TTCT - Hoàng Đăng Lãnh là dịch giả của nhiều tiểu thuyết kinh điển đương đại nổi tiếng như Thời nắng lịm của Eugen Ruge, Diệt vong (1) và Đốn hạ của Thomas Bernhard, Giờ Đức văn của Siegfried Lenz. Luôn tự coi mình là một dịch giả ngoại đạo, vì vậy trong cuộc trò chuyện với TTCT, ông chia sẻ kinh nghiệm và ý nghĩ của mình chỉ trong tư cách một độc giả đặc biệt, một người có cơ hội đọc và có thể tiếp xúc gần hơn với các tác phẩm. Dịch giả Hoàng Đăng Lãnh. Ảnh: Zét NguyễnHoàng Đăng Lãnh (HĐL): Tôi nghĩ tôi không làm được công việc phê bình hay phân tích tác phẩm. Tôi chỉ là người dịch thôi.Zét Nguyễn (ZN): Người dịch thật ra là một độc giả, một độc giả đặc biệt.HĐL: Đúng thế, vậy nên tôi sẽ nói với tư cách một độc giả, một độc giả muốn giới thiệu sách mình đọc với các bạn đọc khác.Nếu bạn hỏi tôi về quan điểm dịch thuật, thì phải học rất nhiều mới dịch được. Để dịch một tác phẩm, hay nói chung để hiểu nó thôi, tôi nghĩ mình phải đọc rất nhiều về nó; trước khi bắt tay vào dịch, ít nhất theo cách tôi hiểu, tôi phải nắm được khá nhiều về tác phẩm đó. Chẳng hạn, để dịch Đốn hạ của Thomas Bernhard thì đi thăm thành Viên, để biết cái nơi mà tác phẩm lấy làm bối cảnh nó thế nào.ZN: Ông có đi Viên chứ?HĐL: Tôi có đi. Tôi đã đi lần qua những con phố ấy, Graben, Gentzgasse, để thử hình dung xem người ta có thể nghĩ những gì khi đi qua đó. Nhưng, nói cho công bằng, không phải dịch giả nào cũng có được cái lợi thế đó của tôi. Đối với cuốn Diệt vong cũng vậy, tuy không đến được Wolfsegg nhưng những khu lâu đài kiểu như lâu đài Wolfsegg trong tác phẩm thì khá nhiều ở vùng Trung Âu. Hoặc để dịch quyển Giờ Đức văn, tôi đi lên cái vùng ấy, cái vùng đồng không mông quạnh, gió thổi ù ù và đứng nhìn khung cảnh ấy, mình cảm nhận được rằng mọi thứ ở cái vùng đất cực Bắc, quả nhiên, đều bị cảnh quan thiên nhiên nuốt chửng. Con người trở nên nhỏ bé. Cách ông Lenz không cho đối thoại xuống dòng mà viết lẫn vào những dòng văn tả cảnh, theo tôi, cũng là cách nhìn vùng đất ấy, một nơi mà mọi thứ của con người, cả đối thoại, ý nghĩ của họ, tất tần tật, đều lẫn hết vào với thiên nhiên.ZN: Văn chương Đức hậu chiến có bốn cột trụ, gồm Günter Grass, Heinrich Böll, Martin Walser và Siegfried Lenz. Ông đã chọn dịch Lenz, vì sao ông chọn tác giả này?HDL: Tôi dịch ông Lenz vì tôi thích tác giả này và phong cách viết của ông ấy. Bạn cũng biết là tôi dịch sách trước hết do thích thú. Chưa kể tôi có điều kiện về thời gian, về hoàn cảnh sống từ 5-6 năm trở lại đây. Có điều kiện, lại thích tác phẩm, thích tác giả thì dịch, bởi vì với tư cách một độc giả may mắn, như tôi đã nói, tôi muốn chia sẻ những gì làm mình thích thú với mọi người đọc khác.Có thể tôi cũng hơi bảo thủ, nhưng tôi quan niệm rằng đã dịch thì nên dịch từ nguyên bản tiếng gốc, cực chẳng đã mới phải thông qua một thứ tiếng thứ ba, gần với thứ tiếng gốc. Chẳng hạn tiếng Anh, Pháp, Đức hay tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý là những thứ tiếng tương đối gần nhau. Tiếng Nga thì bắt đầu xa rồi. Chưa kể cách suy nghĩ, cách tiếp nhận của mỗi dịch giả là đã khác rồi. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải hiểu rằng khi đã dịch thì chắc chắc sẽ có sự sai lệch, lệch so với tác giả. Anh không thể nhập vào tác giả một cách hoàn toàn được. Đấy là quan điểm của tôi, ấy là chưa kể tôi chưa được đọc nhiều và nghiên cứu kỹ các lý thuyết về dịch thuật. Do trước đây học lỏm được từ các bậc cha chú, tôi chỉ nghĩ tôi phải kể lại câu chuyện mình đọc được bằng tiếng Việt, cho người Việt đọc. Song cũng không được phép đi xa quá. Bởi câu chuyện là của ông Eugen Ruge, của ông Siegfried Lenz, chứ không phải của ông Hoàng Đăng Lãnh. Giọng văn ấy, cách kể chuyện ấy là của người khác, chứ không phải của tôi. Đấy có lẽ là khó khăn lớn nhất trong quá trình dịch chăng? Tôi nhớ trong bài phê bình trên báo Lao Động về bản dịch tác phẩm Thời nắng lịm, người viết đã có một ý rất đáng để suy nghĩ khi e ngại rằng quyển Thời nắng lịm bị Việt hóa nhiều quá. Nếu Việt hóa quá nhiều, câu chuyện sẽ không còn là câu chuyện do người Đức kể nữa, mà do người dịch kể. Ta có thể không tán thành, nhưng việc người viết bài review, một người đọc, cảm nhận như vậy, đối với tôi là điều đáng quan tâm. Trong các tác phẩm dịch về sau, tôi cố gắng không để giọng văn, dù thật sự không muốn, ít nhiều chủ quan của mình len vào tác phẩm dịch.Siegfried LenzZN: Giờ Đức văn, theo tôi, là tác phẩm cực kỳ nhuần nhuyễn về tiếng Việt, tôi nghĩ là ở đỉnh cao phong độ của dịch giả. Cũng lâu rồi trong rất nhiều tác phẩm dịch của ngày nay có một tác phẩm có một thứ tiếng Việt đẹp và uyển chuyển như thế. Cũng phải kể đến một sự khác biệt giữa Thời nắng lịm và Giờ Đức văn. Trong Thời nắng lịm có rất nhiều đối thoại, còn Giờ Đức văn thì tràn ngập văn miêu tả. Vì thế, nếu thứ văn miêu tả ấy không được chuyển sang tiếng Việt một cách nhuần nhuyễn, độc giả sẽ rất khó để hình dung ra cảnh quan của tác phẩm. Nếu giữ lại toàn bộ cấu trúc câu, từ dấu phẩy, từ giới từ trở đi, từ danh từ số ít hay số nhiều… thì liệu rằng có được một bản dịch tốt hơn hay không? Bản dịch Giờ Đức văn có rất nhiều từ tiếng Việt mà nhiều người bây giờ không biết, không dùng nữa, những từ gần như đã bị mất đi rồi. Vốn từ vựng mà ông đem được vào Thời nắng lịm và Giờ Đức văn rất phong phú, giàu có, đời thường. Tôi nghĩ về lâu dài, các dịch giả, theo thời gian, tích lũy kinh nghiệm, vốn sống, cùng với sách vở, phim ảnh… thì mới có thể dần dần đa dạng hóa được vốn từ của mình, từ đó mới chuyển được vào trong bản dịch. Vì thế, đọc văn chương, đọc sách vở là một cách để trau dồi từ vựng?HĐL: Thực ra, nói về dịch thì tôi học được của ông Cao Xuân Hạo rất nhiều: chẳng hạn cách ông ấy xử lý vấn đề, cách ông tiếp cận một tác phẩm. Trong câu văn tiếng Đức, khi viết bao giờ người ta cũng tránh lặp từ, tránh có nhiều từ đồng nghĩa trong một câu hay một đoạn văn. Ông Cao Xuân Hạo cũng từng dạy tôi, trong một câu mà có nhiều từ lặp đi lặp lại quá sẽ gây ra nhàm chán, ta phải dùng từ đồng nghĩa để tránh lặp lại trong câu, trong đoạn văn. Việc dịch nó mất công là vì vậy.Cao Xuân Hạo, có thể nói, là người có năng khiếu ngôn ngữ đặc biệt. Vào những năm 1960-1970, ông buộc phải sống bằng nghề dịch. Cao Xuân Hạo đã dịch Chiến tranh và hòa bình ra tiếng Việt, một bản dịch mà cho đến tận bây giờ, tôi nghĩ khó có bản nào sánh nổi. Thực ra mà nói, chúng tôi cũng ít chuyện trò trực tiếp với nhau, tôi học ông qua các bản dịch là chính. Và tôi học bố tôi nữa. Tôi đọc những bài cụ viết, thậm chí cả những bản nháp mà cụ loại đi.Tôi học như thế, qua chuyện trò, qua sách vở. Nên thực ra, tôi cũng không hiểu mình thấm được tiếng Việt từ đâu, theo con đường nào. Và quả là tôi đã đọc khá nhiều. Tôi phải thú nhận giai đoạn sau tôi ít đọc văn chương, nhưng trước đó, những năm 1960-1970, thì rất nhiều. Vào giai đoạn những năm 1955-1965, ở miền Bắc dịch rất tốt, lại toàn những tác phẩm lớn của văn học thế giới.ZN: Quả là giai đoạn hùng hậu về mặt dịch thuật, rất nhiều kinh điển của văn chương thế giới đã được dịch vào giai đoạn này, như Những người khốn khổ của Victor Hugo, Tuyển tập kịch Shakespeare…HĐL: Việc hiện nay có những hiện tượng gọi là khan hiếm từ vựng như bạn nói, theo tôi, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, người ta học nói, học viết ở ngoài đời là chính, chứ không phải ở nhà. Học qua sách báo, đài phát thanh, TV, tại nhà trường, qua bạn bè, đồng nghiệp. Nếu từ ngữ trong môi trường đó không phong phú, hoặc sai hay chệch nghĩa, thì thanh thiếu niên cũng sẽ không học được vốn từ vựng phong phú, cũng sẽ dùng sai, dùng chệch đi. Ta không thể chỉ đổ tội cho giới trẻ ngày nay viết lách, nói năng kém, họ chịu ảnh hưởng của cách viết, cách nói của cuộc sống xã hội xung quanh họ. Ấy là chưa kể giới trẻ, ở đâu cũng thế, thời nào cũng vậy, bao giờ cũng cố tình nói năng, viết lách theo cách riêng của mình.ZN: Nobel văn chương 2019 xảy ra những ồn ào xung quanh nhà văn Peter Handke. Việc này khiến tôi nhớ đến những phê phán hướng vào tác giả Siegfried Lenz khi ông được cho rằng đã dựa trên họa sĩ tai tiếng Emil Nolde để tạo ra nhân vật họa sĩ Max Ludwig Nansen trong Giờ Đức văn. Ông nghĩ sao về việc này?HĐL: Đây là câu hỏi rất khó trả lời. Bây giờ ai cũng rõ Emil Nolde vốn là người bài Do Thái nặng và nhiệt tình ủng hộ chế độ Hitler. Thế nhưng, tranh của ông ta, tài năng nghệ sĩ của ông ta vẫn được đánh giá cao. Tôi cho đây là một trong những thí dụ điển hình cho việc ở Đức người ta đã có thể phân biệt tài năng nghệ thuật của một tác giả với quan điểm chính trị và đời sống riêng của người đó. Xã hội phương Tây, cụ thể là xã hội Đức, người ta đã chuyển sang giai đoạn biết đánh giá và đề cao nghệ thuật của Emil Nolde, trong khi lên án không nương nhẹ các quan điểm quốc xã và phân biệt chủng tộc của ông ta. Người ta tách rời một Emil Nolde nghệ sĩ, một nghệ sĩ tài ba, vị nhạc trưởng của màu sắc, nhà nghệ sĩ gắn bó với quê hương, với một Emil Nolde bài Do Thái, theo đuôi phát xít. Hai mặt này không nhập vào nhau, không bị đánh đồng với nhau.Việc phê phán ông Lenz đã lấy hình ảnh một con người như Emil Nolde làm hình mẫu, tôi nghĩ như thế chưa chắc đã công bằng, bởi ông Lenz chỉ lấy hình ảnh một họa sĩ nổi tiếng để dựng nhân vật cho tác phẩm, chứ không phải ông ấy ca ngợi đích thân Emil Nolde. Bảo rằng qua tác phẩm Lenz đã bào chữa và “sửa sang sắc đẹp” cho Emil Nolde thì tôi cho là quá lời. Theo tôi, Siegfried Lenz muốn đối chiếu giữa một bên là viên cảnh sát, với bên kia là ông họa sĩ. Nhân vật họa sĩ có lẽ là một nhân vật mong ước của Lenz thì đúng hơn, chứ không phải người thực ở đời. Ông ta được dựng lên như một tấm bình phong làm nổi bật hình ảnh viên cảnh sát. Bởi chính những người như viên cảnh sát ấy, với cách hiểu máy móc, mù quáng về nghĩa vụ của họ, đã tạo nền tảng cho nền độc tài phát xít phát triển. Và kiểu người này không chỉ ở Đức mới có, họ có thể xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Song ngược lại, tôi cũng nghĩ nếu không có những người như cậu Siggi, chị Hilde, ông đưa thư, ông họa sĩ… thì cũng khó mà có được nước Đức ngày nay. Đối với tôi, phải chăng đây chính là giá trị của tác phẩm?ZN: Trong Giờ Đức văn ông thích những đoạn nào?HĐL: Tôi thích nhiều đoạn. Đầu tiên là cái cảnh ông cảnh sát đánh con, với những chi tiết mô tả ông ta vừa đánh vừa chờ phản ứng của bà vợ như thế nào. Cái đoạn đấy tôi rất thích vì nó làm lộ rõ bản chất thật của ông cảnh sát. Nếu không có mệnh lệnh gì để thừa hành thì ông không còn là ông nữa. Ông ấy sẽ rất hoang mang và bối rối. Hay là đoạn các ông dân quân tự vệ bắn máy bay. Hoặc cái đoạn ông thầy giáo dạy sinh vật. Khi có tiếng máy bay và máy bay đối phương bay qua thì ông chỉ nhìn lên vẻ khinh bỉ: Ông ấy thua rồi, nhưng lại không chịu thừa nhận mình thua trận. Đấy là tâm lý khá phổ biến trong bộ phận nhỏ người Đức theo chủ nghĩa phục thù.Và người ta ca ngợi Lenz ở chỗ ông ấy dùng một nơi xa xôi hẻo lánh, hầu như không có bóng dáng gì của chiến tranh, chỉ có vài viên mật vụ. Thế nhưng chiến tranh rõ ràng đã thâm nhập vào từng người, từng số phận. Và độc giả chỉ cần đọc là cảm nhận được ngay không khí chiến tranh.ZN: Ông Lenz quê ở vùng đất ấy?HĐL: Quê ông ấy ở Lyck, vùng Đông Phổ xưa, nhưng sau chiến tranh sống ở Hamburg và thông thạo miền Bắc Đức. Ông ấy là người chuyên mô tả vùng đất phía bắc ấy. Có người bảo ông là nhà văn xóm làng, nhà quê. Ông ấy chả bao giờ phản đối chuyện ấy, mà chỉ bảo rằng ông viết về quê hương ông, thế thôi. Ông Lenz còn có một tác phẩm mà tôi rất thích, tên là Bảo tàng địa phương, kể về một ông già giống như ông ngoại của cậu bé Siggi trong Giờ Đức văn. Ông ấy sưu tầm tất cả mọi thứ của vùng ấy, nhưng rồi ông lại đem đốt sạch cái bảo tàng ấy với cái lý do rằng phải đốt đi thì người ta mới biết rằng những thứ ông sưu tầm là quý giá.ZN: Có lẽ sự hài hước là thứ mà ông Lenz cũng rất mạnh. Cuốn Giờ Đức văn, tuy rằng nội dung rất nặng nề nhưng đồng thời lại có những cảnh rất hài hước. Chẳng hạn như đoạn ở trên cù lao biệt lập mà Siggi bị giam, lúc có sự xuất hiện của đám chuyên gia tâm lý. Ông có thấy là ông Lenz giễu cái đội ấy không?HĐL: Thời sau Chiến tranh thế giới thứ 2 khoảng 10-15 năm, người ta tưởng có thể dùng tâm lý học sẽ có thể giải thích được nhiều thứ ở đời. Người Đức sau chiến tranh bị mặc cảm về việc tại sao đất nước mình, một nền văn minh như thế, lại đẻ ra 13 năm chủ nghĩa phát xít. Đối với nhiều người, đó là điều không giải thích nổi. Người ta quay ra phân tích tâm lý, kể cả của Hitler, xem tại sao ông ta lại căm ghét người Do Thái đến vậy. Người ta muốn hiểu điều đó và đi tìm lý do thông qua tâm lý học. Nhưng nhiều người cũng đã vạch ra rằng họ đi tìm lý do gây ra tai họa lớn đó của văn minh nhân loại ở đâu đâu, chứ không tìm ở chính mình. Ông Lenz là người chĩa mũi dùi quay ngược vào trong và cho ta thấy cái trách nhiệm ấy cũng nằm ở ta, ở sự mù quáng, ở sự cuồng tín của chính ta. Người Phổ, trong tuyên truyền về nước Phổ, được xem là người biết vâng lời, biết tuân mệnh lệnh một cách vô điều kiện. Và người ta coi sự chăm chỉ, đúng giờ đúng giấc, tuân thủ nghĩa vụ, vâng lệnh, trung thành, tận tụy với bề trên, vân vân... là các đức tính Đức, những đức tính có từ ngàn xưa. Khi lên cầm quyền, chủ nghĩa quốc xã đã tuyên truyền, đề cao những cái gọi là đức tính Đức này lên, cho rằng đó là những đức tính tạo nên con người Đức thượng đẳng.Quyển Giờ Đức văn của Lenz ra đời năm 1968, đúng vào cao trào sinh viên. Khi ấy, giới trẻ đã đặt khá nhiều câu hỏi cho các thế hệ trước của họ, chất vấn tại sao bố mẹ họ lại để xảy ra một hiện tượng như Hitler trên đất nước mình. Các câu hỏi về nghĩa vụ, về giới hạn của nghĩa vụ, về trách nhiệm của các thế hệ đi trước đối với tai họa phát xít được đặt ra gay gắt. Giờ Đức văn ra đúng vào thời điểm ấy nên được độc giả quan tâm và đọc nhiều. Vấn đề được nêu ra trong tác phẩm khiến người ta phải đặt ra câu hỏi giới hạn của nghĩa vụ là ở đâu. Và quả thật, trong tác phẩm ấy, ai cũng bị trách nhiệm, nghĩa vụ giằng xé, từ thằng bé Siggi trở đi. Thằng bé nghĩ nó phải có nghĩa vụ cứu các bức tranh, dẫn đến chỗ nó thành tội phạm. Nó lấy cắp tranh từ trong nhà băng, từ các cuộc triển lãm đem giấu đi. Ông bố thi hành lệnh từ trên ban xuống, đã lệnh là lệnh, đến khi lệnh đó mất hiệu lực trên thực tế, ông ta vẫn thi hành nó cho bằng được bởi chưa ai ra lệnh cho ông hay thôi đi. Ông Nansen họa sĩ thì cứ nhất định vẽ, ông ấy coi đó là trách nhiệm của ông đối với nghệ thuật, đối với đời sau. Tôi cho rằng độc giả cũng sẽ đặt ra những vấn đề như thế với chính mình.ZN: Xem và đọc những bộ phim tài liệu về diệt chủng, về Holocaust, ta có thể nhận ra rằng có rất nhiều người tìm thấy niềm vui khi thực hiện nghĩa vụ. Không chỉ những nhân viên quèn như bẻ ghi tàu đưa đến phòng hơi ngạt, hay đóng kín cửa không cho tù nhân thoát, mà ngay cả những sĩ quan, họ tìm mọi cách để sáng tạo ra cách để có thể tiêu diệt người Do Thái một cách nhanh gọn và nhiều nhất. Họ đau đáu với những việc như thế. Như vậy, việc thỏa mãn nhiệm vụ đã bị đẩy lên ở mức độ cao nhất, méo mó nhất. Quả thực việc này rất là lạ, khi nhìn vào tính cách của nhân vật trong truyện Giờ Đức văn. Ông bố là một người như thế. Và ông bố có lẽ là một người có thể vào cái trại cù lao để các chuyên gia tâm lý nghiên cứu.HĐL: Theo tôi, giáo dục theo lối cũ cũng là một vấn đề ông Lenz muốn nêu ra trong Giờ Đức văn. Trong đó, cách thức giáo dục vẫn là cách thức của ngày xưa. Khi anh bị coi là khó giáo dục thì tôi cho anh vào một cái trại cách ly. Vậy ai xác định thế nào là kẻ khó giáo dục? Ngay cả chuyện dạy văn, người ta cho anh một cái đề tài để anh phân tích theo cách hiểu của người ta (của ông thầy, của ông hiệu trưởng, của viên giám thị về nghĩa vụ). Đấy là lối dạy cũ. Bây giờ người ta không dạy như thế nữa, không còn các cù lao như trong truyện nữa. Bây giờ, để học một tác phẩm văn học chẳng hạn, người ta để cho học sinh, riêng lẻ hay từng nhóm, tự đọc tác phẩm đó, rồi học sinh sẽ báo cáo, trình bày về nhận thức của mình đối tác phẩm. Nhận thức của học sinh có thể rất khác nhau, khác cả với của thầy cô giáo, nhưng học sinh có quyền bảo vệ ý kiến của mình, giải thích tại sao họ hiểu tác phẩm như thế.Thực ra dịch Deutschstunde, tên của tác phẩm này, ra tiếng Anh thành The German Lesson, hay ra tiếng Việt thành Giờ học tiếng Đức, hay Giờ Đức văn như tôi dịch, theo tôi, đều không thật đúng. Bởi người đọc có thể sẽ nhầm hiểu đây là giờ học cách đọc, cách viết tiếng Đức, ngữ pháp tiếng Đức, như ta có thể nghĩ khi nói đến giờ Anh văn, Pháp văn, Trung văn hay Nga văn. Trong khi đó Deutschstund, có lẽ, cũng có thể hiểu thêm là “Giờ về nước Đức, về lịch sử nước Đức”. Trong Giờ Đức văn, Siggi nhớ lại câu chuyện, nhớ về quê hương... chứ không phải học chính tả hay ngữ pháp tiếng Đức. Đối với độc giả cũng thế, người ta sẽ phải nhớ lại giai đoạn trước và sau khi chiến tranh kết thúc, với các sự kiện đã xảy ra, và người ta sẽ đánh giá như thế nào về các sự kiện đó, về cách nghĩ, về hành vi và cách xử sự của nhân vật. ZN: Ông từng chia sẻ dự định lập một nhóm dịch văn học Việt Nam sang tiếng Đức? Ông đã dịch được những gì rồi?HĐL: Tôi mong muốn tập hợp một nhóm như thế nhưng chưa thành công. Tôi không phải là người thạo tiếng Đức đến mức có thể tự mình làm được mà phải hợp tác với bạn bè người Đức. Tôi có thử dịch một số truyện ngắn của vài nhà văn Việt Nam sang tiếng Đức nhưng chưa thật sự thành côngZN: Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm dịch cho những người muốn làm công việc này?HĐL: Tôi nghĩ, để dịch văn học Việt sang tiếng Đức, người dịch không những phải thạo tiếng Việt, mà đặc biệt phải thạo tiếng Đức. Cũng giống như khi dịch tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, theo những gì tôi học hỏi được, điều trước tiên là cần thạo tiếng Việt vậy. Và một khi đã nói đến sự thông thạo thì có lẽ bao giờ cũng là đề cập đến sự học tập và bồi dưỡng không ngừng về ngôn từ, ngữ nghĩa, về xã hội... Bởi tiếng nước nào cũng vậy, đều có lịch sử sâu xa, đều phát triển và thay đổi không ngừng, cùng nhịp với cuộc sống xã hội.Dịch, theo tôi, là một công việc khá nặng nhọc, đòi hỏi nhiều tâm sức và trách nhiệm của người dịch, nhưng cũng là của người biên tập và của các nhà xuất bản - một công việc nếu được đánh giá thích đáng về nhiều mặt thì chắc chắn sẽ thu được các kết quả mong muốn.Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này.■(1): Bản dịch Diệt vong được trao Giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2018.Hoàng Đăng Lãnh, sinh năm 1948, là một tiến sĩ ngành hóa học. Ông là con trai của giáo sư Hoàng Tuệ, nguyên viện trưởng Viện Ngôn ngữ Việt Nam, và là anh trai của nhà văn Bảo Ninh. Từng công tác tại Phân viện Khoa học Việt Nam tại TP.HCM, ông sang làm việc ở CHDC Đức lần đầu năm 1979, đến cuối thập niên 1980 ông sang làm việc tại Viện hàn lâm Khoa học CHDC Đức. Sau khi nước Đức thống nhất, ông tiếp tục làm việc tại Viện Nghiên cứu xúc tác ở Berlin và Rostock cho đến khi nghỉ hưu.Siegfried Lenz (1926-2014) là nhà văn nổi tiếng người Đức, tác giả của 16 tiểu thuyết, nhiều truyện dài, kịch, tuyển tập truyện ngắn và tiểu luận. Ông được đánh giá là một trong những nhà văn Đức xuất sắc nhất hậu Chiến tranh thế giới thứ 2, sánh vai cùng những đại văn hào khác như Günter Grass và Heinrich Böll. Ông được nhận giải thưởng Goethe danh giá vào năm 2000 nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Johann Wolfgang von Goethe.Giờ Đức văn của Siegfried Lenz (xuất bản năm 1968) nhanh chóng trở thành một trong những hiện tượng văn chương thành công vang dội nhất ở Đức. Tiểu thuyết này được đưa vào đọc và dạy trong nhà trường và đã bán được hàng triệu bản.Được coi là kinh điển của văn chương hậu chiến Đức, Giờ Đức văn kể lại những câu chuyện liên quan đến một họa sĩ thuộc trường phái biểu hiện bị cấm vẽ. Mô tả chi tiết những giằng co giữa lương tâm và luân lý, Giờ Đức văn là nơi Siegfried Lenz thực thi nghĩa vụ của ông trong văn chương, giúp người Đức “trả những món nợ khổng lồ mà người Đức cùng với quốc trưởng của họ đã đặt lên vai mình”. Tags: Dịch giảSiegfried LenzGiờ Đức vănVăn chương ĐứcHoàng Đăng Lãnh
Kẹt xe kéo dài trên cao tốc TP.HCM - Phan Thiết từ 3h sáng, phân luồng xuống quốc lộ 1 MINH HÒA 24/01/2025 Rạng sáng 24-1, người dân tiếp tục cuộc hành trình về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết lại kẹt xe kéo dài. Nhiều người đi từ 3h sáng cũng không thoát cảnh gian nan.
Giá cao, khó bắt Grab ngày cận Tết: Tài xế than kẹt xe, vừa tới nơi 'thượng đế' hủy chuyến PHƯƠNG NHI 24/01/2025 Tình trạng kẹt xe, bị khách hủy chuyến bất ngờ, app cắt phần trăm cao... là những nguyên nhân khiến tài xế ngán ngẩm, tắt app thời gian.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.