TTCT - Giá cả tiêu dùng giảm xuống đang là nỗi lo với nền kinh tế Trung Quốc, khi các dấu hiệu rõ rệt cho thấy nền sản xuất đã tăng trưởng chậm lại. Nền kinh tế thế giới đang là một bức tranh với những gam màu trái ngược. Một bên là những nước chịu cảnh lạm phát cao như Argentina, có mức lạm phát đến 116% và phải tìm mọi cách kéo giá cả xuống, kể cả nâng lãi suất lên mức khó tưởng tượng: 97%/năm. Bên kia, như Trung Quốc, đang lo ngại vì giá cả giảm kỷ lục, tháng 7 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cao là chuyện đáng lo thì đã rõ, nhưng vì sao giảm phát cũng nguy hiểm không kém?Ảnh: Financial TimesVề lý thuyết, giảm phát là dấu hiệu một nền kinh tế đang suy yếu. Các nhà kinh tế lo ngại giá cả giảm buộc doanh nghiệp đối phó bằng cách thu hẹp quy mô sản xuất để giảm bớt thua lỗ. Sản xuất chậm lại, đương nhiên dẫn tới thất nghiệp tăng, thu nhập giảm. Sức mua giảm tạo áp lực buộc giá cả giảm tiếp. Đây là vòng xoáy dẫn tới tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài.Giảm phát cũng xảy ra khi cung hàng hóa vượt cầu, có thể do đột phá công nghệ làm tăng năng suất. Lúc đó dù giá cả giảm nhưng thu nhập và GDP vẫn tăng, giảm phát trở thành tác nhân tốt cho nền kinh tế. Giảm phát như thế không những không đáng lo mà còn phản ánh nền kinh tế lành mạnh, đang tăng trưởng tốt.Nhiều thống kê đáng ngạiCác nhà phân tích tỏ ra quan ngại với tình hình giảm phát ở Trung Quốc bởi nó thể hiện sự thu hẹp sản xuất. Trong khi chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,3%, chỉ số giá sản xuất giảm mạnh hơn, đến 4,4%. Trước đó, đã xuất hiện kỳ vọng sau khi bãi bỏ hạn chế zero Covid cuối năm ngoái, kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ, tiêu dùng sẽ tăng vọt bù lại những năm tháng cách ly.Đúng là năm 2022, người dân Trung Quốc không có điều kiện chi tiêu, nên tỉ lệ tiết kiệm của hộ gia đình tăng thêm 17.800 tỉ nhân dân tệ (hơn 2.400 tỉ đô la), khoản tiền khổng lồ được trông đợi sẽ tung ra sau cách ly. Nhưng thực tế, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn dè dặt; chẳng hạn số chuyến đi nội địa vào kỳ lễ Quốc tế lao động vào tháng 5 tăng gần 20% so với năm 2019, nhưng doanh thu của các công ty liên quan chỉ tăng chưa tới 1% so với trước đại dịch.Trong khi chi tiêu ở một số lĩnh vực có tăng trong sáu tháng đầu năm 2023 so với mức rất thấp của năm 2022, đó chủ yếu là các món tiêu dùng thiết yếu như quần áo hay mang tính dành dụm như nữ trang, tăng lần lượt 12,8% và 17,5%. Chi tiêu cho các món lớn hơn như xe hơi hay đồ nội thất, các loại hàng thể hiện niềm tin tiêu dùng, vẫn thấp. Đặc biệt, doanh số mặt hàng xây dựng, phản ánh sức khỏe của lĩnh vực bất động sản, giảm gần 7%. Tỉ lệ thất nghiệp ở giới trẻ (16-24 tuổi) ở mức kỷ lục vào tháng 6-2023, lên đến 21,3%, ngay trước khi Trung Quốc ngưng công bố số liệu này. Xuất khẩu giảm đến 14%.Nợ của chính quyền địa phươngTình trạng giảm phát ở Trung Quốc còn có nguyên nhân sâu xa từ các khoản nợ khổng lồ của chính quyền địa phương. Họ từng vay rất mạnh tay để chi cho các dự án hạ tầng cơ sở hoành tráng, nhưng do bất động sản vẫn èo uột, những năm Covid-19 nguồn thu lại hụt đi, nên nhiều địa phương lâm vào khó khăn. Tổng nợ chính quyền địa phương Trung Quốc được ước tính từ 13.000 tỉ đến 23.000 tỉ đô la, và không ai có số liệu chính thức, do các khoản vay nằm rải rác ở nhiều doanh nghiệp khác nhau, nằm ngoài sổ sách chính thức. Nhiều địa phương buộc phải thanh lý tài sản các doanh nghiệp này để trả bớt nợ - khiến giá cả các loại tài sản giảm mạnh. Giá bất động sản ở 30 thành phố lớn giảm tới 28% vào tháng 7 so với cùng kỳ năm trước.Về lý thuyết, để giải quyết tình trạng giảm phát do sức mua giảm, sản xuất thu hẹp, người ta thường dùng biện pháp kích cầu, như giảm lãi suất, tăng chi tiêu công, tháo gỡ rào cản kinh doanh và khuyến khích tiêu dùng. Tuy nhiên, tình hình ở Trung Quốc có khác. Nước này từng cắt giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm, nhưng rất dè dặt, tháng 6 giảm 0,1, rồi tháng 7 giảm thêm 0,15 điểm phần trăm, từ 2,65% xuống còn 2,5%. Kích cầu khó lòng có tác dụng vì doanh nghiệp và hộ gia đình đang chịu áp lực nợ cao, sẽ không nới hầu bao chi tiêu như mong đợi.Như vậy, giảm phát ở Trung Quốc là loại giảm phát xấu, và chính phủ đang muốn biến nó thành giảm phát tốt. Họ không muốn mạnh tay kích cầu, mà nhắm tới những chính sách cải cách lâu dài, đặt mục tiêu tăng trưởng "chất lượng cao" từ cải tiến công nghệ hơn là tăng trưởng "chất lượng thấp" nhờ đầu tư cho hạ tầng đã dư thừa, tăng sản xuất hàng hóa rẻ tiền hay rót tiền tiếp cho thị trường địa ốc mang tính đầu cơ.Trung Quốc từng có bài học về các đợt kích cầu trong quá khứ để lại các "thành phố ma" và những tuyến đường không có xe cộ. Tuy nhiên, rủi ro vẫn rất lớn nếu các doanh nghiệp lớn, liên quan đến địa ốc, vỡ nợ hay mất thanh khoản. ■ Tags: Trung QuốcKinh tế Trung QuốcTăng trưởng chậmKinh tế thế giớiSức mua giảmĐột phá công nghệNgười dân Trung QuốcChỉ số giá tiêu dùngNhân dân tệNgười tiêu dùngThu nhập giảmLĩnh vực bất động sảnTăng năng suấtHộ gia đìnhTỉ lệ thất nghiệpHạ tầng cơ sởThành phố maMục tiêu tăng trưởng
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Thấy đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố, người dân cần làm gì? MINH HÒA 23/01/2025 Đại diện Phòng cảnh sát giao thông TP.HCM cho biết khi người dân phát hiện đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố, hãy gọi điện báo ngay cho cảnh sát giao thông qua số điện thoại dán trên tủ điều khiển.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.