TTCT - Thái Bình Dương đang có vẻ yên ổn hơn cách đây chục năm: chỉ có vài va chạm nhẹ, đây đó nổi lên những kết giao và thông điệp hữu nghị. Song, vẫn có những chuẩn bị cho những tính toán khôn lường. Tàu hộ tống Vận Thành của Trung Quốc phóng tên lửa chống ngầm trong diễn tập quân sự ở vùng nước phía nam đảo Hải Nam. Ảnh: Tân Hoa xãQuả thật, trong tháng 2 năm nay, hầu như cùng lúc đã diễn ra hai cuộc tập trận bắn đạn thật của hải quân Trung Quốc ở khu vực biển Tasman giữa Úc và New Zealand trong các ngày 21 và 22-2 bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của hai nước này, và sau đó từ ngày 24-2 tới tối 27-2 ở vịnh Bắc Bộ, gần phía Trung Quốc. Vụ đầu tiên gần Úc và New Zealand không êm ả vì bị cho là không thông báo trước, vụ sau thì được biết là Cục An toàn hàng hải Trung Quốc có thông báo trước tập trận bắn đạn thật.Kẽ hở trên đại dương10 ngày sau khi cuộc tập trận của Trung Quốc ở gần Úc và New Zealand kết thúc, nhật báo The Interpreter (Úc) 4-3 phân tích kẽ hở pháp lý trong các vụ tập trận bắn đạn thật này. Tờ báo đặt vấn đề: Do Úc liên tục viện dẫn luật pháp quốc tế và "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" liên quan đến các sự kiện này, nên cần coi lại chính xác luật pháp quốc tế nói gì.Tờ báo nhắc rằng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 nêu rõ một trong những quyền tự do trên biển cả là quyền tự do hàng hải. Dù Công ước 1982 nói chung không đề cập đến các hoạt động của tàu chiến trên biển cả, nhưng có nhiều thông lệ quốc gia chấp nhận rằng tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật là hợp pháp lý trong quyền tự do trên vùng biển cả.Bài viết thừa nhận hải quân Trung Quốc đã không tìm cách tiến hành tập trận bắn đạn thật trong vùng EEZ của Úc và New Zealand là phù hợp với cách tiếp cận "bảo thủ", hiểu nôm na là "không vượt rào". Tuy nhiên, tờ báo này đặt vấn đề: Nếu Trung Quốc đã thể hiện rõ ràng ý định và khả năng tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vùng biển đó thì cũng phải dự trù việc thông báo trước cho bàn dân thiên hạ, chớ đừng lẳng lặng tiến hành.Đây chính là khe hở tổ bố trong công pháp trên biển mà Úc và New Zealand muốn đóng lại. Không dừng ở đó, tờ báo này gợi ý Trung Quốc nên thông qua các tổ chức quốc tế có liên quan, chẳng hạn như Tổ chức Hàng hải quốc tế và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, để có thể đạt thỏa thuận về các yêu cầu thông báo tối thiểu trước tập trận bắn đạn thật.Chưa hết, tờ báo này đặt vấn đề "có đi có lại" trong việc tổ chức tập trận bắn đạn thật, và khẳng định luôn rằng "quyền tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển cả là có đi có lại", tức "nếu Trung Quốc có thể tiến hành các cuộc tập trận như vậy ở vùng biển Tasman thì Úc và New Zealand cũng có thể làm như vậy ở các vùng biển cả khác gần Trung Quốc".Không ảnh căn cứ Ream. Ảnh: Ủy ban An ninh hàng hải quốc gia CampuchiaVề căn cứ ReamMột sự kiện khác cũng theo kiểu "thăm dò phản ứng thiên hạ" đã được tiến hành, lần này qua trung gian một nước Đông Nam Á. Đó là việc chính quyền Campuchia được cho là mở cửa quân cảng Ream cho hải quân Trung Quốc sau khi cảng này được Trung Quốc giúp xây mới sau khi phá bỏ các tiện nghi trước kia do Mỹ xây dựng. Theo tờ Phnom Penh Post 18-3, vấn đề là "một số nước phương Tây trước đây đã cáo buộc căn cứ hải quân Ream đang được nâng cấp để cung cấp quyền hoạt động độc quyền cho hải quân Trung Quốc, vì công việc này được Trung Quốc hỗ trợ".Tờ báo giải thích: "Chính phủ Campuchia đã nhiều lần bác bỏ những tuyên bố như vậy, lưu ý rằng việc nâng cấp không gây ra mối đe dọa nào với an ninh khu vực". Tờ báo dẫn chứng rằng đầu tháng 10-2024, tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol đã trấn an cử tọa rằng Trung Quốc đúng là có hỗ trợ Campuchia hiện đại hóa căn cứ Ream, nhưng việc này là "để Campuchia phòng thủ, chứ không phải để Trung Quốc sử dụng cho mục đích quân sự hay chống lại bất kỳ quốc gia nào khác". Ông này cũng khẳng định rằng sau khi nâng cấp căn cứ xong, hải quân từ bất kỳ quốc gia nào, bao gồm cả Hoa Kỳ, đều được chào đón.Tờ Khmer Times trích lời tướng Vong Pisen, tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia, tuyên bố với đại tá Hara Takashi, tùy viên quân sự Nhật Bản tại Campuchia, rằng Campuchia sẽ cho phép tàu Nhật Bản cập cảng Ream sau khi cảng này được khánh thành vào đầu tháng 4-2025. Tướng Pisen lưu ý rằng việc Campuchia "dành ưu tiên cho tàu Nhật Bản xuất phát từ lập trường của cấp cao hai chính phủ nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, sự tin tưởng lẫn nhau và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện".Tướng Pisen cũng loan báo sau khi mở cửa, cảng sẽ mở cửa cho tàu từ các quốc gia khác đến thăm hoặc tập trận chung. Chưa hết, trong cuộc gặp với cố vấn an ninh quốc gia Nhật Bản vào tháng 12-2024, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen đã tuyên bố một tàu Nhật sẽ là tàu nước ngoài đầu tiên cập cảng căn cứ Ream.Sở dĩ có những thị phi xoay quanh căn cứ Ream là do có tin Trung Quốc quyết định cung cấp hai tàu hộ tống Type 056C, theo yêu cầu của Campuchia, để "tăng cường năng lực hải quân của quốc gia này", dự kiến sẽ được bàn giao trong năm 2025. Chưa hết, nghi kỵ bắt đầu từ vụ hai tàu chống ngầm Type 056A Trung Quốc neo đậu dài hạn tại cầu tàu mới xây dựng tại cảng Ream kể từ đầu tháng 12-2023. Sự xuất hiện của những tàu này làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc muốn sử dụng cảng Ream làm bàn đạp để khẳng định quyền kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng.Tàu chiến Trung Quốc Hengyang tham gia cuộc tập trận gần Úc và New Zealand. Ảnh: AFPTừ Singapore, các nhà quan sát ghi nhận rằng đây là nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong bối cảnh lệnh cấm vận vũ khí của Hoa Kỳ có hiệu lực từ năm 2021 đối với Campuchia. Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp thiết bị quân sự hiện đại chính của Campuchia. Ngoài hai tàu nói trên (hải quân Campuchia vốn trước đó chỉ có các tàu loại nhỏ đi trên sông, tiểu đĩnh), có thể nêu hệ thống tên lửa phóng loạt PHL-03, pháo tự hành SH-1 vào năm 2022 và hệ thống phòng không KS-1A (tên lửa đất đối không) vào năm 2023 mà Campuchia đã mua của Trung Quốc, nhà nghiên cứu quốc phòng Vithoureakborndidh Chou nhấn mạnh trên website Fulcrum của Singapore. Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý rằng sau này quan hệ Campuchia với Mỹ đã có thay đổi sau chuyến thăm Campuchia của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào tháng 7-2024.Các hoạt động khácTrong bối cảnh đó, hôm 21-3, AMTI ghi nhận trong một báo cáo rằng kể từ lần cập nhật gần đây nhất của họ vào tháng 6-2024, khu vực tranh chấp trên Biển Đông đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, Trung Quốc đã mở rộng thêm ra một diện tích 4.650 mẫu Anh (gần 1.882ha) so với nguyên trạng.Cũng trong khoảng thời gian cuộc tập trận gần Úc và New Zealand, theo Học viện Hải quân Mỹ (USNI), Trung Quốc đã tiến hành tập trận bắn đạn thật có thông báo trước ở vịnh Bắc Bộ tại một khu vực gần phía Trung Quốc.Trong những diễn biến khác, máy bay và UAV Trung Quốc đã thực hiện các chuyến bay qua eo biển Miyako và phía đông Okinawa trong tuần lễ đó, theo thông cáo từ Bộ Chỉ huy hỗn hợp Nhật Bản (JSO) hôm 24-2 được USNI trích lại. Theo JSO, vào sáng và chiều ngày hôm đó, một máy bay tình báo điện tử (ELINT) Y-9 của không quân Trung Quốc đã bay vào biển Hoa Đông, rồi qua vùng biển giữa đảo Miyako và Okinawa, trước khi bay về phía đông bắc qua biển Philippines, song song với bờ biển Okinawa, xong lộn lại cũng qua đường giữa đảo Miyako và Okinawa để trở về biển Hoa Đông.Cùng ngày, một chiếc UAV trinh sát/tấn công GJ-2 của quân đội Trung Quốc, còn được gọi là Wing Loong 2, đã bay từ biển Hoa Đông, theo một lộ trình tương tự chiếc Y-9, đến vùng biển ngoài khơi Amani Oshima trước khi quay trở lại biển Hoa Đông. Theo JSO, đây là lần đầu tiên UAV Wing Loong 2 được phát hiện trên tuyến đường bay như vậy.JSO cũng tuyên bố để đáp trả hai chuyến bay do thám, Bộ Tư lệnh phòng không Tây Nam của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) đã điều động các máy bay chiến đấu lên để ứng phó.Cũng theo USNI, hôm thứ ba 25-2, Đài Loan đã bắt giữ một tàu chở hàng có liên quan đến Trung Quốc, treo cờ Togo và có 8 thủy thủ đoàn là công dân Trung Quốc. Tàu Hong Tai 58 này bị nghi ngờ có liên quan đến vụ cắt đứt cáp thông tin liên lạc dưới nước giữa quần đảo Bành Hồ, nằm ở eo biển Đài Loan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố không nắm rõ tình hình và đây không phải là vấn đề đối ngoại, ngụ ý Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc.Cuối cùng, ở châu Mỹ Latin, trong vùng EEZ của Peru, Chile, Ecuador, Argentina và Brazil, khoảng 400 tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU), theo thông cáo từ diễn đàn Đối thoại châu Mỹ Diaologo-Americas ngày 4-2.■ Tàu bè Trung Quốc cũng sẽ thuận lợi hơn trên đường đến cảng Gwadar, trên bờ biển Makran của Balochistan, tỉnh lớn nhất Pakistan, cửa ngõ vào Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), tuyến đường dự kiến sẽ nối Kashgar ở Tân Cương với Gwadar. Ông Hà Lập Phong, chủ tịch Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc, phát biểu: "Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan là một mắt xích quan trọng trong chuỗi sáng kiến Vành đai và Con đường và sẽ tạo điều kiện cho Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21". CSIS đã gọi cảng Gwadar là hạt trai mới của "chuỗi ngọc trai Trung Quốc trong Ấn Độ - Thái Bình Dương". Gwadar trước đó chỉ là một cụm làng chài nhỏ cách cảng Chabahar của Iran 172km. Bạn đang đọc trong chuyên đề "Biển Đông Tiếp theo Tags: Tàu bè Trung QuốcẤn Độ - Thái Bình DươngNew zealandÚcĐại dương
Một lịch sử sơ lược địa lý hành chánh Việt Nam: Có bao nhiêu cách gọi tỉnh? PHẠM HOÀNG QUÂN 31/03/2025 2641 từ
Giá vàng bất ngờ sập mạnh ÁNH HỒNG 01/04/2025 Cuối ngày 1-4, giá vàng trong nước bốc hơi nửa triệu đồng/lượng sau khi xuất hiện dấu hiệu điều chỉnh giá vàng thế giới.
Lần đầu tiên Đại sứ Mỹ Marc Knapper đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp QUỐC NAM 01/04/2025 Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Novaland tăng thù lao cho ông Bùi Thành Nhơn, CEO Vinhomes nhận thu nhập gần 18 tỉ BÌNH KHÁNH 01/04/2025 Nhiều công ty trong ngành bất động sản, xây dựng công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, qua đó tiết lộ thu nhập lãnh đạo quản lý. Việc trả thù lao ở Novaland cũng hé lộ, trong đó thù lao cho ông Bùi Thành Nhơn đã được tăng lên.
Thượng nghị sĩ Mỹ phát biểu chỉ trích ông Trump suốt đêm THANH BÌNH 01/04/2025 Ông Cory Booker, thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, có bài phát biểu nhiều giờ chỉ trích những hành động 'vi hiến' của Tổng thống Trump vào cuối ngày 31-3, và đến sáng 1-4 (giờ địa phương) vẫn chưa ngừng nói.