
Chứng khoán trở thành kênh đầu tư được chú ý, khi liên tục hồi phục về sát mốc kỷ lục - Ảnh: BÔNG MAI
Hụt mốc kỷ lục, chỉ báo tâm lý vào vùng 'lạc quan quá mức'
Ngay khi mở đầu phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (18-7), chỉ số VN-Index tiếp nối sắc xanh, tăng tốc vượt mốc 1.500 điểm - vùng kỷ lục của lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên ngay cuối phiên sáng và đầu phiên chiều xuất hiện lực bán lớn, có lúc VN-Index rơi xuống sắc đỏ. Nhưng ngay sau đó nhận được lực đẩy tương đối tốt, hồi phục và duy trì sắc xanh đến tận lúc chốt phiên.
"Công thần" của thị trường hôm nay gọi tên hàng loạt mã thuộc khối ngân hàng như TCB (Techcombank), STB (Sacombank), VPB (VPBank), LPB (Lộc Phát), MBB (MBBank)...
Nhịp tăng còn được hợp sức bởi các ông lớn trên sàn chứng khoán, nổi bật với VHM (Vinhomes), MSN (Masan), VIX (Chứng khoán VIX), GEE (Điện lực Gelex), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam)...
Ngược dòng, cổ phiếu của Vingroup (VIC) đối mặt áp lực bán ra lớn, đứng đầu top 10 mã ảnh hưởng tiêu cực lên chỉ số VN-Index. Tiếp nối là các "đại gia" VCB (Vietcombank), FPT, HPG (Hòa Phát), BVH (Bảo Việt), VRE (Vincom Retail), SSB (SeABank), VJC (Vietjet), OCB, GEX (Tập đoàn Gelex)...
Xét theo lĩnh vực, nhóm tăng mạnh phải kể đến là phần cứng và thiết bị, năng lượng, dịch vụ tài chính, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình... Trong khi đó nhà đầu tư có xu hướng rút khỏi cổ phiếu của lĩnh vực thiết bị và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, truyền thông và giải trí, phần mềm và dịch vụ, dịch vụ tiêu dùng...
Khép lại phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index chính thức tăng 7,27 điểm, tạm dừng ở mốc 1.497,28 điểm (+0,49%). Như vậy chỉ số này vẫn lỡ hẹn, chưa thể vượt qua mốc kỷ lục từng thiết lập vào ba năm trước.
Trong ngày, sắc xanh cũng lan tỏa ở sàn HNX và thị trường UPCoM, với mức tăng 1,68 điểm (+0,68%) tiến lên vùng 247,77 điểm và tăng 0,53 điểm (+0,51%) đến mốc 104,74 điểm.
Về lượng tiền sang tay trong phiên, tổng ba sàn chính ghi nhận gần 40.300 tỉ đồng thanh khoản, tăng mạnh so với mức trung bình của cả tháng liền trước, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 5% so với phiên hôm qua.
Chuyên gia chứng khoán Yuanta cho biết chỉ báo tâm lý tăng vào vùng lạc quan quá mức, khiến cơ hội mua mới thu hẹp dần. Chiến lược ngắn hạn, dưới một tháng, khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao trong danh mục hoặc chốt lời một phần tỉ trọng cổ phiếu.
Kinh tế Việt Nam duy trì đà tích cực
Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán VN-Index đã tăng gần 18%, phần lớn diễn biến tích cực đều xảy ra trong thời gian gần đây, sau khi có thông tin khả quan về việc đàm phán thuế đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ, cũng như những nỗ lực từ phía trong nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo chuyên gia của Chứng khoán Phú Hưng (PHS), kinh tế Việt Nam trong quý 3-2025 sẽ tiếp tục duy trì trạng thái tích cực nhờ sự phục hồi của cả ba trụ cột: đầu tư (bao gồm đầu tư công và vốn đầu tư nước ngoài - FDI), tiêu dùng nội địa và môi trường vĩ mô ổn định.
Trong trường hợp Việt Nam đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ, sẽ giúp cải thiện triển vọng thu hút đầu tư và gia tăng niềm tin của thị trường. Đồng thời thúc đẩy GDP quý này đạt mức tăng trưởng 8%, cao hơn đáng kể so với mức 3,6 - 3,7% của quý vừa qua.
Tăng trưởng tín dụng cũng đang cải thiện mạnh, đạt 9,9% tính đến hết tháng 6-2025, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu vốn, đặc biệt ở các lĩnh vực như bất động sản và bán lẻ, đang phục hồi.
Bên cạnh đó dòng vốn đầu tư nước ngoài - FDI tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ các dự án quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao như điện tử, hàng không vũ trụ, bán dẫn, y tế... Ngoài ra, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp được xem là điều kiện thuận lợi cho phục hồi sản xuất và tiêu dùng.
Ông Michael Kokalari - giám đốc phòng phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường của Quỹ đầu tư VinaCapital - cho biết chi tiêu cho hạ tầng của Việt Nam đã tăng vọt 40% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2025.
Trong thời gian tới, Chính phủ đang cải tổ nhiều luật liên quan đến đầu tư nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân, nới lỏng các điều kiện PPP (hợp tác công - tư) và BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), tăng tỉ lệ vốn góp nhà nước, mở rộng phạm vi các loại dự án đủ điều kiện đầu tư.
Phía Quỹ đầu tư VinaCapital nhấn mạnh tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi yếu tố nội tại như tăng chi đầu tư công cho hạ tầng, sự phục hồi của thị trường bất động sản, các sáng kiến và cải cách hành chính quan trọng - được một số chuyên gia gọi là "Đổi mới 2.0".
Giữa bối cảnh này, giới đầu tư chứng khoán đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết. Dù vậy cần theo sát từng bên và diễn biến thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận