06/07/2025 08:18 GMT+7

Giải cứu rắn tại TP.HCM: Những người trẻ bảo vệ bò sát hoang dã

Gặp nhau vì chung đam mê và tình yêu với loài rắn nói riêng, bò sát nói chung, một nhóm bạn trẻ tại TP.HCM thành lập nhóm cứu hộ, giải cứu rắn, bảo vệ và giáo dục về loài vật hay bị "gieo tiếng ác" này.

giải cứu rắn - Ảnh 1.

Ung Đình Trí, thành viên nhóm VSR tái thả rắn hổ mang chúa về tự nhiên - Ảnh: VSR

Nhóm Viet Snake Rescuer (VSR, tạm dịch: nhóm cứu hộ rắn Việt Nam) ra đời năm 2022 và vẫn duy trì hoạt động đến nay, khởi đầu từ việc hỗ trợ người dân di dời loài vật này về tự nhiên, tránh "xung đột" giữa người và rắn trong TP.

Đường dây nóng hỗ trợ dân di dời, giải cứu rắn

Bạn Hồ Hải Nam, thành viên nhóm VSR, nói các thành viên của nhóm đều có niềm đam mê đặc biệt với loài bò sát này. Tính từ ngày thành lập nhóm đến nay, tất cả những chuyến cứu hộ rắn từ nhà dân rồi di dời, thả chúng về môi trường tự nhiên đều là hoạt động phi lợi nhuận.

Trở lại thời điểm ba năm về trước, tại TP.HCM khi ấy xuất hiện kha khá trường hợp rắn vào nhà dân làm nảy sinh những "xung đột" đáng tiếc bởi không phải người nào cũng đủ bình tĩnh và biết cách xử lý khi chạm mặt với rắn. Điều này vừa tiềm ẩn nhiều mối nguy cho con người vừa làm giảm số lượng và sự đa dạng loài trong tự nhiên.

TP cũng chưa có tổ chức tuyên truyền nào hỗ trợ người dân xử lý các tình huống này. Vậy là VSR ra đời, thành lập bởi hai anh Nguyễn Hoàng Lĩnh - cộng tác viên Viện Sinh thái học miền Nam (nay là Viện Sinh thái miền Nam) và Nguyễn Minh Phú - sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Đến hiện tại nhóm có sáu thành viên chủ chốt hoạt động tại TP.HCM cùng nhiều cộng tác viên ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Nhóm có đường dây nóng để hễ thấy rắn vào nhà người dân có thể liên hệ ngay nhờ trợ giúp.

Tiếp nhận cuộc gọi và đánh giá tình huống, VSR sẽ đến tận nơi hỗ trợ di dời rắn khỏi nhà dân. Để chắc ăn, trước khi thả rắn về lại tự nhiên, nhóm sẽ cẩn thận kiểm tra tình trạng bên ngoài xem chúng có bị thương gì không nhằm đánh giá khả năng sinh tồn trong tự nhiên ra sao.

Ngoài ra, các bạn còn xem xét đến môi trường sinh sống phù hợp của loài để chúng có thể sinh trưởng tốt. Quá trình này được bảo trợ bởi các đơn vị có thẩm quyền của khu bảo tồn quốc gia hoặc viện sinh thái. Đến nay đã có trên 400 cá thể bò sát mà chủ yếu là rắn được nhóm tiếp nhận và tái thả thành công.

Loài rắn có vai trò rất quan trọng trong việc kềm hãm sự phát triển, sinh sôi của những loài gặm nhấm, chưa kể chúng còn đóng góp rất nhiều cho ngành y tế. Bất kỳ loài động vật nào cũng là một mắt xích trong tự nhiên và rắn cũng vậy nên chúng ta không nên có cái nhìn thiếu công bằng với chúng.
Bạn UNG ĐÌNH TRÍ (thành viên nhóm VSR)

Hòa hợp với tự nhiên

Là sinh viên ngành thú y Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Hồ Hải Nam gắn bó cùng nhóm cứu hộ rắn hơn hai năm qua. "Ban đầu mình cũng sợ như bao người mới tiếp xúc với rắn vậy. Tuy nhiên tiếp xúc lâu dần với rắn không độc lẫn rắn độc, tụi mình hiểu hơn về chúng, biết được trạng thái nào của chúng có thể tương tác được nên không còn sợ nữa", Hải Nam nói.

Gần đây nhóm đã vượt cả trăm cây số đến Bình Thuận (nay là Lâm Đồng) tiếp nhận một cặp rắn hổ mang chúa đang làm tổ trong khuôn viên một ngôi chùa. Đến nơi, để đảm bảo an toàn cho người dân, hai thành viên trong nhóm đã tự khuân vác, di dời gần cả tấn gỗ trong kho để tìm. Cuộc tìm kiếm thành công và cặp rắn hổ mang chúa này sau đó đã được các bạn cho "hồi hương" về tự nhiên.

Cứ thế, những chuyến xe từ thành thị đến nhiều nơi để tiếp nhận, giải cứu rồi tái thả loài vật bị nhiều người xua đuổi này về tự nhiên vẫn được nối dài. Các bạn đang viết tiếp sứ mệnh của những người trẻ yêu và muốn mọi thứ sống hòa hợp với tự nhiên.

Xử lý thế nào khi rắn vào nhà?

Một phần do môi trường sống tự nhiên hiện bị thu hẹp nên ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp rắn đến khu vực sinh sống của con người để tìm kiếm thức ăn và làm tổ. Theo đại diện nhóm VSR, khi gặp tình huống này người dân cần tránh xa chúng hoặc dùng một vật dài từ 1,3 - 2m nhằm giữ khoảng cách an toàn giữa mình với con vật rồi xua đuổi chúng ra khỏi nhà.

Lời khuyên là mọi người tuyệt đối không nên tiếp cận ở khoảng cách gần hay tìm cách đập chết rắn. Tuy loài rắn không chủ động tấn công con người nhưng khi cảm nhận được mối nguy hại, chúng sẽ lập tức tự vệ và hoàn toàn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Người dân cũng có thể gọi điện tới đường dây nóng của nhóm Viet Snake Rescuer 0912.345.781 để nhóm đến nơi hỗ trợ di dời con vật.

Biệt đội giải cứu rắn - Ảnh 2.Những hiệp sĩ của rắn hoang dã

TTO - Trước việc quá nhiều người dân khi gặp rắn đã không chọn giải pháp giúp con vật có cơ hội sống sót mà giết chết, một nhóm những người đàn ông "khác người" sống ở Hội An đã lập nhóm tổ chức cứu hộ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên