TTCT - Tham nhũng thì thiên hình vạn trạng nên cuộc chiến chống tham nhũng của châu Á 2016 tiếp tục... gian nan! Chỉ số cảm nhận tham nhũng 2014 của Tổ chức Minh bạch quốc tế. Một đồ họa tương tác của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) vừa cho thấy vị trí của mỗi nước châu Á - Thái Bình Dương đang ở đâu trên bảng cảm nhận tham nhũng (CPI 2014). Tất nhiên, sự xếp hạng này chỉ dựa trên cảm nhận của những người được thăm dò nên cũng chỉ là tương đối... Thế cho nên, có nước như Philippines, điểm số là 38/100, xếp hạng 85/175, song oái oăm thay lại cứ bị xem là tham nhũng nhất châu Á! Ngược lại, một nước Đông Nam Á là Malaysia trong năm vừa qua đã “nổi tiếng” vì những cáo buộc thủ tướng nước này tham nhũng hàng mấy trăm triệu USD thì lại có điểm số là 52 và xếp hạng 50, trong khi Việt Nam có điểm số là 31 và xếp hạng 119. Philippines "bẩn" nhất châu Á ? Tờ The Philstar của Philippines hôm 20-8-2015 giật tít “Dưới trào Noy, Cộng hòa Philippines tham nhũng nhất châu Á”. Noy (hay PNoy) là tên gọi tắt “cúng cơm” của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III. Tác giả bài báo, Bobit Avila, than phiền rằng “ngày 11-8 vừa qua, tờ The New York Times đã đăng tải một bài viết gây bối rối, đặt Philippines lên đầu bảng các nền kinh tế tham nhũng nhất châu Á. Bài báo này là một bằng chứng của sự thất bại của Tổng thống Benigno Aquino III. Do lẽ tờ The New York Times không phải là một phần của bộ máy tuyên truyền “bằng vàng” của Aquino, cả thế giới nay biết chúng ta tham nhũng như thế nào, và người Philippines chúng ta đã trở nên tham nhũng như thế nào dưới trào Aquino”. Đề quyết rằng “Philippines tham nhũng số 1” là một luồng ý kiến, song cũng có những ý kiến như của tác giả Ralph Jennings trích lời Benedict Uy, một đại diện thương mại người Philippines tại Đài Bắc: “Từ khi Tổng thống Benigno Aquino III nhậm chức vào năm 2010, nạn tham nhũng đã giảm mạnh mẽ do các quy định chặt chẽ hơn của ông Aquino buộc phải công khai các chi tiêu của chính phủ”. Song, tác giả Ralph Jennings kết luận: “Tham nhũng trong các hợp đồng suy giảm từ sau khi ông cầm quyền, các nhà phân tích phát biểu. Không phải là hạ thấp vai trò của ông Aquino, sự suy giảm tham nhũng này là do truyền thông xã hội nhiều hơn. Nay với cao trào chụp hình bằng điện thoại thông minh cùng các thiết bị di động, một đối thủ khi thấy ai đó trong văn phòng nhận tiền hay lái một cái xe máy mới, có thể post ngay việc dơ bẩn đó lên Facebook”. Tác giả trích lời Jonathan Ravelas, trưởng bộ phận sách lược thị trường của Ngân hàng Banco de Oro UniBank, theo đó: “Bây giờ thì mọi người, cả trong và ngoài chính phủ, đều theo dõi nhau. Truyền thông xã hội luôn có mặt ở đó để rung chuông”. Dẫu sao câu chuyện Philippines cũng cho thấy trong thời đại kỹ thuật số, khả năng giám sát, tố cáo, “gài độ”... để “bắt quả tang” là dễ dàng hơn. Song, quan trọng hơn cả là thái độ của nhà cầm quyền: Tổng thống Aquino không cản trở hay cấm kỵ gì các luồng ý kiến về nạn tham nhũng ở Philippines dưới trào ông. Malaysia: Cựu thủ tướng đòi đương kim thủ tướng từ chức Trong một chừng mực nào đó, báo chí Malaysia nay cũng đang đóng vai trò “gióng lên tiếng chuông” như báo chí Philippines, đặc biệt khi người “đánh chuông” lại chính là cựu thủ tướng Mohamad Mahathir, tiền nhiệm những hai đời của đương kim Thủ tướng Najib. Từ đầu năm nay, ông Mahathir tố cáo ông Najib Razak tham nhũng trong vụ tiền bạc bất minh của quỹ đầu tư 1MDB, mà theo báo Mỹ The Wall Street Journal, Tập đoàn 1MDB vốn xuất thân “tay trắng” song lại được thoải mái vay vốn và “được quản lý yếu kém” đến nỗi nay nợ khó trả lên đến 11,6 tỉ USD. Cũng theo tờ Wall Street Journal thì có khoảng 700 triệu USD được cho là chui vào trong hai tài khoản của ông này vào tháng 3-2013. Vấn đề là Thủ tướng Najib lại trực tiếp lãnh đạo tập đoàn này! Thế nhưng, ở đại hội Đảng Umno vào đầu tháng 12, theo mô tả của tiến sĩ Marzuki Mohamad, một nhân vật của đảng này hiện là phó giáo sư chính trị học Đại học Hồi giáo Malaysia, thì: “An ninh thắt chặt và thẻ quan sát viên được cấp rất hạn chế, không có trực tiếp truyền hình các thảo luận. Các quan sát viên phải hài lòng với truyền hình phát lại... Đại hội năm nay bàn chuyện nội bộ hơn, và đã được dàn dựng để cho thấy việc các đại biểu lặp đi lặp lại sự ủng hộ đối với chủ tịch Đảng Umno Najib Abdul Razak, vốn đang bị kẹt trong các cáo buộc tham nhũng...”. Có thể Malaysia khác Philippines về “độ mở” trong sinh hoạt chính trị. Song, điều đó không hẳn đã phản ánh thực tế mà, theo TI, Malaysia xếp hạng 50/175 trong khi Philippines xếp hạng 85/175 trên bảng chỉ số cảm nhận tham nhũng.■ Tags: Tham nhũngChống tham nhũngTham nhũng châu Á
Tin tức thế giới 23-7: Mỹ chốt thuế quan 19% với Philippines; Ông Trump tố ông Obama phản quốc NGỌC ĐỨC 23/07/2025 Ông Trump: 'Chủ tịch Tập Cận Bình đã mời tôi đến Trung Quốc'; Ông Trump lại dọa sa thải chủ tịch Fed trước thời hạn, trong 8 tháng nữa.
Trao quyền để người bệnh được sống những ngày cuối đời ý nghĩa BÌNH MINH 23/07/2025 Nhiều bệnh viện tại TP.HCM đã triển khai thực hành kỹ năng thông báo tin xấu và hỗ trợ bệnh nhân lập kế hoạch cuối đời.
Lũ về chưa từng thấy ở Nghệ An, Thủ tướng yêu cầu ứng phó khẩn cấp mưa lũ trên sông Cả CHÍ TUỆ 23/07/2025 Mưa lớn do bão số 3 (Wipha) khiến dòng chảy lũ về hồ thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) ở mức rất cao, vượt lưu lượng lũ thiết kế gần 3.000m³/s. Lũ trên sông Cả ở các trạm Mường Xén, Thạch Giám và Con Cuông đều trên báo động 3 từ 4,7m đến gần 8m.
Tin tức sáng 23-7: Phụ cấp mới cho nhà giáo 25-80% lương; Bạch Mai và Việt Đức 2 hoạt động từ 30-11 THÀNH CHUNG 23/07/2025 Tin tức đáng chú ý: Đề xuất phụ cấp mới cho nhà giáo từ 1-1-2026 mức 25-80% lương; Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức mới hoạt động từ 30-11 tới đây.