
Nghi lễ đọc chúc văn trong lễ khai xuân của triều đình xưa, được tái dựng tại nền điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long - Ảnh: T.ĐIỂU
Bà Nguyễn Hồng Chi - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội - nói về giá trị của điện Kính Thiên tại hội thảo khoa học quốc tế Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới: Tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững, diễn ra ngày 21-5 tại Hà Nội.
Hội thảo do Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội tổ chức.
Muốn dựa vào cộng đồng thì phải đảm bảo quyền dân
Tại hội thảo, đại diện cơ quan quản lý các di sản thế giới của Việt Nam đã chia sẻ câu chuyện cộng đồng tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản của chính các di sản này.
Các đại biểu khẳng định những năm qua, Việt Nam đã tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách chủ động, tích cực với nhiều hình thức khác nhau. Hoàng thành Thăng Long trở thành không gian tổ chức hàng loạt hoạt động giáo dục, trải nghiệm cho học sinh.
Tại Hội An, người dân được hỗ trợ kinh phí để tu bổ, tôn tạo những ngôi nhà có giá trị và người dân rất ủng hộ, chung sức giữ gìn di sản bởi nó chính là sinh kế bền vững cho người dân.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nói phố cổ Hội An không thể được bảo tồn nguyên vẹn như hiện nay nếu không có sự ủng hộ của cộng đồng địa phương. Các quy định về xây dựng ở Hội An nhiều khi còn vượt quá quy định chung của pháp luật về xây dựng nhưng luôn được người dân ủng hộ.

Ông Lazare Eloundou Assomo, giám đốc Trung tâm Di sản thế giới, khẳng định bảo vệ, phát huy di sản muốn dựa vào cộng đồng thì phải đảm bảo quyền lên tiếng và phúc lợi cho người dân - Ảnh: BTC
Tại vịnh Hạ Long, nhiều giá trị văn hóa, sinh hoạt của cộng đồng dân cư sống trong vùng di sản được khai thác trong phát triển du lịch. Tại Phong Nha - Kẻ Bàng, người dân được trả tiền công để tham gia bảo vệ rừng, được khai thác một số loại lâm sản để phục vụ cuộc sống…
Tại Huế, cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng những người thợ truyền thống đã góp công rất lớn để phục dựng nhiều công trình trong quần thể di tích cố đô Huế như điện Thái Hòa, điện Kiến Trung.
Những người thợ này đã góp công rất lớn trong việc biến một cố đô Huế gần như phế tích sau chiến tranh, bao cấp, thành di sản thế giới như ngày nay.
Ông Lazare Eloundou Assomo - giám đốc Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO - nêu quan điểm để dựa vào cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy di sản thế giới thì các nhà quản lý phải biết lắng nghe người dân, cho họ quyền lên tiếng, đảm bảo phúc lợi của người dân địa phương “vì không có cộng đồng đó thì không thể có di sản chúng ta có ngày hôm nay".

Chuẩn bị hạ giải nhà pháo binh để nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên - Ảnh: T.ĐIỂU
Phục hồi trục Hoàng Đạo và không gian chính điện Kính Thiên
Bà Nguyễn Hồng Chi - đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội - cho biết di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long được công nhận năm 2010. Nơi đây có chính điện Kính Thiên - biểu tượng quyền lực tối cao của triều đình Đại Việt, trải dài từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII.
Điện Kính Thiên không chỉ là không gian vật chất quan trọng mà còn mang giá trị về tâm linh và triết lý sâu sắc trong tư tưởng phương Đông, đặc biệt là học thuyết Thiên - Địa - Nhân biểu tượng cho sự trường tồn của quốc gia, sự thịnh vượng của dân tộc.
Nó không chỉ mang giá trị lịch sử kiến trúc, mà còn là nơi hội tụ các giá trị văn hóa phi vật thể.
Đây là không gian cử hành các nghi lễ quốc gia, các đại lễ, những quyết định chính sách lớn của đất nước.
Trong 15 năm qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội đã triển khai nghiên cứu các giá trị văn hóa phi vật thể, phục dựng, như tái hiện lễ cúng ông Công ông Táo, lễ dựng cây nêu, lễ ban quạt trong triều đình vào dịp Tết Đoan ngọ…
Tuy nhiên việc tái dựng các nghi lễ này gặp khó khăn về không gian thực hành nghi lễ. Do điện Kính Thiên không còn, và không gian lõi của trục Hoàng Đạo trung tâm cũng đang rất hạn chế.
Nhiều năm qua Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội đã nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên, nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 46 ở Ấn Độ năm 2024, Ủy ban Di sản thế giới đã có quyết định nhất trí với tầm nhìn và định hướng nghiên cứu bảo tồn, phục hồi trục Hoàng Đạo và không gian chính điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long.
“Đây là bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn và tôn tạo và phát huy giá trị khu di sản Hoàng thành Thăng Long”, bà Hồng Chi nêu quan điểm.
Hiện Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội đang cho hạ giải nhà pháo binh, tiến hành khai quật khảo cổ học dưới nền nhà này theo giấy phép khảo cổ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phục vụ cho dự án phục dựng điện Kính Thiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận