
Người dùng vô tư chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng xã hội sau khi được cập nhật về nơi thường trú theo địa giới hành chính mới - Ảnh chụp màn hình
Từ ngày 1-7, người dân có thể vào ứng dụng VNeID để xem chi tiết về địa chỉ, quê quán sau khi sáp nhập.
Trên mạng xã hội, nhiều tài khoản chia sẻ thông tin chụp lại căn cước đã được cập nhật theo tiêu chuẩn mới và tên địa phương mới sau quá trình sáp nhập tỉnh.
Anh P.T.S. (trú tại tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: "Tôi thấy thông tin về quê quán đã được cập nhật từ tỉnh Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ nên vội chụp ảnh màn hình rồi đăng lên mạng xã hội. Mặc dù đã che số căn cước, nhưng sau vài giờ tôi thấy bài đăng lên có nhiều thông tin cá nhân quá nên vội xóa bài".
Theo chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn (trưởng ban công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia), việc người dùng hào hứng chia sẻ hình ảnh căn cước công dân (CCCD) lên mạng xã hội sau khi được cập nhật về nơi thường trú theo địa giới hành chính mới có thể tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân.
Chuyên gia bảo mật phân tích, với sự phát triển của công nghệ nhận diện hình ảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các hệ thống có thể tự động phân tích và thu thập thông tin từ hình ảnh, từ đó có được thông tin về địa chỉ, thậm chí cả số CCCD của người dùng nếu không che kỹ.
"Các dữ liệu này có thể được sử dụng để xây dựng hồ sơ cá nhân, phục vụ cho việc giả mạo, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hoặc mạo danh làm các giấy tờ giả. Vì vậy chúng tôi khuyến cáo tuyệt đối không đăng ảnh CCCD, bằng lái, thẻ ngân hàng… lên mạng. Hãy che kỹ các thông tin như số CCCD, địa chỉ, mã QR.
Đồng thời, nên kiểm tra kỹ các quyền riêng tư khi đăng bài và luôn cảnh giác với các liên hệ bất thường sau khi thông tin bị lộ lọt", chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn khuyến cáo.
Trong bối cảnh thế giới ngày càng số hóa, người dùng Internet tại Việt Nam phải đối mặt với ngày càng nhiều mối đe dọa trực tuyến. Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2024 đã phát hiện hơn 6.000 vụ việc, tổng số thiệt hại lên tới hơn 12.000 tỉ đồng.
Một báo cáo gần đây cũng cho thấy 70% người dân từng tiếp xúc với ít nhất một cuộc gọi hay tin nhắn lừa đảo mỗi tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận