19/05/2025 19:20 GMT+7

Nhiều thủ tục về đất đai sẽ được giao xuống cho cấp xã

Bộ Nội vụ đang ưu tiên và tập trung cao độ trình Chính phủ ban hành các nghị định về phân định thẩm quyền nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hai cấp và phân cấp, phân quyền.

Nhiều thủ tục về đất đai sẽ được giao xuống cho cấp xã - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: VGP

Chiều 19-5, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình làm việc với lãnh đạo Bộ Nội vụ về rà soát và xây dựng dự thảo nghị định về phân định thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực nội vụ theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp và dự thảo nghị định về phân cấp, phân quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực nội vụ.

Tăng tính chịu trách nhiệm của địa phương

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, quán triệt nguyên tắc về rà soát thực hiện phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền tổ chức thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, bộ sẽ tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, thực hiện đúng phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Qua rà soát, có 206 nhiệm vụ, thẩm quyền được đề xuất để phân định thẩm quyền cho chính quyền địa phương hai cấp và thực hiện phân cấp, phân quyền thuộc lĩnh vực nội vụ.

Trong đó, có 161 nội dung, nhiệm vụ, thẩm quyền liên quan đến UBND cấp huyện: tổng nhiệm vụ, thẩm quyền chuyển từ cấp huyện xuống cấp xã là 129, tổng nhiệm vụ, thẩm quyền chuyển từ cấp huyện lên cấp tỉnh là 32.

Hiện bộ đang ưu tiên và tập trung cao độ trình Chính phủ ban hành hai nghị định về phân định thẩm quyền nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hai cấp và phân cấp, phân quyền bảo đảm đúng tiến độ theo chỉ đạo.

Đồng thời khẩn trương tham mưu ban hành các nghị định để cụ thể hóa các luật: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Việc làm, Luật Cán bộ, công chức và nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 98/2023...

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tới đây sẽ làm việc với các bộ về ban hành 20 nghị định. 

Theo đó, các nghị định này phải ban hành ngay sau khi kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV kết thúc để ngày 1-7 vận hành bộ máy chính quyền mới. Để bảo đảm tiến độ công việc, Bộ Chính trị yêu cầu ngày 1-6 phải xong các dự thảo nghị định.

Nhiều thủ tục về đất đai sẽ được giao xuống cho cấp xã - Ảnh 3.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà - Ảnh: VGP

Nội dung gần dân, sát dân giao xuống cho cấp xã

Cũng trong ngày 19-5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với một số bộ, ngành, địa phương về thực hiện phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

"Những nội dung đã rõ, đã "chín", đủ điều kiện thực thi thì nên tiến hành phân cấp, phân quyền. Những nội dung còn chưa được đánh giá kỹ, chưa có đủ cơ sở thì cần hết sức thận trọng, không nóng vội sửa luật hay đưa vào nghị định", Phó thủ tướng nói.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hải Long cho biết nguyên tắc phân cấp, phân định thẩm quyền sau khi bỏ cấp huyện là những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp thì chuyển xuống cấp xã; những nhiệm vụ có tính điều phối, tổng hợp hoặc quy mô lớn hơn thì chuyển lên cấp tỉnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, sẽ có ba nghị định được xây dựng, tách riêng lĩnh vực đất đai nhằm tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện do đây là lĩnh vực đặc thù, phức tạp.

Trong đó, bộ đề xuất chuyển 65/66 thẩm quyền của cấp huyện xuống cấp xã. Nội dung liên quan đến địa bàn liên xã là giao đất mặt nước ở các hồ lớn nằm trên nhiều xã, sẽ được chuyển thẩm quyền về cấp tỉnh để thực hiện thống nhất.

Chỉ đạo, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng nhiều vấn đề vẫn cần tiếp tục hoàn thiện cả về nguyên tắc, tiêu chí lẫn điều kiện thực thi. Vì vậy, việc xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí trong phân cấp, phân quyền là yêu cầu bắt buộc, đặc biệt trong các lĩnh vực đặc thù như nông nghiệp và môi trường.

"Cấp nào gần dân, sát thực tiễn và đủ năng lực thì cấp đó làm" - ông Hà nói việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền chỉ thực sự hiệu quả nếu đi kèm với điều kiện bảo đảm thực hiện như: nguồn nhân lực, tài chính, trang thiết bị, cơ sở pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật… tránh tình trạng "giao cho xong" dẫn đến ách tắc hoặc đùn đẩy trách nhiệm.

Với nguyên tắc phân cấp, phân quyền phải đi kèm với điều kiện thực thi cụ thể. Nếu địa phương được giao nhiệm vụ mới, cần đồng thời được điều chỉnh về tổ chức bộ máy, nhân lực, thiết bị và kinh phí. 

Vì vậy, chỉ phân cấp khi đã có đủ cơ sở pháp lý và công cụ hỗ trợ như quy hoạch, tiêu chuẩn, định mức. Ngược lại, những nội dung mà cơ quan Trung ương chưa hoàn thiện như quy chuẩn, định mức, đơn giá… thì chưa thể giao cho địa phương mà cần tiếp tục xem xét, tính toán phù hợp", Phó thủ tướng nêu.

Phó Thủ tướng: Trước 1-6 phải xong các dự thảo về phân cấp phân quyền, chính quyền hai cấp - Ảnh 3.Hướng dẫn phân quyền, phân cấp và triển khai mô hình chính quyền hai cấp

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho địa phương theo tinh thần: địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm gắn với triển khai mô hình chính quyền hai cấp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên