
Bộ GD-ĐT dự kiến thay mức kỷ luật đình chỉ học bằng viết bản kiểm điểm - Ảnh minh họa AI
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh. Theo đó học sinh bị kỷ luật nếu vi phạm Luật Giáo dục, nội quy của trường hoặc cơ quan chức năng, tùy mức độ, các em ở bậc tiểu học bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi; học sinh cấp THCS, THPT bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm.
Đổi cách kỷ luật để hỗ trợ học sinh khắc phục khuyết điểm
Thông tư 08/TT1988 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông đã đưa ra hình thức kỷ luật học sinh nặng nhất là đuổi học từ 1 tuần lễ đến 1 năm. Những hình thức nhẹ hơn là khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường.
Năm 2020, trong điều lệ trường phổ thông các cấp cũng có mục khen thưởng, kỷ luật với học sinh. Trong đó đưa ra ba mức kỷ luật: Một là nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm. Hai là khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh để phối hợp giúp đỡ học sinh. Ba là tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Tại điều lệ, những điều chỉnh có tính nhân văn hơn, xóa bỏ hình thức khiển trách hay cảnh cáo học sinh trước lớp, trước toàn trường nhưng vẫn bảo lưu mức kỷ luật nặng nhất là "tạm dừng học".
Dự thảo thông tư về khen thưởng và kỷ luật học sinh vừa được Bộ GD-ĐT công bố đưa ra hai mức kỷ luật với học sinh tiểu học là nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi. Với học sinh cấp học cao hơn có ba mức: nhắc nhở, phê bình, yêu cầu viết bản tự kiểm điểm.
Dự thảo thông tư dành 1 điều quy định hoạt động hỗ trợ khắc phục khuyết điểm gồm: khuyên bảo, động viên để học sinh tự nhận thức được hành vi vi phạm và hướng khắc phục. Theo dõi, tư vấn, hỗ trợ học sinh vi phạm trong quá trình khắc phục hành vi vi phạm. Yêu cầu học sinh thực hiện một số hoạt động phù hợp để khắc phục hành vi vi phạm. Phối hợp với gia đình học sinh và các lực lượng khác để tư vấn, hỗ trợ học sinh khắc phục hành vi vi phạm.
Giáo dục tích cực
Nhắc lại thời kỳ áp dụng kỷ luật "đuổi học", nhiều người nhớ đến thầy Nguyễn Tùng Lâm, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, hiện là phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam.
Lý do thầy là người mở ra ngôi trường từ những năm 1989-1990, ngay sau khi thông tư 08 ban hành để đón tất cả những học sinh bị kỷ luật đuổi học ở trường khác, những học sinh không còn nơi nào để đi nếu không có ngôi trường Đinh Tiên Hoàng thời kỳ đó.
"Không nhận thì những học sinh đó đi đâu. Nhưng không phải chỉ nhận mà phải nghĩ cách để giáo dục học sinh nên người", thầy Tùng Lâm bày tỏ quan điểm.
Ông cũng cho rằng phải thông suốt quan điểm việc học sinh vi phạm một chuyện gì đó là bình thường, chỉ cần nhắc nhở hoặc có các hình thức để học sinh tự soi chiếu, suy ngẫm, học sinh tự quản, góp ý lẫn nhau. Chỉ khi việc vi phạm đó lặp lại và gây hậu quả nghiêm trọng hơn thì mới cần có các mức kỷ luật.
Và kỷ luật phải được xem là một phương pháp giáo dục chứ không phải hình thức để đầy ải học trò. Mục đích của việc kỷ luật cũng phải rất rõ ràng là để học sinh nhận ra sai lầm, thấy tác hại của việc làm đó và chịu trách nhiệm vì những gì mình đã gây ra.
Trong quá trình hỗ trợ học sinh thực hiện hình thức kỷ luật cũng phải cho học sinh quyền được nêu lý do mình vi phạm, có thể để cho học sinh được lựa chọn cách khắc phục, sửa chữa.
Tuy vậy, thầy Tùng Lâm cũng nêu quan điểm: "Với những lỗi nghiêm trọng, vẫn nên quy định đình chỉ học tập với học sinh tối đa hai ngày. Nhưng trong hai ngày đó, học sinh vẫn phải đến trường để cùng thầy cô làm rõ về những sai phạm của mình, xác định cách khắc phục và nhận một hình thức "phạt" để thể hiện trách nhiệm của bản thân, ví dụ như lao động công ích trong trường".
Ông cho rằng "tách học sinh ra khỏi hoạt động học tập 1-2 ngày khác với việc "đuổi học" và đẩy học sinh ra ngoài nhà trường".
Ngoài ra, thầy Tùng Lâm cũng cho rằng cần tăng cường nhiều biện pháp giáo dục tích cực như thay vì bất kể chuyện gì cũng nhắc nhở, phạt học sinh thì mỗi lớp nên đề ra một bảng nội quy: học sinh tự soi vào đó, làm tốt thì được cộng điểm, sai thì tự trừ điểm.
Học sinh mắc lỗi có thể chủ động làm một số việc tốt để được "cộng bù điểm"… Đó là cách để học sinh có thói quen tự giác, giúp học sinh có ý thức, có tự trọng.
Khung quy định cần rộng hơn
Nhiều trường phổ thông trong những năm qua cũng có những hình thức "kỷ luật tích cực". Ví dụ ở Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) từng có yêu cầu học sinh mắc lỗi lao động trong dịp nghỉ hè. Các em xếp sách trong thư viện, chăm sóc cây hay hướng dẫn phụ huynh tham quan trường… Có trường yêu cầu học sinh mắc lỗi phải quét dọn vệ sinh, mang, cất thiết bị học tập sau mỗi tiết học…
Tuy nhiên, một hiệu trưởng THPT ý kiến: "Thông tư quy định kỷ luật học sinh cần quy định một khung rộng hơn, cho phép các trường linh hoạt áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực. Vì với những hình thức kỷ luật như yêu cầu học sinh dọn vệ sinh, lao động ngoài giờ… nếu cha mẹ học sinh không đồng thuận thì sẽ có thể nảy sinh bức xúc. Nhà trường sẽ bối rối khi không có cơ sở pháp lý để được bảo vệ".
"Thực tế có những trường hợp học sinh có cá tính, nổi loạn khiến nhà trường rất mệt mỏi, chưa kể cha mẹ học sinh chiều chuộng bao bọc con khiến việc giáo dục học sinh khó khăn. Nếu mức kỷ luật được quy định cứng, nhưng lại quá nhẹ chỉ là viết bản kiểm điểm thì sẽ khó có thể khiến học sinh thực sự có chuyển biến tốt về nhận thức, hành vi" - hiệu trưởng một trường THCS ở quận Đống Đa (Hà Nội) nêu quan điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận