Câu chuyện về các cuộc trưng cầu dân ý ở Nouvelle-Calédonie, chỉ rộng 24.000km2 với dân số hơn 270.000 người, rất đáng quan tâm không chỉ do ở đây có một cộng đồng người gốc Việt kha khá (khoảng 2.300 người) - những Việt kiều Tân Đảo - mà còn bởi thực tế mới về việc đối xử với các nhóm dân tộc thiểu số bản địa khi Liên Hiệp Quốc đã có những quy định rõ ràng, nhưng còn ít được biết... Hôm chủ nhật vừa qua 12-12, lá phiếu nói “không” với việc Tân Đảo độc lập chiếm đến 96%, nhưng tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu lại rất thấp, chỉ 43,9% tổng số cử tri đăng ký. Điều này báo trước Tân Đảo sẽ có thể còn “rung rinh” trong thời gian tới, do cả những “yếu tố nước ngoài” chen vào nữa.Phong trào độc lập nhận được sự ủng hộ của nhiều người bản xứ. Ảnh: theconversation.comBa lần trưng cầu dân ý Tân Đảo là một quần đảo trong Thái Bình Dương nằm ở phía đông nước Úc (cách 1.500km) và bắc New Zealand (1.700km), cách Jakarta 6.620km, cách nước Pháp 16.732km (tính từ thủ phủ Nouméa tới thủ đô Paris). Hòn đảo chánh, Đất Lớn (Grande Terre), là một dải đất hẹp, dài 500km, bao quanh là nhóm đảo Loyauté ở phía đông, đảo Cây Tùng ở phía nam, và nhóm đảo Béleps phía bắc.Theo cuộc kiểm tra dân số năm 2019, Tân Đảo có 271.407 người, trong đó: (1) người bản xứ (gọi chung là người Kanak, gồm đến 28 nhóm ngôn ngữ khác nhau) hơn 111.000, chiếm 41,2%; (2) người gốc châu Âu hơn 65.000, 24%; (3) người gốc các đảo Wallis và Futuna chiếm 8,3%; (4) nhóm “còn lại” gồm gốc Tahiti 2,09%, gốc Indonesia 1,44%, Việt 0,93%, châu Á khác 0,44%, tổng cộng chiếm 8% dân số nữa.Bỏ phiếu hay không bỏ phiếu là tình thế lưỡng nan mà hơn 184.000 cử tri Nouvelle-Calédonie phải đối mặt trong cuộc trưng cầu dân ý lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng. Câu hỏi là: “Quý vị có muốn Nouvelle-Calédonie đạt được chủ quyền hoàn toàn và trở nên độc lập không?”.Với chỉ gần 81.000 cử tri đi bỏ phiếu (43,9%), rõ ràng lời kêu gọi tẩy chay của Mặt trận giải phóng dân tộc Kanak và xã hội chủ nghĩa (FLNKS) đã được đáp ứng, chủ yếu bởi đại đa số người Kanak bản địa muốn ly khai khỏi nước Pháp. Tỉ lệ cử tri đi bầu hai cuộc trưng cầu dân ý trước lần lượt là 85,69% (2020) và 81,01% (2018). Chính do phe ly khai tẩy chay, tỉ lệ phiếu “không” lần này mới áp đảo như vậy, các lần trước là 53,3% (2020) và 56,7% (2018). Nhưng bầu cử kết thúc không có nghĩa là đã hết rắc rối...Tại sao lại có ba cuộc trưng cầu dân ý liên tiếp? Số là vào năm 1988, Thỏa hiệp Nouméa giữa đại diện Nhà nước Pháp, người Kanak đòi ly khai, và người muốn ở lại với Pháp, chống độc lập - được Thủ tướng Pháp Lionel Jospin bảo trợ và được phê chuẩn bởi một cuộc trưng cầu dân ý (72% ủng hộ) - đã xác định một quá trình phi thực dân hóa Tân Đảo sau 20 năm.Theo kế hoạch đó, trưng câu dân ý về việc ly khai sẽ diễn ra chậm nhất trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2018. Để bảo đảm sự công bình tương đối, không khiến chủ trương độc lập phôi phai chỉ sau một cuộc bỏ phiếu duy nhất nghiệt ngã, phe đòi ly khai có thể gửi văn bản với chữ ký của ít nhất 1/3 số thành viên nghị viện địa phương yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu khác, và nếu lại thua tiếp, có quyền yêu cầu thêm một lần nữa.Cuộc trưng cầu đầu tiên, cũng là căn bản, diễn ra năm 2018 với kết quả “không độc lập”. Phe ly khai yêu cầu bỏ phiếu lại năm 2020. Do kết quả lại là “không độc lập”, nên ngày 8-4-2021, đại biểu dân cử của các phái ly khai trong nghị viện lại yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân.Nhà nước Pháp đã mời các bên sang Paris họp với Thủ tướng Pháp Jean Castex từ ngày 25-5 tới 3-6, sau đó quyết định sẽ tổ chức bỏ phiếu dưới cái tên chính thức “Tham vấn về việc Nouvelle-Calédonie đạt đến chủ quyền trọn vẹn” vào ngày 12-12, trước cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống Pháp dự kiến tháng 5-2022.Lần này, phe ly khai siết chặt luật bỏ phiếu: chỉ những công dân cư ngụ từ lâu và liên tục từ trước 1994 mới được bỏ phiếu. Nhưng rồi họ thấy cơ hội chiến thắng vẫn rất mong manh, nên viện lý do dịch giã vào giờ chót đòi hoãn, song không được, Nhà nước Pháp trả lời là dịch đã bớt rồi - tính đến ngày 10-12, 64% dân số trên 12 tuổi đã chích xong 2 mũi. Hai chấm màu đỏ là Pháp và Tân Đảo trên bản đồ thế giới. Ảnh: airless-discounter.dePhe ly khai muốn dời sang năm tới để chứng tỏ với cử tri Pháp rằng Tổng thống Emmanuel Macron chỉ có “từ chết tới bị thương” hòng tranh thủ tình cảm cử tri Tân Đảo còn nghiêng ngả, nhưng Nhà nước Pháp đâu có mắc bẫy!Phi thực dân hóaTheo Benoît Trépied, trong cuốn Khảo cứu và phi thực dân ở Tân Đảo đương đại: Các tham khảo chéo, ở khu vực châu Đại Dương và Nam Thái Bình Dương đang có 16 quốc gia có chủ quyền và 11 lãnh thổ không tự chủ là Hawaii, Samoa, Guam và quần đảo Bắc Mariana (đều thuộc Mỹ), Nouvelle-Calédonie, Polynesia, và Wallis và Futuna (Pháp), Tokelau (New Zealand), Pitcairn (Anh), đảo Phục Sinh (Chile) và Tây Papua (Indonesia). Nouvelle-Calédonie có quy chế gần như Hawaii hay Guam với Mỹ.Phi thực dân hóa vốn là chủ đề nóng bỏng, theo cả nghĩa đen, ở châu Phi và châu Á hậu Thế chiến II. Nhưng từ sau những năm 1960 đã bớt sôi sục, do hầu hết các dân tộc lớn thuộc thế giới thứ ba đều giành độc lập theo cách này cách khác, và những vấn đề khác cấp thiết hơn thay thế, như phát triển, tham nhũng, toàn cầu hóa...Trong bối cảnh đó, theo tác giả Trépied, LHQ đã ra hai văn bản tối quan trọng: Tuyên ngôn về việc trao độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa ngày 14-12-1960, trong đó ấn định các hoạt động của Ủy ban Đặc biệt về phi thực dân hóa, và Tuyên ngôn về quyền của người bản địa ngày 13-9-2007. Đại hội đồng LHQ cũng tuyên bố năm 1993 là năm quốc tế về các dân tộc bản địa.Trong chiều hướng “hậu thuộc địa” ở châu Đại Dương, vấn đề phi thực dân hóa tuy vẫn mang tính thời sự cấp thiết, song đã mở rộng, chớ không chỉ đóng khung trong câu hỏi về độc lập nữa. Tình hình phức tạp khi quyết định còn liên quan đến cấu trúc các quan hệ xã hội. Từ năm 2003, Umberto Cugola, trong biên khảo “Quan điểm về phi thực dân hóa ở Nouvelle-Calédonie” đã nhấn mạnh: “Có cả một vực sâu giữa “nghèo” (tức thiếu những sản phẩm tiêu dùng) và “khổ” tức thiếu những gì cần thiết tối thiểu (ăn, uống, chữa bệnh...)” ở các cựu thuộc địa.Trên cơ sở đó, tác giả nêu câu hỏi “hiện sinh” với phong trào ly khai thiên tả FLNKS ở Nouvelle-Calédonie: “FLNKS và sự thể chế hóa tổ chức này trong quá trình phi thực dân hóa: phong trào giải phóng dân tộc hay phong trào xã hội?”. Đây là một câu hỏi khách quan chớ không mang tính vị-mẫu quốc, phỉ báng “dân bản xứ” từ một nhà nghiên cứu vốn từng trình luận án tiến sĩ có đề tài “Các mâu thuẫn văn hóa của sự phát triển: bộ tộc La Conception ở Nouméa, Nouvelle-Calédonie”.Tương lai trước mắt hậu trưng cầu dân ý của Tân Đảo sẽ nhiều bất trắc, và “độc lập” hiểu đơn thuần là tách ra khỏi nước Pháp chưa chắc đã đúng đắn, nhất là trong bối cảnh tình hình khu vực đang rất phức tạp. Mâu thuẫn nội bộ, trong khi đó, vẫn chưa nguôi. “Sự ngoan cố của Nhà nước [Pháp] có thể dẫn đến một tình huống căng thẳng nguy hiểm cho hòa bình dân sự”, Charles Washetine, người phát ngôn của phe đòi độc lập, cảnh báo.Phe muốn ở lại nước Pháp thì nhất định gắn tương lai của Nouméa với Paris, và họ có lý của mình, thể hiện qua cả các lá phiếu của cử tri. “Đó là một vấn đề sống còn. Cuộc khủng hoảng COVID cho thấy sự phụ thuộc rõ rệt của chúng tôi”, dân biểu Hạ viện Pháp đại diện Nouvelle-Calédonie, Philippe Gomès, lập luận. Người dân Tân Đảo đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về độc lập. Ảnh: EuronewsNgày mai sẽ ra sao?Phán quyết công nhận kết quả trưng cầu dân ý đã được Tổng thống Pháp Macron đưa ra ngay tối bỏ phiếu, kèm bình luận: “Hôm nay, nước Pháp mới đẹp làm sao”. Ông đang rất cần một Nouvelle-Calédonie ổn định để có thể mạnh mẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống tháng 5-2022 sau các sự cố với Úc, Mỹ và vụ hụt mất hợp đồng bán tàu ngầm ở khu vực này, khi căng thẳng địa chính trị ở đây đang gia tăng.“Tại khu vực này, Trung Quốc đang từng bước xây dựng quyền bá chủ của mình”, ông Macron mới đây cảnh báo sau khi từng cảnh báo y hệt vào tháng 5-2018, 5 tháng trước cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên.Thật ra, việc Bắc Kinh thò tay vào châu Đại Dương đã diễn ra từ lâu. Năm 1976, 6 năm sau khi quần đảo Fiji độc lập, Trung Quốc bắt đầu dệt mạng lưới ngoại giao của mình ở Thái Bình Dương. Năm 1989, họ trở thành đối tác đối thoại của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, tổ chức chính trị khu vực đầu tiên, quy tụ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Nhưng mọi chuyện đặc biệt tăng tốc từ khi Trung Quốc ký quan hệ đối tác chiến lược với các quốc đảo Thái Bình Dương vào năm 2015.Liên quan đến Nouvelle-Calédonie, vài ngày sau cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên, Chủ tịch Trung Quốc phát biểu tại Papua New Guinea, trong Diễn đàn các nền kinh tế APEC, mong muốn về “một nền kinh tế cởi mở hơn ở châu Đại Dương”. Trung Quốc còn thể hiện rõ ý muốn tăng cường hiện diện ở Thái Bình Dương bằng Con đường Tơ lụa trên biển Nam Thái Bình Dương.Song song với sự cảnh giác của nước Pháp, nước Úc cũng không kém, khi cường quốc số 1 ở châu Đại Dương cũng là quốc gia hục hặc với Trung Quốc nhiều nhất thời gian qua. Trước sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, Úc và cả New Zealand, đã nhiều lần khẳng định sự hiện diện của Pháp - mà rõ ràng và trực tiếp nhất là ở Tân Đảo - là cần thiết cho sự ổn định của khu vực trọng yếu này. Tân Đảo, cách Úc 1.500km, là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Pháp ở Thái Bình Dương, ngay cửa ngõ đầu tiên trước khi tới Đông Á và Đông Nam Á từ hướng đông. Vị trí chiến lược của nó không cần nói cũng hiểu.Không chỉ ở Thái Bình Dương, các nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc diễn ra cấp tập tại nhiều vùng lãnh thổ hay cựu thuộc địa khác, bao gồm ở Caribe, châu Mỹ Latin, và đặc biệt là châu Phi. Thật ra, có nước nào khi có của ăn, của để rồi mà không tìm cách vươn vai ra xa? Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ ra nước ngoài trong tâm thế nào, bởi có một điều chắc chắn: tư duy thuộc địa kiểu cũ, và cả kiểu mới, ngày nay đã không còn hợp thời nữa rồi! Những người “chân đăng”Những người Việt đầu tiên ở Tân Đảo bắt đầu từ năm 1891, chủ yếu là tù nhân hình sự được chuyển tới từ Côn Đảo. Tượng người "chân đăng" ở Tân Đảo. Ảnh: dvan.orgĐến năm 1895, chính quyền thuộc địa bắt đầu tuyển mộ phu tự do sang làm việc chủ yếu tại các mỏ kền (nickel), khởi hành từ cảng Hải Phòng - họ được gọi là “chân đăng” (“pied engagé”), tức dân được đăng mộ. Họ được thuê làm việc trong 5 năm, có thể được gia hạn, rồi sẽ hồi hương. Dòng người này nối dài tới những năm 1930. Từ năm 1946, sau khi luật chế độ bản xứ, vốn hạn chế quyền tự do của người không phải gốc Âu, bị bãi bỏ, những người “chân đăng” mới có thể “ngóc đầu”, học hành và gia nhập nhóm xã hội gốc Âu (gọi là người Caldoche). Tags: Trung QuốcĐộc lậpThuộc địaTrưng cầu dân ýTân ĐảoNew CaledoniaNouvelle-CalédoniePhi thực dân hóaChâu Đại Dương
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.