Thương chiến Mỹ - Trung: Đình chiến

THANH TUẤN 18/05/2025 07:05 GMT+7

TTCT - Sau hai ngày đàm phán cấp cao ở Thụy Sĩ cuối tuần rồi, Mỹ và Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp giảm căng thẳng thuế quan.

M - Ảnh 1.

Hai trưởng phái đoàn đàm phán của Trung Quốc và Mỹ: Hà Lập Phong và Scott Bessent. Ảnh: China Academy

Trong tuyên bố chung được dàn xếp khéo léo, Mỹ đồng ý giảm mức thuế lên hàng Trung Quốc từ 145% xuống chỉ còn 30% trong 90 ngày, trong khi Bắc Kinh giảm thuế với hàng Mỹ xuống còn 10%, để chờ thương lượng tiếp.

Chỉ vài ngày trước, thỏa thuận này dường như không tưởng. Tuyên bố hôm 12-5 làm ngỡ ngàng giới đầu tư và doanh nghiệp, vốn đang ngày ngày lo lắng thương chiến leo thang. Cả Mỹ và Trung Quốc đã tạm thời ngưng chiến và quyết định của ông Tập Cận Bình giữ lập trường cứng rắn với ông Donald Trump có vẻ cuối cùng đã đi đến thành công.

Kết quả vượt kỳ vọng với Trung Quốc

Hai nền kinh tế gỡ hầu hết các sắc thuế đã áp kể từ đầu tháng 4, khi cuộc chiến leo thang đe dọa kinh tế Trung Quốc, gây nguy cơ lạm phát ở Mỹ và làm xáo trộn thị trường toàn cầu. Giới phân tích nói kết quả tốt hơn nhiều so với kỳ vọng lúc đàm phán bắt đầu.

Phát biểu tại họp báo ở Geneva, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói Mỹ muốn "thỏa thuận thương mại lâu dài và bền vững" với Trung Quốc, và khẳng định cả hai bên đều không mong muốn phân tách hoàn toàn hai nền kinh tế. 

Sự xuống thang nhanh chóng vượt nhiều kỳ vọng của Trung Quốc, trong khi đồng USD và chứng khoán tăng mạnh, giúp ông Trump bớt áp lực từ thị trường giữa lúc các tín hiệu về lạm phát bắt đầu tăng lên.

Theo các chuyên gia, Bắc Kinh gần như đạt được toàn bộ các yêu cầu cốt lõi. Mức thuế "đối ứng" ông Trump áp đã được tạm hoãn, đưa thuế với Bắc Kinh về ngang mức 10% với Anh, đồng minh lâu năm của Mỹ (mức 30% là tính cả mức thuế liên quan fentanyl từ trước). 

Mỹ cũng nhượng bộ Bắc Kinh khi chấp nhận cơ chế đàm phán với người đứng đầu là Bộ trưởng Bessent. Hai bên đồng ý có các "biện pháp quyết liệt" để chặn ma túy fentanyl - điều có thể khiến Mỹ gỡ thêm 20% thuế nữa.

"Đây có lẽ là kết quả tốt nhất mà Trung Quốc có thể kỳ vọng: Mỹ đã nhượng bộ - Bloomberg trích lời Trey McArver, đồng sáng lập hãng tư vấn Trivium China - Điều này giúp Trung Quốc tự tin họ có lợi thế trước Mỹ trong bất cứ đàm phán nào". 

Dan Ives, nhà phân tích của Wedbush Securities, thì nói mức giảm thuế là "kịch bản trong mơ" khi ông Trump mấy ngày trước còn nói mức thuế 80% với hàng hóa Trung Quốc "có vẻ là chuẩn".

Cứng rắn xuyên suốt

Ông Tập thể hiện thông điệp cứng rắn ngay từ khi ông Trump nâng mức thuế lên cao nhất trong 100 năm qua. Khác các lãnh đạo khác, ông từ chối mọi đề nghị điện đàm liên tiếp của ông Trump. Bắc Kinh cũng gọi mức thuế ông Trump áp là "trò đùa" và tuyên bố sẽ "chiến đấu tới cùng".

Trung Quốc sau đó lựa chọn giảm lãi suất và có một loạt biện pháp củng cố nội lực. Cùng lúc, họ cử các nhà ngoại giao đi khắp thế giới đàm phán mở thị trường mới cho hàng Trung Quốc và chỉ trích Mỹ "bắt nạt" - biện pháp hiệu quả khi nhiều nước cùng bị Mỹ áp các mức thuế quan khác nhau.

Dù Trung Quốc bắt đầu thấm đòn khi các nhà máy giảm công suất, ông Tập lại được sự ủng hộ lớn của người dân giữa làn sóng chủ nghĩa dân tộc lên cao, cổ xúy ông cứng rắn với Washington. 

Ngược lại, ông Trump chịu áp lực rất lớn từ giới doanh nghiệp, tài phiệt, vận động hành lang và thậm chí là cả thành viên Đảng Cộng hòa lo sợ mất ghế trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm tới.

"Bài học ở đây là sức mạnh kinh tế mang tính quyết định - theo Gerard DiPippo, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu RAND về Trung Quốc - Với Bắc Kinh, đây là sự khẳng định về mặt chiến lược: ông Tập tập trung vào sản xuất và tự chủ hợp lý, đặc biệt trên góc độ an ninh kinh tế".

Một loạt nhượng bộ

Khi đàm phán được công bố tuần trước, lựa chọn Geneva đã được coi là nhượng bộ của Mỹ. Trung Quốc từ lâu vẫn muốn đàm phán sâu tiến hành ở nơi kín đáo, tránh máy quay và truyền thông. 

Theo chuyên gia George Saravelos của Deutsche Bank, sự hòa hoãn này đáng chú ý khi ông Trump không "cướp cò" tuyên bố trước bất kỳ điều gì trên mạng xã hội. "Tất cả chỉ dấu cho thấy đàm phán tiến hành theo hướng hòa hoãn và tôn trọng", tức đúng yêu cầu của Bắc Kinh.

Về phía Trung Quốc, Phó thủ tướng Hà Lập Phong đồng ý bỏ các biện pháp "phi thuế quan" kể từ hôm 2-4, dù không nói chi tiết thêm. Việc gỡ bỏ hạn chế về xuất khẩu đất hiếm là ưu tiên của Nhà Trắng trước áp lực từ một loạt hãng đang cần nguyên liệu này cho sản xuất. 

Bắc Kinh cũng không cam kết mua thêm hàng Mỹ, dù ông Bessent nói các thỏa thuận mua sắm sẽ diễn ra sau. Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer cho biết chuyện buộc Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ "chưa được bàn thảo".

Thực tế áp lực với kinh tế Trung Quốc là tương đối rõ khi xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 4 đã giảm tới 21%. Kể cả có giãn thuế, đà suy yếu này dự kiến còn tiếp tục. 

Trung Quốc giờ có ba tháng để đạt thỏa thuận toàn diện hơn với Mỹ nhằm cân bằng thương mại trong khi vẫn bảo vệ các lợi ích của mình. Kể từ nhiệm kỳ đầu của Trump, Bắc Kinh đã triển khai các biện pháp nhằm giảm phụ thuộc thị trường Mỹ và tiến hành mua nông sản thay thế hàng Mỹ từ các đối tác khác như Brazil.

Giống nhiệm kỳ đầu của Trump, Trung Quốc không nhượng bộ các vấn đề quan trọng về kinh tế hay chính trị như việc các doanh nghiệp nhà nước vận hành thế nào, theo Song Hong, phó giám đốc Viện kinh tế tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc. 

Dong Yan, giám đốc khoa thương mại tại một viện khác của học viện này, nói đây là tiến triển tốt nhưng vẫn cảnh báo ông Trump có thể tăng thuế lại: "Chúng tôi có bài học từ Trump 1.0 là đàm phán thuế có thể thụt lùi". 

Việc giảm thuế sẽ giúp Trung Quốc có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5% năm nay. Ngân hàng ING đã nâng dự báo GDP nước này lên 4,7% sau thỏa thuận và dự đoán xuất khẩu tháng 5 và 6 có thể tăng mạnh trở lại.

Rủi ro lớn với cả hai bên

Giai đoạn hoãn thuế cũng có thể dẫn tới việc đặt và chuyển nhiều hàng sớm sang Mỹ hơn, theo Robin Xing, kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc ở Morgan Stanley. Ông cảnh báo "rất khó để có giải pháp bền vững trong bối cảnh quan hệ song phương phức tạp hiện nay". 

Theo bà Alicia Garcia Herrero, kinh tế trưởng về châu Á - Thái Bình Dương của Natixis, dù giảm thuế là diễn biến tích cực, Trump vẫn nói thế giới không còn giai đoạn "toàn cầu hóa tuyệt vời nữa". "Nên phân nhánh một cách từ từ, ổn định và tử tế thay vì đánh nhau như cách chúng ta làm ngay trước cuộc đàm phán diễn ra ở Geneva", bà nói.

Cho tới trước đàm phán, cả hai bên đều thể hiện hình ảnh tự tin mình ở cửa trên, nhưng rủi ro với cả hai bên đều lớn. Cuộc thương chiến đã làm chấn động thị trường tài chính, gây nguy cơ thiếu hụt hàng hóa, giá cả cao với người tiêu dùng Mỹ, gây áp lực khiến ông Trump phải tìm lối ra. 

Lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách củng cố nền kinh tế trước đàm phán, nhưng số liệu cho thấy Bắc Kinh cũng suy yếu nhiều nếu Mỹ thực sự áp thuế.

Thương chiến buộc Bắc Kinh phải mở rộng thương mại sang các thị trường khác, khi xuất khẩu sang Mỹ đã rớt tới 21%. Số liệu thương mại hôm 9-5 cho thấy lượng hàng từ đại lục sang EU đã tăng thêm 8%, hàng xuất vào Đông Nam Á tăng 21%. 

Thị trường Trung Quốc vẫn chủ yếu là các số liệu sản xuất ảm đạm, làn sóng giảm phát và việc làm khó khăn. Tình hình khó cải thiện khi cạnh tranh trong nước ngày càng khốc liệt và thị trường lao động tăng trưởng yếu.

Kinh tế Mỹ hiện vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt, nhưng giới phân tích cảnh báo các kệ hàng trống sẽ xuất hiện nhiều trong các tuần và tháng tới. Việc làm trong các ngành như vận tải, logistics và bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng. Cục Dự trữ liên bang (FED) cảnh báo về tình trạng bấp bênh ngày càng rõ.

Với Trung Quốc, thương chiến có thể đe dọa hàng triệu việc làm trong mảng sản xuất hàng phục vụ thị trường Mỹ. Trung Quốc cũng lo lắng không tiếp cận được một số hàng hóa họ cần như máy bay Boeing, linh kiện máy bay và một số loại chip nhất định. 

Hàng hóa xuất xưởng ở Trung Quốc đã giảm trong hơn hai năm liên tiếp do sản xuất đang vượt cầu thị trường - xu thế giảm phát sẽ còn tệ nữa nếu thương chiến leo thang. Với Bắc Kinh, đây không đơn thuần là thương chiến, theo Regina Ip, nghị sĩ của Hong Kong, mà là mối đe dọa sống còn. 

"Trung Quốc sẽ quyết cắn răng chịu đựng - "không được quỳ" - họ rất cứng rắn - bà nói - Nhưng cả hai sẽ phải tính toán rất cẩn thận. Họ sẽ phải đi từng bước để không leo thang". ■

Dù tâm lý chung ở Trung Quốc là thở phào, Larry Hu, kinh tế trưởng về Trung Quốc ở Macquarie Group, ước tính mức thuế 30% sẽ khiến xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vẫn giảm 36% trong 12 tháng tới. Theo Scott Kennedy của CSIS, việc chính quyền Trump xuống thang sẽ không diễn ra nếu Trung Quốc đáp trả không quyết liệt như vậy, bao gồm trả đũa thuế quan, hạn chế xuất khẩu đất hiếm và các biện pháp khác. "Việc này giúp tăng vị thế chính trị của ông Tập ở trong nước và trên trường quốc tế. Ông ấy đã thắng trong hiệp này".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận