Khuyến sinh, cần bài toán lâu dài về giáo dục, y tế, nhà ở

Khoản trợ cấp 3 triệu đồng chỉ là bước đầu, khuyến sinh cần được đồng bộ với các chính sách giáo dục, y tế, nhà ở, môi trường làm việc, tư duy xã hội về vai trò của phụ nữ và gia đình trong hiện đại.

khuyến sinh - Ảnh 1.

Một số bạn trẻ kết hôn nhưng không sinh con, chọn nuôi thú cưng làm niềm vui - Ảnh: AI minh họa

Các phường, xã tại TP.HCM đang lập danh sách phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi để họ được hỗ trợ một lần 3 triệu đồng. Đây là một trong những nỗ lực khuyến sinh của thành phố nhằm ứng phó với tình trạng mức sinh thấp đáng báo động.

Số tiền tuy không lớn nhưng là tín hiệu tích cực trong bối cảnh tổng tỉ suất sinh của TP.HCM năm 2024 đạt 1,4 con/phụ nữ, rất thấp so với mức sinh thay thế 2,1. 

Điều đáng khích lệ

Các hỗ trợ tài chính dù nhỏ, vẫn có giá trị khích lệ, nhất là trong bối cảnh các gia đình trẻ thường chật vật về chi phí nuôi dạy con cái

Đó là sự động viên thiết thực từ nhà nước để bảo đảm cho thiên chức sinh và nuôi dưỡng con cái họ.

Tuy nhiên khuyến sinh không đơn thuần là bài toán tài chính ngắn hạn. Nếu chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ một lần 3 triệu đồng cho người sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, thì rõ ràng đây không phải yếu tố đủ để tạo ra sự thay đổi lớn.

Chưa kể mức hỗ trợ lại đi kèm điều kiện phải sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, trong đó đợt chi trả đầu tiên chỉ áp dụng cho các trường hợp sinh con thứ hai từ 21-12-2024 đến 15-4-2025. 

Người dân không thể chủ động lên kế hoạch sinh con chỉ để được nhận một khoản hỗ trợ một lần. 

Với nhiều cặp vợ chồng trẻ, quyết định có con, nhất là con thứ hai, là một bước ngoặt lớn, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố phức tạp như ổn định thu nhập, nhà ở, công việc, thời gian chăm sóc con cái, chất lượng giáo dục, y tế cho trẻ...

Một số ý kiến đề xuất nên có chính sách lâu dài hơn như hỗ trợ, miễn phí giáo dục mầm non cho trẻ dưới 6 tuổi, hoặc trợ cấp chi phí y tế, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các gia đình có con nhỏ...

Chính sách khuyến sinh thường là gói hỗ trợ tổng thể và dài lâu, bao gồm hỗ trợ tiền mặt hằng tháng, nhà ở xã hội, dịch vụ chăm sóc trẻ em miễn phí, thời gian nghỉ thai sản và chế độ làm việc linh hoạt. 

Tất cả giải pháp đó càng cần thiết hơn khi chi phí sống tại TP.HCM ngày càng cao, khiến việc có thêm một đứa trẻ không còn là câu chuyện "được khích lệ", mà là một bài toán cho cả gia đình. 

 ...Và bài toán cho cả gia đình 

Một xã hội sinh ít con thường chịu những áp lực vô hình. Chi phí sinh hoạt cao, thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em, điều kiện nhà ở chật hẹp, mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. 

Phụ nữ đô thị ngày càng trì hoãn hoặc từ chối sinh con, một phần vì họ không được hỗ trợ đủ để duy trì bản thân, sự nghiệp sau khi lập gia đình. Từ đó dẫn đến các hệ lụy. Dân số suy giảm, lực lượng lao động teo tóp, hệ thống an sinh quá tải cho người lớn tuổi. 

Một khi việc sinh con đã trở thành một "gánh nặng", không một chiến dịch tuyên truyền hay khoản trợ cấp nào có thể thay đổi được hành vi, nếu không giải quyết dứt điểm bài toán "nặng gánh" đó.

Vượt ra ngoài các hỗ trợ tài chính ngắn hạn, để khuyến sinh thực sự hiệu quả và bền vững, cần có một hệ sinh thái chính sách gắn kết thiết thân với đời sống người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, sinh và nuôi con. 

Một khoản trợ cấp 3 triệu đồng chỉ là bước đầu, khuyến sinh cần được đồng bộ với các chính sách giáo dục, y tế, nhà ở, môi trường làm việc, tư duy xã hội về vai trò của phụ nữ và gia đình trong hiện đại.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân từng nhấn mạnh, để một gia đình có thể sinh được hai con, thu nhập của hai vợ chồng phải đủ nuôi bốn người. 

Từ đó ông đề xuất chuyển từ "lương tối thiểu" sang "lương đủ sống" và tăng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân. 

Quan điểm này cho thấy chênh lệch giữa thu nhập thể hiện qua "lương tối thiểu" và chi tiêu, đặt ra thách thức lớn cho người lao động đủ sống tại các đô thị lớn. 

Hơn tất cả những khoản trợ cấp một lần hay không thường xuyên, điều người dân cần là một hệ thống bảo đảm rằng khi sinh con ra, họ có đủ năng lực và cơ hội để nuôi dưỡng con cái một cách đáng phẩm giá. 

Bao gồm, cải thiện các chế độ nghỉ thai sản và làm việc linh hoạt cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ; môi trường làm việc không kỳ thị người đông con; hệ thống giáo dục mầm non công lập chất lượng và miễn phí hoặc giá thấp cùng chính sách nhà ở xã hội minh bạch, dễ tiếp cận cho các gia đình trẻ.

Cuối cùng, chính sách cần liên tục cập nhật. Với khung thời gian chỉ áp dụng cho một số đối tượng cụ thể, những gia đình sinh con thứ hai trước hoặc sau mốc thời gian 21-12-2024 đến 15-4-2025 chưa "gọi tên". 

Thay vì mỗi đợt phải thống kê rồi lại xét duyệt hỗ trợ, thành phố nên hướng đến cơ chế tự động tương tự như các quy định về nghỉ thai sản, miễn bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi… 

Cứ người dân nào sinh đủ 2 con trước 35 tuổi là sẽ được hỗ trợ, không cần phải "may mắn" rơi vào khung thời gian ngắn ngủi nào đó, hay phải lập danh sách chi đó. 

Ngoài ra cần có cơ chế đánh giá định kỳ tác động của chính sách sau mỗi 6 tháng đến 1 năm. Từ đó điều chỉnh mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng hoặc tích hợp thêm các hình thức hỗ trợ khác như vay vốn ưu đãi, miễn giảm học phí, hỗ trợ dinh dưỡng nuôi con trẻ…

Để tạo ra thay đổi hành vi xã hội, từ việc trì hoãn sinh con sang chủ động sinh đủ hai con, cần nhiều hơn một khoản tiền hỗ trợ. Đó là niềm tin. 

Niềm tin rằng khi sinh ra một đứa trẻ sẽ có cả một hệ sinh thái chính sách và xã hội nâng đỡ: từ hệ thống y tế đến giáo dục, môi trường làm việc đến chính sách nhà ở, từ chính quyền đến cộng đồng. 

Khuyến sinh là niềm tin một đứa trẻ sinh ra sẽ có một hệ chính sách nâng đỡ - Ảnh 3.Vì sao phụ nữ dưới 35 tuổi ở TP.HCM phải sinh đủ 2 con mới được trợ cấp?

Chính sách trợ cấp dành cho phụ nữ ở TP.HCM sinh đủ hai con dưới 35 tuổi đang được nhiều bạn đọc quan tâm. Nhưng vì sao chỉ hỗ trợ cho phụ nữ dưới 35 tuổi?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên