Như Tuổi Trẻ Online thông tin, mới đây tại hội nghị làm việc giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và tỉnh Long An, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM ủng hộ kéo dài metro đến Đồng Nai, Bình Dương.
TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông - chia sẻ thêm về câu chuyện mở rộng metro đến các tỉnh Đông Nam Bộ.
Cần đầu tư cho kết nối giao thông nhiều hơn
Lịch sử phát triển không gian và kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ không thể tách rời lịch sử phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông.
Đây là vùng có hệ thống cảng biển, cảng sông nhộn nhịp nhất nước, đón được mọi con tàu trọng tải lớn nhờ mớn nước sâu và luồng lạch ổn định. Ngoài ra còn có sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa và sắp tới là sân bay Long Thành.
Bên cạnh đó là hệ thống quốc lộ như quốc lộ 1, 13, 14, 22, 51 đảm bảo nhu cầu vận tải cơ bản. Tới đây là vành đai 3, vành đai 4, các cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành.
Để bước vào kỷ nguyên phát triển hai con số và khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động vào năm 2026, nhu cầu đầu tư cho nối kết giao thông vùng phải tăng mạnh hơn nhiều.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã quá tải từ nhiều năm nay, việc đầu tư mở rộng xem ra quá chậm. Các phương án nối kết đường sắt giữa Long Thành và TP.HCM cũng đang được nghiên cứu, thẩm định trình duyệt.
Hiện nay quy hoạch vùng đã có, nhưng vướng mắc lớn nhất là chưa có cơ chế chính sách đầu tư và huy động vốn cho hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ.
Khó khăn cho những dự án sử dụng ngân sách hợp vốn giữa các tỉnh với nhau. Chưa có chính sách khuyến khích huy động hợp tác công tư hoặc huy động ODA cho dự án vùng.
Thành lập quỹ phát triển hạ tầng vùng
Để phát triển lâu dài, vùng Đông Nam Bộ phải có các cơ chế đặc thù như thành lập quỹ phát triển hạ tầng vùng. Nhu cầu phát triển hạ tầng lớn vùng Đông Nam Bộ phải có công cụ tài chính mạnh.
Lãnh đạo các địa phương cũng đề nghị nhiều giải pháp năng động, như Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị tuyến đường ven biển nối kết Long An, hay Đồng Nai và Bình Dương cùng đề nghị nối kết metro.
Trước tới giờ chúng ta vẫn thường suy nghĩ metro là phương thức vận tải giao thông công cộng đường sắt trong đô thị hiện đại, an toàn chuẩn xác, tốc độ nhanh, khối lượng lớn.
Thật ra metro không chỉ phục vụ trong nội đô, mà cả khu vực lân cận và không gian phát triển vùng, tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể.
Do metro đầu tư lớn và lâu, nên mạng lưới sẽ được phát triển theo thời gian và không gian. Lượng khách và cự ly vô cùng quan trọng nhưng không phải quyết định tất cả.
Tất nhiên đầu tư hệ thống metro vùng vẫn còn nhiều thách thức như đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông vùng nói chung.
Trước hết cần phải có sự phân cấp phân quyền, cơ chế huy động vốn.
Quỹ hạ tầng chỉ tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn ban đầu. Tất cả nên chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư công địa phương và vốn đầu tư nước ngoài.
Hãy nhìn ra hệ thống metro London, New York, Tokyo... từ một vài tuyến và rồi phát triển ra cả vùng. Tất nhiên phải có quy hoạch tích hợp ngay từ đầu.
TP.HCM nên nghiên cứu metro ngay từ vành đai 3, vành đai 4.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận