22/07/2025 22:18 GMT+7

Chậm đóng tiền đất, doanh nghiệp gánh thêm hàng trăm tỉ, áp lực dồn vào giá nhà

Doanh nghiệp địa ốc cho rằng các dự án bị chậm tính tiền đất hàng năm trời khiến cho khoản tiền đất bổ sung đội lên hàng trăm tỉ đồng, gánh nặng đè nặng lên cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà.

tiền đất bổ sung - Ảnh 1.

Tiền đất bổ sung là gánh nặng đối với các doanh nghiệp địa ốc - Ảnh minh họa: NGỌC HIỂN

Liên quan đến khoản tiền đất bổ sung mà Tuổi Trẻ Online đã phản ánh qua loạt bài "Bất cập tiền đất bổ sung", nhiều doanh nghiệp đồng loạt góp ý chính sách.

Tiền sử dụng đất là vấn đề "nhức nhối" với doanh nghiệp địa ốc

Ông Cao Minh Hiếu - phó chủ tịch hội đồng điều hành Tập đoàn Novaland - cho biết tiền đất bổ sung 5,4% mỗi năm với khoản tiền sử dụng đất chưa nộp là vấn đề "nhức nhối" với doanh nghiệp bất động sản.

Dẫn chứng thực tế, ông Hiếu cho biết Novaland có 13 dự án được giao đất từ năm 2015 - 2016 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông báo nộp tiền sử dụng đất từ cơ quan thuế.

Đơn cử, với dự án Richstar (phường Phú Thạnh, TP.HCM), ông Hiếu cho hay dự án này đã được Hội đồng thẩm định giá TP.HCM định giá 689 tỉ đồng từ năm 2016 song khi trình lên UBND TP lại vướng rà soát nguồn gốc đất.

"Tính đến nay đã gần 10 năm, nếu áp thuế truy thu 5,4% thì Novaland sẽ phải đóng thêm hơn 370 tỉ đồng. Chỉ tính riêng dự án này đã là số tiền kinh khủng", ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, điều này không chỉ khiến chi phí tăng đột biến mà còn kéo theo nhiều hệ lụy. Việc chưa nộp được tiền sử dụng đất đồng nghĩa với việc dự án chưa được cấp sổ hồng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng, giảm uy tín doanh nghiệp, khiến người mua mất niềm tin. Dự án không có sổ cũng không thể huy động vốn, dòng tiền bị tắc nghẽn.

"Với chủ đầu tư lớn như Novaland, đôi khi còn có thể xoay xở giữa các dự án. Song với những chủ đầu tư nhỏ hơn, nếu chỉ có 1-2 dự án, chỉ cần một dự án kẹt như vậy chắc chắn phá sản", ông Hiếu nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thắng - phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Land - cho rằng có gần 20 dự án của Hưng Thịnh Land bị chậm định giá đất, nguyên nhân chủ yếu là vướng mắc khách quan về pháp lý và cơ chế chính sách, không phải lỗi của doanh nghiệp.

Theo ông Thắng, khoản thu bổ sung 5,4% là gánh nặng lớn, làm tăng giá thành sản phẩm và đi ngược lại chính sách nhà nước về nhà ở giá rẻ.

Doanh nghiệp đề xuất bỏ tiền đất bổ sung

Ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng nếu bị thu số tiền bổ sung, doanh nghiệp sẽ chịu thêm gánh nặng tài chính và sẽ đưa chi phí này vào giá thành sản phẩm, trực tiếp làm tăng giá nhà. "Chúng tôi đề xuất bỏ luôn mức thu bổ sung 5,4% hay 3,6% vì không hợp lý. Điều này để tạo đồng thuận toàn xã hội, cùng phấn đấu đóng góp cho phát triển kinh tế của đất nước", ông Thắng nói.

Trong khi đó, ông Cao Minh Hiếu đề xuất bỏ hẳn thuế truy thu hoặc chỉ áp dụng mức thuế phù hợp nhưng tính từ thời điểm doanh nghiệp có thông báo đóng thuế, tức phải trừ đi thời gian làm thủ tục của doanh nghiệp. Theo ông Hiếu, nếu dự án chậm do lỗi của doanh nghiệp, doanh nghiệp sẵn sàng đóng tiền đền bù.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Hồng Anh - chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - cho rằng đối với các trường hợp doanh nghiệp bị ảnh hưởng do việc chậm trễ trong công tác định giá và tính tiền sử dụng đất của cơ quan chức năng, khoản thu bổ sung này cần được bỏ hoàn toàn. 

Bộ Tài chính tiếp thu góp ý

Tại hội thảo "Giá đất, thuế đất… thế nào cho hợp lý?" do báo Thanh Niên tổ chức ngày 22-7, ông Lê Tấn Cận - thứ trưởng Bộ Tài chính - cho biết đối với phương án xử lý khoản tiền đất bổ sung, sau khi tiếp thu các góp ý, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 103 theo ba nhóm đề xuất đó là giữ nguyên 5,4% mức thu tiền đất bổ sung, giảm mức thu (xuống còn 3,6%) hoặc không thu.

Bộ đang đề xuất phương án giảm mức thu khoản tiền bổ sung và giảm thời gian tính bằng cách trừ đi thời gian cơ quan nhà nước thực hiện xác định giá đất (180 ngày). Riêng đối với nội dung kiến nghị không thu tiền đất bổ sung, ông Cận cho hay Bộ Tài chính ghi nhận và cùng với Bộ Nông nghiệp và Môi trường báo cáo Chính phủ trong quá trình sửa Luật Đất đai.

Chậm đóng tiền đất, doanh nghiệp gánh thêm hàng trăm tỉ, áp lực dồn vào giá nhà - Ảnh 2.Đề xuất giảm mạnh tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tiền đất bổ sung

Bộ Tài chính đã trình dự thảo sửa đổi Nghị định 103 về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trong đó đề xuất các phương án giảm mạnh tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khoản tiền đất bổ sung.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên