
Hà Nội sẽ nghiên cứu cấm xe máy xăng vào đường vành đai 1 từ ngày 1-7-2026 - Ảnh: PHẠM TUẤN
Hà Nội sẽ nghiên cứu cấm xe máy xăng vào đường vành đai 1 từ ngày 1-7-2026 theo chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12-7.
Thông tin trên sau khi đăng tải nhận được sự quan tâm lớn từ người dân thủ đô và cả nước. Bạn đọc Tuổi Trẻ Online cũng gửi về hàng trăm bình luận, ý kiến bày tỏ sự ủng hộ, băn khoăn và nêu ra các giải pháp về việc Hà Nội sẽ cấm xe máy xăng.
Bạn đọc ủng hộ, nêu giải pháp
Về chỉ thị trên của Thủ tướng, bạn đọc Trần Đăng Hiến bình luận: "Tôi ủng hộ! Bảo vệ môi trường là quan trọng nhất".
Cùng quan điểm, bạn đọc James viết: "Chuyển đổi sang xe điện từ giờ luôn là chuẩn rồi, cần bảo vệ môi trường sớm".
"Chủ trương của Chính phủ rất quyết liệt, kịp thời, tôi ủng hộ" - bạn đọc Bùi Phụ viết.
Cũng bày tỏ việc ủng hộ quyết sách trên của Chính phủ, nhưng bạn đọc có địa chỉ email than****@thanhphuoc.com lại cho rằng phải có phương án phù hợp để hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện: "Về lâu dài rất tốt nhưng phải có phương án cho phù hợp, không phải ai cũng có điều kiện để chuyển đổi".
Nêu ý kiến, bạn đọc Phong cho rằng hiện các nước, trong đó có các TP lớn tại Trung Quốc cũng đã giảm được tình trạng ô nhiễm không khí nhờ cấm xe chạy xăng dầu, thay thế bằng xe điện:
"Bắc Kinh giảm ô nhiễm cũng nhờ sử dụng xe điện nhiều thay cho phương tiện sử dụng xăng dầu. Ngoài ra giảm dần phụ thuộc xăng dầu cũng là hướng đi chiến lược để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong 10-20 năm tới. Tôi thiết nghĩ mọi người dân nên ủng hộ vì thực tế dài hạn rất có lợi.
Ngoài ra Chính phủ cần đảm bảo được nguồn cung điện ổn định và hệ thống điện lưới đáp ứng được nhu cầu cao hơn, đảm bảo hệ thống trạm sạc rộng khắp và có chính sách với người mua mới và chuyển đổi xe điện để khuyến khích người dân mua xe điện".

Hiện Hà Nội có gần 7 triệu xe máy - Ảnh: PHẠM TUẤN
Bạn đọc có email thai****@gmail.com lại cho rằng Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, thu hồi xe xăng chuyển đổi xe điện cho người dân, như vậy sẽ triển khai nhanh hơn. Bởi với người dân, cốt yếu vẫn là bài toán kinh phí chuyển đổi và thanh lý xe xăng như thế nào.
"Nếu có chính sách đổi xe xăng lấy xe điện thì quá tốt, triển khai được, có thể nhân rộng cả nước" - bạn đọc thai****@gmail.com góp ý.
Bạn đọc Anh Đức viết: "Muốn đổi tất cả phương tiện Việt Nam sang xe điện thì phải đáp ứng nhiều thứ: trạm sạc nằm rải rác các TP, trạm này cách trạm kia không quá 2km, 1 lần sạc đầy phải đi được nhiều km (~200km), thiết kế phải đẹp, chi phí không được quá cao".
Trả lời bình luận của bạn đọc Anh Đức, bạn đọc Lê Minh nêu phương án tốt nhất cho xe điện là thuê pin. Bởi theo Lê Minh, người dân chỉ cần tới trạm thay pin trả phí và lấy pin, vừa nhanh vừa an toàn.
"Chứ dựng xe sạc sợ quay lại mất luôn chiếc xe. Sạc ở nhà thì lâu, mất an toàn điện, nguy cơ chập cháy. Chưa kể ở nhà chung cư, nhà tập thể, phòng trọ chật chội tập trung hàng chục thậm chí hàng trăm chiếc xe sạc một lúc có thể gây quá tải lên hệ thống điện.
Vì các nhà chung cư trong vành đai 1 chưa tính đến tình huống cấm xe xăng nên hệ thống điện sẽ không đáp ứng được. Gần đây chúng ta đã chứng kiến các vụ hỏa hoạn thương tâm do chập điện gây ra nên phải thật cẩn trọng cân nhắc" - Lê Minh nêu giải pháp.

Xe máy xăng vẫn là phương tiện đi lại chính của người dân Hà Nội - Ảnh: PHẠM TUẤN
Cần kiểm soát các hoạt động khác cũng ảnh hưởng tới môi trường
"Để chủ trương này thành công, cần có một lộ trình cụ thể, minh bạch và kèm theo các chính sách hỗ trợ thiết thực" - bạn đọc Khả Hân viết.
Theo bạn đọc Thanh Tùng, ô nhiễm không khí ở Hà Nội ngoài lượng phát thải từ xe cộ chạy xăng còn có rất nhiều nguyên nhân như điều kiện khí hậu, bụi bặm từ hoạt động xây dựng trong nội đô.
"Nhìn sang Malaysia, thủ đô của họ toàn xe xăng, dầu... nhưng đường phố rất sạch sẽ, đâu có ô nhiễm không khí như Hà Nội?
Chuyển đổi xe điện cần khuyến khích bằng các chính sách kinh tế như miễn thuế trước bạ, miễn tiền biển số, hỗ trợ chuyển đổi… đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng, nhất là tàu điện đô thị" - bạn đọc Thanh Tùng nêu ví dụ.
"Việc cấm xe máy chạy xăng khuyến khích sử dụng xe điện có thể giúp giảm ô nhiễm không khí từ khí thải nhưng đồng thời cũng tạo ra thách thức mới về quản lý và xử lý pin thải.
Để đảm bảo xe điện thực sự là một giải pháp xanh và bền vững thì cần phải có các biện pháp đồng bộ từ Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng để giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc chì và các kim loại nặng khác cho cuộc sống hằng ngày của người dân" - bạn đọc Hoài Anh băn khoăn.
Còn theo bạn đọc Thuy Huong, ngoài việc cấm xe xăng, Hà Nội cần phải quản lý tốt các công trình đang xây dựng, thải bụi ra môi trường thủ đô.
"Tôi ủng hộ việc bảo vệ môi trường, tuy nhiên chính quyền cần quản lý tốt hơn các công trình xây dựng. Các công trình đua nhau thi công không đảm bảo về phát thải bụi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đấy cũng là một phần quan trọng gây ô nhiễm môi trường mà tôi chưa thấy cơ quan nào nhắc tới" - bạn đọc Thuy Huong viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận