
Anh Lương Linh giải thích cách bố trí sân khấu và đạo cụ quan trọng cho khán giả khiếm thị qua mô hình 3D trước khi vào khán phòng
Một buổi tối bên ngoài trời mưa tầm tã, tối và lạnh nhưng bên trong sân khấu kịch Thiên Đăng những tâm hồn yêu nghệ thuật vẫn rực sáng theo cách rất riêng.
Mô tả sân khấu
Còn khoảng 30 phút nữa là bắt đầu vở diễn Nơi kết thúc bắt đầu nhưng trời vẫn không ngớt mưa. Anh Lương Linh, đồng sáng lập dự án "Từ tai đến mắt", bắt đầu sốt ruột, băn khoăn không biết những khán giả khiếm thị có kịp đến nghe anh hướng dẫn về mô hình sân khấu trước khi vào rạp không.
Trên chiếc bàn nhỏ, những mô hình sân khấu 3D do anh chuẩn bị đã nằm chờ sẵn. Hễ có đủ nhóm 2 - 3 khán giả khiếm thị đến, anh sẽ bắt đầu mô tả cách bố trí sân khấu và đạo cụ quan trọng. Đồng thời cho các bạn sờ nắn mô hình để hình dung rõ hơn về những gì sắp sửa diễn ra trước mắt - nhưng không "tiết lộ" quá nhiều về câu chuyện.
Vào khán đài, 5 khán giả khiếm thị ngồi cùng 2 tình nguyện viên. Mỗi khán giả sẽ đeo một chiếc tai nghe để nghe mô tả trực tiếp về những thay đổi trên sân khấu. Ai cũng hồi hộp chờ đợi một trải nghiệm thú vị.
Trong góc tối đằng sau hàng ghế khán giả cuối cùng là vị trí của anh Lương Linh. Với "đồ nghề" chỉ có chiếc micro cách âm, anh bắt đầu xem và giải thích song song những tình huống diễn ra trên sân khấu, đặc biệt là những lớp diễn không có lời thoại.
Dù công việc không quá căng thẳng như một phiên dịch viên cabin, điều quan trọng và thử thách nhất vẫn là đảm bảo sao cho khán giả khiếm thị hiểu tình huống cùng lúc với những khán giả khác trong rạp. Theo đó, người đọc lời mô tả cần tập trung cao độ và phản xạ kịp miếng hài của diễn viên.
"Người mô tả phải bắt được khoảng trống trong lời thoại của diễn viên để đưa thông tin mô tả vừa đủ để không khiến khán giả khiếm thị bị mệt vì phải tiếp nhận cùng lúc hai luồng thông tin", anh Linh chia sẻ.
Ngoài ra, anh cũng luôn phải giữ quan điểm trung lập, không đưa nhận xét hay đánh giá cá nhân vào lời mô tả làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của các bạn.

Khán giả sẽ đeo một chiếc tai nghe để nghe mô tả trực tiếp về những thay đổi trên sân khấu - Ảnh: BÙI NHI
"Từ tai đến mắt"
Từ câu nói nghệ thuật dành cho tất cả mọi người, và trăn trở mọi người ở đây đã bao gồm người khuyết tật chưa, anh Lương Linh đã bắt đầu nung nấu ý tưởng thực hiện dự án hỗ trợ người khiếm thị hòa mình vào đời sống kịch nghệ.
Qua nhiều tìm hiểu và trải nghiệm các dịch vụ hỗ trợ người khiếm thị tại Vương quốc Anh, trong đó có dịch vụ hỗ trợ người khiếm thị đi xem kịch tại rạp, tháng 12-2024, anh Linh bắt đầu thử nghiệm mô hình này ở Việt Nam. Với đội ngũ vận hành mang tên Sunbox, dự án "Từ tai đến mắt" đã ra đời và miệt mài thử nghiệm, dần hoàn thiện qua từng suất diễn trong nửa năm qua.
Anh Linh cho biết khi mới mang mô hình này về TP.HCM, khó khăn lớn nhất của dự án là xây dựng thói quen xem kịch cho khán giả khiếm thị. Nhiều bạn thiếu cơ hội xem kịch thuở nhỏ nên khi lớn lên khá xa lạ với loại hình này. Dự án đã cố gắng xóa đi sự ngại ngần ban đầu ở các khán giả.
"Niềm vui lớn nhất của mình khi làm công việc này là được thấy giấc mơ của nhiều bạn thành hiện thực. Nhiều khán giả khiếm thị từ bé đã có niềm đam mê với kịch nói, thần tượng chú Thành Lộc nhưng không nghĩ sẽ có cơ hội đi xem kịch và gặp chú ở ngoài đời, nên nhiều bạn rất vui khi được trực tiếp lên sân khấu tặng hoa, nắm tay hay chụp hình chung với chú", anh Linh kể.
Mời bạn đánh giá các sản phẩm, dịch vụ, điểm đến trên trang Khám phá và Trải nghiệm của báo Tuổi Trẻ.
Hiện ở mỗi vở diễn, dự án đang tiếp nhận hỗ trợ 5 - 6 khán giả khiếm thị. Sau 25 - 30 suất được Viện Goethe TP.HCM đồng hành và hỗ trợ, dự án sẽ tinh gọn và hoàn thiện chương trình hơn hướng đến việc trở thành một dịch vụ hoạt động thường xuyên với hai suất mỗi tuần phục vụ khán giả khiếm thị, đặc biệt sẽ hỗ trợ thêm khán giả khiếm thị nhỏ tuổi.
Sau khi xem xong vở kịch Nơi kết thúc bắt đầu với sự hỗ trợ của người mô tả sân khấu, Huỳnh Thanh Yến Vy (học sinh lớp 12) vỡ òa trong sung sướng vì đây là lần đầu em được xem kịch theo cách trọn vẹn. Trước đây, mỗi khi đi xem một vở diễn, em luôn phải cố gắng hiểu toàn bộ nội dung và thông điệp câu chuyện. Khi đó, em hay phải nhờ mẹ và chị giải thích chuyện gì đang diễn ra trên sân khấu. Nhưng lần này, Vy không cần làm thế nữa.
Vy cho biết em rất biết ơn các anh chị tình nguyện viên dự án "Từ tai đến mắt" đã giúp em "chạm" tới vở diễn. "Em mong dự án sẽ tiếp tục lan tỏa, để những khán giả khiếm thị có thể trải nghiệm loại hình nghệ thuật thú vị này nhiều hơn", Yến Vy bày tỏ.
Xem kịch trọn vẹn hơn
Từ nhỏ, anh Hồ Thái Hiển (30 tuổi) đã mắc cườm nước bẩm sinh, sau 7 lần phẫu thuật, anh có lại được 10% thị lực rồi lại mất hẳn. Vốn yêu thích sách truyện và kịch sân khấu, nhiều lần, anh Hiển tự tìm mua vé đi xem và tận hưởng câu chuyện bằng đôi tai nhạy bén và trí tưởng tượng phong phú của mình.
Theo anh Hiển, nhờ có người mô tả sân khấu, trải nghiệm xem kịch của anh cũng chân thật hơn. Chẳng hạn trong một vở kịch anh đã xem trước đó, mở đầu là cảnh một cô nữ sinh ngồi ở trạm xe buýt nghe nhạc.
Anh Hiển có thể hòa mình vào giai điệu của bài hát nhưng không biết biểu cảm gương mặt hay cảm xúc của cô gái ấy ra sao. Nhờ có người mô tả, anh cũng hình dung rõ hơn tâm trạng của cô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận