TTCT - Xét đến cùng, ai cũng cần đến lập luận, dù là anh xe ôm, bà bán vé số hay nhà khoa học, dù là em học sinh, bác nông dân hay người lãnh đạo. Cả trong hai tư cách: người sử dụng lẫn người tiếp nhận. Có vị lãnh đạo huyện Hớn Quản (Bình Phước) không chịu đeo khẩu trang, khi bị lực lượng chức năng dừng xe đã chống đối việc đo thân nhiệt, quát tháo, chửi mắng cán bộ đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch Covid-19 (thị xã Bình Long, 12-4-2020): “Sao không kêu mấy cái xe kia xuống đo hết? Đó, mấy cái xe mới chạy đó, kêu hết vô. Sao tự nhiên kêu mình tôi à? Đó, xe tải xe gì đó!”. Không kể đến thái độ, chỉ xét về mặt nội dung, liệu lập luận ấy có đúng không? Lập luận của quan chức này, có thể khái quát như sau: Sao không kiểm tra xử lý các trường hợp khác, mà chỉ kiểm tra xử lý một mình tôi! Đó là một lối lập luận sai mà ta vẫn thường nghe thấy từ nhiều “người trong cuộc”: rất nhiều người phạm tội, sao chỉ bắt tội một mình ta! Nhìn rộng ra, ta vẫn thường bắt gặp trong cuộc sống những kiểu ăn nói không cần đúng sai, không cần lý lẽ, trong đó có cả lối “lập luận của quyền uy”, dựa trên uy quyền chứ không dựa trên lý lẽ. Cho nên người xưa mới có thêm một quan niệm về hành vi đạo đức: “đạo đức của tâm trí” (morale de l’intelligence). Quan niệm ấy cho rằng ngoài hành vi đạo đức dựa trên chuẩn mực đạo đức, thì người có đạo đức còn phải là người suy nghĩ và nói năng có lập luận, có lý lẽ, không thể nói càn nói bừa, bất chấp sự thật, bất chấp lẽ phải, bất chấp đạo lý. Thực ra, xét đến cùng, ai cũng cần đến lập luận, dù là anh xe ôm, bà bán vé số hay nhà khoa học, dù là em học sinh, bác nông dân hay người lãnh đạo. Cả trong hai tư cách: người sử dụng lẫn người tiếp nhận. Cho nên lập luận có mặt khắp mọi nơi, từ lời ăn tiếng nói thường nhật đến kho sách báo khổng lồ của nhân loại. Từ giao tiếp với vợ chồng con cái, với người thân, bạn bè cho đến trao đổi trong công việc với đồng nghiệp trên dưới, với khách hàng gần xa, với đối tác lớn nhỏ. Từ tranh cãi bên bàn nhậu, bút chiến trên văn đàn, thông điệp của quảng cáo cho đến thuật hùng biện của chính khách, lối đối đáp của nhà ngoại giao, tranh luận pháp lý tại tòa án, tại nghị trường… Học lập luận cũng chính là cách mỗi chúng ta rèn luyện để phát triển. Một mặt, luyện cho chúng ta, khi nói và viết, có thể thuyết phục được người khác nghe theo, tin theo, làm theo. Mặt khác, còn rèn cho chúng ta mỗi khi nghe và đọc có thể tự tin và sáng suốt nhận ra những gì mà người khác đang trình bày là xác đáng không, là đúng đắn không, là có đáng tin cậy không, để chính mình biết chấp nhận, dám từ bỏ hoặc cần phản biện. Muôn màu lập luận của GS.TS Nguyễn Đức Dân, vừa nhất quán theo mô hình lý thuyết của S. E. Toulmin, vừa phân tích sâu sắc dựa trên logic học và ngữ dụng học, vừa căn cứ vào thực tế sinh động của tiếng Việt, là một công trình nghiên cứu có hệ thống, đầy đủ và sinh động, như một tập đại thành về khoa học lập luận, đặc biệt hữu ích đối với người Việt chúng ta. Hữu ích, vì sách không chỉ giải đáp tổng quan các vấn đề về lập luận, từ lịch sử vấn đề, định nghĩa khái niệm, đặc điểm khái quát, cấu trúc cơ bản đến sự khác biệt trong khoa học và đời thường. Mà tác giả còn mở rộng và đào sâu các vấn đề liên quan đến thực tế hành ngôn và hiệu lực sử dụng của lập luận: lý lẽ và các loại lý lẽ; các lớp từ và các khuôn ngôn từ có tác động đến lập luận; các phương thức lập luận có hiệu quả; rồi nghịch lý, ngụy biện và các kiểu lập luận sai… Nhiều điều có thể gây bất ngờ với người đọc: ca dao - tục ngữ cũng là một kho lý lẽ, có những lý lẽ trái ngược nhau nhưng cùng tạo nên các lập luận hợp tình hợp lý, hỏi và chất vấn cũng là một phương thức lập luận hiệu quả… Hơn thế nữa, với góc nhìn liên ngành từ toán học đến ngôn ngữ học, đây còn là một kho tài liệu quý giá phục vụ thiết thực việc nghiên cứu và giảng dạy trong nhà trường từ phổ thông đến đại học. Bìa sách Cuốn sách chứa đựng một kho ngữ liệu phong phú, đa dạng (từ lịch sử, toán học, văn chương, sân khấu đến khẩu ngữ, báo chí, phim ảnh, truyền hình…) do tác giả đã nhiều năm công phu tuyển chọn và trích dẫn: từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, từ nước ta đến xứ người, tạo thành một dòng chảy “ngoại truyện” đi kèm chính văn, vừa làm sáng tỏ từng vấn đề, vừa gây hứng thú mạnh mẽ trên từng trang sách. Ta tìm thấy ở đây cả định lý và câu đố toán học, cả chuyện kể từ cổ tích đến chuyện cười dân gian, cả những đối đáp của vua chúa, sứ thần, của quan lại… Có tranh luận giữa thầy và trò, giữa luật sư và quan tòa, giữa nhà báo và nghị sĩ… Có lối lý lẽ của người già và trẻ con, của tổng thống và dân thường, của thần linh và thầy bói, của bậc chí tôn và người can gián, của người giàu có và kẻ keo kiệt, của người buộc tội và kẻ tự bào chữa… Có dẫn chứng từ Truyện Kiều đến Chiến quốc sách, Đông Chu liệt quốc, Tam Quốc diễn nghĩa, từ triết học của Hi Lạp cổ đại đến thời sự của nước Nga, nước Mỹ, nước Anh, nước Pháp ngày nay… Có đủ giai thoại của Trạng Quỳnh, của Bao Công, của thánh Ghandi, của tổng thống Lincoln, của nhà thơ Pushkin, của nhà bác học Einstein, của nhà soạn kịch Bernard Shaw… Muôn màu lập luận, do vậy, vừa là sách giáo khoa về lập luận, vừa là cẩm nang thực hành về ngôn từ, cũng là sách đầu giường để bạn đọc chiêm nghiệm về trí tuệ và nhân sinh.■ Tags: Đọc sách cùng bạnNXB TrẻNguyễn Đức DânMuôn màu lập luận
200 y bác sĩ ở TP.HCM xuyên đêm ghép tạng cứu 4 người TTXVN 26/01/2025 Những ngày cận Tết bận rộn, hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã chạy đua lấy và ghép tạng cho 4 bệnh nhân từ một người hiến chết não.
VietinBank rao bán những khoản nợ xấu 'lạ lùng' BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Cuối năm, VietinBank bỗng rao bán nhiều khoản nợ “lạ”. Một khách hàng của VietinBank vay tiêu dùng với giá trị ghi nợ gồm cả gốc, lãi, lãi phạt hơn 260.000 đồng nhưng không thanh toán, để trở thành nợ xấu.
Vụ sầu riêng gặp khó xuất khẩu sang Trung Quốc: Tuyệt đối không sử dụng vàng O để sơ chế CHÍ TUỆ 26/01/2025 Dù có 7 trung tâm xét nghiệm chất vàng O được Trung Quốc công nhận nhưng để xuất khẩu sầu riêng được thuận lợi thì các doanh nghiệp tuyệt đối không sử dụng chất vàng O để sơ chế, đóng gói.
Vụ nam thanh niên hít xà đơn trên metro số 1: Công ty Đường sắt đô thị đề nghị công an vào cuộc CHÂU TUẤN 26/01/2025 Những ngày qua mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một nam thanh niên hít xà đơn phản cảm trên chuyến tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ngày 26-1, công ty vận hành đề nghị công an vào cuộc.