
Thị trường chứng khoán có sự phục hồi, nhưng phân hóa mạnh mẽ ở các nhóm cổ phiếu
Cổ phiếu nhà Vingroup kéo thị trường chứng khoán
Phiên giao dịch chứng khoán sáng nay tiếp đà hồi phục nhẹ, VN-Index chỉ dao động trên mức tham chiếu cùng với thanh khoản thị trường giảm sâu so với phiên trước.
Sự phân hóa của các nhóm ngành cổ phiếu đã có biểu hiện rõ rệt hơn khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự 1.230 điểm. Dòng tiền "chảy" mạnh vào nhóm thép, bán lẻ, bất động sản, hóa chất với nhiều mã tăng trần.
Trong đó đáng chú ý nhất là cổ phiếu "họ" Vingroup khi cả VIC (+6,91%) và VHM (6,92%) sớm ngả sang màu tím, trong khi VRE cũng tăng thêm gần 4,7%.
Ở nhóm thép, HPG của Hòa Phát sau hai "cây" trần liên tiếp, nay vẫn tăng thêm 4,3% thị giá. Còn nhóm bán lẻ có MWG của Thế Giới Di Động tăng hết biên độ (+6,99%), MSN của Masan cũng cộng thêm 5% thị giá.
Riêng nhóm cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu hay dòng vốn FDI sau nhiều phiên bị bán mạnh và giảm sâu liên tục thì phiên nay cũng đã có tín hiệu hồi trở lại.
Ngược lại nhóm ngân hàng đang chịu áp lực bán ra sau đà tăng mạnh từ tuần trước, như TCB (-0,19%), VPB (-0,86%), TPB (-1,14%), ACB (-0,2%), CTG (-0,26%)…
Ở nhóm công nghệ thông tin, FPT đã có một ngày "vật lộn" khi áp lực bán ra chưa dừng, song vẫn may mắn hồi trở lại được mốc tham chiếu khi khép phiên.
Nhìn chung, độ rộng thị trường vẫn nghiêng về phía tích cực khi có 447 cổ phiếu tăng giá, 47 mã tăng trần. Trong khi phe giảm giá có 314 mã và 18 mã giảm sàn.
Với lực kéo của nhóm cổ phiếu trụ, công đầu thuộc về các mã liên quan tới ông Phạm Nhật Vượng, Vin-Index đã tăng gần 19 điểm, lên vùng 1.241. Tổng giá trị giao dịch cả ba sàn đạt hơn 26.500 tỉ đồng.
Đi cùng đà tăng của thị giá cổ phiếu nhóm Vingroup, tài sản ông Phạm Nhật Vượng - người giàu nhất Việt Nam theo xếp hạng của Forbes lại vừa lập kỷ lục mới với 8,4 tỉ USD.
Với việc tăng thêm 300 triệu USD chỉ sau một ngày, ông Vượng vượt qua nhiều tỉ phú khác, leo lên vị trí người giàu thứ 344 toàn thế giới.
VN-Index năm 2025 được dự báo ra sao?
Trở lại với câu chuyện thị trường chứng khoán chung, đà phục hồi diễn ra rất nhanh chóng ngay sau khi Mỹ tạm hoãn áp thuế nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Dù vậy Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) trong báo cáo mới công bố gần đây vẫn dự báo chỉ số VN-Index đạt mức 1.100 điểm năm 2025.
Yếu tố chính khiến KBSV thận trọng dự báo như vậy là do quan ngại những chính sách thuế quan của ông Trump sẽ gây ra ảnh hưởng đến triển vọng vĩ mô, môi trường đầu tư, mặt bằng lãi suất, xu hướng dòng vốn ngoại, cũng như tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Song KBSV vẫn cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều yếu tố nội tại tích cực giúp thị trường xuất hiện các nhịp hồi đan xen.
Trong đó có thể kể đến việc đưa vào hệ thống giao dịch KRX và nâng hạng thị trường vào tháng 9, đầu tư công được đẩy mạnh, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, mặt bằng lãi suất thấp…
Còn Chứng khoán Tiên Phong (TPS) lo ngại đà lao dốc của dòng tiền ngoại như hiện nay, áp lực lên thị trường chứng khoán sẽ không chỉ mang tính thanh khoản, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, đặc biệt trong các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và ngành có tỉ trọng sở hữu nước ngoài cao.
Ngoài ra theo TPS, sự tăng tốc của giá vàng cũng đi kèm với việc dòng tiền đầu cơ và đầu tư ngắn hạn có xu hướng chuyển dịch sang kênh vàng - một loại tài sản có tính thanh khoản cao và tâm lý "trú ẩn an toàn". Trong bối cảnh này, vàng trở thành hàng cạnh tranh trực tiếp với thị trường chứng khoán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận