TTCT - Bên cạnh những sáng tạo khác, cầu là một trong những minh chứng kỳ quan của văn minh, trí tuệ loài người để chinh phục, vượt qua những vật cản thiên nhiên. Vượt lên hẳn yếu tố công năng, nó luôn mang vẻ đẹp tổng hòa của công nghệ, kỹ thuật, không cần lắm trang trí thêm thắt. Từ những cây cầu cổ xưa nay vẫn tồn tại đến nhiều cây cầu hiện đại nhất ngày nay, luôn là những cấu trúc với vẻ đẹp kinh ngạc. Những nơi cư trú đầu tiên của con người ngày nay trở thành đô thị luôn gắn với những dòng sông, và những cây cầu luôn là một cấu trúc tất yếu kèm theo, cả về công năng lẫn hình ảnh không gian đô thị.Từ Paris, Venice, Dresden...Ở châu Âu, hầu hết các đô thị lớn đều gắn với những cây cầu. Paris là thành phố với 37 cây cầu bắc qua sông Seine. Từ cầu Pont au Change được xây dựng từ năm 872 đến cây cầu Simone-de-Beauvoir xây dựng năm 2006, chúng khác nhau hoàn toàn về hình thức, bởi khác biệt về công nghệ, kỹ thuật xây dựng và mỹ cảm, phong cách kiến trúc từng thời đại, nhưng đều là những viên ngọc trên sông Seine, những chuỗi trang sức của thành phố Paris, như sợi dây nối dài hàng chục thế kỷ mà vẫn nhuần nhị, tiếp biến. Cây cầu mới ở Venice bị chê là không ăn khớp gì với cảnh quan cổ điển của thành phố. -Ảnh: archpaper.com Có thể nói, bất cứ nơi nào ở châu Âu cũng có thể bắt gặp những câu chuyện tương tự.Ở châu Á, những đô thị thương mại của người Trung Quốc, vốn là bậc thầy của thế giới về kết cấu vòm cuốn, những cây cầu bán nguyệt là những cấu trúc lộng lẫy nổi bật, là sự kết nối hữu cơ không thể tách rời trong cơ thể đô thị. Từ An Huy, Giang Tô đến Hồ Nam, Thượng Hải, và rất nhiều nơi khác, đâu đâu cũng có thể thấy những ví dụ lộng lẫy như thế.Việt Nam vốn chỉ là một nền văn minh nhỏ, thiếu thốn cả về tài lực lẫn kỹ nghệ, nhưng những cây cầu ngói xinh xắn còn tồn tại đến ngày nay vẫn là những cấu trúc đáng tự hào về kỹ thuật và mỹ cảm.Nói tất cả những điều đó để thấy việc bổ sung một cây cầu vào cấu trúc cơ thể đô thị hiện hữu chưa bao giờ là việc dễ dàng, bất kể ở đâu và ở trình độ phát triển nào. Cây cầu Calatrava, tác phẩm của kiến trúc sư Santiago Calatrava, được xây dựng hoàn thành năm 2008, bắc qua Canal Grande - con kênh quan trọng nhất của Venice, là điển hình cho một cấu trúc duy mỹ bằng thép và kính, như một cây trâm bạc sáng loáng cài giữa hai bờ kênh Grande.Tuy nhiên, ngoài việc gây ra không ít ý kiến phẫn nộ nơi người dân Venice vốn cho rằng nó phá vỡ cảnh quan đô thị cổ xưa của thành phố, thì còn quan trọng hơn, về mặt công năng, cây cầu đi bộ này khiến khách bộ hành thường xuyên bị trượt ngã vì bề mặt cong và trơn nhẵn do thiết kế quá duy mỹ của nó.Sau đó, khi một loạt cấu trúc các gờ ngang chống trơn phải được bổ sung để khắc phục, thì lại phát sinh vấn đề tiếp theo: những chiếc vali kéo của khách du lịch phải lếch thếch lôi lộc cộc đầy vất vả qua những gờ chống trơn ấy. Có thể nói cầu Calatrava là ví dụ điển hình của một cấu trúc duy mỹ, tạo ra chỉ để ngắm.Cầu Waldschlösschen bắc qua sông Elbe ở thành phố Dresden, Đức, thì được xây dựng hoàn thành năm 2006, với mục đích giải tỏa giao thông nội thị cho Dresden, một đô thị cổ với kiến trúc baroque mang hơi hướng Địa Trung Hải giữa khung cảnh thiên nhiên hữu tình miền bắc Đức. Kết cấu lộng lẫy thuần cơ khí và công năng đấy rốt cục đã khiến thung lũng Elbe bị liệt vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa, đến nỗi UNESCO quyết định tước danh hiệu di sản của thành phố Dresden vào năm 2009! Đây có thể coi là một bằng chứng xâm hại của các cấu trúc thuần túy công năng vào di sản văn hóa của đô thị.... tới Hà NộiCầu Long Biên, vốn là một cấu trúc quan trọng bắc qua sông Hồng trên tuyến đường sắt Hải Phòng - Vân Nam do người Pháp xây dựng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển đường sắt lẫn đường bộ cho miền Bắc trong suốt thời gian chiến tranh và những năm sau hòa bình lập lại. Cầu Long Biên đã trở thành một phần hữu cơ của Hà Nội. Ảnh: asianwaytravel.com Tuy vậy, dù đã nhường chức năng giao thông cho những cây cầu xây mới, nó vẫn là một cấu trúc hữu cơ đúng nghĩa của không gian đô thị Hà Nội, bất chấp cơ thể què quặt hư hỏng do chiến tranh. Cây cầu trở thành nơi cho các đôi tình nhân hò hẹn, nơi cư dân đô thị có thể ngồi hóng gió mùa hè với tất cả những hoạt động và dịch vụ sôi động trên đó. Có thể nói, Long Biên là một cấu trúc công năng được hồi sinh, được trở về là một phần của không gian đô thị, ngay cả khi đã già nua, tưởng như không còn gì hữu dụng.Cầu Nhật Tân được xây dựng hoàn thành năm 2015, vốn có mục đích phục vụ giao thông cơ giới từ Hà Nội ra sân bay Nội Bài và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, nó cũng trở thành một địa điểm hóng gió, dạo mát của cư dân đô thị, bất chấp nguy cơ bị xử phạt và những nguy hiểm do cây cầu rõ ràng không được thiết kế cho các chức năng ngoài giao thông như vậy.Những câu chuyện nhỏ ở trên có thể phần nào là ví dụ cả thất bại lẫn thành công cho những cấu trúc cầu trong không gian đô thị. Sự thất bại của cả những cấu trúc duy mỹ lẫn thuần túy công năng, và cả sự hồi sinh của những thứ tưởng như đã già nua, hư hỏng.Trong chuyện của Hà Nội, ngoài Long Biên nói ở trên, thì những cây cầu bắc qua sông Hồng chỉ thuần túy là những cấu trúc công năng. Cho dù chúng đều đẹp, hoặc không đến nỗi xấu, chúng vẫn chỉ là những cấu trúc tự thân độc lập, không đóng góp kết nối hình ảnh không gian Hà Nội, vốn dĩ đã mờ nhạt và rời rạc giữa hai phía bờ sông.Để thay đổi điều đó thật ra không cần quá sáng tạo hay nghĩ ra cái gì đậm đà bản sắc dân tộc cả. Vì vốn dĩ, qua những bài học trên thế giới, từ những đô thị cổ đại cho đến hiện đại, những cây cầu và dòng sông đều luôn cần được xem như một thành tố hữu cơ, là gạch nối quan trọng của cơ thể đô thị, với tất cả các sinh hoạt cho nó, đáp ứng cho đời sống và kết nối không gian đô thị, như một thể thống nhất.Câu chuyện cầu Trần Hưng Đạo dự kiến xây mới có vẻ đang được cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và đơn vị thiết kế tư duy với các yếu tố đô thị nhiều hơn, như thiết kế đường cho người đi bộ, không gian cây xanh, và chút nào đó là ý tưởng tiếp biến hình ảnh đô thị bằng việc sao chép một vài hình thức kiến trúc thuộc địa lên cầu. Tuy nhiên, chính điều này gây nên nhiều tranh cãi, thậm chí là nhiều ý kiến nặng nề từ giới chuyên môn. Và nó cũng là điểm làm lu mờ mọi nỗ lực tiếp cận có vẻ theo hướng văn minh trước đó.Bài học luôn ở rất gần, người Pháp không tìm cách sao chép Pont au Change hay những cấu trúc cổ điển khác cho những cây cầu thế kỷ 21, dù cho chúng có hấp dẫn đến đâu và Paris đậm đặc những kiến trúc đó hơn ta hàng ngàn lần. Người Trung Hoa cũng không làm những cây cầu copy vòm đá hay gợi lại hình ảnh đô thị thuở xưa, dù nó lộng lẫy đến thế nào. Hình ảnh tiếp biến của đô thị chưa bao giờ đơn giản là sự sao chép thô thiển những cấu trúc, thành tố xưa cũ, cho dù nó có hấp dẫn thế nào đi nữa.Nên chăng, hãy đặt lại vấn đề từ những câu hỏi nhỏ và chân thành: Một cây cầu trong đô thị thì cần những gì? Những sinh hoạt đô thị nào có thể diễn ra trên đó ngoài chức năng giao thông?... Đi tìm lời giải cho chính những điều tưởng giản dị mà quan trọng đó sẽ chính là cách tạo ra hình ảnh đô thị cho cây cầu, chứ không phải việc sao chép đắp điếm bất cứ thứ gì.Những hoạt động đô thị tự phát trên cầu Long Biên, hay trình diễn thời trang trên cầu Trường Tiền ở Huế, những ví dụ ấy dẫu rời rạc, chắc chắn có ích cho việc tư duy lại cách tiếp cận thiết kế một cây cầu - đúng hơn là thiết kế cả một không gian đô thị. Như mọi lẽ ở đời, một sản phẩm tốt luôn chỉ đến từ những đề bài cụ thể, giản dị và chân thành nhất. Nhịp cầu, khi ấy mới là nối những bờ vui, chứ không chỉ là những cấu trúc giao thông vô hồn, những đắp điếm hình hài vô nghĩa. ■ Tags: Kiến trúc đô thịVeniceCầu Long BiênCầuCầu Trần Hưng Đạo
Tin tức sáng 24-1: Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây ăn Tết; Khai mạc Hội hoa xuân TP.HCM TUỔI TRẺ ONLINE 24/01/2025 Tin tức đáng chú ý: Ngân hàng rao bán 400 khoản nợ vay tiêu dùng cận Tết; Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây; Hôm nay khai mạc Hội hoa xuân TP.HCM...
Tin tức thế giới 24-1: Ông Trump: 'Chiến sự Nga - Ukraine là cuộc thảm sát'; Mỹ có giám đốc CIA mới NGỌC ĐỨC 24/01/2025 Washington sẽ áp dụng các mức thuế mới với "những mức độ khác nhau" với mọi nước; Mỹ đảm bảo năng lượng cho châu Âu.
Đã giải tỏa kẹt xe kéo dài từ 3h sáng trên cao tốc TP.HCM - Phan Thiết MINH HÒA 24/01/2025 Rạng sáng 24-1, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết kẹt xe kéo dài. CSGT đã điều tiết một phần phương tiện sang quốc lộ 1 để giải tỏa, đến 6h sáng nay xe cộ đã có thể lưu thông bình thường.
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, ùn ứ chiều tối tới nửa đêm mới giải tỏa LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM trong ngày không kịp xử lý.