
Thu hoạch rau tại một cơ sở trồng rau sạch ở Đồng Nai - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đọc bài "Nông dân lại gặp khó với giá kali, DAP" đăng trên Tuổi Trẻ ngày 1-4, tôi có mấy ý kiến từ góc nhìn người làm nông dùng phân bón hữu cơ.
Tỉ lệ phân bón hữu cơ sử dụng còn thấp
Làm nông nghiệp sạch, nông sản chất lượng cao thì điều kiện tiên quyết là phải bón phân hữu cơ. Nhưng có một thực trạng: nông dân muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ mà ngại bón phân hữu cơ.
Thực tế những loại phân bón được nông dân sử dụng hiện nay đa phần là phân bón hóa học. Khi giá phân kali và DAP tăng cao, nông dân đương nhiên lại gặp khó, lại lệ thuộc vào giá phân bón thế giới.
Theo số liệu công bố của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tại hội nghị phát triển phân bón hữu cơ để phục vụ ngành nông nghiệp Việt Nam vừa qua tại Hà Nội cho thấy, bình quân mỗi năm ngành nông nghiệp có nhu cầu tiêu thụ tới 11 triệu tấn phân bón.
Trong đó, chỉ có khoảng 1 triệu tấn phân hữu cơ (gần 10%).
Trong khi nền nông nghiệp một số quốc gia trên thế giới hiện nay như Nhật, Mỹ, Úc, Do Thái... đã sử dụng đến 40% phân hữu cơ.
Những "nông dân tri điền" đều hiểu sử dụng phân vô cơ lâu dài tác động xấu đến chất lượng nông sản và năng suất giảm dần về lâu dài.
Tuy nhiên người nông dân có quán tính lâu đời là thích "trồng cây tốt hơn cây khỏe". Ra miếng vườn, thửa ruộng không thấy cây trồng có màu xanh mượt mà, cành lá óng ánh, bông trái cong oằn thì không chịu.
Thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy nhiều nông dân không ngại bón phân đạm từ 300 - 350kg/ha, thay vì chỉ cần khoảng 240kg/ha là đủ.
Sự phí phạm này dẫn đến nhiều phí phạm khác, khi phải sử dụng tiếp thuốc trừ sâu, bệnh hại phát sinh sau đó. Hậu quả là nâng cao giá thành sản phẩm, sản phẩm có nguy cơ tồn dư độc chất, khó xuất khẩu, giảm lợi nhuận.
Thực tế cũng đã chứng minh nếu dùng phân hữu cơ, đất trồng ngày càng trở nên màu mỡ do sự phát triển hệ vi sinh vật, sẽ có nông sản chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn nhập khẩu ngày càng cao của thị trường thế giới.
Phân vô cơ làm cây lúa dễ đổ ngã khi mưa bão. Trong khi nếu bón phân hữu cơ, tỉ lệ này rất nhỏ. Những phế phẩm như rơm rạ nếu được tận dụng sẽ trả lại dinh dưỡng cho đất thay vì bị phí phạm.
Theo thống kê có tới hơn 200 triệu tấn rơm rạ thành khói khi đốt đồng. Chưa kể hệ lụy đốt đồng gây ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông...
Bí quyết giúp nông dân mặn mà với nông nghiệp xanh
Để nông dân mặn mà hơn với nông nghiệp hữu cơ, thoát khỏi ảnh hưởng bởi giá phân vô cơ (có khuynh hướng ngày càng tăng), rất cần có nhiều biện pháp vận động cũng như hỗ trợ nông dân sử dụng phân bón hữu cơ.
Bên cạnh đó, cần thêm nhiều biện pháp vận động, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ. Sản phẩm đăng ký sản xuất phân bón hữu cơ chỉ chiếm khoảng 5% là quá ít trong xu hướng tiến tới một nền nông nghiệp sạch, hữu cơ và chất lượng cao.
Tất nhiên là không thể vận động một cách chung chung. Doanh nghiệp nên sản xuất nhiều loại phân bón hữu cơ và nông dân nên dùng phân hữu cơ. Phải có những cam kết ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ cũng như tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Và điều cốt lõi nằm ở đầu ra: thị trường và giá cả nông sản hữu cơ cần được tốt hơn hiện tại.
Ngành nông nghiệp và công thương phải có sự phối hợp gắn kết với nhau trong việc phát triển nông nghiệp theo định hướng sạch, hữu cơ và an toàn. Trong đó không thể thiếu nhiệm vụ trung tâm là làm cầu nối cho nông dân và doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận