Cuộc chiến thuế đối với túi ni lông: Những thiệt - hơn nhức đầu

YÊN LAM 03/11/2019 17:11 GMT+7

TTCT - Theo tạp chí National Geographic, tính đến tháng 7-2018, thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy có 127 quốc gia đã cấm hoặc đánh thuế túi nilông. Mỗi quy định cấm hay đánh thuế ở từng quốc gia hay địa phương đều có cách giải quyết riêng, đáng để làm bài học tham khảo cho Việt Nam.

Để đạt mục tiêu giảm sử dụng, tiến tới xóa bỏ túi nilông, việc đưa ra lệnh cấm trông có vẻ hiệu quả, cứ cấm tiệt là xong. Thế nhưng, theo trang Vox, nhiều nhà nghiên cứu và tổ chức tư vấn cho rằng đánh thuế mới là chiến lược tốt hơn. Nguyên nhân là vì cấm túi nilông sẽ làm tăng đột biến nhu cầu túi giấy hoặc túi nhựa dày hơn, có thể tái sử dụng nhiều lần, mà các sản phẩm này không phải “xanh” hẳn như nhiều người nghĩ, do lẽ quá trình sản xuất chúng cũng có các tác động xấu đến môi trường.

Trong khi đó, đánh thuế túi nilông cũng đặt ra nhiều thách thức không dễ giải quyết: đánh thuế ai - người tiêu dùng, cửa hàng bán lẻ hay nhà sản xuất - thì hiệu quả hơn và mức thuế sẽ là bao nhiêu, tiền thu được dùng làm gì?

Giải pháp thuế

Trong báo cáo công bố tháng 9-2018, Tổ chức học giả Rethink Plastic đã phân tích kỹ các ưu nhược điểm của việc đánh thuế lên sản phẩm bằng nhựa nói chung và túi nilông nói riêng, cung cấp nguồn tham khảo cho các quốc gia châu Âu để quyết định nên xử lý vấn đề này thế nào.

Theo đó, thuế đồ nhựa (plastic tax) cần hướng tới việc thay đổi hành vi (giảm, tiến tới ngưng hẳn việc dùng túi nilông) thay vì tăng thu ngân sách; phải công bằng, tức không gây phân biệt đối xử (chẳng hạn xài đồ nhựa là tội lỗi) và phải nhằm vào đối tượng gây ô nhiễm (trực tiếp đóng thuế).

Theo báo cáo, việc đánh thuế từ sản xuất thượng nguồn hay tiêu dùng hạ nguồn đều có các ưu nhược điểm riêng mà mỗi nhà nước có thể cân nhắc. Về lý thuyết, khi bị đánh thuế, tức chi phí đầu vào tăng, nhà sản xuất sẽ chuyển gánh nặng này sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán, từ đó có thể giảm nhu cầu của sản phẩm.

Theo báo cáo, đánh thuế từ sản xuất thượng nguồn có ưu điểm là dễ quản lý vì “có ít đối tượng chịu thuế” (số nhà sản xuất túi nilông đương nhiên ít hơn người dùng), còn nhược điểm là có thể không thay đổi được hành vi vì nhà sản xuất cứ làm, chấp nhận trả thuế để duy trì sản xuất bởi vẫn còn người mua. Chưa kể nếu áp vào trường hợp Việt Nam, nhà sản xuất né thuế hay khai không trung thực vẫn không giải quyết được vấn đề.

Trong khi đó, đánh thuế vào người tiêu dùng hướng tới mục tiêu không khuyến khích hành vi mua sản phẩm (từ đó gián tiếp giảm nhu cầu sản xuất) và tăng nhu cầu mua sản phẩm thay thế. Báo cáo nhấn mạnh trường hợp thuế túi nilông mà nhiều quốc gia đã áp dụng là bài học thành công cho thấy việc để người tiêu dùng trả thuế sẽ có hiệu quả trong việc giảm lượng tiêu thụ sản phẩm này.

Thế nhưng câu chuyện đánh thuế túi nilông, tức người dùng phải trả thêm tiền, trong nhiều trường hợp gặp phải rào cản là sẽ gây thêm khó khăn cho người nghèo. Ngoài ra, người có tiền cũng dễ có tâm lý đã trả tiền (và hoàn toàn có khả năng làm điều đó) nên cứ vô tư xài túi nilông, mục tiêu giảm thiểu không đạt được.

Đánh thuế hay cấm hẳn túi nilông mới là giải pháp hiệu quả? Ảnh: VOX
Đánh thuế hay cấm hẳn túi nilông mới là giải pháp hiệu quả? Ảnh: VOX

Tranh cãi về chính sách

Sự lúng túng trong việc nên đánh thuế ai - nhà sản xuất hay người tiêu dùng túi nilông - là câu chuyện Indonesia đang phải đối mặt. Năm 2016, Chính phủ Indonesia phải liên tục hoãn kế hoạch đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (excise tax) lên túi nilông với mức 30.000 rupiah (khoảng 50.000 đồng)/kg, hay 200 rupiah (330 đồng)/túi vì phản đối từ các nhà sản xuất.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani hồi năm ngoái cố gắng tái khởi động kế hoạch đánh thuế này. Song hồi tháng 7 vừa qua, Ủy ban Tài chính của Quốc hội Indonesia tiếp tục hoãn việc phê chuẩn dự thảo thông tư về vấn đề này của Bộ Tài chính để “có thêm thời gian nghiên cứu vấn đề kỹ hơn”, theo tường thuật của Reuters.

Bộ trưởng Sri Mulyani tin rằng đánh thuế sẽ giúp giảm lượng túi nilông được sử dụng, cũng như rác thải nhựa ở quốc gia vạn đảo. Theo Reuters, cả liên minh đảng cầm quyền và phe đối lập ở Indonesia đều còn băn khoăn với việc đánh thuế túi nilông, trong khi ngành nhựa công khai phản đối. “Tái chế thì hiệu quả hơn để đạt mục tiêu không rác thải, chứ còn thuế tiêu thụ đặc biệt trên túi nilông thì chẳng có tác dụng gì” - Budi Susanto Sadiman, phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất nhựa Indonesia (Inaplas), nói với Reuters.

Bất chấp việc thông qua liên tục bị hoãn, bộ trưởng tài chính Indonesia hồi tháng 7 vẫn lạc quan rằng đề xuất thuế của bà sẽ được phê chuẩn trong năm nay. Tuy nhiên, sang đến tháng 10, bà Sri Mulyani thừa nhận đề xuất vẫn đang “nằm” ở hạ viện và chính phủ phải tiếp tục chờ.

Trong khi chính phủ vẫn loay hoay và chưa thể đánh thuế túi nilông, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Indonesia (Aprindo) đã quyết định “đi trước” bằng cách yêu cầu các thành viên trong hiệp hội áp dụng mức thuế 200 rupiah (328 đồng)/túi nilông kể từ ngày 1-3. Roy Mandey, chủ tịch Aprindo, cho biết “đây là hành động thiết thực từ các nhà bán lẻ hiện đại để khuyến khích công chúng cân nhắc hơn khi sử dụng túi dùng một lần”. Các nhà bán lẻ thuộc Aprindo có tổng cộng 40.000 cửa hàng trên cả nước, theo Asia Focus.

Câu chuyện một hiệp hội nghề nghiệp chủ động hành động để giải quyết vấn đề cấp bách rác thải nhựa cũng cho thấy khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề, chí ít là giữa Bộ Tài chính Indonesia và Aprindo. Chính phủ tin rằng cần phải đánh thuế nhà sản xuất, trong khi Aprindo muốn người tiêu dùng phải trả thêm tiền. Tutum Rahanta, phó chủ tịch Aprindo, cho rằng nhiều người chắc chắn phản đối việc trả thêm tiền để nhận túi nilông, song điều này sẽ giúp tăng nhận thức và khuyến khích họ tự mang theo túi khi đi mua sắm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Môi trường Indonesia Siti Nurbaya Bakar cho rằng cách làm của Aprindo sẽ tạo cảm giác chỉ cần trả thêm tiền là cứ yên tâm sử dụng túi nilông, chứ không cần lăn tăn gì nữa, theo báo Bangkok Post. Trong khi đó, Tulus Abadi, chủ tịch Quỹ người tiêu dùng Indonesia, cho rằng mức thu 200 rupiah/túi không đủ răn đe, vì ai cũng có thể trả thêm 1.000 rupiah để mua 5 túi nilông cho mỗi lần đi mua sắm.

Đánh vào túi tiền người tiêu dùng

Từ ngày 1-8, bang Connecticut (Mỹ) áp dụng thuế túi nilông, thu phí người tiêu dùng 10 cent trên mỗi túi nilông dày dưới 4mm họ được phát khi thanh toán (checkout) tại các cửa hàng trên toàn bang.

Bảng thông báo chính sách thu phí túi nilông ở San Francisco. Ảnh: sfcitizen.com
Bảng thông báo chính sách thu phí túi nilông ở San Francisco. Ảnh: sfcitizen.com

Quy định này sẽ được áp dụng đến hết tháng 6-2021, và sau thời hạn này việc sử dụng túi nilông nói trên sẽ bị cấm hẳn. Các cửa hàng phải ghi rõ số túi phát cho khách hàng trong hóa đơn và kê khai con số thu thuế túi nilông trong tờ khai thuế bán hàng. 

Mức phí 10 cent/túi dự kiến giúp bang Connecticut thu về 30,2 triệu USD trong năm tài khóa hiện tại và 26,8 triệu USD/năm trong giai đoạn 2020-2021, theo báo địa phương Hartford Courant. Số tiền thu được sẽ dùng cho các khoản chi thường xuyên của chính quyền bang.

Trong ngày đầu tiên áp dụng, thuế túi nilông đã làm phật ý nhiều người tiêu dùng. “Thôi đi, 10 cent hả, túi nilông thì có gì sai chứ?” - một khách hàng ở siêu thị T & J trả lời phỏng vấn kênh Fox61. Quản lý ở siêu thị này Donna Angeletti cho biết nhiều khách sẵn sàng trả phí để dùng túi nilông, một số đã biết trước thông tin nên có mang theo túi riêng khi đi mua sắm, số khác “từ chối trả phí và cứ thế mang hàng về nhà mà không dùng túi đựng”.

Chính quyền Connecticut có lý do để tin rằng sắc thuế mới sẽ phát huy hiệu quả bởi đã có nhiều “bài học thành công” từ việc đánh thuế túi nilông, ngay ở nước Mỹ hay các quốc gia khác. Chẳng hạn, thành phố Chicago (bang Illinois) từng cấm túi nilông, trước khi thay chính sách này bằng mức thuế 7 cent trên mỗi túi nilông tại quầy tính tiền vào tháng 2-2017.

Đại học Chicago và Công ty tư vấn ideas42 sau đó đã khảo sát và nhận thấy mức thuế này đã khiến người tiêu dùng giảm hẳn việc dùng túi nilông một lần. Trước khi có thuế, 80% người tiêu dùng Chicago sử dụng túi dùng một lần và dưới 10% không sử dụng túi. Sau khi có thuế, gần 50% người tiêu dùng đã chuyển sang dùng túi tái sử dụng được và số còn lại không dùng túi khi đi mua sắm.

Trong khi đó, doanh số túi nilông dùng khi mua sắm ở các siêu thị lớn nhất ở Anh đã giảm 90% từ khi mức phí 5p/túi được áp dụng vào năm 2015, theo thống kê của chính phủ. Tờ Metro cho biết dân Anh hiện chỉ mua trung bình 10 túi nilông mỗi năm, so với 140 túi/năm vào năm 2014.■

Trong diễn biến mới nhất, Liên đoàn Thương mại Thụy Điển ngày 17-10 công bố đề xuất đánh thuế túi nilông từ tháng 5-2020 với mức 3 krona/túi, theo Tân Hoa xã. Theo đề xuất, các cửa hàng sẽ phải trả mức thuế này, tính trên mỗi túi nilông phát cho khách. Tuy nhiên, Liên đoàn Thương mại Thụy Điển thừa nhận các cửa hàng có thể sẽ chuyển phần chi phí này cho khách hàng. Các siêu thị và cửa hàng ở Thụy Điển hiện đã bắt buộc khách phải trả thêm 2-3 krona nếu muốn nhận túi nilông, và mức thuế mới sẽ khiến mỗi chiếc túi sử dụng một lần có giá 5-6 krona (12.000-14.000 đồng).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận