
Người dân làm thủ tục hành chính ở Trung tâm phục vụ hành chính công phường An Khánh, TP.HCM sáng 1-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh yếu tố "vì dân" này trong phát biểu tại lễ công bố ở TP.HCM hôm 30-6: "Tôi kêu gọi các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, công chức, viên chức, người lao động hãy chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy và hành động. Hướng tới một nền hành chính phục vụ, hiện đại, minh bạch, của dân, do dân và vì dân".
Có một sự thật chắc hẳn nhiều người đã trải qua: sáng sớm người dân đem giấy tờ đến UBND xã/phường, cán bộ nhận đơn từ xong lại hẹn đầu giờ chiều đến lấy kết quả.
Người nhận đơn không giải thích gì thêm, người dân thì đã quen vậy, ngậm ngùi ra về. Với những cư dân nhà ở gần trụ sở xã/phường thì mọi việc sao cũng được, nhiều người đường xa thì việc đi lại rất tốn thời gian. Nhưng đó là một cách vận hành của cấp xã/phường lâu nay.
Mấy tháng nay, người ta nói nhiều về "Kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Những câu từ đó lặp đi lặp lại nhiều lần trên truyền thông, mạng xã hội.
Với công cuộc đổi mới lần này, ai cũng hy vọng thay đổi lớn hơn, mạnh mẽ hơn.
Với người dân, những người mà cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai, những người mà sáng thức giấc không biết hôm nay buổi chợ có xuôi thuận hay không, họ cần những quyết sách thiết thực, cần thủ tục hành chính nhanh, gọn, tiện lợi.
Bấy lâu nay việc xử lý chậm trễ đã làm người ta biến tấu "thủ tục hành chính" thành thủ tục "hành là chính".
Bây giờ, việc sáp nhập 2 - 3 xã/phường mới tạo ra một đơn vị hành chính rộng hơn thì việc giải quyết các thủ tục phải thay đổi. Một số nơi đã và đang thực hiện bằng trực tuyến, nhưng không phải xã/phường nào cũng đủ đầy nguồn lực hoặc công nghệ cho việc này.
Chưa nói đến việc đôi lúc đường truyền bị lỗi, hệ thống giao dịch trực tuyến xảy ra sự cố. Nếu chưa giải quyết được các vướng mắc này, cách vận hành truyền thống phải thay đổi, tạo thuận lợi cho người dân, không thể cứ "sớm đến nộp, hẹn chiều nhận".
Nghị định số 118 đã quy định về việc người dân dù ở xã/phường nào trong tỉnh đều có thể đến bất kỳ trung tâm hành chính công nào trong tỉnh để nộp hồ sơ.
Quy định này áp dụng cho mọi loại thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc trách nhiệm của UBND xã, UBND tỉnh, hay hệ thống ngành dọc. Đây là một chính sách rất thuận lợi cho người dân khi địa giới các xã/phường rộng hơn, giao thông đi lại chưa thuận lợi.
Có một thực tế là có người dân lo khi sáp nhập tỉnh thì việc đi lại từ xã lên tỉnh quá xa, nhưng thực tế bấy lâu nay có rất ít việc người dân phải lên tận tỉnh để giải quyết.
Nếu làm một khảo sát, chắc rằng tỉ lệ người dân phải lên tỉnh để giải quyết thủ tục chiếm một phần rất nhỏ.
Mọi việc, thủ tục bấy lâu nay người dân chỉ giải quyết ở cấp xã, huyện. Bây giờ cấp quận huyện đã bỏ, cấp xã sẽ gần dân hơn, được giao quyền nhiều hơn trong việc xử lý.
Cấp xã/phường phải thay đổi, đó là điều dĩ nhiên trong việc tinh gọn bộ máy lần này. Cấp xã/phường không thể để người dân chờ đợi, "hành là chính" từ giấy tờ này qua giấy tờ khác.
Chính quyền gần dân phải nắm bắt, giải quyết được các vấn đề, đừng để khi mọi chuyện xảy ra mới can thiệp.
Nhiều vấn đề đã từng xảy ra, như việc các công trình trái phép mọc lên to sừng sững, sắp hoàn thành mới được phát hiện, lúc đó bắt đầu thanh tra, bắt dừng, phá dỡ, gây ra một sự lãng phí.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định chủ trương sáp nhập tỉnh thành, không tổ chức cấp huyện là một định hướng lớn, mang tầm chiến lược, bước đột phá về thể chế chuẩn bị cho "tầm nhìn trăm năm" phát triển.
Để cho "tầm nhìn trăm năm" được phát huy tốt, để cho mọi thứ như sự kỳ vọng của nhân dân thì ai cũng phải thay đổi.
Công cuộc sáp nhập, tinh gọn lần này liệu có thành công, mang lại sự tươi mới, phát triển được hay không, tùy thuộc vào sự thay đổi của một nền hành chính đã cũ kỹ. Sự thay đổi sẽ dần ổn định, dù thời gian đầu có nhiều xáo trộn.
Nhưng nếu sợ sự xáo trộn đó thì khó để đất nước phát triển tốt hơn. Bởi trăm năm cũng bắt đầu từ đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận