
Xe máy xăng hiện nay vẫn là phương tiện di chuyển, mưu sinh hằng ngày của người dân Hà Nội - Ảnh: PHẠM TUẤN
Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản gửi các sở, ngành và đơn vị liên quan để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị quyết về chuyển đổi phương tiện xanh và phát triển hệ thống trạm sạc của HĐND TP Hà Nội.
Theo dự thảo nghị quyết, Hà Nội sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người dân có xe máy chạy xăng (đăng ký trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực) tại các vùng phát thải thấp, khi chuyển đổi sang phương tiện xanh (có giá trị từ 15 triệu đồng trở lên).
Cụ thể dự kiến hỗ trợ 3 triệu đồng/xe đối với cá nhân thường; 4 triệu đồng/xe đối với hộ cận nghèo; 5 triệu đồng/xe đối với hộ nghèo. Mỗi cá nhân được hỗ trợ tối đa 1 xe đến hết năm 2030.
Người dân nói gì?
Trước đề xuất trên của Hà Nội, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, anh Tống Văn Tuyên (làm nghề giao hàng trong khu vực vành đai 1 Hà Nội) cho rằng việc Hà Nội dự kiến hỗ trợ mức 3 triệu đồng cho người dân khi đổi xe xăng sang xe điện là "chưa xứng đáng".
Theo anh Tuyên, hiện phí bỏ ra để mua xe điện là cao so với thu nhập, trong khi đó chính sách thu mua lại xe xăng không bù lại được số tiền để mua xe điện mới.
"Để mua được cái xe điện hằng ngày tôi đi giao hàng, chở nặng thì phải mua xe tốt, chi phí cao. Kể cả mua xe điện với giá cao thì xe điện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu" - anh Tuyên lập luận.

Các cửa hàng xe máy ở Hà Nội ế ẩm sau thông tin cấm xe máy xăng - Ảnh: PHẠM TUẤN
Ông Trần Danh Minh (45 tuổi, ngụ ở Hà Nội) cho rằng việc hạn chế phát thải gây ô nhiễm không khí là phù hợp với xu thế, tuy nhiên việc áp dụng cần có lộ trình, không thể đột ngột áp dụng. Bởi theo ông Minh, khi muốn thay đổi một chính sách gì, chính quyền Hà Nội cần có 1 chiến lược lâu dài.
Vì vậy ông Minh mong các cơ quan chức năng cần xem xét lại việc cấm toàn bộ xe xăng vào vành đai 1 trong thời gian tới.
Về số tiền hỗ trợ 3 triệu đồng/người dân để mua xe điện, ông Minh nói số tiền hỗ trợ trên là "chưa phù hợp" so với thực tế, nên rất khó để người dân sẵn sàng đổi sang xe điện.
"Nếu mức hỗ trợ phù hợp, tôi sẵn sàng đổi xe điện, nhà tôi giờ có 3 xe máy xăng, nếu bán đi thì định giá rất thấp, may ra chỉ được 1/3 giá mua xe điện mới. Nếu được thêm 3 triệu đồng thì chúng tôi phải bù khá nhiều nếu muốn có chiếc xe máy điện mới, bởi thu nhập của chúng tôi chỉ đủ trang trải cho gia đình hằng tháng và nuôi các con ăn học" - ông Minh kể về trường hợp của mình.
Anh Hồng Quân (ngụ Hà Nội) cũng phân tích: "3 triệu đồng hỗ trợ chắc là không đủ bù để mua xe mới, đặc biệt là với thu nhập trung bình của người dân hiện nay.
Còn hướng xử lý để chuyển sang xe điện, tôi nghĩ phải đầu tư cho giao thông công cộng rất nhiều. Còn vẫn giữ ô tô điện, xe máy điện thì không giải quyết được tình trạng tắc đường".

Nhiều người dân cho biết mức hỗ trợ 3 triệu đồng là chưa đủ để chuyển đổi sang xe điện - Ảnh: PHẠM TUẤN
Hà Nội nên hỗ trợ 10-12 triệu cho dân mua xe điện
Về vấn đề này, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải - nhận xét: "Nếu Hà Nội hỗ trợ tiền mua xe điện cho người dân thì cần phải nói rõ số tiền hỗ trợ, hỗ trợ bao nhiêu %, hỗ trợ từ 10-12 triệu đồng/xe chứ không thể hỗ trợ 1-2 triệu đồng".
Góp ý thêm cho chính quyền Hà Nội, ông Thủy nói thành phố cần nghiên cứu lại chính sách này, mục tiêu là tốt, tuy nhiên phải có lộ trình.
"Ví dụ tới năm 2027, 10% xe cộ bên trong vành đai 1 là xe điện, năm 2028 là 30%, phải có lộ trình như vậy, chứ không thể tới năm sau là 100%, người dân sẽ không thể xoay chuyển kịp", tiến sĩ Xuân Thủy gợi ý.
Về phát triển giao thông xanh, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, dự kiến trong quý 2-2025, Hà Nội sẽ đưa thêm 2 tuyến xe buýt điện với 32 xe vào hoạt động (tuyến buýt số 43 với 15 xe buýt điện trung bình và tuyến buýt số 34 với 17 xe buýt điện lớn).
Tổng số xe buýt điện chuyển đổi năm 2025 là 98 xe, chiếm 5,2% tổng số xe buýt toàn mạng lưới.
Đối với các năm tiếp theo, sở này cho biết sau khi có định mức, đơn giá xe buýt điện trung bình và nhỏ, sẽ tổ chức đấu thầu các tuyến buýt hết hạn thầu sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh theo lộ trình. Lộ trình dự kiến như sau:
Năm 2026: 15 tuyến với 326 xe.
Năm 2027: 23 tuyến với 401 xe.
Năm 2028: 17 tuyến với 348 xe.
Năm 2029: 37 tuyến với 851 xe.
Năm 2030: 17 tuyến với 275 xe.
Sở Xây dựng cũng nêu phương án sẽ tổ chức các tuyến mini buýt hoạt động trên các tuyến phố nhỏ, ngõ nhỏ trong khu vực vành đai 1 để gom và kết nối, trung chuyển hành khách phục vụ đề án xây dựng vùng phát thải thấp. Dự kiến báo cáo UBND TP trong quý 3-2025.
Trong đó sẽ mở mới 4 tuyến buýt kết nối với các ga của tuyến 3.1 sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh trung bình và nhỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận