12/07/2025 15:38 GMT+7

Di tích liên quan chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia thành di sản văn hóa thế giới

Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng (S21), Cánh đồng chết Choeung Ek và Nhà tù M13 cũ của Campuchia chính thức được công nhận là di sản văn hóa thế giới tại kỳ họp thứ 47 của UNESCO.

campuchia - Ảnh 1.

Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng của Campuchia - Ảnh: AFP

Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã gửi thông điệp chào mừng.

Trong thông điệp, bên cạnh việc hiệu triệu người dân tham gia hoạt động chào mừng tổ chức vào sáng 13-7, Thủ tướng Hun Manet còn kêu gọi toàn thể nhân dân Campuchia cùng dâng hoa và tiến hành hoạt động tưởng niệm các nạn nhân của chế độ diệt chủng Pol Pot tại các di tích tưởng niệm của Campuchia vào ngày 11-7 hằng năm.

Ba di tích lịch sử nêu trên nằm trong bộ hồ sơ "Di tích tưởng niệm của Campuchia: Từ địa điểm tội ác đến trung tâm hòa giải và hòa bình", được đệ trình chính thức vào ngày 27-3-2020.

Đây là cụm di sản văn hóa thứ 5 của Campuchia được UNESCO công nhận, sau các di tích lịch sử gắn với các đền tháp cổ đã được vinh danh trước đây, bao gồm quần thể đền Angkor Wat (năm 1992), Preah Vihear (năm 2008), Sambor Prei Kuk (năm 2017) và Koh Ker (năm 2023).

Tọa lạc tại phường Boeung Keng Kang 2, quận Boeung Keng Kang ở thủ đô Phnom Penh, Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng (S21) vốn là ty an ninh có ký hiệu S21, nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Duch hay Kaing Guek Eav - đồ tể khét tiếng dưới thời Pol Pot.

Đây là trung tâm giam giữ, thẩm vấn và tra tấn tàn bạo dưới chế độ Kampuchea dân chủ cầm quyền ở Campuchia từ năm 1975-1979. Di tích này cũng đã được UNESCO ghi danh trong chương trình Ký ức thế giới vào ngày 31-7-2009.

Cũng nằm tại thủ đô Phnom Penh, di tích lịch sử Cánh đồng chết Choeung Ek hay Trung tâm diệt chủng Choeung Ek (phường Choeung Keng, quận Dangkor) từng là nơi diễn ra các cuộc hành quyết tập thể tù nhân dưới thời Pol Pot, sau khi giam cầm và hỏi cung họ tại Nhà tù Tuol Sleng.

Trong khi đó di tích Nhà tù M13 cũ tọa lạc một phần tại ấp Prey Chrov, xã Kbal Teuk, huyện Teuk Phos, tỉnh Kampong Chhnang và một phần trên địa bàn ấp Thmar Kup, xã Am Laeng, huyện Thpong, tỉnh Kampong Speu. Theo các tài liệu lịch sử, M13 là khu biệt giam từng nằm dưới sự quản lý của đồ tể Duch vào năm 1972.

Ngày 25-2 vừa qua, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã ký sắc lệnh hoàng gia thành lập "Khu di tích tưởng niệm của Campuchia: Từ tội ác đến hòa bình", bao gồm 3 địa điểm lịch sử nêu trên.

Sắc lệnh hoàng gia được ban hành nhằm mục đích bảo vệ và bảo tồn các hiện vật và tài liệu lịch sử, bảo vệ cảnh quan môi trường, lịch sử và tài nguyên thiên nhiên, cũng như nâng cao nhận thức, hoạt động nghiên cứu và giáo dục nhằm thúc đẩy hòa giải và hòa bình ở Campuchia.

Ba khu di tích Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng (S21), Cánh đồng chết Choeung Ek và Nhà tù M13 cũ nằm dưới sự giám sát kỹ thuật của Bộ Văn hóa và Mỹ thuật Campuchia. 

Đây là nơi lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử như hệ thống nhà tù, hố chôn người tập thể, cùng các chứng tích lịch sử với nhiều hiện vật trên mặt đất và dưới lòng đất, được xác định là vùng lõi cần được bảo vệ nghiêm ngặt, bên cạnh vùng đệm là các công trình kiến trúc, địa điểm và cảnh quan môi trường khác.

Ngoài 3 di tích trên, Campuchia cũng đã nộp đơn đề nghị công nhận di sản thế giới đối với nhiều di tích khác bao gồm: Di chỉ Phnom Da và Angkor Borei, đền Banteay Chhmar, quần thể đền Beng Mealea, cố đô Oudong, núi Kulen và đền Preah Khan Kampong Svay.

Bên cạnh đó, Campuchia còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận bao gồm nghệ thuật vũ kịch cung đình (năm 2003), nghệ thuật múa rối bóng lớn (2005), trò chơi dân gian kéo co (2015), nghệ thuật trình diễn Chapei Dang Veng hay đàn cán dài (2016), nghệ thuật vũ kịch chùa Svay Andet (2018), võ Lbokator (2022) và khăn rằn Khmer (2024).

Di tích lịch sử liên quan chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia thành di sản văn hóa thế giới - Ảnh 2.Thái Lan hoãn trả cổ vật vì thiếu kinh phí, Campuchia đề xuất chi trả

Trước việc Thái Lan tạm hoãn trao trả cổ vật vì thiếu kinh phí, Campuchia tuyên bố sẽ chi toàn bộ tiền vận chuyển để đưa 20 cổ vật Khmer về nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên