12/05/2025 14:58 GMT+7

Học sinh hút thuốc lá điện tử, bạo lực học đường: Viết bản kiểm điểm có đủ sức răn đe?

Bản kiểm điểm sẽ là hình thức kỷ luật cao nhất đối với học sinh THCS, THPT theo dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh, liệu có đủ sức răn đe đối với những vi phạm hút thuốc lá điện tử, bạo lực học đường?

Học sinh hút thuốc lá điện tử, bạo lực học đường: Viết bản kiểm điểm có đủ sức răn đe? - Ảnh 1.

Cần hướng tới giáo dục học sinh tích cực, tuy nhiên theo nhiều giáo viên, vẫn cần những “biện pháp mạnh”. Trong ảnh: Cô trò Trường THPT Võ Văn Kiệt, quận 8, TP.HCM trong một tiết học - Ảnh: ANH KHÔI

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được lấy ý kiến nhằm thay thế thông tư hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh trong các trường phổ thông do bộ này ban hành năm 1988. 

Theo đó ba biện pháp kỷ luật học sinh bậc THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên gồm: mức 1 là nhắc nhở, mức 2 là phê bình và mức 3 là yêu cầu viết bản tự kiểm điểm.

Các biện pháp kỷ luật này thay thế cho năm hình thức kỷ luật trước đó là khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần và đuổi học 1 năm.

Dự thảo tạo nhiều bàn luận liên quan đến giáo dục học sinh trong nhà trường. Nhằm góp thêm một góc nhìn, bạn đọc Thanh Nguyễn - có nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm tại một trường THCS - chia sẻ bài viết sau.

Những bản kiểm điểm đối phó, người thầy dựa vào đâu để uốn nắn học sinh?

Thế hệ học sinh hôm nay trưởng thành trong bối cảnh tác động đa chiều của xã hội, đón nhận điều tốt và tiếp cận cả những mặt trái của lối sống thích hưởng thụ, ưa bạo lực, mê sống ảo…

Nhiều năm trực tiếp làm công tác giáo dục học sinh trong vai trò giáo viên chủ nhiệm, tôi bắt gặp vô số biểu hiện lệch chuẩn, vi phạm nội quy nhà trường. 

Thậm chí dính dáng đến những quy định liên quan đến thuốc lá điện tử, đi xe máy sai quy định, bạo lực học đường.

Bản tường trình, bản kiểm điểm vẫn đều đều xuất hiện trong những tiết sinh hoạt lớp cuối tuần. 

Có những bản kiểm điểm đến giờ tôi vẫn giữ, như một kỷ niệm giữa cô trò bởi quá ấn tượng với cách trò ý thức lỗi sai, quyết tâm điều chỉnh hành vi. 

Và cũng có vô số bản kiểm điểm trò viết như một kiểu đối phó, hôm nay viết, tuần sau lại tiếp tục phạm lỗi.

Bản tự kiểm điểm sẽ là hình thức kỷ luật cao nhất đối với học sinh THCS, THPT theo dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh. 

Nhiều người e ngại rằng chẳng đủ sức răn đe đối với những vi phạm mang tính hệ thống, gây hậu quả nghiêm trọng. Nỗi lo này hoàn toàn có cơ sở.

Trò lười học, cần phải uốn nắn thái độ. Trò hỗn hào, quậy phá, đánh bạn cũng cần phải điều chỉnh hành vi. 

Nhưng hầu như tất cả hình thức xử phạt trong nhà trường giờ chỉ gói gọn lại bằng hình thức nhắc nhở, phê bình, yêu cầu viết bản kiểm điểm - ngay cả việc phê bình học sinh trước cờ, trước tập thể lớp cũng đã bị loại trừ.

Nói thế để thấy rằng trường học cần những căn cứ pháp lý cụ thể hơn, toàn diện hơn để xử lý vi phạm của học sinh; nhà giáo cần điểm tựa để thực hiện sứ mệnh dạy chữ - dạy người.

Học sinh cần lắm sự bao dung

Bỏ kỷ luật đình chỉ học đối với học sinh vi phạm là cách làm nhân văn bởi trẻ vẫn được bao bọc trong môi trường học đường; được trao cơ hội soi chiếu và nhận ra lỗi lầm; được lắng nghe, thấu hiểu và tạo điều kiện sửa chữa sai lầm.

Điều này phù hợp với xu thế kỷ luật tích cực mà giáo dục hiện đại đang hướng đến. 

Đình chỉ học tập sẽ vô tình đẩy những đứa trẻ đang bất ổn ra khỏi vòng tay của thầy cô, bạn bè. Mà cuộc sống bên ngoài cổng trường lại tiềm ẩn vô vàn cạm bẫy, trẻ dễ trượt dài, sa ngã nhiều hơn.

Học sinh vẫn là những đứa trẻ đang tuổi lớn và có những hao khuyết trong ý thức, thái độ, hành vi. Vì thế cần người lớn đồng hành, trò chuyện, thấu hiểu và sẻ chia để có cơ hội soi chiếu lỗi lầm, sửa chữa sai lầm.

Suốt những năm tháng cầm phấn của mình, tôi ít khi chứng kiến cảnh trò rời trường lớp cùng một quyết định kỷ luật nghiêm khắc nhất.

Một yếu tố trợ giúp rất lớn cho hành trình giáo dục đạo đức học sinh là sự đồng hành và hỗ trợ từ phía phụ huynh học sinh. 

Tôi may mắn được gặp phụ huynh biết thông cảm và sẻ chia với áp lực nghề giáo, đồng hành và hỗ trợ thầy cô rất nhiều mỗi khi học sinh vi phạm.

Sự thiện chí của phụ huynh là một điểm cộng rất lớn để người thầy nhiệt tâm uốn nắn, điều chỉnh ý thức, hành vi của trò.

Trò chuyện tâm tình, hỏi han, trao đổi và định hướng để học sinh soi chiếu lỗi sai. 

Phạt lao động vệ sinh, lao động công ích để trò có cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Đọc sách, viết cảm nhận, thực hành bài học đoàn kết và yêu thương bạn bè bằng các hoạt động cụ thể… 

Tất cả giải pháp đó đều đang được chúng tôi áp dụng nhằm tác động vào ý thức, thay đổi hành vi của trẻ.

Giáo dục con người là cả một nghệ thuật. Không có kịch bản nào chung. Chẳng có trang giáo án nào y đúc nhau. 

Với mỗi đối tượng học sinh, người thầy cần linh hoạt, mềm dẻo áp dụng phương pháp giáo dục khác nhau. 

Quan trọng hơn hết là xuất phát từ tình yêu thương học sinh, lòng kiên nhẫn và bao dung, hy vọng người thầy sẽ có thể cảm hóa trò bằng sự dịu dàng trong lời nói, sự chân thành trong hành động quan tâm, uốn nắn.

Bởi giáo dục là dạy và dỗ!

Học sinh hút thuốc lá điện tử, bạo lực học đường: Viết bản kiểm điểm có đủ sức răn đe? - Ảnh 2.Dự kiến thay mức kỷ luật đình chỉ học bằng viết bản kiểm điểm

Hình thức kỷ luật nặng nhất đối với học sinh chỉ là bị nhắc nhở, viết bản kiểm điểm thay cho mức đình chỉ học như trước đây.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên