10/05/2025 13:26 GMT+7

Dự kiến bỏ hình thức kỷ luật đình chỉ học tập: Lo giáo viên, nhà trường gặp khó

Bên cạnh ủng hộ, không ít ý kiến lo ngại, băn khoăn về dự thảo thông tư về khen thưởng và kỷ luật học sinh mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến từ ngày 6-5 đến ngày 6-7-2025.

kỷ luật - Ảnh 1.

Cần hướng tới giáo dục học sinh tích cực, tuy nhiên theo nhiều giáo viên, vẫn cần những “biện pháp mạnh”. Trong ảnh: Cô trò Trường THPT Võ Văn Kiệt, Q.8, TP.HCM trong một tiết học - Ảnh: ANH KHÔI

Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo được lấy ý kiến nhằm thay thế thông tư số 08 hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh trong các trường phổ thông do bộ này ban hành năm 1988. 

Dự thảo gây nhiều bàn luận trong giới giáo viên cũng như cấp quản lý trực tiếp liên quan đến giáo dục học sinh trong nhà trường. Trong đó điều 13 của dự thảo nêu ra các biện pháp kỷ luật học sinh và điều 15 áp dụng các biện pháp kỷ luật đối với học sinh gây nhiều tranh luận nhất.

Biện pháp kỷ luật nhân văn, nhưng...

Điều 13 của dự thảo thông tư nêu ba biện pháp kỷ luật học sinh bậc THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên gồm: mức 1 là nhắc nhở, mức 2 là phê bình và mức 3 là yêu cầu viết bản tự kiểm điểm. 

Các biện pháp kỷ luật này thay thế cho năm hình thức kỷ luật trước đó của thông tư 08 năm 1988 là: khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần và đuổi học 1 năm.

Thầy Đỗ Đình Đảo, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TP.HCM, đánh giá dự thảo có hai mặt: "Mặt tích cực và nhân văn là theo hướng làm sao giáo dục học sinh bằng các hình thức kỷ luật nhẹ nhàng thì mới là thành công của các nhà giáo. 

Tôi cũng đồng tình "cắt" biện pháp buộc thôi học 1 năm đối với học sinh. Bởi vì 12 tháng đối với học sinh là quá dài, có thể khiến các em sa chân vào những cái xấu, cái tiêu cực khác. Các em cũng cần động viên tinh thần, cần giữ được động lực học tập và trong thời gian này các em cũng cần những biện pháp khuyến khích gắn kết từ giáo viên, nhà trường".

Tuy vậy, là người có quá trình làm công tác quản lý giáo dục học sinh lâu năm, thầy Đảo cho biết khi đọc dự thảo này với hình thức kỷ luật cao nhất là "viết bản kiểm điểm", thầy rất trăn trở.

"Học sinh lứa tuổi THPT đã rất gần với người trưởng thành là 18 tuổi. Các em phải nhìn nhận được lỗi sai, khiếm khuyết, hạn chế của bản thân để các em có điều chỉnh. Nên nhà trường cần có biện pháp để giúp học sinh điều chỉnh. 

Nhưng ở dự thảo thông tư này, biện pháp chỉ có nhắc nhở, phê bình, viết bản kiểm điểm thì học sinh sẽ "lờn" luôn, còn thầy cô giáo không còn biện pháp nào để giáo dục học sinh, bất lực luôn trong việc điều chỉnh các sai sót của các em", thầy Đảo nhìn nhận.

Theo thầy Đảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lấy ý kiến và có cái nhìn toàn diện để thông tư mới vẫn đảm bảo tính nhân văn nhưng là căn cứ pháp lý phù hợp cho giáo viên, nhà trường có các biện pháp phù hợp để đạt được hiệu quả giáo dục.

"Tôi cho rằng ngoài ba hình thức trên, vẫn cần phải có hình thức cao nhất trong kỷ luật học sinh là "tạm dừng học 1 tuần". Việc tạm dừng học 1 tuần của học sinh phải liên kết với đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh trong năm học", thầy Đảo góp ý.

Vẫn có những học sinh cần môi trường rèn luyện nghiêm khắc. Do vậy, giáo viên và nhà trường phải có trong tay các biện pháp kỷ luật đi kèm với những biện pháp phù hợp để giáo dục học sinh tốt hơn.
Thầy giáo Nguyễn Viết Đăng Du

Khó thực hiện

Không ít giáo viên thẳng thắn cho rằng dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh với biện pháp cao nhất chỉ là "viết bản kiểm điểm" là đang "đẩy cái khó" trong giáo dục học sinh cho giáo viên và nhà trường.

"Việc xóa bỏ hình thức đuổi học 1 tuần, đuổi học 1 năm trong kỷ luật học sinh là ý tốt của cơ quan quản lý giáo dục khi hướng đến mục tiêu không bỏ rơi học sinh, dùng giáo dục để uốn nắn sai phạm của học sinh. Nhưng xóa bỏ "những biện pháp mạnh" trong kỷ luật học sinh nói trên cũng bộc lộ tư duy chủ quan duy ý chí" - thầy giáo Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM, lên tiếng.

"Điều nhà giáo dục cần là các hình thức đình chỉ học tập và buộc thôi học phải nằm trong thang kỷ luật với những quy định thật chặt chẽ và hợp lý. 

Để trong trường hợp học sinh vi phạm kỷ luật nghiêm trọng nhà trường có thể cân nhắc thực hiện đúng quy trình, tránh oan sai cho học sinh và đảm bảo các biện pháp tốt nhất để giáo dục học sinh, tạo cơ hội cho các em quay lại với môi trường học tập trong nhà trường sớm nhất. 

Việc dự thảo thông tư xóa bỏ các hình thức nêu trên nhưng không đưa ra được các hình thức xử lý khác vô hình trung sẽ đẩy hoàn toàn trách nhiệm kỷ luật học sinh về cho giáo viên và nhà trường mà thầy cô và ban giám hiệu trường lại không có căn cứ cụ thể để giáo dục các em tốt nhất. Tình thế này sẽ buộc các giáo viên một là thỏa hiệp, bỏ qua lỗi nặng của học sinh để không bị áp lực; hai là sử dụng những biện pháp tiêu cực khác để đối phó", thầy Du nhận định.

Đánh giá khá cao về việc bãi bỏ các hình thức kỷ luật như cho thôi học 1 năm, đình chỉ học tập đối với học sinh trong dự thảo thông tư về khen thưởng, kỷ luật học sinh là cần thiết và nhân văn, thầy giáo Võ Kim Bảo, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM, chia sẻ góc nhìn về việc kỷ luật học sinh hiện nay rất khó thực hiện đối với giáo viên.

Theo thầy Bảo, giáo viên không hẳn là cần được cho phép thực hiện các biện pháp mạnh. Điều mà nhà giáo cần nhất là sự phối hợp và lòng tôn trọng của cha mẹ học sinh khi xử lý vấn đề kỷ luật học sinh. Khi học sinh vi phạm kỷ luật, nhà trường rất cần sự phối hợp của cha mẹ học sinh để giúp con nhận ra lỗi lầm thay cho sự bao bọc hay các hành vi gây tổn thương danh dự, lòng tự trọng của nhà giáo.

Vì vậy các nhà giáo cần có căn cứ cụ thể rõ ràng được quy định trong thông tư mới để họ có thể áp dụng các biện pháp giáo dục học sinh phù hợp, đúng quy định nhưng vẫn đảm bảo giáo dục được học sinh.

Quy định rõ trách nhiệm của các bên

Theo thầy giáo Nguyễn Công Phúc Khánh, phó hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP.HCM, dự thảo thông tư đã xóa bỏ cái cũ nhưng chưa đưa ra những quy định rõ ràng trong các biện pháp xử lý kỷ luật học sinh thay thế.

"Tâm lý, tình cảm, đời sống của học sinh hiện nay rất khác trước đây. Đối tượng phụ huynh học sinh cũng khác so với trước đây nên nhà trường và giáo viên cần có quy định cụ thể, rõ ràng làm căn cứ pháp lý để khen thưởng, kỷ luật học sinh.

Chẳng hạn, chúng ta có thể có các biện pháp kỷ luật phù hợp với các lỗi sai của học sinh tùy vào vi phạm nặng nhẹ để các em có thể lao động đóng góp có ích cho nhà trường, cho cộng đồng xung quanh. Nhưng khi nhà trường thực hiện yêu cầu các em học sinh phải lao động trong hè, phải vệ sinh trường lớp... thì phụ huynh học sinh có thể phản ứng.

Vì thế, tôi cho rằng muốn giáo dục học sinh tốt thì thông tư mới về khen thưởng, kỷ luật học sinh phải đưa ra các biện pháp kỷ luật cụ thể, rõ ràng cũng như phân rõ vai trò của nhà trường - gia đình - cơ quan chính quyền trong việc phối hợp các biện pháp để giáo dục học sinh, cho các em tiến bộ theo hướng tích cực", thầy Khánh nêu ý kiến.

* Ông Đỗ Đình Đảo (hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TP.HCM):

Cần có cái nhìn toàn diện

Tôi rất mừng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh. Tôi mong thông tư sẽ sớm được ban hành. Bởi hiện nay các nhà trường đang gặp khó khăn không biết phải áp dụng thông tư nào để hướng dẫn kỷ luật học sinh trong nhà trường. Vì thông tư 08 năm 1988 hiện vẫn còn hiệu lực.

Nhưng điều lệ THCS, THPT được ban hành theo thông tư 32 năm 2020 có mục nói về khen thưởng và kỷ luật học sinh, trong đó các hình thức kỷ luật học sinh gồm nhắc nhở, hỗ trợ, khiển trách, thông báo tới cho cha mẹ học sinh và tạm dừng học có thời hạn để thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định. Kể từ khi thông tư 32 ra đời, các nhà trường đang gặp khó khăn, không biết phải áp dụng quy định nào về xử lý kỷ luật học sinh.

Thăm dò ý kiến

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về kỷ luật học sinh vi phạm. Theo đó, học sinh tiểu học sẽ bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi, học sinh cấp 2, 3 bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm. Theo bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Dự kiến bỏ hình thức kỷ luật đình chỉ học tập: Lo giáo viên, nhà trường gặp khó - Ảnh 2.Dự thảo kỷ luật học sinh: Cần nhân văn nhưng cũng phải đủ sức răn đe

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh. Dự thảo đã thu hút nhiều ý kiến đa chiều của giáo viên, học sinh và những người đang công tác trong ngành giáo dục.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên