12/07/2025 18:29 GMT+7

Đề xuất giảm mạnh tiền chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở

Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thu 30-50% phần chênh lệch giá đất khi hộ dân chuyển đất nông nghiệp sang đất ở, nhằm giảm gánh nặng tài chính do bảng giá đất mới tăng cao.

chuyển mục đích sử dụng đất - Ảnh 1.

Nhiều người dân khó chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở do bảng giá đất tăng cao, chênh lệch đến hàng tỉ đồng - Ảnh: NGỌC HIỂN

Tại bản dự thảo sửa đổi nghị định 103 về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Bộ Tài chính đã điều chỉnh cách tính tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng. Đây là vấn đề được dư luận quan tâm và báo Tuổi Trẻ cũng phản ánh liên tục thời gian qua.

Trong dự thảo tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng có ý kiến phản ánh do giá đất trên bảng giá đất tại một số địa phương xác định theo Luật Đất đai năm 2024 cao đột biến so với bảng giá đất cũ, nên khi được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, hộ gia đình, cá nhân phải đóng tiền sử dụng đất cao nhiều lần so với trước đây. 

Đồng thời, có ý kiến đề xuất nên giảm mức thu tiền thuê đất trong trường hợp này để giảm nghĩa vụ tài chính cho dân.

Bộ Tài chính cho hay theo Luật Đất đai năm 2024, khi chuyển mục đích sử dụng đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả một lần cho cả thời gian thuê bằng mức chênh lệch tiền của loại đất trước và sau khi chuyển mục đích. 

Luật không quy định thu bằng mức tỉ lệ % chênh lệch và luật mới cũng không quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Để giải quyết vấn đề thực tiễn khi chưa sửa Luật Đất đai 2024, Bộ Tài chính trình Chính phủ hai phương án.

Ngoài phương án giữ nguyên quy định hiện hành, tức phải nộp toàn bộ phần chênh lệch giữa giá đất ở và giá đất nông nghiệp theo bảng giá mới, bộ này đề xuất áp dụng lại cơ chế tính theo tỉ lệ phần trăm như trước đây.

Cụ thể, với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở (quy định chi tiết trong nghị định) thì tiền sử dụng đất được tính bằng 30% mức chênh lệch giữa đất ở và đất nông nghiệp nếu nằm trong hạn mức giao đất ở. Nếu vượt hạn mức, tiền chênh lệch mà người dân phải đóng được tính bằng 50%.

Theo Bộ Tài chính, về bản chất đây là loại đất nông nghiệp dự trữ cho đất ở khi tách hộ, khác với loại đất nông nghiệp thuần túy khác. 

Do đó, nếu áp dụng tỉ lệ giảm 30-50% như trên sẽ giảm được nghĩa vụ về tiền sử dụng đất của người dân khi giá đất tính tiền tăng cao so với luật cũ đối với đất vườn ao liền kề thửa đất có nhà ở, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có nhà ở. 

Đồng thời, quy định này cũng hỗ trợ người dân có đất ở để nhà ở trong hạn mức giao đất ở thì thu tiền sử dụng đất thấp hơn.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là chưa xử lý được vướng mắc đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất thuần túy là đất nông nghiệp sang đất ở khi giá đất tính thu tiền tăng cao.

Địa phương đề xuất quy định mức thu theo tỉ lệ % khi chuyển mục đích sử dụng đất

Đối với phương án giữ nguyên theo quy định hiện hành, tức là thu 100% tiền chênh lệch, Bộ Tài chính cho rằng phương án này có ưu điểm "đảm bảo quy định tại khoản a điểm 1 Điều 156 Luật Đất đai", song chưa giải quyết được vướng mắc về nghĩa vụ về tiền sử dụng đất của người dân khi giá đất tính tiền tăng cao so với luật cũ, cũng như chưa ưu đãi được cho loại đất vườn ao liền kề thửa đất có nhà ở, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có nhà ở (phải thu cùng với mức đất nông nghiệp thuần túy).

Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các địa phương báo cáo nhanh về tình hình thực hiện việc tính tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.

Qua tổng hợp, một số địa phương có ý kiến đề xuất nên quy định mức thu theo tỉ lệ % đối với trường hợp sử dụng đất như phương án 1 (ví dụ tỉnh Nghệ An, Ninh Bình, Bến Tre, Nam Định…).

Đề xuất sửa Luật Đất đai năm 2024

Tại hội nghị đánh giá ba năm thực hiện nghị quyết 18 về quản lý, sử dụng đất và một năm thi hành Luật Đất đai 2024 tổ chức ngày 10-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị các ý kiến thảo luận, hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Chính trị để trình Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 18.

Trong đó có đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp làm cơ sở để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2024.

Tháng 1-2024, Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi gồm 16 chương và 260 điều, với nhiều điểm mới so với luật năm 2013.

Trong các vấn đề phát sinh từ thực thi luật mới, việc các địa phương ban hành và áp dụng bảng giá đất mới khiến giá đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất tăng vọt là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Đề xuất giảm mạnh tiền chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở - Ảnh 2.Bất hợp lý tiền đất bổ sung: Đừng để 'quýt làm cam chịu'

Đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp kiến nghị cần bãi bỏ hoàn toàn quy định truy thu tiền đất bổ sung trong trường hợp lỗi thuộc về cơ quan nhà nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên