TTCT - 451 độ F là nhiệt độ giấy in sách bắt lửa và bốc cháy, cái tên này cũng bao hàm sự xung đột giữa hai biểu tượng của nền văn minh: lửa và sách. Đứng giữa cuộc xung đột đó là con người, trong một thế giới đã trở nên không thể chịu nổi. Ảnh: M.N. Được viết từ năm 1953, 451 độ F có sức tiên tri khủng khiếp, khi xã hội chúng ta đang sống ngày nay không khác những gì Ray Bradbury mường tượng từ nửa thế kỷ trước. Ngay từ lúc đó, Ray Bradbury đã tiên cảm trong tương lai, thật xa sau khi thần Prometheus mang lửa đến cho loài người, khoa học kỹ thuật đã rất phát triển nên các ngôi nhà đều chống cháy và không ai cần đến lính cứu hỏa nữa. Thay vào đó, lực lượng lính phóng hỏa mang những chiếc vòi rồng phun lửa sẽ bảo vệ cộng đồng khỏi một thứ bị pháp luật nghiêm cấm, đó là sách. Sách không chỉ là một vật phẩm vô bổ cần phải loại trừ mà còn rất nguy hiểm, bởi mỗi cuốn sách đều ít nhiều làm tổn thương một nhóm, một cộng đồng nào đó trong xã hội. Sách gieo rắc ảo tưởng và làm gián đoạn niềm vui đồng đều của con người - được đảm bảo liên tục qua những chương trình truyền hình và ca nhạc bất tận. Vì vậy kẻ nào tàng trữ sách sẽ bị đốt cả căn nhà cùng số sách trong đó. Guy Montag là một lính phóng hỏa như thế. Anh đã tiếp tục công việc đốt sách của ông mình, cha mình mà chưa bao giờ dừng lại để hỏi tại sao, cho đến ngày anh gặp Clarisse, cô thiếu nữ sống trong một gia đình vẫn còn đọc và nhớ về những cuốn sách thời xưa. Những câu hỏi trong sáng, hiếu kỳ của Clarisse đã đánh thức một con người mới bên trong anh, khiến anh rốt cuộc cũng cảm thấy sự ngột ngạt khủng khiếp xung quanh mình. Ở nhà, vợ anh đã thành một sinh vật trì độn, suốt ngày ngồi giữa các bức tường gắn TV và kết nối với “gia đình” ảo, hoặc nằm nghe nhạc bằng những chiếc radio nhỏ hình vỏ sò gắn trong tai. Họ không còn nói chuyện với nhau nữa, họ trở nên xa lạ cả về thể xác và tâm hồn. Họ bất hạnh trong cuộc sống tràn ứ hình ảnh và âm thanh công nghệ. Sự căng thẳng cứ tăng dần cho đến lúc Guy xuất hiện niềm khao khát được lật giở một cuốn sách, được nói chuyện với những con người còn lưu giữ những tri thức xưa cũ ấy, dù biết rằng điều đó có nghĩa là nguy hiểm tột cùng khi đối mặt với hệ thống an ninh hùng mạnh, với những con Chó Máy chết chóc, với chỉ huy Beatty uyên bác và nham hiểm... Dù ra đời vào những năm sau Thế chiến thứ 2, trong thời hưng thịnh của chủ nghĩa McCarthy, nhưng 451 độ F không được viết nhằm công kích những kẻ muốn thao túng tri thức bằng bộ máy kiểm duyệt độc tài. Bằng trí tưởng tượng mạnh mẽ và thứ văn xuôi giàu tiết tấu, Ray Bradbury đã phát triển một cốt truyện đơn giản thành một thế giới rộng mở, với những nhân vật và tâm trạng đầy cảm xúc mãnh liệt, khiến cuốn sách ngày càng trở nên sống động qua thời gian. TV màn hình phẳng, mạng xã hội, chương trình truyền hình thực tế, các loại tai nghe và bàn phím, tất cả đã trở thành hiện thực và ngày nay chúng ta thấy chúng thật tự nhiên, đến mức có thể chỉ khi đọc một cuốn tiểu thuyết phản địa đàng mới nhận ra đó là những nhân tố bất ổn. “Hãy nhồi đầy đầu họ những dữ liệu không bắt cháy, hãy tọng cho họ đầy ứ “sự kiện” đến nỗi họ thấy tức thở nhưng tuyệt đối “sáng láng” nhờ có thông tin. Rồi họ sẽ cảm thấy mình đang suy nghĩ, họ sẽ có cảm giác mình đang chuyển động trong khi không chuyển động. Và họ sẽ vui vẻ hạnh phúc, bởi vì những sự kiện thuộc loại đó không thay đổi. Đừng cho họ bất cứ thứ gì khó nắm bắt như là triết học hay xã hội học để cho họ cột các thứ vào nhau” - tuyên ngôn của chỉ huy Beatty như một hồi chuông vui vẻ cáo chung cho nền văn minh. Sự trống rỗng trong con người khi từ chối giao tiếp với thế giới thực, khi ngừng suy nghĩ và ngừng băn khoăn về bản chất của mình, đó mới là hiểm họa của một xã hội công nghệ mà Ray Bradbury đã tiên cảm được. Và lúc đó, những cuốn sách giống như là chốn nương náu cuối cùng trước hư vô. (*): Fahrenheit 451, tiểu thuyết của Ray Bradbury, Dick Trương dịch, Nhã Nam và NXB Văn Học, 2015 Ray Bradbury (1920-2012) là một trong những nhà văn Mỹ lừng danh nhất thế kỷ 20. Ông sáng tác rất nhiều tác phẩm thuộc thể loại giả tưởng, viễn tưởng, trinh thám và kinh dị, trong đó có các tập truyện ngắn: Dark Carnival (1947), The Martian Chronicles (1950), The Illustrated Man (1951), The Golden Apples of the Sun (1953), I Sing the Body Electric! (1969)... và ba tiểu thuyết: Fahrenheit 451 (451 độ F - 1953), Dandelion Wine (1957); Something Wicked This Way Comes (1962). Cuốn 451 độ F từng được đạo diễn lừng danh François Truffaut chuyển thành phim điện ảnh. Ray Bradbury còn viết kịch bản điện ảnh và truyền hình. Tags: Đốt sách
Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng ĐẶNG TUYẾT 10/02/2025 Ngày 10-2, tại hội nghị về công tác cán bộ, Tỉnh ủy Đồng Tháp đã công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng cho ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng.
Hỏa hoạn thiêu trụi tiền đường và hậu cung chùa Vẽ, ngôi chùa cổ 300 năm tuổi ở Bắc Giang TTXVN 10/02/2025 Rạng sáng 10-2, chùa Vẽ - ngôi chùa 300 tuổi thuộc phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) - bất ngờ bốc cháy. Gian tiền đường với hậu cung bị thiêu rụi.
Nhiều ý kiến trái chiều về quy định dạy thêm mới, Bộ GD-ĐT: 'Nên dành thời gian tự học, tự ôn tập' VĨNH HÀ 10/02/2025 Trước ngày thông tư 29 về dạy thêm, học thêm có hiệu lực với nhiều điểm mới, vẫn còn nhiều băn khoăn, vướng mắc.
Ông Trump gọi Gaza là 'khu bất động sản lớn', Mỹ sẽ sở hữu và phát triển THANH HIỀN 10/02/2025 Ông Trump khẳng định Mỹ sẽ từ từ phát triển Gaza và xem khu vực bị tàn phá này là một khu bất động sản lớn.