TTCT - OMF là dự án cung cấp nguồn dữ liệu mở miễn phí để các công ty có thể xây dựng phần mềm bản đồ của riêng họ mà không phải phụ thuộc vào Google và Apple. So sánh Google Maps và Apple Maps. Ảnh: Apple InsiderMeta, Microsoft và Amazon, cùng nhà phát triển bản đồ TomTom đang bắt tay nhau trong một dự án có thể biến dịch vụ bản đồ số trở thành một sân chơi mở, nơi các nhà phát triển độc lập có thể tạo ra ứng dụng bản đồ của riêng họ, thay vì phải trả phí cho Google hoặc Apple như hơn chục năm nay.Mở và miễn phíHiện nay Google Maps và Apple Maps là hai nền tảng bản đồ số được sử dụng phổ biến nhất, giúp người dùng cá nhân dễ dàng tìm kiếm thông tin về địa điểm và đường đi ở hầu hết mọi nơi trên thế giới một cách thuận tiện. Bản đồ kỹ thuật số còn đóng vai trò rất quan trọng đối với nhiều ứng dụng di động, đặc biệt là các ứng dụng đặt xe công nghệ, giao đồ ăn và đặt phòng khách sạn. Các công nghệ mới nổi như thực tại tăng cường (AR) và ô tô tự lái cũng đòi hỏi phần mềm bản đồ chất lượng cao để có thể hoạt động trơn tru.Nhưng đối với các công ty cần sử dụng bản đồ của Google hay Apple cho các ứng dụng và dịch vụ của mình, hai ông lớn này đưa ra nhiều điều khoản khắt khe bao gồm phải trả phí trên số lần truy cập. Cụ thể, các nhà sản xuất ứng dụng phải trả tiền cho mỗi 1.000 lần tra cứu Google Maps thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API) của hãng. Apple thì cho các nhà phát triển ứng dụng iOS truy cập miễn phí vào Apple Maps, nhưng các nhà phát triển ứng dụng web thì phải trả phí. "Chính sách đó phù hợp với nhiều người, nhưng không phải tất cả" - Marc Prioleau, giám đốc điều hành Quỹ bản đồ Overture (OMF), nói với CNBC.OMF là dự án cung cấp nguồn dữ liệu mở miễn phí để các công ty có thể xây dựng phần mềm bản đồ của riêng họ mà không phải phụ thuộc vào Google và Apple. Được thành lập vào cuối năm 2022, đến nay OMF đã có thông tin của khoảng 59 triệu địa điểm như nhà hàng, địa danh tiêu biểu, đường sá và đường biên giới. Dữ liệu do Meta và Microsoft thu thập và tặng cho quỹ, đã được định dạng theo chuẩn sẵn sàng để các bên thứ ba có thể sử dụng làm cơ sở cho bất kỳ ứng dụng bản đồ mới nào hoàn toàn miễn phí, theo Prioleau.Người điều hành OMF cho biết thu thập và "làm sạch" dữ liệu là công đoạn khó, tiêu tốn nhiều nhân lực và thời gian, là trở ngại lớn làm chùn bước những bên muốn tham gia cuộc chơi xây dựng bản đồ trực tuyến. Nhận ra thực tế này, Overture đang hướng đến thiết lập dữ liệu bản đồ cơ sở để các công ty có thể dựa trên đó mà xây dựng và vận hành bản đồ của riêng họ.TechCrunch dẫn lời Prioleau nhấn mạnh dự án hiện đã có trong tay "một bộ dữ liệu mở lớn chưa từng có tiền lệ, với khả năng ánh xạ mọi thứ trong thực tế từ các doanh nghiệp lớn nhỏ cho đến các khu chợ đường phố tự phát ở bất kỳ đâu trên thế giới". Bắt đầu dễ, duy trì mới khóOverture không phải là tổ chức đầu tiên có tầm nhìn tạo ra dữ liệu bản đồ có thể được sử dụng miễn phí hoặc với giá rẻ. Dự án OpenStreetMap được thành lập vào năm 2004 hoạt động bằng cách tạo bản đồ mở dựa trên dữ liệu do cộng đồng đóng góp.Chính Meta cũng là một khách hàng của OpenStreetMap khi sử dụng dữ liệu từ dự án này cho các nền tảng của mình. Theo Prioleau, Overture khác với OpenStreetMap ở chỗ dữ liệu của họ được kiểm chứng và quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo tính chính xác và cập nhật."Cập nhật" có lẽ là từ khóa chủ đạo bởi vì đây luôn là một thách thức lớn đối với các đơn vị vận hành dữ liệu bản đồ. Một cửa hàng còn hoạt động hôm nay nhưng sang hôm sau đã dẹp tiệm, hay một con đường bị đóng để sửa chữa hoặc điều chỉnh từ hai chiều thành một chiều... là những ví dụ mà nếu thông tin không được cập nhật liên tục dựa trên phản hồi từ người dùng thực tế sẽ gây khó chịu, thậm chí không còn giá trị sử dụng.Với sự tham gia của Meta, Microsoft và Amazon, OMF kỳ vọng sẽ có thông tin thời gian thật để cập nhật cơ sở dữ liệu liên tục bên cạnh sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) và các phương pháp thu thập dữ liệu tự động hóa khác."Bất cứ ai làm việc trong lĩnh vực lập bản đồ đều biết rằng dữ liệu ban đầu chỉ là khởi đầu. Thách thức nằm ở việc duy trì dữ liệu giữa những thay đổi liên tục để đáp ứng mong đợi của người dùng" - Prioleau thừa nhận. Theo báo cáo của Allied Market Research, thị trường bản đồ kỹ thuật số toàn cầu được định giá 21,8 tỉ USD năm 2022 và được dự báo sẽ tăng trưởng 15,4% mỗi năm để đạt quy mô 89,1 tỉ USD vào năm 2032. Trong đó, những cái tên đáng chú ý bên cạnh Google và Apple còn có TomTom, MapQuest, Nearmap, HERE, ESRI, ARC, MiTAC và Alibaba. Riêng Google Maps có hơn 1 tỉ người dùng hằng tháng, có mặt ở hơn 220 quốc gia và nhận được hàng chục nghìn lượt cập nhật từ người dùng mỗi ngày. Apple Maps: vực dậy từ trò cườiThời điểm những năm 2005-2006 khi Apple đang lên kế hoạch lựa chọn phần mềm cho mẫu iPhone đời đầu sắp ra mắt, Google là một bên thứ ba tương đối trung lập có cung cấp dữ liệu bản đồ. Apple không thật sự có nhiều lựa chọn khi phương án duy nhất còn lại là Navteq, nhưng công ty này đã bị Nokia dòm ngó và sau đó chính thức mua lại vào năm 2007.Vào thời điểm đó, mục tiêu của Apple và Google song hành nhưng không giẫm chân nhau: Apple muốn lấn sân sang mảng sản xuất điện thoại di động trong khi Google thì muốn có thêm người dùng trên thiết bị di động, và cả hai đều muốn ngăn chặn Microsoft chiếm lĩnh thị trường này. Mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi này chỉ kéo dài được vài năm: Apple sớm cảm thấy không hài lòng vì Google khăng khăng từ chối quyền truy cập tính năng chỉ đường bằng giọng nói cũng như đồ họa vector vì muốn giữ riêng chúng cho các thiết bị Android. Trong khi đó, Google cũng tức giận vì Apple không cho phép cung cấp dịch vụ Latitude để theo dõi địa điểm người dùng iPhone trên bản đồ.Ảnh: Analytics India MagazineNăm 2012, Apple ra mắt Apple Maps để trở thành ứng dụng bản đồ mặc định trên các thiết bị iPhone và làm đối trọng với Google Maps. Tuy nhiên, màn ra mắt là một thất bại ê chề và khiến Tim Cook - người vừa lên thay Steve Jobs ở vị trí CEO một năm trước đó - phải đưa ra lời xin lỗi công khai hiếm hoi trong sự nghiệp dẫn dắt Apple của ông.Ở thời điểm ra mắt, Apple Maps bị người dùng phản ảnh là có quá nhiều lỗi: đường sá xiêu vẹo như tàu lượn siêu tốc, cảnh quan bị bóp méo và hệ thống chỉ đường thì dẫn người dùng đến những nơi… không có đường để đi. Bản đồ này tệ đến mức các quan chức ở Úc phải phát đi cảnh báo rằng một số lỗi của nó "có khả năng đe dọa tính mạng" người dùng, theo báo Wall Street Journal. Người đứng đầu mảng phần mềm của Apple khi đó bị Cook sa thải ngay lập tức.Apple mất nhiều năm tiếp theo để sửa chữa ứng dụng này và đến nay thì dường như công việc của họ đã hoàn tất và cho ra quả ngọt. "Ứng dụng (Apple) Maps đã có bước tiến dài và mọi người đã nhận ra điều đó" - Craig Federighi, người đứng đầu mảng phần mềm của Apple nói tại sự kiện WWDC 2020.Jason Rabinowitz (37 tuổi), một chuyên gia hàng không sống ở New York, từng mất kiên nhẫn với Apple Maps khi ứng dụng này mới ra mắt và chuyển sang điện thoại Android để sử dụng Google Maps thuận tiện hơn. Đến năm 2015, Rabinowitz quay trở lại với iPhone và nhận thấy sự cải thiện rõ rệt: tính năng chỉ đường và hỗ trợ sử dụng phương tiện công cộng là những điểm sáng mà Rabinowitz đánh giá Apple Maps cao hơn đối thủ Google. Giờ đây, ông giới thiệu Apple Maps với bạn bè và người thân lần đầu đến New York như là sự lựa chọn hàng đầu để hỗ trợ việc thăm thú thành phố.Cựu tín đồ Google Maps Jane Natoli (42 tuổi) thì được chiếc iPhone của bà gợi ý dùng thử Apple Maps trong một lần đến sân bay quốc tế Minneapolis-St. Paul ở Mỹ. Ứng dụng đưa ra nhiều đề xuất về cửa hàng và nhà hàng trong nhà ga mà Natoli nên ghé qua, với thông tin được trình bày rõ ràng và dễ thao tác hơn so với Google Maps. "Nó khiến tôi suy nghĩ lại về những thành kiến trước kia của mình về Apple Maps" - Natoli nói.Bên ngoài sân bay, các chỉ dẫn về đường đi của Apple Maps cũng dễ hiểu hơn với Natoli, nhất là tên các con đường được thể hiện rõ ràng. "Google cho tôi thấy một đống nhà hàng, quán bar và đủ thứ địa điểm khác mà tôi không quan tâm" trong khi tên đường thì phóng to cỡ nào cũng không thấy, bà nói. Angelica Nguyen (22 tuổi) đồng tình và thừa nhận: "Apple rất giỏi trong việc làm mọi thứ trông đẹp đẽ".Đã lột xác ngoạn mục so với quá khứ, nhưng Apple Maps vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn giành thị phần từ tay Google. Ứng dụng Apple Maps được cài đặt sẵn trên tất cả thiết bị iPhone, nhưng hiện phần lớn người dùng iPhone ở Mỹ vẫn tải Google Maps, theo công ty phân tích thị trường Canalys. Để thu hút nhiều người dùng hơn, Apple đã phải giới thiệu thêm nhiều tính năng mà Google đã có từ lâu như chế độ xem hình ảnh đường phố thực tế và khả năng xem bản đồ khi không có kết nối Internet.Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Apple Maps so với Google Maps là sự độc quyền trong việc tích hợp với những ứng dụng khác trong hệ sinh thái Apple. Bất kỳ dịch vụ iOS nào cần bản đồ - ví dụ như ứng dụng định vị thiết bị thất lạc Find My - đều chỉ có một lựa chọn là sử dụng Apple Maps mà người dùng không thể thay đổi. "Bản tính của người dùng là lười biếng và sẽ hình thành thói quen xoay quanh những lựa chọn mặc định" - Peter Ramsey, một chuyện gia tư vấn về trải nghiệm người dùng, nói với Wall Street Journal. "Suốt một thời gian dài, Apple Maps tệ đến mức người dùng iPhone phải chủ động chuyển sang dùng Google Maps, nhưng khi trải nghiệm của Apple Maps được cải thiện thì sẽ có ít động lực hơn để thực hiện hành động phá vỡ sự mặc định đó" - Ramsey giải thích. Tags: Thị trường công nghệỨng dụng di độngNhà phát triểnỨng dụng bản đồBản đồ sốTìm kiếm thông tinKỹ thuật sốCông nghệ mớiAppleGoogleGoogle Maps
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.