19/02/2025 10:30 GMT+7

BOT 60.000 tỉ đồng ở 4 cửa ngõ TP.HCM: Nhanh hơn, nhiều lựa chọn hơn cho người dân

Với 4 dự án BOT cửa ngõ TP.HCM, người dân sẽ có thêm lựa chọn là đường đi nhanh (trên cao), dành riêng cho ô tô, có thu phí.

BOT 60.000 tỉ đồng ở 4 cửa ngõ TP.HCM: Nhanh hơn, nhiều lựa chọn hơn cho người dân - Ảnh 1.

Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình) sẽ đầu tư lên 10 làn xe, trong đó có 3,2km được xây dựng đường trên cao với 4 làn - Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP.HCM

Đường hiện hữu sẽ được mở rộng lên 6 - 8 làn xe, không bị gián đoạn lưu thông, không thu phí.

Theo kế hoạch, HĐND TP.HCM sẽ xem xét thông qua chủ trương đầu tư các dự án BOT tại kỳ họp chuyên đề vào ngày 20-2.

Chia sẻ về cột mốc quan trọng này trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Trần Chí Trung - trưởng Phòng kế hoạch và đầu tư (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) - khẳng định đây là thành quả bước đầu trong lĩnh vực giao thông được khởi nguồn từ các cơ chế chính sách mới của nghị quyết 98.

Đi nhanh trả phí, đường hiện hữu mở rộng "miễn phí"

BOT 60.000 tỉ đồng ở 4 cửa ngõ TP.HCM: Nhanh hơn, nhiều lựa chọn hơn cho người dân - Ảnh 2.

Ông Trần Chí Trung

* Thưa ông, 4 dự án BOT cửa ngõ này có tầm quan trọng thế nào với mạng lưới giao thông TP.HCM?

- Có thể nói rằng việc nâng cấp, mở rộng các trục cửa ngõ này đang cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là tuyến đường trục chính đô thị mà còn đóng vai trò kết nối liên vùng, giúp liên thông khu vực trung tâm với các tuyến đường vành đai, cao tốc.

Trong nhiều năm qua, TP đã lên phương án đầu tư nhưng do nguồn ngân sách hạn chế và phải ưu tiên các dự án cấp thiết khác nên nút thắt cổ chai ở 4 cửa ngõ nêu trên vẫn chưa được khơi thông.

Cách đây hơn một năm, nghị quyết 98 được Quốc hội ban hành với các cơ chế mới, chính sách mới giúp TP.HCM có thêm động lực, nguồn lực để đầu tư hoàn thiện những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, chiến lược.

Đây chính là chìa khóa để TP triển khai nghiên cứu đầu tư mở rộng trên đường hiện hữu áp dụng theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), với danh mục đầu tiên là các công trình cửa ngõ các quốc lộ 1, 13, 22, đường Bắc - Nam...

Trong đó, các dự án đường vành đai 2, 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành - Thủ Dầu Một đang được triển khai. Hay như dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận và đường vành đai 4 TP.HCM cũng đang khẩn trương chuẩn bị đầu tư...

Các dự án liên vùng này đều có mục tiêu hoàn thành lần lượt ở giai đoạn từ 2025 - 2028.

Như vậy, việc đầu tư mở rộng các tuyến đường trục chính cửa ngõ kết nối từ trung tâm đi ra đường vành đai, cao tốc liên vùng là vô cùng cấp thiết để đảm bảo đồng bộ, phát huy hiệu quả toàn bộ mạng lưới giao thông.

Nếu không đầu tư kịp thời sẽ dẫn đến việc đi từ vùng này đến vùng khác rất nhanh, nhưng khi đến cửa ngõ TP chỉ vài km lại mất nhiều thời gian di chuyển.

Về tiến độ, sau khi HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư, ở bước tiếp theo, TP sẽ khảo sát sự quan tâm và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phù hợp. Các công trình này được phấn đấu khởi công vào cuối năm nay để kịp thời hoàn thành, kết nối liên hoàn toàn mạng lưới giao thông liên vùng.

BOT 60.000 tỉ đồng ở 4 cửa ngõ TP.HCM: Nhanh hơn, nhiều lựa chọn hơn cho người dân - Ảnh 3.

* Thưa ông, khi nhắc đến BOT trên đường hiện hữu, vấn đề thu phí rất được người dân quan tâm. Vậy cách làm 4 BOT cửa ngõ có gì khác so với trước đây?

- Do đây là tuyến đường hiện hữu nên phương án nâng cấp, mở rộng và thi công cần phải nghiên cữu kỹ để giảm tác động đến sinh hoạt của người dân. Trong quá trình triển khai, các dự án BOT đã được Sở Giao thông vận tải TP.HCM và tư vấn nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng, xây dựng nhiều phương án thiết kế để so sánh, lựa chọn.

Sở cũng đã tổ chức hội thảo, lấy ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, sở ngành, địa phương, và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cũng đã tổ chức hội nghị phản biện cho các dự án này.

Trên cơ sở đó, phương án tối ưu đã được hoàn thiện, với điểm chung là đa phần các tuyến đường sẽ có thiết kế đường trên cao nhằm đảm bảo phân luồng giao thông hiệu quả. Cụ thể, mỗi dự án sẽ bao gồm hai loại đường để phục vụ cho từng nhu cầu di chuyển khác nhau.

Thứ nhất, phần đường lưu thông nhanh - đi trên cao gồm 4 làn xe được thiết kế 80km/h dành cho người dân có nhu cầu đi từ trung tâm thẳng ra đường cao tốc, đường vành đai hoặc ngược lại.

Thứ hai, phần đường song hành tùy theo mỗi dự án sẽ được mở rộng chỉnh trang 6-8 làn xe (với số làn bằng hoặc nhiều hơn so với hiện trạng). Tuyến đường này phục vụ giao thông nội đô, đáp ứng nhu cầu đi lại trong khu vực.

Điểm đặc biệt của các dự án BOT cửa ngõ là phương án thu phí chỉ áp dụng cho phần đường chính - làn trên cao (làn đường đi nhanh). Trong khi đó, người dân không có nhu cầu di chuyển tốc độ cao vẫn có thể sử dụng đường song hành mà không phải trả phí.

Đây là cách làm mới, giúp tạo thêm sự lựa chọn, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Về phương thức thu phí, các dự án sẽ áp dụng công nghệ thu phí không dừng hiện đại, không có trạm, không có barie. Cách tính phí sẽ linh hoạt theo đặc thù từng tuyến: những tuyến có chiều dài lớn như quốc lộ 1 sẽ áp dụng hình thức thu phí theo km, còn các tuyến ngắn hơn như quốc lộ 13 sẽ thu theo lượt.

* Lần đầu tiên TP.HCM triển khai làn đường đi nhanh - làn trên cao trên trục chính đô thị, liệu đây có phải tiền đề để TP nghiên cứu mở ra thêm làn đường riêng cho từng nhu cầu giao thông?

- Đúng vậy. Với phương án thiết kế như trên, đây cũng là lần đầu tiên TP triển khai đường lưu thông nhanh, tốc độ cao trong trục đường đô thị. Đây cũng là hướng mở để TP tiếp tục nghiên cứu, tổ chức giao thông, giúp phân luồng nhu cầu đi lại một cách khoa học và phù hợp thực tiễn.

Chẳng hạn như tới đây TP sẽ làm đường chuyên dùng kết nối liên cảng Cát Lái - Phú Hữu để tách dòng xe container phục vụ nhu cầu chở hàng hóa. Một thuận lợi rất lớn là quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, cùng với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đều có hướng mở.

Cụ thể, quy hoạch chỉ là định hướng, còn việc xác định quy mô, đi cao đi bằng hay đi ngầm sẽ được xác định ở bước duyệt dự án, tùy theo điều kiện thực tế. Điều này tạo điều kiện để TP phát huy tính sáng tạo và chủ động trong triển khai.

BOT 60.000 tỉ đồng ở 4 cửa ngõ TP.HCM: Nhanh hơn, nhiều lựa chọn hơn cho người dân - Ảnh 4.

Sơ đồ 4 dự án BOT cửa ngõ gồm: quốc lộ 1, 13, 22, trục đường Bắc - Nam và cầu đường Bình Tiên (đầu tư công) được trình HĐND TP.HCM tại kỳ họp tháng 2-2025 - Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP.HCM

Thu hút 1 tỉ USD từ nhà đầu tư

* Thưa ông, để triển khai thành công một dự án BOT, điều kiện tiên quyết là phải có nhà đầu tư. Ông đánh giá thế nào về khả năng thu hút nhà đầu tư ở các dự án này?

- Theo tính toán, tổng mức đầu tư tại 4 dự án BOT khoảng gần 60.000 tỉ đồng. Trong đó vốn nhà đầu tư huy động khoảng 24.000 tỉ đồng (khoảng 1 tỉ USD), còn lại là vốn ngân sách. Như vậy, các dự án cửa ngõ có tổng mức đầu tư rất lớn, gần bằng tổng mức đầu tư của đường vành đai 3 TP.HCM dài 76km mà 4 tỉnh thành đang triển khai.

Do đó, khi thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hỗ trợ một phần từ ngân sách sẽ giảm gánh nặng từ nguồn vốn đầu tư công trong điều kiện còn khó khăn, và tranh thủ được nguồn lực tài chính từ nhà đầu tư. Phương thức này cũng tận dụng được thế mạnh về công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ khối tư nhân.

Theo quy định, cần tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư sau bước chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên để đảm bảo sự thành công của dự án, khi lập chủ trương đầu tư, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã tổ chức hội nghị để lắng nghe các góp ý và hiến kế, qua đó có rất nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông lớn trên khắp cả nước tham gia.

Các dự án BOT cửa ngõ cũng được triển khai trong bối cảnh có rất nhiều yếu tố thuận lợi.

Thứ nhất, đây là trục đường kết nối liên vùng, lưu lượng xe rất lớn, đảm bảo nguồn thu ổn định.

Thứ hai, cơ chế từ nghị quyết 98 cho ngân sách nhà nước tham gia tương đối cao để đảm bảo tính khả thi phương án tài chính, tạo sự hấp dẫn với nhà đầu tư.

Thứ ba là chính sách về PPP ngày càng được hoàn thiện, trong đó có cơ chế chia sẻ rủi ro về tăng và giảm doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Với các yếu tố trên, tôi có niềm tin rất lớn các dự án BOT cửa ngõ sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm và tham gia.

* Nhưng nhà đầu tư lo chậm giao mặt bằng dẫn đến thời gian thi công kéo dài. Mặt khác, đây là tuyến trục chính, ngày thường đã rất đông xe, phương án thi công sẽ ra sao?

- Đúng vậy, mặt bằng là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của một dự án. Tại các dự án BOT cửa ngõ, giải phóng mặt bằng được tách ra dự án riêng triển khai bằng vốn ngân sách.

Để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng, Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ đề xuất UBND TP về thành lập ban chỉ đạo để điều hành, chỉ đạo và tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Tại khu vực các dự án cửa ngõ có lưu lượng giao thông rất đông, bình thường đã xảy ra ùn ứ. Theo đó, khi địa phương bàn giao mặt bằng, nhà đầu tư sẽ tiến hành làm ngay đường mới (đường song hành) để đảm bảo lưu thông không bị gián đoạn.

Sau khi xong đường song hành mới rào chắn phần đường hiện hữu để triển khai làm cầu cạn ở giữa tuyến.

Chúng tôi sẽ yêu cầu nhà đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại để đẩy nhanh tiến độ. Theo kế hoạch, trong vòng tám tháng kể từ khi nhận bàn giao mặt bằng, nhà đầu tư phải hoàn thành thi công dự án.

Kết nối liên hoàn vào trung tâm bằng đường trên cao

Ông Trần Chí Trung cho biết UBND TP.HCM cũng đã có quyết định giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông vận tải TP.HCM tiếp tục nghiên cứu một số dự án để đảm bảo tăng kết nối đồng bộ, liên hoàn từ các dự án BOT cửa ngõ nối thẳng vào khu vực trung tâm, sân bay.

Cụ thể, TP sẽ nghiên cứu phương án nâng cấp mở rộng tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh - Đinh Bộ Lĩnh bằng đường trên cao, sử dụng vốn ngân sách, để kết nối từ ngã tư Hàng Xanh với dự án BOT quốc lộ 13.

Còn để nối tiếp dự án BOT quốc lộ 22, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu làm đường trên cao từ nút giao An Sương về sân bay Tân Sơn Nhất.

BOT 60.000 tỉ đồng ở 4 cửa ngõ TP.HCM: Nhanh hơn, nhiều lựa chọn hơn cho người dân - Ảnh 5.

BOT 60.000 tỉ đồng ở 4 cửa ngõ TP.HCM: Nhanh hơn, nhiều lựa chọn hơn cho người dân - Ảnh 5.4 BOT 60.000 tỉ cửa ngõ TP.HCM: Chỉ thu phí làn đi nhanh, mở rộng và miễn phí đường song hành

Điểm đặc biệt của các dự án BOT cửa ngõ là phương án thu phí chỉ áp dụng cho phần đường chính - làn trên cao (làn đường đi nhanh), không thu phí đường song hành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên