
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên - trưởng Ban Chỉ đạo - chủ trì phiên họp - Ảnh: X.A.
Phiên họp cũng đã công bố quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về thành lập Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM.
Theo quyết định, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm trưởng Ban Chỉ đạo; Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được là phó trưởng ban thường trực.
Các phó trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Phó bí thư thường trực Thành ủy TP Nguyễn Thanh Nghị, Phó bí thư Thành ủy TP, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; Phó bí thư Thành ủy TP, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM Nguyễn Phước Lộc.
19 ủy viên Ban Chỉ đạo gồm lãnh đạo UBND TP.HCM, Ban Tổ chức Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy, Thanh tra TP, các lãnh đạo sở, ban ngành TP và các địa phương...
Mở rộng mạng lưới đường sắt, đường sắt đô thị trước tình hình mới
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nói để hoàn thành mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị, TP cần cập nhật hướng tuyến quy hoạch bổ sung với tầm nhìn mở rộng liên kết vùng để có giải pháp đầu tư tối ưu; nâng cấp ban quản lý thành mô hình phù hợp hơn.
Về phương án tài chính, TP.HCM tiếp tục mời gọi nhiều thành phần kinh tế đầu tư, giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách… Đồng thời cần phải bàn sâu để có giải pháp cụ thể nhằm thực hiện đạt và vượt mục tiêu đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị.
Bên cạnh đó là các nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt như huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; thu và sử dụng tiền thu trong khu vực TOD.
Cùng với đó huy động vốn thông qua các khoản vay phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất để chỉnh trang phát triển đô thị.
Theo ông Được, khi địa giới TP.HCM mở rộng, sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, vấn đề mở rộng mạng lưới đường sắt cần được đặt ra.
Hiện nay Bộ Chính trị đã cho chủ trương điều chỉnh nghị quyết 188 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP.HCM. Trong đó sẽ cập nhật những chủ trương lớn tại nghị quyết 66 và nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, nếu có cơ chế, chính sách tốt sẽ đầu tư mạng lưới đường sắt sớm hơn, trong đó nguồn vốn tư nhân rất quan trọng - Ảnh: X/A
Về quy hoạch, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh quy hoạch đường sắt đô thị trước đây chỉ trong phạm vi TP.HCM hiện hữu. Sắp tới TP.HCM mở rộng địa giới hành chính, các tuyến phải nối dài đến các vùng đô thị mới như về Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh.
Nếu có quy hoạch sớm, TP sẽ dễ dàng kêu gọi đầu tư theo hình thức TOD (phát triển đô thị theo hệ thống giao thông công cộng). Do đó TP sẽ quy hoạch lại hệ thống đường sắt với phạm vi mới, tầm nhìn mới.
Hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến hệ thống đường sắt đô thị, UBND TP.HCM đã đón nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu như Tập đoàn Gamuda quan tâm tuyến Thủ Thiêm - Long Thành, Tập đoàn Vingroup làm tuyến kết nối quận 7 xuống Cần Giờ.
Tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có một số nhà đầu tư quan tâm đấu thầu, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có nhà đầu tư làm nghiên cứu tiền khả thi kết nối xuống Đồng Nai.
Ông Được nhận định nếu có cơ chế, chính sách tốt sẽ đầu tư mạng lưới đường sắt sớm hơn, trong đó nguồn vốn tư nhân rất quan trọng.
Có thêm nghị quyết đặc biệt để mở rộng làm các tuyến đường sắt, đường sắt đô thị

Ông Trần Quang Lâm, quyền giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, phát biểu tại phiên họp - Ảnh: X.A.
Theo ông Trần Quang Lâm - quyền giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, từ cơ chế nghị quyết 188 của Quốc hội, TP đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 355km, đến năm 2045 hoàn thành 510km. Nếu tính thêm tuyến đường sắt đô thị kết nối từ trung tâm TP đến Cần Giờ và tuyến Thủ Thiêm - Long Thành, mạng lưới đường sắt đô thị của TP dài gần 600km.
Về tiến độ, TP.HCM từ nay đến năm 2027 sẽ hoàn thành khâu chuẩn bị dự án, giai đoạn 2027 - 2028 hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Riêng tuyến số 2 khởi công vào tháng 12-2025. Vốn làm đường sắt đô thị cũng đa dạng, bao gồm ngân sách địa phương tự cân đối, khai thác quỹ đất, phát hành trái phiếu, ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 210.000 tỉ đồng trong 10 năm.
"Hiện Bộ Xây dựng đang cùng TP.HCM và Hà Nội xây dựng nghị quyết mới về phát triển đường sắt có sự kế thừa nghị quyết 188 để trình Quốc hội thông qua. Nghị quyết mới mở rộng cho các tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị áp dụng cả nước. Với các cơ chế đặc biệt đã và đang được xây dựng, TP.HCM có thể chọn được các chính sách tối ưu để hoàn thành mạng lưới đường sắt, đường sắt đô thị theo quy hoạch", ông Lâm nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận