09/05/2025 16:51 GMT+7

Chờ bước tiến lớn khi làm đường sắt đô thị tại các tỉnh, thành: Rút ngắn 3-5 năm khi giảm thủ tục

Dự thảo nghị quyết về phát triển đường sắt đã phân quyền triệt để cho các địa phương được quyết định nhiều nội dung trong quy trình thực hiện dự án, và đã đơn giản thủ tục đầu tư ở nhiều bước.

đường sắt - Ảnh 1.

Các cơ chế trong dự thảo nghị quyết sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ cho các dự án đường sắt, trong đó khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư. Trong ảnh là vị trí dự kiến tuyến đường sắt kết nối Cần Giờ đi qua - Ảnh: PHƯƠNG NHI

Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt.

Dự thảo có 26 điều với loạt chính sách đặc biệt sẽ tháo gỡ điểm nghẽn về đầu tư và giúp làm nhanh các tuyến metro, đường sắt trên cả nước, đặc biệt là một số dự án ở các tỉnh, thành sau khi sáp nhập. 

Dự kiến dự thảo nghị quyết sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Có dự án đường sắt đô thị mất hơn 5 năm cho công tác phê duyệt chủ trương đầu tư

Theo Bộ Xây dựng, trên thực tế việc bỏ thủ tục chủ trương đầu tư đối với dự án đường sắt đô thị (metro) đã được áp dụng tại TP.HCM và TP Hà Nội, thông qua nghị quyết 188 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển hệ thống đường sắt đô thị ban hành vào tháng 2-2025.

Về lý do đề xuất mở rộng cơ chế này đối với các dự án đường sắt đô thị trên cả nước, Bộ Xây dựng cho hay theo quy định của Luật Đầu tư công, các dự án thông thường phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nhằm xác định sơ bộ sự cần thiết, quy mô, hướng tuyến, khái toán, nguồn vốn, thời gian thực hiện. 

Sau đó lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc thiết kế kỹ thuật tổng thể mới triển khai đấu thầu.

Từ thực tiễn triển khai của TP Hà Nội và TP.HCM cho thấy công tác phê duyệt chủ trương đầu tư mất khoảng 3 - 5 năm, thậm chí một số dự án mất hơn 5 năm. Do đó để khởi công một dự án hiện nay mất khoảng 7 năm. 

Vì vậy khi bỏ thủ tục về chủ trương đầu tư, các dự án sẽ rút ngắn được thời gian triển khai.

Theo Bộ Xây dựng, các quy hoạch có đã đủ điều kiện xác định sơ bộ quy mô, hướng tuyến và các thông số cơ bản của dự án. 

Về nguồn vốn, tại điều 4 của dự thảo nghị quyết đã có quy định đầy đủ để đảm bảo khả năng huy động và cân đối vốn cho các dự án.

Như vậy các nội dung cần thiết của chủ trương đầu tư dự án đã được xác định, nên có đủ điều kiện để triển khai ngay công tác lập dự án đầu tư.

Dự thảo nghị quyết đã đơn giản thủ tục đầu tư, như được thực hiện song song các bước trong triển khai dự án, bỏ chủ trương đầu tư trong đầu tư đường sắt đô thị...

Đồng thời phân cấp triệt để cho các địa phương được quyết định nhiều nội dung trong quy trình thực hiện dự án. Việc này sẽ làm tăng tính chủ động, rút ngắn thủ tục trình duyệt theo đúng nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Thêm cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung

Về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, chính sách này được thể chế hóa tại khoản 5, khoản 6 điều 25 của dự thảo nghị quyết để bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, dám đề xuất chính sách.

Từ đó tháo gỡ "điểm nghẽn" về thể chế như tinh thần nghị quyết 66 ngày 30-4-2025 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kết luận số 14 ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Dự thảo nghị quyết đề xuất người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định tại nghị quyết này và các văn bản hướng dẫn được xem xét loại trừ, miễn giảm trách nhiệm theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức tham gia dự án được xem xét loại trừ, miễn giảm trách nhiệm theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, hành vi được cơ quan có thẩm quyền xác định là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Thứ hai, phải chấp hành quyết định của cấp trên và đã báo cáo người ra quyết định trước khi chấp hành.

Thứ ba, thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án được cơ quan có thẩm quyền cho phép và phù hợp với chủ trương của cấp có thẩm quyền, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung...

Kinh phí để triển khai lấy từ đâu?

Theo Bộ Xây dựng, dự thảo nghị quyết cũng đã đề xuất các cơ chế chính sách về huy động vốn để đảm bảo tính khả thi khi bố trí nguồn lực thực hiện. Kinh phí đầu tư các dự án đường sắt quốc gia khoảng 2.257.041 tỉ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Trong đó tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam 1.713.548 tỉ đồng, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng 203.231 tỉ đồng, đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng khoảng 157.044 tỉ đồng, và đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái khoảng 183.218 tỉ đồng.

Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống đường sắt đô thị của hai TP Hà Nội và TP.HCM khoảng 3.065.100 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho hai thành phố khoảng 424.850 tỉ đồng. Ngân sách TP Hà Nội cân đối bố trí khoảng 1.170.250 tỉ đồng, ngân sách TP.HCM cân đối khoảng 1.470.000 tỉ đồng.

Bước tiến lớn về làm đường sắt đô thị tại các tỉnh thành: Rút ngắn 3-5 năm khi giảm một thủ tục  - Ảnh 3.Làm 355km metro trong 10 năm: Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm trưởng Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị (metro) TP.HCM sẽ xem xét, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp để bảo vệ cán bộ, đảng viên, người lao động... năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên