TTCT - Khi thời hạn 9-7 để áp thuế đối ứng càng đến gần, Nhà Trắng thông báo dự kiến đạt thỏa thuận với khoảng 10 đối tác chính, trong đó có Hàn Quốc, Ấn Độ và có thể là Việt Nam. Hai đoàn đàm phán thương mại của Mỹ và Trung Quốc gặp nhau ở Geneva. Ảnh: AFP Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick phát biểu với báo giới cuối tuần trước, tự tin đồng thuận sẽ đạt được và cho biết Mỹ đã ký thỏa thuận với Bắc Kinh trước đó hai ngày.Nhiều chuyên gia cho rằng thỏa thuận đạt được sẽ là thỏa thuận khung, trước khi các bên đàm phán sâu thêm chi tiết. Hiệp định thương mại giữa các nước thường sẽ cần vài năm để đàm phán xong, với rất nhiều chi tiết tỉ mỉ.Phân loại theo nhómTheo Bloomberg, thỏa thuận với Trung Quốc đặt ra khung tổng thể cho đàm phán Bắc Kinh - Washington năm nay, nhưng diễn tiến còn phụ thuộc nhiều vào hành động của hai bên, bao gồm cam kết của Bắc Kinh về cung cấp đất hiếm. Thỏa thuận vẫn là bước tiến mới sau khi căng thẳng leo thang vì hai bên chỉ trích lẫn nhau vi phạm các thỏa thuận trước đó. Ông Lutnick nói Tổng thống Trump sẽ hoàn tất một loạt thỏa thuận nữa trong vòng một tuần tới theo đúng thời hạn 9-7."Chúng tôi sẽ đạt được nhiều nhất là 10 thỏa thuận, đưa vào các nhóm chuẩn, rồi các nước khác sẽ được sắp xếp theo đó", ông Lutnick nói. Ông không nêu nước nào sẽ nằm trong các "nhóm chuẩn" này, dù trước đó ông Trump ám chỉ Mỹ sắp đạt thỏa thuận với Ấn Độ. Trưởng đoàn đàm phán Nhật Ryosei Akazawa, sắp bắt đầu vòng đàm phán thứ 7 ở Washington, thì tuyên bố Nhật sẽ không chấp nhận mức thuế 25% Mỹ áp với xe hơi nước này.Trong khi đó, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ gửi thư tới các nước để công bố các biện pháp trừng phạt thương mại nếu như không đạt được thỏa thuận. Ông Lutnick nói các nước sẽ được phân loại vào các nhóm khác nhau trong ngày 9-7, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng ông Trump gia hạn thời gian thêm cho đàm phán."Những bên đã đạt được đồng thuận thì sẽ có thỏa thuận, những bên khác đang đàm phán sẽ nhận được phản hồi và được phân loại theo nhóm", ông Lutnick nói. "Nếu muốn quay lại và đàm phán thêm thì họ có quyền, nhưng mức thuế đưa ra lúc đó sẽ được giữ vậy và chúng ta đàm phán tiếp".Ảnh: ReutersVẫn còn thuế quan mới?Theo The New York Times, trong khi các đối tác của Mỹ cố gắng hoàn tất các thỏa thuận thương mại, họ vẫn lo lắng các ngành chủ chốt sẽ còn phải chịu thuế từ những quyết sách của ông Trump. Đàm phán cũng đang chậm lại khi ông Trump dọa sẽ áp thêm thuế kể cả đã đạt được thỏa thuận."Có những nước đàm phán với thiện chí tốt, nhưng họ nên biết rằng nếu không đạt được thỏa thuận vì họ cứng đầu, chúng ta có thể quay lại mức thuế hôm 2-4", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói với Bloomberg hôm 30-6. Theo NYT thì Ấn Độ, Việt Nam, Nhật Bản, EU, Malaysia và một số nước khác đang nỗ lực đạt được thỏa thuận nhằm tránh mức thuế cao hơn 10%.Nhưng chính quyền Trump đang lên kế hoạch áp vòng thuế mới với một số ngành thiết yếu cho an ninh quốc gia Mỹ - điều khiến nhiều lãnh đạo lo ngại là bất ổn còn ở phía trước. Các mức thuế này phụ thuộc vào điều tra của Bộ Thương mại Mỹ với ngành gỗ, đồng và các khoáng sản thiết yếu. Nếu kết luận là sản phẩm nhập khẩu đe dọa an ninh quốc gia, ông Trump có thể áp thêm thuế trong những tuần tới. Các điều tra với ngành dược, chip và đồ điện tử cũng đang được tiến hành theo hướng tương tự.Không muốn chốt sớm?Nhưng các ngành này - cùng ô tô và thép mà ông Trump đã áp thuế viện lý do an ninh quốc gia - cũng là ngành quan trọng với các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ như Nhật, EU và Ấn Độ. Các nước hiện lưỡng lự không muốn chốt ngay thỏa thuận do lo ngại còn bị áp thuế trong tương lai. Với một số nước, các sắc thuế an ninh quốc gia này còn đáng lo ngại hơn thuế đối ứng.Với EU, thuế với dược phẩm - mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của khối này vào Mỹ - sẽ là rất nặng nề. Hiện chưa rõ thỏa thuận giữa Mỹ và EU có giải quyết vấn đề này không. Thủ tướng Đức Friedrich Merz nói đàm phán nên tập trung vào một số ngành chủ chốt, trong đó có dược. "Chúng tôi cần quyết định tập thể nhanh chóng cho 4-5 lĩnh vực chủ chốt: xe hơi, hóa chất, dược và kỹ thuật y khoa", ông Merz nói tuần trước. "Chúng tôi không cần thỏa thuận tốt nhất; chúng tôi cần phần quan trọng nhất của những thứ thiết yếu".Thuế dược phẩm cũng là rủi ro lớn với Ấn Độ, dù đoàn đàm phán Mỹ vẫn lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận. Năm ngoái, nước này xuất khẩu gần 13 tỉ đô la các loại thuốc vào Mỹ, thị trường lớn nhất của họ. Với Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu, xuất khẩu xe hơi và thép vào Mỹ là mối lo chủ chốt. Ngoài mâu thuẫn về việc mở thị trường Nhật Bản với nông sản Mỹ, thuế của Mỹ với xe hơi Nhật là rào cản lớn cho đàm phán. Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Hàn Quốc và Indonesia thì dự kiến sẽ bị đánh thuế về chip và sản phẩm điện tử như điện thoại và máy tính. Việt Nam và Malaysia có thể phải chịu thuế thêm về các mặt hàng gỗ như đồ nội thất.Các quan chức chính quyền Trump thì cho rằng vẫn có không gian để linh động. Như thỏa thuận khung Mỹ từng ký với Anh hồi tháng 5 có một số nhượng bộ về thuế xe hơi và thép. Anh được miễn thuế liên quan xe hơi với quota nhập được quy định ở mức rất cao. Thỏa thuận đó, cùng mức thuế thấp với các lĩnh vực không gian như động cơ phản lực Rolls-Royce, có hiệu lực từ 30-6.Ảnh: ReutersHiện Nhật, EU và một số nước khác đang cố đàm phán "thỏa thuận kiểu Anh" nhằm được miễn các loại thuế liên quan đến an ninh quốc gia. Nhưng trong chính quyền Trump vẫn có những tiếng nói mạnh mẽ cho rằng vì khối lượng hàng xuất khẩu của các nước này vào Mỹ là quá lớn, nên miễn thuế sẽ là mối đe dọa lớn với các ngành công nghiệp Mỹ. Xuất khẩu xe hơi (khoảng 100.000 chiếc) và thép của Anh vào Mỹ được coi là nhỏ nên không phải mối đe dọa. Nhưng xuất khẩu từ Nhật, Hàn Quốc và châu Âu thì khác (3,5 triệu xe hơi trong năm 2024). Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer nói các điều khoản với Anh không phải là tiền lệ hay khuôn khổ với các nước khác. ■ Một biến số nữa là vụ kiện liên quan thuế đối ứng ở tòa Mỹ dự kiến có phán quyết vào mùa thu này. Khi đó mới xác định được chắc chắn là chính quyền có quyền duy trì thuế quan mà họ áp hay không. Tình hình còn thiếu rõ ràng vì đàm phán hiện do nhiều cơ quan khác nhau của Mỹ đảm trách. Ví dụ, văn phòng của Đại diện thương mại tập trung vào thuế và rào cản thương mại, trong khi thuế liên quan an ninh quốc gia lại thuộc thẩm quyền Bộ Thương mại. Philip Luck, chuyên gia tại CSIS, nói chính phủ các nước đang "rất khó chịu và rối" vì phải đàm phán với nhiều nhóm quan chức với các thông điệp và nguyên tắc khác nhau, đôi khi trái ngược. Đồng thời, các đoàn đàm phán còn phải nghe ngóng thêm vì thông điệp chung vẫn là các thỏa thuận sẽ phụ thuộc vào ông Trump. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Mỹ áp thuế các nước Tiếp theo Tags: Thuế quan Trump 2.0Hàn QuốcẤn ĐộViệt NamTrước giờ G
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
"Ba người vượt ngục Guyane": Để tin yêu - dù cuộc đời có những éo le lịch sử NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 01/07/2025 2011 từ
Cựu phó chủ tịch Phú Thọ cùng 140 người bị truy tố trong vụ án đánh bạc 2.600 tỉ đồng THÂN HOÀNG 04/07/2025 Cựu phó chủ tịch tỉnh Phú Thọ, cựu bí thư Thành ủy TP Hòa Bình cùng nhiều doanh nhân, công chức, người nước ngoài bị cáo buộc tham gia đánh bạc, tổ chức đánh bạc với số tiền 2.600 tỉ tại King Club, tầng 1 khách sạn Pullman.
Gói XL1 vành đai 3 dời tiến độ, cầu Nhơn Trạch đã hoàn thiện có thể phải nằm chờ kết nối LÊ PHAN 04/07/2025 Trên cùng một tuyến kết nối, một bên đã thảm nhựa phần lớn, trong khi bên còn lại vẫn là công trường bề bộn. Tuyến nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với vành đai 3 và đường dẫn cầu Nhơn Trạch đang có hình ảnh trái ngược nhau.
Hoàng Anh Gia Lai chậm trả lãi trái phiếu, sắp có hơn 1.000 tỉ thu nhập bất thường HỒNG PHÚC 04/07/2025 Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) tiếp tục chậm trả lãi trái phiếu. Chủ tịch công ty tiết lộ trong quý 3 có thể ghi nhận khoản thu nhập bất thường hơn 1.000 tỉ đồng.
Campuchia sắp sửa đổi hiến pháp, cho phép tước quốc tịch HÀ ĐÀO 04/07/2025 Chính phủ Campuchia đề xuất sửa đổi hiến pháp nhằm cho phép tước quốc tịch đối với những công dân bị cáo buộc cấu kết với nước ngoài để chống lại lợi ích quốc gia.