TTCT - Làm sao để con đường khởi nghiệp, phát triển cộng đồng ở miền núi bớt khó khăn chênh vênh? Khi băng tuyết, hoa nở và cảnh quan hùng vĩ thơ mộng bậc nhất trên những vùng núi phía Bắc mời gọi những xôn xao du ngoạn trước và sau Tết, những ký ức về sự khắc nghiệt và gian khổ mà các cộng đồng miền núi trải qua trong năm 2024 đã dần bị xóa mờ trong trí nhớ tập thể online, thì vẫn còn đó một câu hỏi phải tiếp tục giải: làm sao để con đường khởi nghiệp, phát triển cộng đồng ở miền núi bớt khó khăn chênh vênh?Chuẩn bị nước tắm thảo dược ở Sapanapro. Ảnh: N.T.Q.Ngôi nhà sàn gỗ màu đỏ sơn ta nằm nép vào sườn núi, cánh cửa mở rộng nhìn ra những triền lúa ruộng bậc thang trập trùng trải ra ngút mắt, khí lạnh tươi mát của miền núi cuối tháng 10 bao bọc. Tối ấy, dù chưa phải cuối tuần, homestay hơn chục giường ngủ của Lý Thị Thiêm, bí thư Đoàn thanh niên xã Lao Chải, Mù Cang Chải, Yên Bái chật kín chỗ."Em muốn tìm thêm nhà khác trong xã để liên kết, chia khách sang ăn nghỉ ở đó mà không tìm được nhà ai đủ sức làm cùng", Thiêm kể, tiếc nuối những đợt cao điểm khách du lịch đến ngắm triền núi phủ sóng lúa vàng tháng chín tháng mười, những bản làng nhỏ bé nâu xám phủ hồng hoa đào tháng mười hai, ngắm núi rừng nở hoa táo trắng muốt vào tháng ba, mùa nước đổ và lúa xanh non tháng năm tháng sáu.Một bông hoa không thu hút được ongTrên cung đường dọc Mù Cang Chải, bất cứ điểm dừng chân nào cũng khiến du khách phải thốt lên kinh ngạc trước những cảnh trí kỳ ảo quyến rũ. Nhưng những homestay đủ sức lưu trú, ăn nghỉ, tắm thảo dược của người Mông, người Dao còn quá ít ỏi nếu so với các chuỗi nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, resort sang trọng của người Kinh lên xây dựng ở thị trấn và trên dọc tuyến này. Những cư dân bản địa lại là những người ít có khả năng nhất trong việc tham gia chuỗi dịch vụ du lịch nghìn tỉ vốn đang tận dụng chính nguồn vốn cảnh quan thiên nhiên và tri thức, văn hóa tộc người của họ để làm giàu.Muốn làm homestay như Thiêm không dễ, cần phải có nhà đủ cao ráo, rộng rãi, bỏ tiền sơn sửa, ốp gỗ, lát nền, mua nội thất, xây công trình phụ khép kín sạch sẽ, mỗi năm làm một ít mà cũng cần hàng trăm triệu tích cóp nhiều năm - số tiền mà đa số các hộ dân tộc thiểu số chỉ có thể mơ, vì ở các xã vùng sâu vùng xa hay cả huyện Mù Cang Chải, một nửa vẫn là các hộ nghèo, nếu tính cả hộ cận nghèo thì lên tới 2/3. Tôi đi dọc xã Lao Chải của Thiêm, trên những con đường lên đỉnh núi ngắm toàn cảnh hùng vĩ, đường nhỏ chỉ vừa người đi bộ hoặc hai xe máy tránh nhau, hầu hết những căn nhà gỗ nhỏ bé của người Mông, người Dao nép dưới gốc táo gốc đào gốc mận nhìn ra những dải ruộng bậc thang ngút ngàn thơ mộng thật đấy nhưng tiền đâu để cải tạo những căn nhà nhỏ bé cạnh bên chuồng lợn chuồng trâu như thế.Điều tương tự cũng dễ thấy ở vùng du lịch nổi tiếng khác như Sa Pa. Trên nền khí hậu lạnh của nóc nhà Đông Dương, sắc màu - theo đúng nghĩa đen - của các dân tộc thiểu số nổi bật tô điểm nhưng chủ nhân của các nền văn hóa bản địa này mới chỉ tham gia chuỗi giá trị du lịch ở công đoạn thấp, ít giá trị, như chuyên chở, porter, buôn bán nhỏ…Công cuộc xóa đói giảm nghèo ở miền núi đã đạt được những thành quả to lớn, nhờ nhiều chương trình quốc gia hỗ trợ đặc thù cho miền núi, trong đó tập trung nguồn lực lớn vào cải thiện cơ sở hạ tầng và chính sách chung về giảm nghèo ở quy mô quốc gia. Nhưng làm thế nào để người dân tộc thiểu số đứng được trên đôi chân họ, làm giàu được từ nguồn vốn cảnh quan và đa dạng sinh học tự nhiên, từ văn hóa đặc sắc, từ tri thức tộc người lại là điều chưa có lời giải cụ thể.Miền núi có nội lực gì?Nếu chỉ nhìn vào thành công hôm nay của Lý Láo Lở, sẽ không biết được hành trình trày da tróc vảy đi từ số không trong suốt 20 qua của chị. Chính khi bóc tách những trường hợp điển hình như của Lở, ở sát thiên đường du lịch Sa Pa mà vẫn từng chênh vênh bờ vực, từng chỉ đủ hoạt động cầm chừng xoay xở tìm chỗ đứng, thì mới thấy những mô hình khởi nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số chật vật đến mức nào, cần hội tụ những yếu tố gì, cần được hỗ trợ những gì.Khung cửa sổ nhà Thiêm nhìn ra những dải ruộng bậc thang ngút ngàn. Ảnh: N.T.Q.Những người Dao, người Mông và các dân tộc thiểu số khác cộng cư dọc dãy Hoàng Liên - trung tâm đa dạng sinh học lớn nhất Việt Nam - là những người am hiểu nhất về ít nhất 2.000 loài thực vật, trong đó ¼ loài đặc hữu của Việt Nam. PGS.TS Trần Văn Ơn, nhà dân tộc học thực vật kỳ cựu ở Đại học Dược, thốt lên nhiều lần, rằng các ông lang bà mế ở đây biết nhiều cây thuốc đến mức những người làm dân tộc học, phân loại thực vật như ông còn phải tới học hỏi lâu. Đó là nguồn vốn đầu tiên họ có, nhưng không dễ thành tiền. Cách đầu tiên, thô sơ nhất và dễ dàng nhất để biến tri thức ấy thành tiền, chính là gùi cây thuốc trong rừng mang bán thô bán rẻ sang Trung Quốc, cũng là cách khiến nguồn gene đặc hữu trụi sạch. Một con đường khác, là con đường Lở đi suốt 20 năm qua, biến tri thức các bài thuốc, nguồn lợi thuốc ấy thành tiền, cần được hỗ trợ kiến thức rất nhiều.Nguồn vốn thứ hai là cảnh quan, một phần do kiến tạo tự nhiên hùng vĩ và thơ mộng của miền núi, một phần do tạo tác của chính người dân tộc thiểu số ở đây, bằng bàn tay cần mẫn xây nên những ruộng bậc thang, những bờ rào đá, những kiến trúc độc đáo và kỳ vĩ. Bản sắc, thể hiện qua màu sắc hoa văn, lễ hội, kiến trúc… của những bản làng vùng cao, gợi cảm hứng nguyên sơ huyền ảo chính là sức hút du khách lớn nhất.Nguồn vốn thứ ba là vốn con người, dừng ở sức người, mặt bằng trình độ học vấn thấp, hoàn toàn thiếu tri thức hiện đại trong tổ chức sản xuất, tìm kiếm và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tài chính, tìm kiếm các mạng lưới xã hội (một phần quan trọng của vốn xã hội) để kinh doanh… Còn nguồn vốn tài chính bằng không, cơ sở vật chất cũng không hơn tài chính là bao. Vì thế, việc giảm được nghèo, duy trì mức sống cơ bản ở vùng thiểu số đã là bài toán khó, chưa nói tới khởi nghiệp với nguồn vốn tài chính gần như bằng không, thành công càng là kỳ tích.Đánh thức bằng cách nào?Trở lại câu chuyện của Lở sẽ thấy một phần bức tranh hành trình khởi nghiệp ở miền núi bởi đây là đại diện tiêu biểu trong số hơn 20 hợp tác xã của người thiểu số trải khắp từ dãy Hoàng Liên đến rìa Đông Bắc. 20 năm trước, khi được PGS.Trần Văn Ơn hướng dẫn rằng tri thức nghề thuốc có khả năng chuyển hóa bài thuốc thành công thức hiện đại và đóng gói cô đặc để nhen nhóm hành trình khởi nghiệp, mẹ của Lở, bà Chảo Sử Mẩy, cùng một bà mế khác là Lý Mẩy Chạn, những người rành nghề thuốc cùng nhóm phụ nữ Dao khác trong cộng đồng, đã tham gia rất nhiều chương trình tập huấn nâng cao năng lực do các tổ chức phát triển quốc tế của Canada, Thụy Điển, Hà Lan… thời đó.20 năm sau, khi chúng tôi tới Tả Phìn gặp hai bà, nghe các bà thuật lại cách thức tổ chức liên kết trong cộng đồng, xây dựng mạng lưới, kêu gọi và thuyết phục hơn mười hộ dân trong bản - những người vốn chỉ học cấp I, không thạo tiếng Kinh, chưa từng tham gia vào bất kỳ mô hình kinh doanh nào khác - cùng dám bước vào một con đường hoàn toàn mới, góp sức người xây dựng hợp tác xã. Nhưng đó mới chỉ là bước đầu tiên, hòng khắc phục việc thiếu thốn kiến thức học vấn, trong quá trình xây nền cho hợp tác xã. Vậy là chỉ nền móng tri thức mới giúp những người đứng đầu hợp tác xã tự tin mở đường, với hướng dẫn hiện đại hóa bài thuốc dân gian của một nhà khoa học dược, những người Dao, người Mông đã cùng nhau "biến" đồng vốn duy nhất mà mình có là tri thức nghề thuốc, vốn vật chất ít ỏi và sức người thành mô hình kinh doanh. Hợp tác xã Sapanapro ra đời, chỉ bằng tre gỗ từ rừng, bằng bàn tay lao động, mồ hôi của các "cổ đông" chân đất, và quyền sử dụng đất của các cổ đông, để xây dựng cơ sở tắm thuốc lá người Dao phục vụ khách du lịch từ Sa Pa tới, mất ba năm chỉ để duy trì, dần dà mới bắt đầu có lãi.Ở thời điểm này, nếu Lở dừng lại ở những mô hình kinh doanh ở cấp độ hộ gia đình, tự tháo vát thu vén, cải tạo nhà, tự quảng bá trên Facebook (như Thiêm hay số ít những người trẻ tháo vát khác) dần dần từng bước một đón khách thì vẫn rất tốt, nhưng không tác động lan tỏa tới cộng đồng như con đường mà Lở và các cổ đông chọn sau đó.Sau những năm đầu tồn tại, bước vào giai đoạn hai, hợp tác xã của Lở chọn phát triển rộng hơn (scale up), Lở học cấp II, đi bộ đội trở về làm giám đốc thay hai người phụ nữ nhiều tuổi. Dầu đã có nguồn vốn quan trọng là tri thức bản địa cộng với khoa học (mất rất nhiều năm để nghiên cứu phân lập, chiết tách, loại tạp chất, thử nghiệm trong phòng thí nghiệm các chất cần thiết trong hỗn hợp hàng trăm chất có trong từng vị thuốc của các bài thuốc mấy chục vị khác nhau, chuyển hóa được vài bài thuốc dân gian thành phương thuốc hiện đại đã là ước mơ cả đời của các nhà dược học) từ nhà dược học gạo cội Trần Văn Ơn, nhưng cũng giống như quy luật phát triển của mọi start-up khác, Lở và các cộng sự điều hành start-up này cần nhiều nguồn vốn khác nhau: kiến thức mới về quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính, phát triển mạng lưới xã hội, quảng bá doanh nghiệp, và quan trọng là tìm chỗ vay vốn tài chính cho scale up.Những hợp tác xã khác mà tôi gặp dọc miền núi trong những năm qua đều chật vật và cần hỗ trợ kiến thức chuyên môn rất nhiều. Đúc rút lại qua khoảng 20 hợp tác xã mà PGS.TS Trần Văn Ơn hỗ trợ (1/3 vẫn đang hoạt động cầm chừng chưa có lãi, 1/3 phát triển bình thường và 1/3 phát triển tốt), có thể thấy công thức gồm nhiều yếu tố: nguồn vốn tự thân của cộng đồng gồm văn hóa, tri thức bản địa + cảnh quan + tri thức từ nhà chuyên môn giúp chuyển hóa các thi thức bản địa thành công thức, thành sản phẩm đóng gói được + kiến thức khởi nghiệp thông qua tập huấn, mentor sát sao.Ở đây cần nhấn mạnh rằng những kiến thức nâng cao năng lực ban đầu cho người dân, những khung lý thuyết về phân tích sinh kế, những cách tiếp cận cơ bản về "trồng cây gì nuôi con gì" vốn nặng về kỹ thuật, nặng tư duy tự cung tự cấp… vẫn thường thấy ở nhiều chương trình không còn đủ cho thúc đẩy khởi nghiệp nữa. Để cộng đồng thiểu số khởi nghiệp được, cần tri thức quản lý, cần nguồn vốn tài chính, cần người mentor… không khác gì các cộng đồng khởi nghiệp ở các thành phố lớn.Sẽ khó nhân rộng được những nhà phát triển cộng đồng như nhà dược học Trần Văn Ơn, nhưng có thể kỳ vọng việc thiết kế lại các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho miền núi sẽ có thêm các hợp phần hỗ trợ khởi nghiệp.Các hợp phần này cần được thiết kế bài bản, đánh giá từ thực trạng ở các cộng đồng cụ thể; có sự tham gia của các chuyên gia ở nhiều ngành khác nhau, am hiểu tri thức bản địa ở miền núi; từ đó đưa ra các cách thức hỗ trợ, chỉ tiêu rõ ràng, thực chất và hỗ trợ sát sao từng mô hình khởi nghiệp cụ thể. Start-up từ nguồn vốn tri thức nghề thuốc, gìn giữ được hệ thực vật bản địa để kinh doanh thuốc tắm kết hợp homestay như của Lý Láo Lở và gần 120 "cổ đông" là các hộ Dao đỏ, người Mông khác ở xã Tả Phìn, tuy thành công tới mức duy trì doanh thu lên tới 5 - 10 tỉ/năm, nhượng quyền thương hiệu cho khoảng 10 cơ sở tắm thuốc trên cả nước, sản xuất thuốc tắm đóng chai (chủ yếu cho sản phụ và thuốc tắm cho trẻ sơ sinh) và tinh dầu với hơn 100 nhà bán lẻ ở Việt Nam… vẫn chỉ là mô hình cực kỳ hiếm hoi. Tags: Vùng núi phía BắcMiền núiKhởi nghiệpSa PaNgười Mông
Tin tức thế giới ngày 23-1: Ông Trump dọa áp thuế và trừng phạt Nga, tàu ngầm gãy đôi ở Tây Ban Nha DUY LINH 23/01/2025 Ông Trump dọa áp thuế và trừng phạt nếu Nga không đạt thỏa thuận với Ukraine; Pháp và Đức bàn cách đối phó thuế quan dưới thời ông Trump; Tàu ngầm gãy đôi ngoài khơi Tây Ban Nha là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 23-1.
Bộ Công an nói về trường hợp 'không chấp hành đèn tín hiệu để nhường đường cho xe cấp cứu' HỒNG QUANG 23/01/2025 'Việc không chấp hành tín hiệu đèn giao thông để nhường đường cho xe cấp cứu, xe ưu tiên trong trường hợp tình thế cấp thiết sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính', Bộ Công an khẳng định.
Vụ nam shipper Đà Nẵng nghi bị đánh chết: Cuộc gọi, tin nhắn giữa shipper với khách tiết lộ điều gì? THÁI BÁ DŨNG 22/01/2025 Bức xúc vì khách chậm thanh toán, nam shipper Đà Nẵng và nữ khách hàng đã cự cãi. Bên mua hàng lên app đánh 'sao xấu' khiến shipper đối diện mức phạt 500.000 đồng.
Tin tức sáng 23-1: Sẵn sàng nhiều phương án đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết và các lễ hội TUỔI TRẺ ONLINE 23/01/2025 Một số tin tức đáng chú ý: Bình Phước xử lý nghiêm những lỗi vi phạm dịp sát Tết; Nam Định duy trì 5 vòng đảm bảo an ninh trật tự Lễ hội khai ấn Đền Trần; Thêm công cụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng...