TTCT - Thật khó khăn để vẽ ra một giấc mơ nào đó cho một Sa Pa. Bởi tôi nhớ đến một lời khuyên nửa đùa nửa thật của bạn bè, khi thấy tôi chia sẻ câu chuyện về một cây cổ thụ huyền thoại ở một bản gần Sa Pa, nơi có hơn 100 người Mông đang sinh sống. Bạn tôi nói: “Đừng chỉ đường đến đấy, kẻo rồi nó lại tan tành ra mất!”. Khu vực nhà thờ thị trấn Sa Pa cuối thập niên 1990. Hình ảnh này không bao giờ quay lại với Sa Pa.-Ảnh: Nguyễn Thọ Nhưng những chuyến đi, những trải nghiệm sẽ là gì nếu không phải là để chia sẻ, với cả những người thân quen và những người bạn khác? Sa Pa trầm mặc với những phiên chợ, những người Mông, người Dao hồ hởi xuống phố huyện cuối tuần, tất nhiên là đã vĩnh viễn mất rồi, không thể nào phục hồi được nữa. Những tiếng mõ trâu buổi chiều có thể rồi cũng sẽ biến mất một ngày nào đó, như cách những chiếc xe máy Win-Tàu đã thay thế những con ngựa Mông nhỏ thó ngày ngày cõng hàng xuống chợ và cõng ông chủ say xỉn về bản. Nhưng liệu có một giấc mơ nào đó tốt hơn cho Sa Pa hay không? Để thực hiện giấc mơ 5 triệu du khách, Sa Pa đang là một đại công trường, ngổn ngang bụi đất, lô nhô giàn giáo, cả những cần trục cao vút lạ lẫm với núi rừng ở đây. Có thể rồi sẽ như những người làm du lịch ở Sa Pa nói, là rồi những tòa nhà sẽ xây xong, đường phố sẽ phong quang, sạch sẽ... Tất nhiên, cũng phải nói thêm, đấy sẽ là một Sa Pa hoàn toàn mới, hoàn toàn khác. Câu chuyện Sa Pa nếu nhìn rộng ra, không chỉ có những bề bộn trên thị trấn, ngay ở một địa danh vốn nổi tiếng với homestay và trekking như Bản Hồ, khách du lịch quốc tế cũng đã rời đi từ vài năm nay, khi những công trường thủy điện xuất hiện, những dòng suối cạn khô, những cảnh sắc thay đổi... đã khiến du khách không còn mặn mà với một bản làng tuyệt đẹp nữa. Nếu đi vào sâu hơn nữa dưới hạ huyện, nơi con đường mới mở từ Xuân Giao vào đã thông, trong Nậm Cang, Nậm Sài cũng sắp sửa có cả một đại công trường giữa những thửa ruộng bậc thang đẹp đẽ cuối cùng, một cái hồ thủy điện nữa sẽ lại tích nước sớm... Có thể là đã rất muộn cho một giấc mơ khác về Sa Pa. Nhà máy thủy điện Séo Chong Hô thuộc xã Bản Hồ rồi đây sẽ góp phần làm biến đổi Sa Pa theo chiều hướng khó thể tích cực. -Ảnh: T.Q.V Khách du lịch đến Sa Pa sẽ cần nhiều thứ, mà những gì Sa Pa đang có hôm nay có thể chỉ giữ họ lại được một đêm, thậm chí họ còn chẳng ở đây, chẳng tiêu pha. Con số 5 triệu lượt khách, nếu được gắn với số đêm lưu trú, với số chi tiêu thực tế, mới là con số thực sự có ý nghĩa. Trong một bản kế hoạch tổng thể, các cơ quan chính quyền của Sa Pa cũng sẽ rời khỏi thị trấn, nhường lại cho khách du lịch. Nhưng liệu du khách có thật sự mong muốn đến, ở lại và trải nghiệm, nếu Sa Pa chỉ là những phòng khách sạn ở nơi có không khí mát mẻ hơn, và những đứa trẻ Mông lang thang đeo bám khách? Giờ đây, khi việc chia những mảnh đất vàng đất bạc ở thị trấn để xây cất khách sạn đã hoàn tất, hẳn là chính quyền cần làm một số việc cần thiết khác. Những bản làng quanh Sa Pa may mắn là vẫn còn, văn hóa Mông vẫn còn, nhưng để giữ những địa danh quanh Sa Pa như Sả-Séng, Sâu Chua, Tả Phìn, Hầu Thào, Hang Đá...; những bản cao như Lao Chải, San Sả Hồ, Séo Mý Tỉ hay cả phía bên kia đèo như Bản Khoang, Tả Giàng Phình và những bản làng dọc đường vào tận Mường Hum, sang Y Tý... và những gì còn sót lại dọc đường xuống hạ huyện sang Xuân Giao... cần phải được đặt trong một tổng thể cho những trải nghiệm cho du khách. Khu vực nhà thờ thị trấn Sa Pa hôm nay.-Ảnh: H.T. Sẽ rất khó để kéo những người chơi golf đến Sa Pa, nhưng những trải nghiệm gắn với văn hóa bản địa và vườn quốc gia Hoàng Liên sẽ là những ưu thế không thể so sánh, và rất may chúng chưa hoàn toàn mất hết. Hãy lấy một ví dụ, con đường trekking lên Fansipan hay những con đường lên Ngũ Chỉ Sơn, Nhìu Cồ San là đầy hấp dẫn, và vẫn còn đó cơ hội để phục vụ công chúng những trải nghiệm. Nhưng mọi việc sẽ nên được bắt đầu bằng việc có một cơ quan quản lý phù hợp trông coi và quản lý việc phát triển du lịch ở Sa Pa, chứ không chỉ là những công việc ở một cơ quan cấp huyện, mà những gì hằng ngày liên quan đến công việc của bao nhiêu bản cao làng xa đã chiếm quá nhiều thời gian và sự quan tâm. Sa Pa là điểm du lịch quốc gia, điều này không cần bàn cãi, nhưng nếu thế nó cần phải được quản lý phù hợp với vị trí của nó, trong tổng thể du lịch của toàn bộ khu vực. Và cho dù hàng nghìn phòng khách sạn đang được xây dựng, hạ tầng đô thị và hạ tầng du lịch của Sa Pa là rất kém. Khá khó khăn để có được một bữa sáng với ly cà phê và bánh croissant trong một đô thị du lịch như Sa Pa, và bữa tối phổ biến lại chỉ là nồi lẩu “cá hồi” (một loại cá được nuôi ở gần Sa Pa có họ hàng xa với cá hồi/salmon). Tức là sẽ cần có những sáng kiến thật sự, do những người thật sự hiểu nhu cầu của khách du lịch, và có thể tập hợp nỗ lực của những người đang kinh doanh du lịch ở Sa Pa để cùng làm. Điều đó không phải là không thể, nhưng khó nhất là cần có người đứng ra và bắt đầu, từ chính những ngổn ngang của Sa Pa hôm nay.■ Tags: SapaGiấc mơ nào cho Sa PaDu lịch Sa paQuy hoạch Sa Pa
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cám ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.