TTCT - Toàn văn CPTPP cuối cùng cũng đã được công bố. Và như mọi cuộc chơi kinh tế khác, khó có chuyện lợi ích mà hiệp định mang lại sẽ được phân bổ đồng đều cho mọi nhóm dân cư, mọi doanh nghiệp. Sẽ có người hưởng lợi nhiều và sẽ có những người thua thiệt. Nông nghiệp sẽ chịu sức ép lớn từ CPTPP trong khi chẳng mấy nông dân hiểu biết chuyện gì sẽ xảy ra sắp tới trong lĩnh vực của mình. Ảnh: MAI VINH Câu hỏi lớn đặt ra là những nhóm thua thiệt là ai, bị tác động đến mức độ nào? Và theo đó, bài toán tiếp theo mà từng chính phủ, trong đó có Việt Nam, sẽ cần phải giải là chính sách nội địa trong từng nước sẽ phải điều chỉnh thế nào - để ít những nhóm thiệt thòi, những nhóm yếu thế - qua can thiệp chính sách từ chính phủ, được san sẻ lợi ích từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hoặc chí ít ra cũng không bị “bỏ lại phía sau”. Ai sẽ bị thiệt thòi? Ngay sau khi toàn văn hiệp định chính thức được công bố, các tổ chức nghiên cứu đã có những đánh giá tác động về mặt kinh tế của hiệp định. Trong đó đáng chú là báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhấn mạnh vào hai điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, về phân bổ thu nhập, mức lợi ích đạt được sẽ cao hơn ở nhóm có trình độ cao; dù CPTPP có thể sẽ giúp 0,9 và 0,6 triệu người thoát nghèo tính đến năm 2025 và 2030 (so với kịch bản cơ sở không có CPTPP). Và thứ hai, nông nghiệp và xuất khẩu nông sản sẽ bị cạnh tranh và ảnh hưởng tiêu cực. Trong đó nhóm ngành chăn nuôi, chế biến thực phẩm và kể cả xuất gạo sẽ bị cạnh tranh gay gắt. Những điều này hàm ý rằng dù về tổng thể CPTPP có lợi cho tất cả mọi người, nhưng khoảng cách giàu nghèo và phân tầng xã hội giữa các nhóm dân cư - dưới tác động của CPTPP - sẽ tiếp tục bị đào sâu. Cũng lưu ý rằng điều này cần đặt trong bối cảnh rộng hơn khi mức độ cách biệt thu nhập trong suốt thời gian dài vừa qua lúc chưa có CPTPP vẫn tiếp tục doãng ra. Chỉ số GINI - chỉ số đo bất bình đẳng thu nhập năm 2016, năm gần nhất 0,436 điểm, cao hơn 0,006 điểm so với năm 2014, đồng thời tiếp tục đà tăng liên tục trong suốt hơn 20 năm qua. Thêm vào đó, tình hình còn có thể xấu hơn nữa dưới tác động của xu hướng kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0 - nơi lợi thế tiếp tục được tăng cường cho nhóm lao động có tri thức và kỹ năng cao, đồng thời đe dọa trực tiếp việc làm của nhóm lao động giản đơn; lao động trong khu vực công nghiệp. Với Việt Nam, nguy cơ còn lớn hơn bởi nhân công giá rẻ, lao động giản đơn chiếm tỉ trọng lớn ngay trong các khu vực công nghiệp thâm dụng lao động như da giày, dệt may; gia công đồ điện tử hay thiết bị công nghệ; trong khi đó máy móc tự động sẽ dần thay thế con người. Và sản xuất thay vì chảy sang các nước đang phát triển, lại sẽ quay ngược về các nước phát triển. Nhìn nhận một loạt yếu tố tạo ra tác động cộng hưởng như vậy cho thấy mối lo ngại về những nhóm yếu thế - lao động nông nghiệp, lao động giản đơn và kể cả lao động ở khu vực nhà máy - khu công nghiệp có kỹ năng thấp - tiếp tục bị tụt lại đằng sau là nỗi lo hoàn toàn chính đáng. Do đó, đàm phán thành công CPTPP đã là một thành quả lớn nhưng thách thức tiếp theo cũng lớn không kém: chính phủ cần có những chính sách gì để các nhóm này không bị tụt lại đằng sau. Đào tạo nghề - ưu tiên thứ nhất Về mặt dài hạn - đầu tư cho phát triển con người, trong đó tập trung ưu tiên cho chất lượng giáo dục đương nhiên vẫn là giải pháp căn bản đầu tiên. Dù có hay không có CPTPP - để thích ứng với kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0 - chất lượng con người, chất lượng lao động vẫn là “tài nguyên” lớn nhất để cạnh tranh trong cuộc chơi toàn cầu. Nhưng rõ ràng áp lực của CPTPP càng đè nặng hơn và khiến cho yêu cầu cải cách giáo dục càng trở nên cấp thiết hơn nữa. Tuy vậy, trong lúc chờ đợi hệ thống giáo dục “chuyển động”, cần chọn những khu vực giáo dục ưu tiên làm trước, tạo bước đột phá trước. Hệ thống trường nghề và các chương trình đào tạo nghề cần thiết là ưu tiên số 1. Bởi vì trường nghề có thể cung cấp nhanh các chương trình đào tạo kỹ năng nghề nghiệp với thời gian đào tạo ngắn và linh hoạt, chi phí có thể trang trải được cho các nhóm đối tượng yếu thế vừa kể trên. Đào tạo nghề Việt Nam không phải là không có và ngân sách dành cho nó là đáng kể, nhưng hiệu quả các trường nghề hiện tại là đáng lo ngại. Để thay đổi nhanh khu vực này, lời giải trước nhất chính là tăng cường tính thị trường và tính cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ đào tạo, với đích ngắm là làm sao trường nghề tư nhân có thể tham gia và cạnh tranh hiệu quả. Để làm được điều đó, các gói tài trợ ngân sách đào tạo nghề hiện nay cần được mở thầu cạnh tranh, để các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng trong việc tham gia cung cấp dịch vụ đào tạo nghề. Thậm chí, cách làm cung cấp các “voucher” (phiếu) đào tạo cho lao động nông nghiệp và các nghề công nghiệp, dịch vụ cũng nên được thí điểm. Theo cách thức này, nhà nước, thay vì “trả tiền trực tiếp” cho trường nghề theo cung cách mang nặng tính xin - cho như hiện nay, sẽ cung cấp một phiếu đào tạo (voucher đào tạo) cho người lao động trong diện hỗ trợ đào tạo. Người đó sẽ sử dụng “voucher” này đăng ký tham gia một khóa học do một doanh nghiệp - trường nghề mà mình cho là đáp ứng đúng nhu cầu cũng như chất lượng cho mình. Trường nghề sẽ sử dụng “voucher” của người học đó, từ đó nhận lại kinh phí từ Quỹ đào tạo nghề quốc gia. Cách làm này vừa giúp gia tăng mức độ cạnh tranh, từ đó tăng chất lượng đào tạo của cơ sở cung cấp dịch vụ bởi các trường sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng để thu hút học viên. Đồng thời giúp tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm (với số tiền được trợ cấp dưới hình thức phiếu) của người lao động. Làm được việc này, các trường nghề tư nhân sẽ có động lực lớn để phát triển, giúp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Tiêu chí hiệu quả của các khoản tài trợ từ ngân sách cũng được nâng cao: vừa đảm bảo tính công bằng - hỗ trợ diện rộng cho lao động; vừa đảm bảo tính hiệu quả nhờ áp dụng cơ chế cạnh tranh của thị trường. Quyền tài sản đất đai và thúc đẩy khu vực nông nghiệp Như đã đề cập, khu vực nông nghiệp là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề tiếp theo của CPTPP. Và đây tiếp tục là rủi ro “kép”: cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đe dọa việc làm giản đơn trong khu vực công nghiệp thâm dụng lao động. Nếu số lượng lao động này bị thải loại - nông nghiệp, bên cạnh khu vực dịch vụ, sẽ là nơi hấp thụ lao động dư thừa. Tuy nhiên, mô hình nông nghiệp công nghệ mà Việt Nam đang theo đuổi hiện nay không hẳn là lời giải tốt, bởi nông nghiệp công nghệ cao cũng “hất cẳng” lao động ra ngoài chứ không giúp giải quyết bài toán dư thừa lao động. Tôi cho rằng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp giá trị cao mới là lời giải đúng đắn. Sự tham gia của doanh nghiệp vừa và nhỏ vào thị trường trên cơ sở các mối quan hệ hợp tác hài hòa lợi ích với nông dân - những người sở hữu đất nhỏ lẻ - mới là mô hình mang tính bền vững. Để đạt được điều đó, mấu chốt không phải là trợ giúp vốn hay công nghệ mà mấu chốt là bài toán đất đai, là đảm bảo quyền tài sản đất đai cho người nông dân, cho doanh nghiệp. Nhà nước chấm dứt việc đứng ra thu hồi đất, trong đó có đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp để bảo vệ quyền tài sản của doanh nghiệp nhỏ và vừa; bảo vệ quyền tài sản của người nông dân, đồng thời hình thành một thị trường đất đai đúng nghĩa mới là động lực căn bản để thúc đẩy nông nghiệp. Gỡ bỏ giấy phép con và điều kiện kinh doanh Và cuối cùng, điều quan trọng nhất Việt Nam cần làm là phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ trong nước bởi đây mới là khu vực hấp thụ lao động tốt nhất; cạnh tranh linh hoạt nhất và hiệu quả nhất của khu vực kinh tế tư nhân. Nút thắt của nhóm này, cần nhấn mạnh là không phải thiếu vốn và cần được hỗ trợ vốn; mà là thiếu một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bị chèn ép bất công bởi chính sách ưu tiên doanh nghiệp lớn; lẫn những nhũng nhiễu từ phía các bộ ngành, cơ quan “quản lý nhà nước”. Gỡ bỏ các giấy phép con bất hợp lý, cải cách thủ tục hành chính để giảm nhũng nhiễu từ cơ quan công quyền sẽ tạo một động lực vô cùng lớn để nhóm này phát triển. Điều này là đặc biệt quan trọng, bởi suy cho cùng CPTPP dù có gỡ bỏ được các rào cản thương mại xuyên biên giới cũng chẳng mang lại tác dụng đáng kể nếu doanh nghiệp trong nước không đủ mạnh để tận dụng những cơ hội đó. Giới chuyên gia và học giả đã liên tục cảnh báo Việt Nam, song song với việc mở cửa cần tiếp tục đi sâu vào cải cách thể chế kinh tế thị trường trong nước và gỡ bỏ những rào cản nội tại. Tiến trình cải cách thể chế kinh tế thị trường, cải cách lập quy đáng tiếc đã lừng chừng kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, và điều đó đã làm xấu đi đáng kể môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Từ những phân tích kể trên, có thể nói CPTPP là một bước tiến quan trọng, một nỗ lực đáng ghi nhận cho Việt Nam. Nhưng những thách thức hậu CPTPP đặt trong bối cảnh kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là giải bài toán cho những nhóm yếu thế đã bị thiệt thòi cũng là vô cùng lớn. Quốc hội và Chính phủ cần tỉnh táo nhận diện những thách thức mới và có lời giải thỏa đáng. Có như thế, CPTPP mới đúng nghĩa là hiệp định tiêu chuẩn cao và góp phần vào phát triển bao trùm như mục đích cuối cùng nó hướng tới.■ Tags: Hội nhậpCPTPPKhông bị bỏ lại phía sauHậu CPTPP
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.