TTCT - Có những quyển sách không dành cho người khác mà là để tác giả giải tỏa những tâm tư, mất mát riêng mình. Nhưng rồi tác phẩm trở nên phổ quát vì nó hoàn toàn độc đáo và riêng tư. Đó là trường hợp đối với The Invention of Solitude (*) của nhà văn Mỹ Paul Auster. Phóng to Trong một trả lời phỏng vấn (**), Paul Auster thú nhận ông viết Khởi sinh của cô độc để giải tỏa “những tang tóc và mất mát riêng mình, vì thế những chi tiết trong quyển sách rất độc đáo và riêng tư”. Và như thế, hồi ký - tự truyện Khởi sinh của cô độc là hồi ức về người cha đã khuất của ông (trong phần 1: Chân dung một người vô hình) và những mảnh ký ức chắp vá của đứa con Paul Auster, năm nay đã 76 tuổi (phần 2: Sách của ký ức). “...Tôi… tìm đọc Khởi sinh của cô độc vào lúc mà chính tôi cảm thấy nhu cầu lục lọi lại quá khứ, một quá khứ tưởng chừng như đang tuột khỏi tay mình. Đọc quyển sách này đối với tôi là một sự cứu rỗi”. GS ngô bảo châu Trong mắt Paul Auster, cha ông là một người dị biệt và cô lập với xã hội. Luôn có một bức tường cản ngăn người cha với thế giới bên ngoài, giúp người cha thấy yên lòng trong sự cô độc an toàn của chính mình, cô độc theo lối thoái lui. Sự ra đi của người cha, đối với Paul Auster, không chỉ được xem như một mất mát hiển nhiên của tình phụ tử, mà còn đánh thức cảm quan của nhà văn về sự thế chỗ, sự tiếp nối, ở hình ảnh người cha và con trai. “Khi người cha qua đời, người con trai trở thành cha của chính con trai mình. Anh nhìn vào con trai và thấy bản thân mình trong gương mặt của cậu bé. Anh tưởng tượng về điều cậu bé thấy khi nhìn vào anh và thấy mình biến thành cha của mình trước đây”. Cái chết của cha đánh vào Auster nhận thức rõ ràng về vòng tuần hoàn khắc nghiệt của thời gian, về vai trò và sự chuyển đổi giữa hai vị thế người cha - con trai, và về gánh nặng phải khắc họa lại chân dung của một người không còn nữa. Đó là khi ký ức, như một thực thể sống, nuốt chửng nhà văn và buộc ông phải tìm ra một sợi dây liên kết giữa những mảnh ghép rời rạc của quá khứ, giữa những câu chuyện vốn dĩ sẽ là vô nghĩa và phi lý nếu đứng một mình. Trong sự ghép nối đó, sức mạnh phi thường của ký ức càng trở nên rõ ràng, và hơn thế nhà văn có thể nhìn cái chết như một định nghĩa khởi điểm của sự sống, và xem sự cô độc như một người bạn đồng hành không thể tách rời. Trong phần hai là những trải nghiệm rời rạc của bản thân, xen vào đôi chỗ là những đoạn luận bàn về triết lý và sự thấu cảm của Paul Auster đối với những câu chuyện và những quyển sách khác. Ban đầu khi viết về cha, nhà văn xưng “tôi”, nhưng đến khi viết về chính mình thì ông lại tự gọi mình là A., biến mình thành một nhân vật tách biệt, nói về bản thân như nói về một người khác. Theo ông thì đó là “làm bản thân mình biến mất để có thể tìm thấy bản thân mình trong đó”. Những mẩu ký ức của A. nhìn chung không có sự liên kết trực tiếp về mặt không gian, thời gian, giống như một kiểu tơ nhện của ý nghĩ, một ý nghĩ này dẫn dắt tới một ý nghĩ khác (tác giả ví đó như là một người đi lang thang từ con đường này đến con đường khác và thành ra lạc đường, kể cả khi đích đến rất gần). Khi thêm vào những đoạn tóm tắt hoặc đoạn trích từ truyện cổ tích Ngàn lẻ một đêm, câu chuyện của Pinocchio, Kinh thánh và thần thoại Hi Lạp, sự liên kết của mạng ý nghĩ, ký ức và trí tuệ càng trở nên dày đặc hơn, đầy phi lý lẫn chất vấn. Dù là viết về ai và điều gì, những câu chuyện của Paul Auster luôn quay lại luận bàn về niềm cô độc. Đối với ông, “mỗi cuốn sách là một hình ảnh của sự cô độc”. Như vậy, việc đọc hay dịch một quyển sách tương tự với việc bước vào nỗi cô độc của một người khác. Ngay tại đây sự biến hóa đã diễn ra, “vì một khi sự cô độc bị xâm phạm, một khi nỗi cô độc đã được người khác tiếp sức, thì đó không còn là nỗi cô độc nữa mà trở thành một sự đồng hành”. Khi ấy ông kết luận “ta có thể vừa đơn độc vừa không đơn độc trong một khoảnh khắc”. Paul Auster xem cô độc là một sự thật không thể tránh khỏi, nhưng đồng thời cũng tin rằng ký ức giúp người ta thoát khỏi cô đơn, vì bản thân sự hồi tưởng là một cách đắm chìm vào một dạng ký ức chung, một dạng lịch sử, nơi mà “người ta vừa là một thành tố vừa là nhân chứng, vừa là một phần vừa tách rời ra”. Chính nhờ những ký ức rất riêng tư, độc đáo mà Khởi sinh của cô độc mới giúp độc giả liên hệ những câu chuyện trong tác phẩm với kinh nghiệm cá nhân, khiến quyển sách trở thành niềm an ủi cho nhiều độc giả. Nhiều người sau khi đọc tác phẩm đã viết thư cảm ơn nhà văn giúp họ vượt qua sự mất mát và cô đơn (**). ______________ (*): The Invention of Solitude - Paul Auster, bản tiếng Việt: Khởi sinh của cô độc - Phương Huyên dịch, NXB Trẻ ấn hành tháng 7-2013.(**): Trong trả lời phỏng vấn tác giả Hungary Levai Balazs, Thế giới là một quyển sách mở, Nhã Nam và NXB Văn Học, 2009, T.57. Tags: Đọc sách cùng bạnPaul AusterKhởi sinh của cô độc
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.