như con nít ở đồng. Ông đúc kết: “Bỏ đất vô gần bên từ lúc hạt mới nhú mầm là để nhử cho nó bén hơi, quen dần với môi trường mới. Chứ đưa từ đĩa qua chậu cái rụp, môi trường thay đổi đột ngột, lúa chết là phải”. Lúc gieo mạ cũng vậy, hồi đầu ông cũng xới đất cho tơi xốp theo sách hướng dẫn, kết quả trớt quớt! Lý do là đất vùng này cứng, lúc nhổ mạ ai nấy đều cong xương sống mà mạ thì đứt hết. Ông lại làm theo cách của mình: xới từng luống đất, lót tro lên cho xốp, lấy thanh tre tấn ngang thành từng ô nhỏ rồi gieo mạ. Tới ngày nhổ, nhờ lớp tro xốp, đất được chia ô nên không bị cứng, người nhổ mạ chỉ việc túm lấy là nó lên dễ dàng. Từ những hạt giống F2 ban đầu, ông Tám gieo cấy ra các thế hệ kế tiếp, từ F3, F4 tới F11, F12... Mỗi thế hệ lại chọn một bông đạt chuẩn hạt bự, đẻ chồi khá, kháng sâu bệnh... Ông tính: “Mỗi vụ bốn tháng cho ra đời một thế hệ, có khi làm tới F12 vẫn chưa chọn được dòng thuần vừa ý, đành phải bỏ, làm lại từ đầu”. Có lúc ông phải mất hơn ba năm mới chọn được giống tốt, đạt chuẩn. Đã vậy, mọi phí tổn ông đều lãnh hết, từ công làm đất, bón phân, chăm sóc, kể cả 14 công đất ruộng nhà được ông dành hết cho nghiên cứu khoa học. Tới nỗi ông Phan Văn Liêm, giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, cũng phải xót: “Chú Tám chấp nhận hi sinh cái riêng của mình để tập trung làm giống. Số kinh phí ít ỏi của viện, trường, trung tâm hỗ trợ chú Tám không thấm vào đâu so với công sức chú bỏ ra. Chỉ có niềm đam mê mới thôi thúc chú hoàn thành công việc, ngoài ra chú chẳng được hưởng gì”. Phóng to Ông Tám ghi chép hết sức tỉ mỉ, chính xác về tiến trình phát triển của từng giống lúa - Ảnh: Chí Quốc Công phu lai tạo “Ông Tám là điển hình của người nông dân say mê nghiên cứu khoa học, tính tình chịu thương chịu khó, miệt mài trên đồng ruộng. Ông là người không giấu dốt hay tự ti, trái lại rất ham học hỏi, tự tin và đã làm việc gì thì làm tới nơi tới chốn. Hiện các giống lúa BL17, BL29, BL46 do ông Tám chọn ra được coi là đứng nhất nhì so với các giống khác ở ĐBSCL” - nhận xét của ông Phan Văn Liêm, giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu. Năm 2002, khi cảm thấy tay nghề của mình kha khá, ông bắt đầu lao vào lai tạo lúa giống. Ông lấy giống jasmine (năng suất cao) lai tạo với VD 20 (thơm ngon nhưng năng suất kém) để cho ra giống vừa thơm ngon vừa có năng suất cao. Ông dùng jasmine làm mẹ, gieo jasmine trong chậu; còn VD 20 thì làm cha, gieo ngoài đồng. Cái khó của việc lai tạo là làm sao chọn đúng thời điểm cây mẹ và cây cha cùng trổ bông một lượt. Rồi còn phải canh chừng thời điểm cả cây mẹ và cây cha nở bông để thụ phấn. Khó hơn nữa là phải thụ phấn nhân tạo để đảm bảo chắc chắn giống rặt. “Ngoài đồng lẫn lộn nhiều giống khác nhau lắm. Nếu không chính tay mình thụ phấn thì coi chừng lẫn lộn giống “ông hàng xóm” thì... kẹt” - ông Tám ví von. Điều khó nhất là phải “khử đực” ngay trong bông lúa của cây mẹ khi nó vừa trổ. Ông Tám giải thích: “Trong mỗi bông lúa lúc còn non, lúc nào cũng có sáu nhị đực trong đó. Thường những nhị đực này tung phấn rồi chúng tự thụ với phần noãn bên dưới, tạo thành hạt lúa. Nó giống như hiện tượng đồng huyết ở động vật, với lúa dùng để ăn thì bình thường. Nhưng nếu muốn lai tạo với giống khác thì phải khử cái nhị đực đó, tức làm cho chúng mất đi. Sau đó mới lấy phấn đực của giống cha (cụ thể ở đây là giống VD 20) phủ lên noãn của giống mẹ. Như vậy mới cho ra giống lúa mới mang đủ đặc điểm thơm ngon của mẹ và năng suất cao của cha”. Để khử đực, ông Tám phải bóc tách từng hạt lúa, dùng kim thật nhỏ lấy nhị đực ra. Việc làm này đòi hỏi hết sức công phu, phải khéo léo làm thật nhẹ để phấn nhị đực không rơi xuống noãn, vừa phải giữ hạt lúa nguyên vẹn. Sau đó, để thụ phấn lúa cha từ bên ngoài cũng phải canh đúng thời điểm hai giống lúa cùng “phát dục” mới cho chúng thụ phấn với nhau. Khó khăn cực khổ vậy mà tới lúc lúa chín chỉ lấy được khoảng 42 hạt (thế hệ F1), coi như xong một vụ bốn tháng. Từ 42 hạt đó phải đợi tới vụ sau mới gieo trồng tiếp, mà chúng cũng sống có 12 cây. Từ 12 cây này tiếp tục nuôi dưỡng, nhân ra nhiều vụ nữa mới được chừng 300-400 hạt giống mới. Lúc này, ông tạm đặt tên nó là BL (Bạc Liêu), đánh số từ 1 tới 50-60... rồi gửi kết quả cho viện, trường. Và rồi nỗ lực của ông cũng đem lại kết quả. Ông Phan Văn Liêm cho biết qua 16 năm làm giống lúa, ông Tám đã chọn được gần 200 giống cho viện, trường, 78 dòng có triển vọng gửi về trung tâm giống tiếp tục khảo nghiệm để công nhận giống quốc gia. Ông cũng đã tạo được 15 giống mang thương hiệu BL khá thích nghi với đồng ruộng Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, năng suất cao, từ 6,5-8,5 tấn/ha, chất lượng thơm, ngon mềm, được nông dân ưa thích và trồng trên diện rộng. Tags: Bạc LiêuĐam mêNgười đương thờiLúa giốngÔng Tám
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đẩy mạnh đột phá về thể chế vì đó là 'đột phá của đột phá' TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 24/01/2025 Chiều 24-1, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sau gần 2 ngày làm việc.
Điều động bí thư Tỉnh ủy Phú Yên làm phó trưởng Ban Kinh tế trung ương NGỌC AN 24/01/2025 Bộ Chính trị có quyết định điều động, phân công, bổ nhiệm ông Phạm Đại Dương - bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - giữ chức vụ phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Cục Điện ảnh yêu cầu cắt cảnh Uyển Ân trong trang phục đạo Mẫu phim Thái 404 Chạy ngay đi Đ.DUNG 24/01/2025 Cục Điện ảnh cho rằng đoạn Uyển Ân trong trang phục đạo Mẫu của người Việt xuất hiện ở phim 404 Chạy ngay đi 'không sai phạm nhưng cắt để tránh gây hiểu sai về ý nghĩa và giá trị di sản'.